Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 1/2022

Tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng; phạt nặng người điều khiển xe ô tô đón trả khách trên đường cao tốc; tiếp tục giảm 37 khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp; từ 1/1/2022, người dân có thể mở thẻ ngân hàng bằng hình thức online... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 1/2022.

Tăng lưu hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội

Nghị định 108/2021/NĐ-CP của Chính phủ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng quy định, từ ngày 1/1/2022, mức lương hưu và mức trợ cấp của những đối tượng đang hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng sẽ chính thức được tăng.

Mức tăng sẽ là 7,4% so với mức lương hưu, mức trợ cấp bảo hiểm xã hội của tháng 12/2021.

Sau khi thực hiện điều chỉnh theo mức tăng nêu trên, mà mức lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng vẫn thấp hơn 2,5 triệu đồng/tháng, người nghỉ hưu trước năm 1995 còn được tăng thêm với mức như sau:

Tăng 200.000 đồng/người/tháng nếu có mức hưởng từ 2,3 triệu đồng/người/tháng trở xuống.

Tăng lên bằng 2,5 triệu đồng/người/tháng nếu có mức hưởng từ 2,3 triệu đồng đến dưới 2,5 triệu đồng/người/tháng. 

Bên cạnh đó, mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng sau khi điều chỉnh là căn cứ để tính điều chỉnh lương hưu, trợ cấp ở những lần điều chỉnh tiếp theo.

Phạt nặng người điều khiển xe ô tô đón trả khách trên đường cao tốc

Có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, Nghị định 123/2021/NĐ-CP ban hành ngày 28/12/2021 sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 31/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Trong đó, Nghị định bổ sung Khoản 7a vào sau Khoản 7 Điều 23 xử phạt người điều khiển ô tô chở hành khách, ô tô chở người và các loại xe tương tự ô tô chở khách, chở người vi phạm quy định về vận tải đường bộ như sau: Phạt tiền từ 10-12 triệu đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi đón, trả khách trên đường cao tốc.

Bổ sung Khoản 8a vào sau Khoản 8 Điều 24 xử phạt người điều khiển ô tô tải, máy kéo (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự ô tô vận chuyển hàng hóa vi phạm quy định về vận tải đường bộ. Cụ thể, phạt tiền từ 10-12 triệu đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi nhận, trả hàng trên đường cao tốc.

Tiếp tục giảm 37 khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp

Thông tư số 120/2021/TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thời gian thực hiện từ 1/1-30/6/2022.

Theo đó, có 37 khoản phí, lệ phí được giảm với mức giảm từ 10-50% so với quy định hiện hành.

Nhiều khoản phí, lệ phí được giảm đến 50% mức phí quy định trước đó, như: Lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng; lệ phí giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng; phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng; phí thẩm định thiết kế cơ sở; phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán (trừ 2 khoản phí, lệ phí quy định); lệ phí cấp giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh; lệ phí sở hữu công nghiệp; lệ phí nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp, công bố, đăng bạ đại diện sở hữu công nghiệp...

Điểm mới về điều kiện thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên

Nội dung này được đề cập tại Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng; nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Theo đó, một trong những điều kiện để giáo viên được đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề là:

Cơ sở giáo dục có nhu cầu và được người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý cử đi dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; (Hiện hành, yêu cầu 03 năm liên tục)

Có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt;

Không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật viên chức quy định tại Điều 56 Luật Viên chức 2010, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 8 Điều 2 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019.

Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 15/01/2022 và thay thế Thông tư 20/2017/TT-BGDĐT ngày 18/8/2017, Thông tư 28/2017/TT-BGDĐT ngày 30/11/2017.

Bảo đảm công khai, minh bạch giá trang thiết bị y tế khi lưu hành trên thị trường

Nghị định 98/2021/NĐ-CP ban hành ngày 8/11/2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

Theo đó, quản lý giá trang thiết bị y tế theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh trang thiết bị y tế theo quy định của pháp luật; bảo đảm công khai, minh bạch giá trang thiết bị y tế khi lưu hành trên thị trường.

Niêm yết giá bán buôn, bán lẻ trang thiết bị y tế bằng đồng Việt Nam tại nơi giao dịch hoặc nơi bán trang thiết bị y tế của cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế; thông báo công khai trên bảng, trên giấy hoặc bằng các hình thức khác.

Công khai giá trúng thầu trang thiết bị y tế của các cơ sở y tế công lập; không được mua bán trang thiết bị y tế khi chưa có giá kê khai và không được mua bán cao hơn giá kê khai trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán.

