Bức tranh kinh tế với những gam màu sáng

Điểm tích cực nổi bật trong năm 2013 là các chỉ báo kinh tế vĩ mô đã được cải thiện theo hướng ổn định. Bức tranh chung của nền kinh tế năm 2014 sẽ sáng hơn, đây cũng là điều kiện để doanh nghiệp mở rộng thị phần.

 

 

Bức tranh kinh tế với những gam màu sáng

Trả lời VOV, TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định: Điểm tích cực nổi bật mà chúng ta đạt được trong năm nay là các chỉ báo kinh tế vĩ mô được cải thiện theo hướng ổn định hơn, lạm phát được kiềm chế, tỉ giá và dự trữ ngoại hối ổn định. Đặc biệt, hệ thống ngân hàng thanh khoản được giải quyết tương đối, không còn chạy đua lãi suất huy động.

Thị trường dần lấy lại niềm tin

Với những nỗ lực để kiềm chế lạm phát, đặc biệt thực hiện Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ và những giải pháp hỗ trợ thị trường đã mang lại những kết quả khả quan. Thị trường đang dần lấy lại niềm tin và đây là cơ hội mà các doanh nghiệp cần nắm bắt để xây dựng một chiến lược kinh doanh mới, ông Lịch nhận định.

Cũng về vấn đề này, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) khẳng định: Môi trường kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định đã tạo tiền đề phát triển ổn định cho các năm tiếp theo. Nổi bật là lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp so với các năm trước. Cán cân thanh toán tổng thể tiếp tục thặng dư (dự báo trong năm 2013 thặng dư 1,5 -2 tỷ USD). Thị trường tài chính tiền tệ được cải thiện, góp phần ổn định hơn kinh tế vĩ mô, nâng cao khả năng cung ứng vốn của nền kinh tế. Tuy còn nhiều thách thức nhưng nhìn chung tăng trưởng kinh tế và sản xuất đã được cải thiện nhiều.

Bức tranh kinh tế sẽ sáng hơn trong năm tới

Nhận định tình hình kinh tế 2014, TS Trần Du Lịch cho rằng, bức tranh chung của nền kinh tế năm 2014 sẽ sáng hơn 2 năm 2012- 2013. Dự báo trong năm 2014 tốc độ tăng GDP khoảng 5,5% và CPI tăng khoảng 7%.

Trong báo cáo nhận định tình hình kinh tế năm 2013 và dự báo kinh tế 2014 – 2015 vừa được công bố, UBGSTCQG cho rằng: Đầu tư nước ngoài sẽ gia tăng do kinh tế thế giới tăng trưởng tốt hơn trong năm tới, cũng như khả năng thu hút đầu tư cao hơn với triển vọng TPP được ký kết.

Bên cạnh đó, đầu tư tư nhân trong nước cũng sẽ được cải thiện nhờ những giải pháp chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh đã triển khai thời gian qua sẽ phát huy tác dụng trong năm tới. Những biện pháp tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu giúp hệ thống tài chính cải thiện và nâng cao khả năng cấp tín dụng.

Đặc biệt, sang năm 2014 – 2015 xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng khá từ những dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và sẽ tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.

Trên cơ sở áp dụng mô hình kinh tế lượng để tính toán, với giả định tăng trưởng 5,3% và lạm phát 7% trong năm 2013, UBGSTCQG đề xuất một số chỉ tiêu chủ yếu cho kế hoạch phát triển kinh tế năm 2014: CPI 7%; GDP 5,6 – 5,8%; tổng vốn đầu tư 30-31%; tín dụng 15%; xuất khẩu 12 – 14%. Sang năm 2015, các chỉ số này tương ứng là: CPI 6,5%; GDP 6 – 6,2%; tổng vốn đầu tư 30-31%; tín dụng 15%; xuất khẩu 13 – 15%.

Doanh nghiệp có điều kiện mở rộng thị phần

Từ những triển vọng phát triển của kinh tế năm 2014 – 2015, TS. Trần Du Lịch cho rằng: Thời gian tới, thị trường sẽ diễn ra quá trình tự điều chỉnh, thị phần sẽ được phân chia lại. Đây là cơ hội cho những doanh nghiệp có điều kiện mở rộng thị phần, tăng đầu tư với chi phí rẻ.

Kinh nghiệm cho thấy sau mỗi cuộc khủng hoảng kinh tế, sau cái hoạ đều có cái phúc cho những người biết nắm được thời cơ. Ngay cả thị trường bất động sản, trong bối cảnh ảm đạm hiện nay cũng đang mở ra cái phúc như vậy, chứ không chỉ có họa.

Với lạm phát kỳ vọng 6-7% và tỷ giá VND/USD ổn định ở biên độ 2-3% trong năm 2013 sẽ tạo điều kiện quan trọng cho doanh nghiệp xây dựng kế hoạch kinh doanh, phát triển thị trường và tính toán cho các mục tiêu trung hạn.

