Ngày 5/9: Lễ khai giảng ‘đặc biệt’ của năm học ‘đặc biệt’

Theo thông lệ, ngày 5/9 hằng năm là ngày khai giảng năm học mới, ngày toàn dân đưa trẻ đến trường. Tuy nhiên năm nay, do ảnh hưởng dịch COVID-19, ngày bắt đầu năm học mới diễn ra trong hoàn cảnh đặc biệt: Các em học sinh trong cả nước không thể đồng loạt tới trường.
Học sinh Đà Nẵng dự lễ khai giảng trực tuyến. Ảnh: Giáo dục và Thời đại

Do ảnh hưởng dịch COVID-19, tại nhiều tỉnh, thành phố không tổ chức khai giảng năm học mới 2021-2022 (TPHCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Hậu Giang…). Một số địa phương như Hà Nội, Bắc Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên-Huế…tổ chức lễ khai giảng tại 1 trường học duy nhất và buổi lễ được phát trên sóng truyền hình. 

Những địa phương không ghi nhận các ca mắc COVID-19 mới hoặc không có ca lây nhiễm thứ phát trong 14 ngày vừa qua như Phú Thọ, Thái Bình, Yên Bái, Hà Giang… chọn hình thức khai giảng trực tiếp hoặc trực tuyến tùy theo điều kiện cụ thể của từng trường. Bên cạnh đó, một số tỉnh phải lùi ngày khai giảng do dịch bệnh còn phức tạp (Trà Vinh...).

Chương trình được tổ chức với các nghi thức: Lễ chào cờ, tuyên bố lý do, diễn văn khai giảng, đọc thư Chủ tịch nước, phát biểu của lãnh đạo ngành giáo dục hoặc lãnh đạo tỉnh, đánh trống khai trường...

Học sinh Kiên Giang dự khai giảng qua truyền hình. Nguồn: Tuổi trẻ

Nhân dịp năm học mới 2021-2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có Thư gửi ngành Giáo dục. Trong thư, Chủ tịch nước chia sẻ: Nhiều học sinh, sinh viên đã trải qua những tháng ngày hết sức khó khăn do phong tỏa, giãn cách. Việc học trực tuyến còn những hạn chế, bất cập và không đồng bộ, nhất là vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, những gia đình thiếu các điều kiện, phương tiện để học trực tuyến. Tất cả chúng ta đều rất lo lắng và đồng cảm khi chứng kiến cảnh những F0, F1 là các cháu nhỏ trong độ tuổi đi học, thậm chí là bậc mẫu giáo, những thiếu niên, nhi đồng phải rời gia đình, làng xóm để đi điều trị hoặc cách ly tập trung; do vậy đã bị ngắt quãng việc học.

Chủ tịch nước đề nghị ngành giáo dục cùng các ngành, các cấp cần lưu ý, có những hành động tương xứng với tình hình dịch bệnh và có những biện pháp giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực, đặc biệt là nguy cơ một số học sinh, sinh viên bị tụt hậu so với các bạn đồng trang lứa. Hơn bao giờ hết, toàn xã hội, cả hệ thống chính trị cần sát cánh hơn nữa, lắng nghe, thấu hiểu và chung tay hành động cùng với ngành Giáo dục vì tương lai của đất nước, vì tương lai con em chúng ta.

Học sinh Trường Trung học sơ sở Cao Văn Ngọc, huyện Côn Đảo dự Lễ khai giảng năm học 2021-2022 trực tiếp trên truyền hình. Ảnh: Báo Bà Rịa-Vũng Tàu

Ngay trước ngày khai giảng năm học mới (ngày 4/9), Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch COVID-19. Chỉ thị nhấn mạnh: Tổ chức dạy học trực tuyến, ưu tiên nguồn lực, hỗ trợ học sinh khó khăn, thiếu phương tiện học trực tuyến trong những vùng có dịch.

Chỉ thị nêu rõ: Dự báo dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường, để tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình, chất lượng và tiếp tục thực hiện mạnh mẽ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo chỉ đạo của Trung ương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, địa phương chủ động xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch năm học linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên học tập, vừa bảo đảm sức khoẻ, vừa hoàn thành chương trình giáo dục theo kế hoạch và bảo đảm chất lượng giáo dục của từng cấp học, chương trình đào tạo. Những nơi an toàn trong phòng, chống dịch thì vẫn khai giảng bình thường như mọi năm.