Vi phạm hành chính lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp bị phạt 100 triệu đồng

Có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, Nghị định số 122/2021/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư đã bổ sung quy định về mức phạt tiền tối đa với các hành vi vi phạm hành chính tại Nghị định này như sau:

Trong lĩnh vực đầu tư là 300 triệu đồng; trong lĩnh vực đấu thầu là 300 triệu đồng; trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp là 100 triệu đồng; trong lĩnh vực quy hoạch là 500 triệu đồng.

Riêng với lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, mức phạt tiền tối đa tăng từ 30 triệu đồng lên 100 triệu đồng so với trước đây.

Doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phải ký quỹ 2 tỷ đồng

Theo Nghị định số 112/2021/NĐ-CP ban hành ngày 10/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (doanh nghiệp dịch vụ) phải thực hiện ký quỹ 2 tỷ đồng tại một ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

Đối với doanh nghiệp dịch vụ giao nhiệm vụ cho chi nhánh thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải ký quỹ thêm 500 triệu đồng đối với mỗi chi nhánh được giao nhiệm vụ. 

Quy định chi tiết thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính

Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ban hành ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

Nghị định số 118/2021/NĐ-CP quy định về: Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính; quy định về vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính; áp dụng quy định về xử phạt vi phạm hành chính và quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

Theo quy định, việc quy định hành vi vi phạm hành chính phải bảo đảm các yêu cầu sau: Có vi phạm các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm, điều cấm của pháp luật về trật tự quản lý hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước; đáp ứng yêu cầu bảo đảm trật tự quản lý hành chính nhà nước; hành vi vi phạm hành chính phải được mô tả rõ ràng, đầy đủ, cụ thể để có thể xác định và xử phạt được trong thực tiễn.

Hình thức xử phạt, mức xử phạt được quy định đối với từng hành vi vi phạm hành chính và phải căn cứ vào các yếu tố sau: Tính chất, mức độ xâm hại trật tự quản lý hành chính nhà nước của hành vi vi phạm; đối với hành vi vi phạm không nghiêm trọng, có tính chất đơn giản, thì phải quy định hình thức xử phạt cảnh cáo; mức thu nhập, mức sống trung bình của người dân trong từng giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; mức độ giáo dục, răn đe và tính hợp lý, tính khả thi của việc áp dụng hình thức, mức phạt.

Từ 1/1/2022, người dân có thể mở thẻ ngân hàng bằng hình thức online

Có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, Thông tư 17/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng; trong đó, bổ sung quy định: Tổ chức phát hành thẻ có thể thực hiện phát hành thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước định danh đối với chủ thẻ chính là cá nhân bằng phương thức điện tử.

Phân biệt đối xử về giới trong lao động bị phạt tới 30 triệu đồng

Nghị định số 125/2021/NĐ-CP ban hành ngày 28/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

Trong đó, Nghị định quy định, mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới đối với cá nhân là 30 triệu đồng.

Quỳnh Hoa (Tổng hợp)

Tin Liên Quan

Infographics: Chương trình hành động của Chính phủ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Chính phủ ban hành Nghị quyết 111/NQ-CP ngày 22/7/2024 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào

Sáng 26/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân đã gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith và Phu nhân nhân dịp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Lào sang Việt Nam dự Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn...

Xuất khẩu phục hồi tích cực

Một trong những điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong sáu tháng đầu năm là kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt kết quả tích cực, ước đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ. Có được kết quả nêu trên là nhờ sự nỗ lực của Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương cũng như sự...

Chủ tịch nước Tô Lâm: Các gia đình chính sách phải luôn được hưởng đầy đủ thành quả của sự nghiệp đổi mới

Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024), chiều 22/7, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt thân mật Đoàn đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2024.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc với nhiều dấu ấn nâng tầm đối ngoại Việt Nam

Đối ngoại là một trong những lĩnh vực in đậm nhiều dấu ấn nổi bật của đồng chí Nguyễn Phú Trọng. Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đồng chí trên cương vị Tổng Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận, chỉ thị về xây dựng, hoàn thiện đường lối...

Đường lối 'ngoại giao cây tre' – Bài học quý, có ý nghĩa giá trị thực tiễn sâu sắc

Có thể khẳng định, tầm nhìn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về đường lối “ngoại giao cây tre” là một bước đi chiến lược, rất đúng đắn, sáng tạo trong việc lãnh đạo thực hiện chính sách đối ngoại của Việt Nam. Đường lối ngoại giao này thực sự đóng một vai trò quan trọng nhằm giúp Việt Nam...