10 sự kiện thế giới nổi bật năm 2012

Thế giới đã trải qua năm 2012 với rất nhiều sự thay đổi. Thế giới & Việt Nam giới thiệu 10 sự kiện thế giới nổi bật năm 2012 do ban biên tập báo bình chọn.

1. Năm của các cuộc bầu cử và chuyển giao quyền lực quan trọng
 


Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc đầu tháng 11 đã hoàn thành việc chuyển giao thế hệ lãnh đạo, Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình được bầu làm Tổng Bí thư, Chủ tịch Quân ủy Trung ương (đầu năm 2013, ông Tập Cận Bình đảm nhiệm thêm chức vụ Chủ tịch nước). Thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc được dư luận quốc tế rất quan tâm, vì Trung Quốc có khả năng sẽ trở thành nền kinh tế số 1 thế giới. Sức mạnh chính trị, quân sự, ngoại giao của nước này cũng đang mạnh lên trong những năm gần đây.

Tại Mỹ, Tổng thống Barack Obama tái đắc cử nhiệm kỳ 2 trong bối cảnh nước Mỹ gặp nhiều khó khăn. Ông Obama nhận được sự ủng hộ của cử tri do ông đã và đang xử lý được nhiều vấn đề tồn tại từ thời người tiền nhiệm George W. Bush. Ông sẽ có thêm 4 năm. Liệu ông Obama có thực hiện được những gì ông đã hứa với cử tri Mỹ?

Trong khi đó tại Nga, Thủ tướng Vladimir Putin đã trở lại nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ 3. Liệu bộ đôi quyền lực Putin-Medvedev có tiếp tục phối hợp ăn ý để giúp nước Nga vượt qua khủng hoảng kinh tế - tài chính, tái điều chỉnh quan hệ với Mỹ và châu Âu…?

Các cuộc bầu cử khá quan trọng khác cũng diễn ra tại Pháp với việc Tổng thống Hollande thắng cử dẫn tới sự hòa giải quan hệ Pháp – Đức, tại Nhật Bản với chiến thắng của LDP đưa ông Shinzo Abe trở lại vị trí Thủ tướng và ở Hàn Quốc với việc lần đầu tiên nước này có một vị nữ Tổng thống…

2. Tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Đông Bắc Á và Biển Đông nóng lên

Tàu cá, tàu hải giám Trung Quốc bao quanh bãi đá ngầm Scarborough/Hoàng Nham, dẫn đến tình trạng tranh chấp căng thẳng với Philippines hồi đầu năm. Trong năm qua, Trung Quốc tuyên bố thành lập thành phố Tam Sa, mời thầu dầu khí trong vùng biển của Việt Nam, phát hành hộ chiếu in bản đồ Trung Quốc có “đường lưỡi bò”, gây đứt cáp cho tàu Bình Minh 02. Tỉnh Hải Nam của Trung Quốc còn công bố kế hoạch kiểm tra, khống chế tàu thuyền nước ngoài trên biển Đông từ ngày 1/1/2013… Một số nhà phân tích cho rằng đây là sách lược tiến 3 bước lùi 2 bước của Trung Quốc trong việc từng bước hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò”. Trong khi đó, căng thẳng Trung-Nhật tại đảo Senkaku/Điếu Ngư bị đẩy lên đỉnh điểm khi Nhật quốc hữu hóa một số đảo trong quần đảo này vào tháng 9, châm ngòi cho một đợt biểu tình chống Nhật lan rộng khắp Trung Quốc. Căng thẳng cũng diễn ra giữa Nhật Bản và Hàn Quốc quanh các đảo tranh chấp.

3. Trung Đông vẫn nhiều bất ổn
 


Tình trạng xung đột giữa lực lượng ủng hộ Tổng thống Syria Basa Al-Assad và phe đối lập ở nước này leo thang nghiêm trọng làm hơn 42.000 người thiệt mạng, hơn 3 triệu người phải đi lánh nạn trong khi các nước lớn vẫn đang bất đồng và chia rẽ sâu sắc trong việc đưa ra một giải pháp hữu hiệu cho cuộc khủng hoảng này.

