Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi tăng cường bảo đảm an toàn hạt nhân

Ngày 16/9, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã gửi thông điệp về tăng cường đảm bảo an toàn hạt nhân tới Khóa họp thường niên lần thứ 57 Đại hội đồng Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) khai mạc cùng ngày tại thủ đô Vienna (Áo).
 


Khóa họp thường niên lần thứ 57 Đại hội đồng IAEA diễn ra từ ngày 16 - 20/9 tại Vienna (Áo). (Ảnh: IAEA)

Trong thông điệp gửi tới khóa họp lần thứ 57 Đại hội đồng IAEA, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh tới vai trò của Cơ quan giám sát hạt nhân Liên hợp quốc trong công tác bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân. Ông Ban Ki-moon nêu rõ, kể từ sau thảm họa hạt nhân tại nhà máy điện Fukushima số 1 (Nhật Bản) hồi tháng 3/2011, ông đã kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới và các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hạt nhân cần “xem xét lại” các chính sách và tiêu chuẩn nhằm bảo đảm mức độ an toàn tối đa và đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Tổng thư ký Ban Ki-moon nêu rõ, trong một Hội thảo Quốc tế về năng lượng hạt nhân gần đây, nhiều quốc gia đã khẳng định tiếp tục coi năng lượng hạt nhân là một yếu tố quan trọng trong chính sách phát triển năng lượng. Qua đó, người đứng đầu Liên hợp quốc kêu gọi, bên cạnh việc thừa nhận tầm quan trọng của năng lượng hạt nhân, cộng đồng quốc tế cần nhận thức rõ trách nhiệm cụ thể liên quan tới vấn đề sử dụng nguồn năng lượng này.

“Lịch sử cho thấy, những vụ tai nạn hạt nhân không bị bó hẹp trong phạm vi một biên giới cụ thể. An toàn hạt nhân phải được tiếp tục thúc đẩy một cách hiệu quả… Kế hoạch hành động về an toàn hạt nhân mà IAEA đã đưa ra chính là nền tảng trung tâm để kêu gọi các nước tích cực hưởng ứng và tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn hạt nhân ngày càng được quy định ở mức độ khắt khe hơn”, ông Ban Ki-moon nhấn mạnh.

Tổng thư ký Ban Ki-moon tiếp tục bày tỏ quan ngại sâu sắc về những nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân trên thế giới. Từ đó kêu gọi CHDCND Triều Tiên tuân thủ các cam kết giải trừ vũ khí hạt nhân một cách có thể xác minh, đồng thời hối thúc Iran thực thi đầy đủ các cam kết nhằm tăng cường minh bạch của chương trình hạt nhân mà nước Cộng hòa Hồi giáo này đang theo đuổi. Ông Ban Ki-moon nêu rõ, trong suốt những năm qua, cộng đồng quốc tế đã thu được nhiều kết quả tích cực trong việc tăng cường an ninh hạt nhân, song vẫn còn rất nhiều nhiệm vụ phải thực hiện trước mắt. Những mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố vẫn tiếp tục ám ảnh an ninh toàn cầu. Các Hội nghị về an ninh hạt nhân trên thế giới đã đóng góp vai trò và tiếng nói quan trọng trong việc giảm thiểu nguy cơ nhiên liệu hạt nhân rơi vào tay của các phần tử khủng bố. Tuy nhiên, những tiến triển trong công tác bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân vẫn cần được duy trì và phát triển tại tất cả các quốc gia. Qua đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ Tổng giám đốc IAEA Yukiya Amano và ban lãnh đạo IAEA, đồng thời hy vọng các cơ chế hợp tác giữa IAEA và Ban Thư ký Liên hợp quốc sẽ tiếp tục được củng cố trong thời gian tới nhằm đạt được một mục tiêu chung “vì một thế giới không vũ khí hạt nhân”.

Khóa họp thường niên lần thứ 57 Đại hội đồng IAEA diễn ra từ ngày 16 -20/9 với trọng tâm là các vấn đề an ninh hạt nhân, phát triển năng lượng nguyên tử, các nghiên cứu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nguyên tử. Dự kiến, Khóa họp lần thứ 57 sẽ phê chuẩn gia hạn nhiệm kỳ Tổng Giám đốc IAEA của ông Yukiya Amano thêm 4 năm nữa. Ngày 16/7, ông Amano đã có bài phát biểu quan trọng tại khóa họp thường niên Đại hội đồng IAEA, trong đó đề ra các định hướng phát triển chính cho cơ quan này trong thời gian tới./.
(Theo dangcongsan.vn)

Tin Liên Quan

Ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), trong những ngày qua, trên các trang điện tử của các tờ báo lớn như Pasaxon - Cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào; Thông tấn xã Lào; Đài Phát thanh Quốc gia Lào đều có các bài viết ca ngợi về chiến thắng “lừng lẫy...

Số người cao tuổi ở châu Á và Thái Bình Dương dự báo tăng lên 1,2 tỷ người vào năm 2050

Số người từ 60 tuổi trở lên ở châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển được dự báo sẽ tăng gần gấp đôi lên 1,2 tỷ người vào năm 2050, làm gia tăng nhanh chóng nhu cầu về lương hưu và các chương trình phúc lợi cũng như dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Triển vọng tươi sáng hơn của kinh tế toàn cầu

Dự báo của giới chuyên gia phân tích và các định chế tài chính cho thấy, triển vọng kinh tế thế giới năm 2024 có thể tươi sáng hơn so với các dự báo trước đây. Theo đó, kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 3% trong năm nay.

Mùa hè khắc nghiệt, nền nhiệt cao kỷ lục

Cơ quan khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Copernicus cho biết, tính đến tháng 3 vừa qua, thế giới đã trải qua tháng thứ 10 liên tiếp có nền nhiệt cao kỷ lục, cả nhiệt độ không khí và các đại dương đều ở mức cao nhất mọi thời đại. Nhiều khu vực đã xuất hiện “mùa cháy rừng” tồi tệ nhất trong thế kỷ...

Tổ chức Mặt trận góp phần củng cố quan hệ đoàn kết Việt Nam-Lào-Campuchia

Chiều 9/4 tại thủ đô Vientiane, đã diễn ra Hội nghị Chủ tịch Mặt trận ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 5. Hội nghị nhằm củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác lâu dài, ổn định và phát triển giữa ba tổ chức Mặt trận của ba nước.

Triển vọng chính sách sản lượng của OPEC+ đối mặt "ngã ba đường"

Mặc dù kỳ vọng OPEC+ bắt đầu nghĩ đến việc chấm dứt kế hoạch cắt giảm sản lượng là hợp lý, nhưng việc khối này giữ nguyên các hạn chế có thể hợp lý hơn.