Đại tướng và con đường Hồ Chí Minh huyền thoại

Trong tâm khảm bộ đội Trường Sơn, hình ảnh con đường Hồ Chí Minh và hình ảnh Vị Tổng tư lệnh đều trở thành huyền thoại.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhận định phải có một con đường để hành quân, vận chuyển khí tài cho chiến trường miền Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chủ trương mở đường Hồ Chí Minh trên bộ dọc theo dãy Trường Sơn. Ngày 19/5/1959 con đường ấy bắt đầu được mở ra và trong tâm khảm của bộ đội Trường Sơn, hình ảnh con đường, hình ảnh Vị Tổng tư lệnh gắn liền với nhau và đều trở thành huyền thoại.

Trong quá trình chi viện cho cách mạng miền Nam, lúc đầu chúng ta mở đường Trường Sơn để đi bộ, gùi, thồ vũ khí, đạn dược. Hình thức này tránh được sự truy tìm của địch, bởi ta có thể giữ bí mật được, nhưng khả năng chi viện rất ít. Trong khi đó, Mỹ đưa hàng chục vạn quân vào, buộc chúng ta không thể tiếp tế nhỏ giọt mà phải tăng cường. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định “phải cơ giới hóa chi viện cho cách mạng miền Nam”.
 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên 
tại Lễ kỷ niệm 40 năm bộ đội Trường Sơn đường Hồ Chí Minh (Ảnh: Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Trọng Nghị)

Đại tá Hoàng Minh Phương, nguyên trợ lý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại: “Khi chiến tranh miền Nam ngày càng phát triển, phải mở đường ô tô nhưng vận chuyển bằng đường ô tô trong điều kiện địch tăng cường không quân đánh phá, những chuyến đi bị thất bại nặng nề. Lúc đó lại gùi, thồ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi đó là người quyết khắc phục khó khăn, mở đường Trường Sơn  để vận chuyển cơ giới nên nhờ đó đường Hồ Chí Minh trở thành rộng rãi, có những đoạn đi trong rừng gọi là đường ống, địch và máy bay không phát hiện được”.

Các chiến sỹ Trường Sơn đều biết: Đại tướng đặc biệt quan tâm đến chiến trường Trường Sơn. Bộ đội Trường Sơn được sự chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên, liên tục của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Trong chiến tranh, năm nào đến dịp tổng kết của bộ đội Trường Sơn, Đại tướng cũng vào dự, biểu dương những thành tích, những sáng tạo của bộ đội Trường Sơn đồng thời chỉ ra những vấn đề còn tồn tại để tiếp tục khắc phục.

Tháng 3/1973, bộ đội Trường Sơn tổng kết 13 năm ngay trên tuyến Trường Sơn. Trên đường vào dự hội nghị, Đại tướng đã đến trọng điểm ATP trên đường 20 động viên bộ đội, thanh niên xung phong.

Đại tá Đinh Công Ty khi đó là chiến sỹ của Trung đoàn 33 Công binh cũng có mặt tại trọng điểm ATP. Được gặp Đại tướng, ông Ty cũng như anh em chiến sỹ khác đều xúc động, tự hào, quyết tâm chiến đấu: “Tất cả cán bộ chiến sĩ đều phấn khởi đón Đại tướng và Đại tướng bắt tay chúc công binh tiếp tục khắc phục đường cho nhanh để sớm chi viện cho miền Nam. Đại tướng cũng rất sâu sát, hỏi từng anh em vấn đề ăn uống ra sao, vấn đề trực thế nào. Với tất cả tấm lòng như vậy, đối với cán bộ Trường Sơn nói chung và Trung đoàn 33 Công binh nói riêng đều nhớ về một vị Tướng gắn bó với dân, với bộ đội”.

Từ đó, đường Hồ Chí Minh trong chiến trường Trường Sơn trở thành một hệ thống gồm 5 trục đường dọc, 21 trục đường ngang với tổng chiều dài 20.000 km đường bộ, 500 km đường sông, 5.000 km đường gùi thồ, 1.400 km đường ống xăng dầu… Địch đã không thể ngăn chặn được tuyến chi viện Trường Sơn cho cách mạng miền Nam. Quân ta chẳng những chở được hàng triệu tấn vũ khí đạn dược, lương thực tiếp tế cho chiến trường mà còn cơ động hàng ngàn quân đoàn chủ lực theo mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp “thần tốc, thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó Tư lệnh Bộ tư lệnh Trường Sơn nhớ lại: “Đại tướng đề ra khẩu hiệu đánh địch mà đi, mở đường mà tiến chứ không đi chui rúc nữa. Phải sử dụng lực lượng quân sự- đánh địch đồng thời sử dụng lực lượng công binh, thanh niên xung phong mở đường: đường vòng, đường tránh, đường dọc, đường ngang tạo nên hệ thống đường Trường Sơn mà kẻ địch gọi là trận đồ bát quái xuyên rừng rậm. Nhờ phương châm chỉ đạo đó mà Bộ đội Trường Sơn thực hiện các chiến dịch hiệp đồng binh chủng để bảo vệ cho tuyến vận tải chiến lược và hệ thống đường xá được mở rộng”.

Trong 16 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đường Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh là con đường huyết mạch, con đường huyền thoại của cả nước. Năm 2009, kỷ niệm 50 năm mở đường Trường Sơn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Đường Trường Sơn chiến lược là một kỳ công lịch sử, một con đường huyền thoại, một mặt trận tiêu hao, tiêu diệt địch, góp phần quyết định vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”./.

(theo vov.vn)

Tin Liên Quan

Infographics: Chương trình hành động của Chính phủ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Chính phủ ban hành Nghị quyết 111/NQ-CP ngày 22/7/2024 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào

Sáng 26/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân đã gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith và Phu nhân nhân dịp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Lào sang Việt Nam dự Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn...

Xuất khẩu phục hồi tích cực

Một trong những điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong sáu tháng đầu năm là kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt kết quả tích cực, ước đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ. Có được kết quả nêu trên là nhờ sự nỗ lực của Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương cũng như sự...

Chủ tịch nước Tô Lâm: Các gia đình chính sách phải luôn được hưởng đầy đủ thành quả của sự nghiệp đổi mới

Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024), chiều 22/7, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt thân mật Đoàn đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2024.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc với nhiều dấu ấn nâng tầm đối ngoại Việt Nam

Đối ngoại là một trong những lĩnh vực in đậm nhiều dấu ấn nổi bật của đồng chí Nguyễn Phú Trọng. Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đồng chí trên cương vị Tổng Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận, chỉ thị về xây dựng, hoàn thiện đường lối...

Đường lối 'ngoại giao cây tre' – Bài học quý, có ý nghĩa giá trị thực tiễn sâu sắc

Có thể khẳng định, tầm nhìn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về đường lối “ngoại giao cây tre” là một bước đi chiến lược, rất đúng đắn, sáng tạo trong việc lãnh đạo thực hiện chính sách đối ngoại của Việt Nam. Đường lối ngoại giao này thực sự đóng một vai trò quan trọng nhằm giúp Việt Nam...