Tại Libya, việc Đại sứ Mỹ Christopher Stevens cùng 3 nhân viên lãnh sự Mỹ bị sát hại không chỉ phơi bày sự thật đằng sau sự tuyên truyền của phương Tây về những tiến bộ tại Libya, mà còn là đòn cảnh báo trước sự can thiệp của Mỹ tại "chảo lửa" Trung Đông.

Trong khi đó, ở Ai Cập, hơn 64% cử tri tham gia 2 đợt trưng cầu dân ý đã ủng hộ bản dự thảo Hiến pháp mới gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, điều không giúp Ai Cập chấm dứt được bế tắc chính trị hiện nay mà ngược lại sẽ càng châm ngòi cho các hoạt động phản đối bùng nổ mạnh mẽ hơn.

Nếu có điểm sáng nào tại Trung Đông thì đó là thông tin ngày 29/11, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết nâng cấp quy chế cho Palestine từ thực thể quan sát viên lên nhà nước quan sát viên phi thành viên. Sự kiện này là thắng lợi chính trị quan trọng của nhân dân Palestine trong cuộc đấu tranh xây dựng nhà nước độc lập, có chủ quyền, phù hợp với các nghị quyết của LHQ và luật pháp quốc tế.

4. Bức tranh màu xám vẫn bao phủ kinh tế toàn cầu
 


Gam màu chủ đạo của kinh tế Thế giới năm 2012 vẫn là một màu xám. Nền kinh tế số 1 thế giới - Mỹ bí bách với “vách đá tài chính”. Châu Á - động lực tăng trưởng của thế giới gặp nhiều khó khăn với xuất khẩu suy giảm. Trung Quốc tăng trưởng thấp nhất 13 năm qua. Khu vực đồng tiền chung châu Âu ngày càng chìm sâu vào khủng hoảng nợ, các thành viên xôn xao chuyện đi, ở. NHTW các nước ồ ạt bơm tiền giải cứu nền kinh tế.

2012 còn có thể gọi là năm xấu của các “đại gia” Công nghệ và Ngân hàng. Hàng loạt Ngân hàng lớn vướng vòng lao lý. Nguy cơ bong bóng và sự thất bại nặng nề của các vụ IPO đình đám, cùng một loạt tên tuổi lớn trong ngành điện tử lâm vào cảnh thua lỗ. Hoạt động sản xuất trên toàn cầu liên tục suy giảm với sự trì trệ của những “đầu tàu” kinh tế. Mặc dù đã có một vài tín hiệu khởi sắc trong 3 tháng cuối năm, sự phục hồi vẫn rất mong manh . Đến quý III/2012, tính trung bình kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ lạm phát lên tới 11,4%. Tỷ lệ thất nghiệp là 14%.

5. Triều Tiên thực hiện thành công vụ phóng tên lửa đưa vệ tinh Kwangmyongsong-3 thế hệ thứ hai lên quỹ đạo nhân kỷ niệm 1 năm ngày Chủ tịch Kim Jong il qua đời.
 


Theo giới chức quốc phòng Hàn Quốc, sau khi nghiên cứu mảnh vỡ tên lửa Unha-3, có thể kết luận tên lửa của Triều Tiên có tầm bay hơn 10.000 km, tới tận miền Tây nước Mỹ. Rất nhiều nước như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia… đã lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, tố cáo đây là vụ thử tên lửa đạn đạo tầm xa “trá hình”. Chính phủ Nhật đã đặt lực lượng phòng vệ trong tình trạng báo động và tuyên bố sẽ bắn rơi tên lửa CHDCND Triều Tiên nếu nó đe dọa lãnh thổ Nhật, triển khai các tàu hải quân và tên lửa đánh chặn trên bộ. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng tuyên bố họ có quyền phóng tên lửa để đưa vệ tinh vào quỹ đạo. Thành công lần này cũng là cột mốc quan trọng trong bối cảnh Triều Tiên đang nỗ lực phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế đất nước, củng cố mục tiêu trở thành một cường quốc vũ trụ.