Về tổ chức lễ khai giảng năm học mới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã có công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở GD&ĐT có phương án tổ chức dạy học, tăng cường các biện pháp chống dịch trong trường học; tổ chức khai giảng năm học mới linh hoạt theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến, tùy tình hình dịch bệnh tại địa phương, bảo đảm an toàn, gọn nhẹ, thiết thực, thể hiện tinh thần chia sẻ, động viên học sinh, giáo viên vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ dạy và học.

Trong trường hợp chưa đảm bảo an toàn phòng dịch, có thể tổ chức lễ khai giảng chung theo hình thức trực tuyến hoặc trên truyền hình, để học sinh khu vực đang giãn cách được hòa chung vào không khí khai giảng của địa phương và cả nước.

Một số hình ảnh về lễ khai giảng năm học 2021-2022

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và các đại biểu đến dự lễ khai giảng do Sở GD&ĐT Thành phố tổ chức tại Trường THCS Trưng Vương sáng 5/9. Ảnh: Hà Nội Mới

 

Tại Hà Nội, lễ khai giảng tổ chức tại Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm) và được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài PTTH Hà Nội để tất cả cán bộ, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và nhân dân trên địa bàn Thành phố theo dõi. Ảnh: Hà Nội Mới

 

Sáng 5/9, tại TPHCM, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong là trường học duy nhất trên địa bàn Thành phố tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2021-2022. Ảnh: SGGP
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi động viên các em học sinh. Ảnh: SGGP

 

Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tĩnh tổ chức lễ khai giảng năm học mới tại Trường THCS Lê Văn Thiêm (TP Hà Tĩnh) và được truyền hình trực tiếp để học sinh, phụ huynh theo dõi.

Sáng 5/9, UBND TP. Cần Thơ tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2021 - 2022 bằng hình thức trực tuyến với điểm cầu trung tâm đặt tại UBND TP; điểm cầu tại UBND các quận, huyện cùng với 27 điểm cầu các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT. Ảnh: Cổng TTĐT TP. Cần Thơ

Học sinh Trường THPT Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng tại lễ khai giảng năm học mới. Ảnh: Cổng TTĐT TP. Hải Phòng
Tại Phú Thọ, lễ khai giảng năm nay chỉ có học sinh đầu cấp (lớp 1, lớp 6, lớp 10) và đại diện các khối lớp khác tới dự. Số học sinh còn lại dự lễ khai giảng trực tuyến. Trong ảnh: Học sinh Trường Tiểu học xã Kim Đức, TP. Việt Trì tại lễ khai giảng.

https://baochinhphu.vn/Thoi-su/Ngay-59-Le-khai-giang-dac-biet-cua-nam-hoc-dac-biet/445348.vgp

Theo baochinhphu.vn

Tin Liên Quan

Đổi mới để tạo đột phá trong xúc tiến, quảng bá du lịch

Để định vị Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu khu vực Đông Nam Á như mục tiêu Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã đặt ra, chắc chắn không thể thiếu vai trò của xúc tiến, quảng bá du lịch.

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024): Chiến thắng Điện Biên Phủ - Biểu tượng và đỉnh cao của văn hóa giữ nước Việt Nam

70 năm qua, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, đã có hàng nghìn công trình lớn, nhỏ, trong nước và nước ngoài nghiên cứu về chiến dịch này để cố gắng đưa ra những đánh giá đầy đủ, trọn vẹn nhất về ý nghĩa, tầm ảnh hưởng to lớn của sự kiện đối với Việt Nam và thế giới.

Chuyên gia Mỹ Latinh: Việt Nam là ngọn hải đăng hy vọng của thế giới

Tiến sĩ Ruvislei González Sáez, chuyên gia hàng đầu về Việt Nam ở khu vực Mỹ Latinh, khẳng định Việt Nam là ngọn hải đăng hy vọng của thế giới, là lũy thép ngăn chặn chủ nghĩa đế quốc.

Khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 6 triệu lượt trong 4 tháng

Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tháng 4 đạt 1,55 triệu lượt, cao hơn 58,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách quốc tế đạt 6,2 triệu lượt, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm 2023.

[INFOGRAPHIC] Kinh tế - xã hội 4 tháng: Nhiều lĩnh vực tiếp tục xu hướng tích cực

Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024, cho thấy tình hình kinh tế - xã hội khởi sắc trên nhiều lĩnh vực.

Kỷ niệm 49 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Ngày vui thống nhất non sông

Chỉ có thống nhất Việt Nam mới có thể giàu mạnh, chỉ có thống nhất nhân dân mới có cuộc sống Độc lập - Tự do - Hạnh phúc!