Bên cạnh đó, trên cơ sở định hướng tái cơ cấu nền kinh tế theo Đề án của Chính phủ đến năm 2020, doanh nghiệp có điều kiện hơn trong việc xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn của mình. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, doanh nghiệp không nên có tư tưởng “tăng trưởng nhanh, lãi nhiều” mà chuyển sang “lãi ít, nhưng tăng trưởng chắc”, ông Lịch khuyên.

Tuy nhiên cần phải đẩy nhanh tái cơ cấu

Để thực hiện được các mục tiêu trên, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, trong ngắn hạn từ nay đến hết năm 2014, các chính sách cần tiếp tục hỗ trợ tổng cầu (đầu tư và tiêu dùng) để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục tăng sản lượng sản xuất, kích thích kinh tế.

Trong trung hạn, các chính sách cần hướng tới việc cải thiện cung cầu của nền kinh tế, nâng cao năng suất và hiệu quả của nền kinh tế. Do đó, việc đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế đóng vai trò quan trọng và cần phải tập trung thực hiện trong vòng 2 - 3 năm tới để tạo bước chuyển mới.

Bên cạnh đó, trong vài năm tới, xuất khẩu vẫn giữ vai trò quan trọng cho tăng trưởng. Do đó, việc thu hút FDI cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong sản xuất xuất khẩu. Về dài hạn, cần có những giải pháp từng bước cải cách khu vực nông nghiệp, nông thôn, đồng thời hỗ trợ công nghiệp và khu vực trong nước.

Đặc biệt, UBGSTCQG cho rằng, trong năm 2014 – 2015 chỉ nên đặt ra mức tăng trưởng hợp lý. Về cơ bản vẫn phải kiên trì ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đồng thời đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu kinh tế, phấn đấu đến cuối năm 2015 đạt nền tảng vững chắc tạo đà tăng trưởng cho những năm tiếp theo.

Chia sẻ quan điểm này, TS Trần Du Lịch cho rằng: Nhiệm vụ chính trong năm 2014 – 2015 vẫn là giữ ổn định kinh tế vĩ mô và đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế. Đồng thời là phục hồi niềm tin của thị trường thông qua các chính sách kinh tế trung – dài hạn và kết quả của quá trình tái cơ cấu 3 lĩnh vực ưu tiên, theo tinh thần NQ TW 3 (khoá XI). Trong đó tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại và khu vực doanh nghiệp Nhà nước là quan trọng nhất để vừa bảo đảm sự ổn định kinh tế vĩ mô, vừa tạo niềm tin cho thị trường.

Trong ngắn hạn, TS Trần Du Lịch kiến nghị tập trung giải quyết nợ xấu của ngân hàng thương mại để xử lý điểm nghẽn của tín dụng, tạo điều kiện cho nền kinh tế hấp thụ vốn. Trong đó phải xử lý nợ xây dựng cơ bản mà ngân sách đang nợ doanh nghiệp. Bởi phần nợ xây dựng cơ bản này đối với doanh nghiệp đang tạo phản ứng dây chuyền: Doanh nghiệp nợ ngân hàng, ngân hàng tăng nợ xấu, nợ xấu không vay được, không vay được không có tiền làm công trình…

(theo chinhphu.vn)

Tin Liên Quan

Sự kiện “Tuần Văn hoá – Du lịch” tỉnh Bắc Kạn năm 2024

Từ ngày 27/4 - 3/5, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn sẽ tổ chức “Tuần Văn hóa - Du lịch” tỉnh Bắc Kạn năm 2024.

Phê duyệt mẫu biểu trưng (logo) sử dụng chính thức trong các hoạt động tuyên truyền Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 1005/QĐ-BVHTTDL về việc phê duyệt mẫu biểu trưng (logo) sử dụng chính thức trong các hoạt động tuyên truyền Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu: Quân và dân Khu Tây Bắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Tây Bắc là địa bàn chiến lược cả về chính trị, kinh tế và quốc phòng an ninh. Nhân dân Tây Bắc có truyền thống đấu tranh cách mạng anh dũng, kiên cường. Khu Tây Bắc được thành lập ngày 17/7/1952, gồm bốn tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, với diện tích 44.300 km2, dân số 440 nghìn người.

Thủ tướng dự gặp mặt, tri ân những người trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

Sáng 17/4, tại thành phố Điện Biên, tỉnh Điện Biên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự cuộc gặp mặt, tri ân đầy ý nghĩa và xúc động với các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chiến thắng Điện Biên Phủ: Bài học đối với sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) là dịp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ôn lại lịch sử, tưởng nhớ, tri ân sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ, cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân cả nước; biết ơn sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế; đồng...

Viettel khai trương Trung tâm dữ liệu có công suất tiêu thụ điện 30MW

Đây là Trung tâm dữ liệu (DC) thứ 14 của Viettel và là DC đầu tiên ở Việt Nam được thiết kế công suất cao, với 60.000 máy chủ, 2.400 rack, 21.000m2 mặt sàn, tổng công suất điện 30MW.