6. Myamar đạt được những kết quả quan trọng trong tiến trình cải cách toàn diện, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Sau những quyết định quan trọng của Tổng thống Thein Shein từ năm 2011như cho phép lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi và đảng của bà tham gia tranh cử, dỡ bỏ nhiều hạn chế đối với truyền thông, trả tự do cho gần 200 tù chính trị, thảo luận ngừng bắn với các nhóm vũ trang thiểu số..., năm 2012, Myamar tiếp tục có nhiều chính sách thay đổi "chóng mặt". Nhiều chính sách cải tổ nền kinh tế, mở cửa đã được áp dụng để thu hút đầu tư, như các chính sách ưu đãi, miễn thuế trong 5 năm cho các nhà đầu tư nước ngoài, bảo đảm không quốc hữu hóa, và nới lỏng kiểm soát tư hữu đất đai, thả nổi đồng tiền kyat… Còn quá sớm để nói tới thành công của Myanmar, nhưng với những nỗ lực đáng ghi nhận trong thời gian qua, Myanmar đang có những bước đi vững chắc để chuẩn bị cho một "kỷ nguyên mới" hưng thịnh hơn.

7. Tìm ra hạt gần giống “Hạt của chúa” (hạt Higgs) - chính là yếu tố hình thành nên vũ trụ sau vụ nổ Big Bang cách đây 13,7 tỉ năm.
 


Từ thập niên 60 tới nay, rất nhiều nhà khoa học đã tham gia nỗ lực tìm kiếm hạt Higgs, thứ tạo ra khối lượng cho vật chất trong vũ trụ nên còn được gọi là "hạt của Chúa". Nếu con người có thể chứng minh sự tồn tại của hạt Higgs, đây sẽ là thành tựu khoa học vĩ đại nhất trong vòng 100 năm. Và vào ngày 3/7, Tổ chức Nghiên cứu Nguyên tử châu Âu (CERN) thông báo các nhà vật lý của họ đã tìm ra một loại hạt có những tính chất vật lý giống hạt Higgs. Khối lượng của loại hạt mới lớn hơn 133 lần so với hạt proton trong nguyên tử. Thông báo của CERN gây nên một cơn địa chấn trong giới khoa học, song nó cũng tạo ra một làn sóng hoài nghi. Mặc dù nhóm nghiên cứu của CERN khẳng định rằng xác suất nhầm lẫn chỉ là 1/2 triệu, nhưng giới phân tích nhận định, họ sẽ còn phải tiếp tục dành thêm thời gian và công sức để chứng minh hạt mới chính là "hạt của Chúa".

8. Olympic London 2012 thành công rực rỡ
 


Diễn ra từ ngày 27/7- 12/8, Olympics London 2012 đã được đánh giá là thế vận hội thành công về mọi mặt. Olympic London đã đạt tới mức con số kỷ lục với 4,8 tỉ lượt khán giả trên toàn cầu. Như vậy, sau 64 năm chờ đợi, Olympic lại trở về với London vào đúng dịp Nữ hoàng Elisabeth II kỷ niệm 60 năm đăng quang. Olympic London đã đem đến cho toàn thế giới sự ngạc nhiên và khâm phục qua lễ khai mạc và bế mạc rất hoành tráng và đậm chất nhân văn cùng rất nhiều các kỷ lục thể thao mới được xác lập tại đây.

9. Điệu nhảy Gangnam Style của Hàn Quốc được ưa chuộng toàn cầu
 


Với hơn 1 tỷ lượt xem theo thống kê gần đây nhất, Gangnam Style đã là video clip đầu tiên đạt được kỷ lục đáng kinh ngạc của Youtube. Không chỉ trở thành một cơn sốt trong cộng đồng cư dân Hàn Quốc, điệu nhảy ngựa đã lan rộng khắp châu Á, làm điên đảo cả châu Âu và châu Mỹ, thậm chí còn là một cụm từ thời thượng, được sử dụng như một câu cửa miệng của giới trẻ. Tuy nhiên, đằng sau điệu nhảy có phần lộn xộn, hài hước này lại là một bài luận xã hội tinh tế về những người giàu mới nổi ở Gangnam - một quận giàu có của Thủ đô xứ sở kim chi. Chính Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã phải ca ngợi nó như một lực lượng của hòa bình thế giới. Ông chia sẻ rằng không thể vui mừng hơn và tự hào về cách nghệ sĩ PSY mang âm nhạc Hàn Quốc cũng sự châm biếm hài hước của nước nhà đến với khán giả toàn cầu.

