Suy thoái kinh tế tác động đến các hộ gia đình

Những năm qua, khủng hoảng và suy thoái kinh tế trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là cơn suy thoái tại Mỹ và khủng hoảng tại châu Âu đã tác động mạnh đến không chỉ nền kinh tế thế giới, các khu vực và quốc gia, mà còn tác động mạnh đến các hộ gia đình.
 
Một báo cáo được báo Pháp Les Echos công bố ngày 22/10 cho biết tại bốn nước châu Á là Malaysia, Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan, tỷ lệ nợ của các hộ gia đình đã lên đến đỉnh điểm.

Theo đó, tỷ lệ vay nợ của người Malaysia là cao nhất, tương đương 196% so với thu nhập hằng năm của mình, cao hơn cả Hàn Quốc (166%). Vào năm 2003, tỷ lệ này tại Malaysia chỉ ở mức 125%. Tỷ lệ nợ ở Thái Lan là 112%. Tại Hàn Quốc, các hộ gia đình nghèo nhất cũng chính là các hộ có nguy cơ nợ nần chồng chất nặng nhất. Nợ của các hộ gia đình trong số 20% những người nghèo nhất tương đương 184% tổng thu nhập của họ vào năm 2012, tức là cao hơn 18 điểm so với mức trung bình của quốc gia. Tại Singapore, các hộ gia đình chịu tác động gián tiếp của việc giá cả bất động sản tăng vọt. Ở đảo quốc nhỏ bé này, hơn 80% người dân làm chủ bất động sản. Số người vay tín dụng để mua nhà đất đã tăng 78% từ năm 2008 đến 2012.

Bốn quốc gia đang gặp nguy cơ này có một tình trạng giống Mỹ vào năm 2008, thời điểm mà Mỹ có một tỷ lệ nợ trung bình của các hộ là 130%. Trong khi đó, một số nước khác trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Philippines, tỷ lệ nợ rất thấp, dưới 35% vào năm 2012.

Nguyên nhân của sự gia tăng số nợ của các gia đình bốn nước nói trên là do trong một thời gian dài trước đó, các hộ được vay tín dụng dễ dàng để tiêu xài và do thói quen tậu nhà cửa của người châu Á khiến giá bất động sản tăng vọt. Thời gian gần đây, do kinh tế sa sút, các gia đình giảm chi tiêu, đặc biệt là hạn chế mua bất động sản, điều này lại tác động lên giá cả bất động sản, khiến thị trường này “vỡ bong bóng”, làm cho các hộ gia đình không có khả năng trả nợ hoặc kéo dài thời gian trả nợ.

Trong khi đó, một bản phân tích của hãng tin Mỹ AP về chi tiêu của các hộ gia đình ở 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Đức, Pháp, Mỹ, Anh, Brazil, Nga và Ấn Độ cho thấy họ đã rút 1.100 tỷ USD từ các quỹ đầu tư tương hỗ chứng khoán trong 5 năm sau khủng hoảng, tương đương với 10% cổ phần nắm giữ vào thời điểm đầu. Điều này cho thấy rằng các gia đình chi tiêu rất cẩn trọng và cắt giảm vay nợ.

Trong 5 năm trước khủng hoảng, nợ của các hộ gia đình ở 10 nền kinh tế lớn nhất tăng tới 34%. Khi giai đoạn khủng hoảng tài chính lên đến cao trào, mọi người bắt đầu phanh tốc độ vay nợ. Tỷ lệ nợ/người lớn ở 10 nước kinh tế phát triển giảm 1% trong 4,5 năm sau năm 2007. Các nhà kinh tế học cho rằng tỷ lệ vay nợ chưa từng giảm xuống đồng loạt như vậy, kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết, nhằm tìm kiếm sự an toàn cho tiền bạc, nên các hộ gia đình ở 6 nền kinh tế phát triển nhất đã dành 3.300 tỷ USD, tương đương 15% cho các khoản tiền cất giữ trong 5 năm sau khủng hoảng, số lượng lớn hơn so với 5 năm trước khủng hoảng.

Để giảm nợ và tiết kiệm nhiều hơn, mọi người đã thắt chặt chi tiêu. Tốc độ chi tiêu của người tiêu dùng toàn cầu tăng 1,6% một năm trong 5 năm sau khủng hoảng. Mức này chỉ bằng một nửa tốc độ tăng trước thời kỳ khủng hoảng và cao hơn một chút so với tốc độ tăng dân số hằng năm trong giai đoạn này.

Tránh xa nợ nần và chi tiêu ít hơn có thể tốt cho tài chính của một gia đình. Nhưng khi hàng trăm triệu gia đình làm vậy thì nó có thể sẽ làm nền kinh tế toàn cầu bất ổn./.
(Theo chinhphu.vn)

Tin Liên Quan

Bài toán khó về nhân khẩu học

Già hóa dân số là câu chuyện đã xuất hiện nhiều năm, nhưng hệ quả của tình trạng này đối với kinh tế, xã hội luôn là vấn đề nóng, làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Tìm được lời giải cho bài toán nhân khẩu học là chìa khóa quan trọng giúp duy trì sự ổn định, phát...

Các nước EU thông qua luật cắt giảm khí thải CO2 từ xe tải

Các nước EU đã thông qua lần cuối luật cắt giảm khí thải CO2 từ các xe tải, theo đó yêu cầu hầu hết các phương tiện hạng nặng bán tại thị trường EU từ năm 2040 phải là xe không phát thải.

Niềm tin vững chắc vào sức mạnh đoàn kết

Ngay sau khi nhậm chức nhiệm kỳ mới, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh về các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2036. Cam kết đưa nước Nga trở nên mạnh mẽ hơn, bằng sức mạnh đoàn kết và các kế hoạch phát triển, Tổng thống Putin được người dân Nga tin tưởng sẽ...

Ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), trong những ngày qua, trên các trang điện tử của các tờ báo lớn như Pasaxon - Cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào; Thông tấn xã Lào; Đài Phát thanh Quốc gia Lào đều có các bài viết ca ngợi về chiến thắng “lừng lẫy...

Số người cao tuổi ở châu Á và Thái Bình Dương dự báo tăng lên 1,2 tỷ người vào năm 2050

Số người từ 60 tuổi trở lên ở châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển được dự báo sẽ tăng gần gấp đôi lên 1,2 tỷ người vào năm 2050, làm gia tăng nhanh chóng nhu cầu về lương hưu và các chương trình phúc lợi cũng như dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Triển vọng tươi sáng hơn của kinh tế toàn cầu

Dự báo của giới chuyên gia phân tích và các định chế tài chính cho thấy, triển vọng kinh tế thế giới năm 2024 có thể tươi sáng hơn so với các dự báo trước đây. Theo đó, kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 3% trong năm nay.