Cuộc đua sản xuất xe tự lái

Nuro, một công ty khởi nghiệp về phát triển công nghệ xe tự lái, mới đây đã trở thành doanh nghiệp Mỹ đầu tiên trong lĩnh vực này được cấp phép hoạt động thương mại. Cái "gật đầu" từ chính quyền bang Ca-li-pho-ni-a đã mở ra cuộc đua chính thức trong ngành sản xuất phương tiện tự lái tại Mỹ.

Trong những năm gần đây, tiến trình tự động hóa phương tiện đang được các tập đoàn công nghệ, sản xuất ô-tô và cả những công ty khởi nghiệp quan tâm, đẩy mạnh đầu tư, nghiên cứu và phát triển. Mảng phát triển công nghệ tự lái đã thu hút khoảng 50 tỷ USD đầu tư toàn cầu và năm 2021 được giới chuyên gia chờ đợi sẽ là năm bản lề, cho kết quả thực chất về những ứng dụng mà công nghệ này hứa hẹn.

Năm 2015, Uber - một trong những công ty công nghệ khai thác vận tải hành khách lớn nhất thế giới - tuyên bố đầu tư và sẽ cho ra mắt những chiếc xe có khả năng tự vận hành mà không cần người lái xe. Ðây được xem là một bước phát triển tự nhiên khi chi phí lớn nhất của công ty này là trả tiền công cho các lái xe. Tuy nhiên, tham vọng cách mạng ngành vận tải hành khách cũng như các phương tiện giao thông của Uber lại vấp phải nhiều vấn đề pháp lý và trách nhiệm, như vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ với Waymo (đơn vị phát triển phần mềm tự lái thuộc sở hữu của "ông lớn" công nghệ Google) hay vụ kiện liên quan cái chết của một người qua đường, do xe tự lái lùi phải năm 2018. Song, tuyên bố của Uber được xem là "phát súng" khai màn cuộc đua phát triển xe không người lái. Tới nay, công nghệ xe tự lái phát triển bởi Uber và một số công ty khác mới được chính quyền Mỹ cấp phép vận hành thử nghiệm trên đường phố ở một số khu vực nhất định, như tại bang A-ri-dô-na, nơi có đường giao thông thuận lợi và địa hình bằng phẳng.

Không chỉ là cuộc đua giữa nội bộ các hãng công nghệ, các tập đoàn sản xuất ô-tô truyền thống cũng dành nhiều nguồn lực để nghiên cứu công nghệ tự lái. Tập đoàn Volkswagen của Ðức, Ford của Mỹ, hay Toyota của Nhật Bản đều đã thành lập những đơn vị riêng để phát triển nền tảng xe tự động độc quyền hoặc cũng đã liên kết với các công ty công nghệ trí tuệ nhân tạo để cùng nghiên cứu. Tesla, hãng xe ô-tô chạy điện lớn nhất thế giới, dù đã chiếm ưu thế trong cuộc đua xe tự lái do xuất phát sớm hơn những tập đoàn sản xuất ô-tô lâu đời, thực tế đến nay mới chỉ đạt công nghệ bán tự động - hỗ trợ người lái kiểm soát tốc độ, chuyển và giữ làn đường, tự đỗ xe... Năm 2021, Tesla hứa hẹn sẽ cung cấp phần mềm lái xe hoàn toàn tự động, nhưng có trả phí. Mới đây, một người đàn ông ở Ca-na-đa đã phải hầu tòa vì lý do ngủ khi đang điều khiển một chiếc Tesla có phầm mềm hỗ trợ lái xe. Pháp luật Ca-na-đa, cũng như phần lớn các quốc gia khác trên thế giới, vẫn chưa công nhận công nghệ hỗ trợ người lái của các hãng ô-tô là xe tự lái.

Khi công nghệ trí tuệ nhân tạo chưa thể thay con người tham gia giao thông công cộng an toàn, ứng dụng trong vận tải hàng hóa trở thành một đích đến tiềm năng hơn. Công nghệ tự lái của Nuro được phát triển và thử nghiệm từ năm 2017 và được giới chức Mỹ kiểm định, cho phép hoạt động vận tải hàng hóa từ cuối năm 2020. Năm 2021 là năm đầu tiên Nuro chính thức đưa đội xe tham gia chuỗi phân phối hàng hóa tại Mỹ.

Là một tập đoàn sản xuất thiết bị điện tử, Apple mới đây cũng đã tuyên bố phát triển thành công xe tự lái vào năm 2024. Cuộc đua của những chiếc xe không người lái vẫn còn nhiều khoảng trống phía trước, trong cả công nghệ lẫn pháp lý. Năm 2021 sẽ tạo cơ hội cho giới lập pháp và người tiêu dùng kiểm chứng tính khả thi của ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tham gia giao thông.

https://nhandan.org.vn/tin-tuc-the-gioi/cuoc-dua-san-xuat-xe-tu-lai-630649/

Theo Báo Nhân dân

Tin Liên Quan

Ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), trong những ngày qua, trên các trang điện tử của các tờ báo lớn như Pasaxon - Cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào; Thông tấn xã Lào; Đài Phát thanh Quốc gia Lào đều có các bài viết ca ngợi về chiến thắng “lừng lẫy...

Số người cao tuổi ở châu Á và Thái Bình Dương dự báo tăng lên 1,2 tỷ người vào năm 2050

Số người từ 60 tuổi trở lên ở châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển được dự báo sẽ tăng gần gấp đôi lên 1,2 tỷ người vào năm 2050, làm gia tăng nhanh chóng nhu cầu về lương hưu và các chương trình phúc lợi cũng như dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Triển vọng tươi sáng hơn của kinh tế toàn cầu

Dự báo của giới chuyên gia phân tích và các định chế tài chính cho thấy, triển vọng kinh tế thế giới năm 2024 có thể tươi sáng hơn so với các dự báo trước đây. Theo đó, kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 3% trong năm nay.

Mùa hè khắc nghiệt, nền nhiệt cao kỷ lục

Cơ quan khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Copernicus cho biết, tính đến tháng 3 vừa qua, thế giới đã trải qua tháng thứ 10 liên tiếp có nền nhiệt cao kỷ lục, cả nhiệt độ không khí và các đại dương đều ở mức cao nhất mọi thời đại. Nhiều khu vực đã xuất hiện “mùa cháy rừng” tồi tệ nhất trong thế kỷ...

Tổ chức Mặt trận góp phần củng cố quan hệ đoàn kết Việt Nam-Lào-Campuchia

Chiều 9/4 tại thủ đô Vientiane, đã diễn ra Hội nghị Chủ tịch Mặt trận ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 5. Hội nghị nhằm củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác lâu dài, ổn định và phát triển giữa ba tổ chức Mặt trận của ba nước.

Triển vọng chính sách sản lượng của OPEC+ đối mặt "ngã ba đường"

Mặc dù kỳ vọng OPEC+ bắt đầu nghĩ đến việc chấm dứt kế hoạch cắt giảm sản lượng là hợp lý, nhưng việc khối này giữ nguyên các hạn chế có thể hợp lý hơn.