10. Ngày tận thế rốt cuộc đã không đến
 


Không chỉ đến năm nay, mà từ rất lâu rồi, con người đã nói đến, bàn luận, lo sợ, và chờ đợi đến ngày 21/12/2012. Dù đã có rất nhiều nhà khoa học chứng minh “ngày tận thế” hoàn toàn không có cơ sở nhưng vẫn không thể thống kê được có bao nhiêu sự phỏng đoán, nghi ngờ cũng như có bao nhiêu cách con người trên trái đất này nghĩ ra để ứng phó với sự kiên đáng sợ này. Nhưng rồi, cả rồi thế giới đã yên bình đi qua ngày được coi là tận thế. Trong ngày này, trên Facebook Twiter và các mạng xã hội khác, người ta sôi nổi hỏi han nhau xem có "còn sống hay không”, “ngày tận thế của bạn ra sao rồi?”. Cũng theo tin tức trên ABC News, tại một cuộc họp báo với hàng trăm phóng viên mới đây, khi được hỏi đùa về tin đồn tận thế, Tổng thống Putin đáp một cách hài hước đặc biệt với vẻ trang nghiêm cao độ: "Tôi biết tận thế xảy ra khi nào, 4,5 tỷ năm nữa theo chu kỳ hoạt động của Mặt Trời. Sau thời gian đó mặt trời trở thành một sao lùn trắng”./.

(theo TG&VN)

Tin Liên Quan

Động lực thúc đẩy sự phát triển của EU

Liên minh châu Âu (EU) vừa nối lại các cuộc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Philippines, ký tuyên bố chung về quan hệ Ðối tác chiến lược toàn diện với Ai Cập và khởi động quá trình đàm phán nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ với Thụy Sĩ. Mở rộng mạng lưới thỏa thuận hợp tác với các nước góp...

Châu Phi tăng tốc số hóa

Tốc độ số hóa chậm chạp đang ảnh hưởng tới quá trình phát triển kinh tế-xã hội tại một số nước châu Phi. Theo các chuyên gia, châu lục này cần nắm bắt những tiến bộ mới nhất trong công nghệ kỹ thuật số nhằm thúc đẩy phát triển. Tăng cường chuyển đổi số được coi như “chìa khóa” để khai thác...

Nga: Tổng thống tái đắc cử V. Putin nêu ưu tiên trong nhiệm kỳ mới

Theo hãng tin TASS, phát biểu tại trụ sở chiến dịch tranh cử của mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh đến những ưu tiên trong nhiệm kỳ mới sau khi ông giành được số phiếu ủng hộ cao nhất trong cuộc bầu cử tổng thống nước này.

Tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng rác thải

Sau một năm đàm phán, Liên minh châu Âu (EU) vừa đạt thỏa thuận hạn chế rác thải bao bì trên toàn khối. Cùng với EU, nhiều nước trên thế giới đang nỗ lực ngăn chặn những tác hại nghiêm trọng về y tế, môi trường và kinh tế mà núi rác thải khổng lồ có thể gây ra.

Tiếng nói đoàn kết từ Mỹ Latin và Caribe

Thúc đẩy tinh thần đoàn kết, hợp tác để chống đói nghèo và biến đổi khí hậu là trọng tâm chính của Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 8 Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribe (CELAC) vừa diễn ra tại Saint Vincent và Grenadines. Hội nghị là không gian đối thoại quan trọng, giúp củng cố mối quan hệ giữa các...

Nguy cơ khủng hoảng lương thực lan rộng nhiều nơi trên thế giới

Các tổ chức quốc tế cảnh báo khoảng 58,1 triệu người đang phải đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng ở vùng Sừng Lớn của châu Phi. Tuy nhiên, nỗi lo mất an ninh lương thực không chỉ hiện hữu ở châu Phi, mà còn là “bóng ma” ám ảnh nhiều nơi trên thế giới.