Thành phố Lào Cai

Thành phố Lào Cai như dải lụa trải dọc phía Nam ngã ba sông Hồng, sông Nậm thi. Trước Công nguyên, thành phố Lào Cai đã là trung tâm kinh tế - chính trị - văn hoá quan trọng ở ven bờ sông Cối (sông Hồng).
Thời phong kiến tự chủ ngay vùng ngã ba sông đã hình thành đô thị cổ khá sầm uất gọi là “Bảo Thắng quan”. Đó là cửa quan có thành luỹ, đồn binh bảo vệ, bất khả chiến bại. Bên hữu ngạn sông Hồng, đối diện với Hà Khẩu là “Lão Nhai” – có nghĩa là phố cổ. Bên tả ngạn sông Hồng là một thung lũng bằng phẳng trồng nhiều cây gạo, mùa xuân hoa gạo đỏ rực bờ sông, vì vậy gọi là “Cốc Lếu” (gốc gạo).

Thành phố Lào Cai là thành phố duy nhất trong toàn quốc nằm ngay sát đường biên giới, ở ngã ba sông Hồng và sông Nậm Thi. Thành phố Lào Cai còn là trung tâm các đầu mối giao thông toàn tỉnh. Từ đây, các tuyến đường lan toả về các huyện.

Thành phố Lào Cai có diện tích tự nhiện: 22.150 ha; có 17 phường, xã: phường Lào Cai, phường Phố Mới, phường Duyên Hải, phường Cốc Lếu, phường Kim Tân, phường Pom Hán, phường Bắc Lệnh, phường Thống Nhất, phường Xuân Tăng, phường Bắc Cường, phường Nam Cường, phường Bình Minh, xã Vạn Hoà, xã Đồng Tuyển, xã Cam Đường, xã Tả Phời, xã Hợp Thành.

Ngày 28/3/1898 cây cầu Hồ Kiều được xây dựng tạo điều kiện thuận lợi nối liền cửa khẩu Trung Quốc với Lào Cai. Ngày 1/2/1906, ga Lào Cai được khánh thành nối liền Côn Minh với Hà Nội - Hải Phòng. Hiện nay, mỗi ngày có hàng vạn lượt người qua cầu đường bộ Hồ Kiều II được khánh thành cuối năm 2000, đường sắt sang Hà Khẩu, về Lào Cai. Nhờ khu kinh tế cửa khẩu càng đóng vai trò đầu tầu, thúc đẩy kinh tế Lào Cai tăng tốc, thành phố Lào Cai thực sự là trung tâm kinh tế của cả tỉnh.

Với vị thế nằm ngay trên đường biên giới, được coi trọng đầu tư trùng tu các di tích, thành phố Lào Cai đang trở thành điểm du lịch có quy mô lớn. Mỗi năm hơn trăm ngàn lượt du khách Trung Quốc và các nước bạn đến thăm quan. Du khách đến Lào Cai, đi thăm các di tích, dạo quanh hệ thống đền chùa, người xem như thấy dấu ấn quá khứ đang trở về. Đó là ngôi đền Mẫu thờ bà chúa Thượng Ngàn cùng các vị thánh Đạo Mẫu. Đó là Đền Thượng thờ Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo - Vị tướng lừng danh đánh giặc Nguyên Mông, năm 1257 đã chỉ huy quân đội Đại Việt phòng thủ ở Lào Cai. Ngôi đền thờ toạ lạc trên đồi “Hoả Hiệu”.

Trên đỉnh đồi, phía sau hậu cung còn có nhà “Phượng Đình” có 8 con rồng thời Trần chầu xung quanh. Nổi bật giữa “Phượng Đình” là tấm bia đá khắc về sự tích ngôi đền thờ Đức Thánh Trần: “Đền được khởi dựng vào thời Lê, niên hiệu Chính Hoà (1680-1705). Đền xưa vẫn thâm trầm mặc uy nghi trên đỉnh Mai Lĩnh, nhìn xuống dòng Nậm Thi uốn lượn. Hơn hai thế kỷ qua, đền không ngừng thu hút quần sinh, gồm đủ tao nhân mặc khách, nam thanh nữ tú, nam phụ lão ấu, hành hương hướng thiện…”.

Đến Lào Cai, du khách còn có thể đến thăm thành cổ, pháo đài cổ. Thành cổ Lào Cai được xây dựng từ lâu đời, sử sách không ghi rõ. Năm 1872, sau khi đánh đuổi giặc Cờ Vàng ra khỏi Lào Cai. Sau nhiều lần bị chiến tranh tàn phá, ngày nay dấu vết của thành cổ vẫn còn một đoạn chạy dài từ phía sau đền Mẫu dọc theo sông Hồng. Thành đắp bằng đất trộn sỏi mật mía, cao hơn 2 mét, có nhiều lỗ châu mai, tháp canh bảo vệ. Pháo đài cổ được người Pháp khởi công, người Nhật mở rộng pháo đài có hệ thống hầm ngầm nằm sâu trong lòng núi, nhiều hang ngách chằng chịt chứa nhiều điều bí ẩn chưa được khám phá.

Du khách đến thăm Lào Cai, không chỉ hành trình theo tua du lịch lịch sử mà còn đến thăm những công trình kiến trúc văn hoá – kinh tế hiện đại. Đó là quảng trường, đài tưởng niệm liệt sỹ. Hoặc lặng lẽ đến viếng đài tưởng niệm – nhà bia ghi sự tích Hồ Chủ Tịch lên thăm Lào Cai (ngày 23/9/1958).

Vùng biên thành phố Lào Cai trước khi tái thành lập tỉnh chỉ là đống đổ nát hoang tàn. Nhưng ngày nay, cả thành phố đã được xây dựng khang trang, hiện đại.
(Theo laocai.gov.vn)

Tin Liên Quan

Đơn vị hành chính

Huyện Si Ma Cai

Địa danh Si Ma Cai có nghĩa là “Chợ ngựa mới”, bởi xưa kia chợ họp 6 ngày/phiên ở phố Cũ. Địa thế phố Cũ tương đối bằng phẳng, nên người dân dựng nhà san sát hai bên tạo nên dãy phố. Bao quanh phố Cũ là 1 khu rừng nên người dân phố Cũ...

Huyện Bắc Hà

Bắc Hà cũng như các huyện, thị khác có một quá trình lịch sử phát triển lâu dài. Thời Hùng Vương thuộc đất Tây Âu của Thục Phán; thời Bắc Thuộc thuộc châu Cam Đường, quân Giao Chỉ; thời Lý thuộc châu Đăng; đời Trần thuộc lộ...

Huyện Mường Khương

Vùng đất Mường Khương từ xưa có tên gọi là Mưng Khảng theo tiến địa phương là Mường Gang. Quá trình biến đổi của thời gian tên gọi được biến âm đọc chệch đi là Mường Khương; đến thời Pháp thuộc danh xưng Mường Khương được gọi một cách...

Huyện Bảo Thắng

Bảo Thắng là vùng thung lũng nằm ven hai bên sông Hồng, thuộc vùng đất cổ nằm chính giữa tỉnh Lào Cai. Từ buổi bình minh dựng nước thuộc đất Tây Âu của Thục Phán, thời Bắc thuộc là châu Cam Đường quận Giao Chỉ; đời Lý thuộc Châu Đăng;...

Huyện Bát Xát

Bát Xát ở dọc theo Sông Hồng, phía Bắc giáp huyện Kim Bình (Vân Nam, Trung Quốc), phía Nam giáp thành phố Lào Cai, phía Đông là sông Hồng và phía Tây giáp Sa Pa. Bát Xát gọi đúng từ, đúng âm là...