Châu Phi: Sự trỗi dậy ngọt ngào

Trong khi thế giới đang phải vật lộn và chống chọi với những cơn bão khủng hoảng, suy thoái kinh tế toàn cầu thì tại châu Phi, rất nhiều quốc gia được tận hưởng “hương vị ngọt ngào" của giai đoạn tăng trưởng kinh tế chưa từng có trong nhiều thập kỷ qua.
 


Trong những năm tới, các nước châu Phi hy vọng sẽ đóng góp
7 cái tên trong số 10 nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, nhịp độ tăng trưởng của kinh tế châu Phi ước đạt 4,8% năm 2013 và 5,3% năm 2014. Theo báo cáo do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đồng thực hiện với sự phối hợp của Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB), Ủy ban Kinh tế châu Phi (ECA) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), các luồng tài chính từ bên ngoài đổ vào châu Phi đã vọt lên mức cao kỷ lục 186,3 tỷ USD (144 tỷ Euro) trong năm 2012. Trong đó, luồng kiều hối chuyển về chiếm phần lớn nhất, lên tới 60,4 tỷ USD và viện trợ nước ngoài ở mức 56,1 tỷ USD. Nam Phi, Angola và Mozambique là những điểm thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất. Các lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là viễn thông, tài chính và bảo hiểm là những lĩnh vực tăng trưởng mạnh ấn tượng.

Theo Báo cáo của Nhóm Ngân hàng phát triển châu Phi, trong thập kỷ qua, châu lục này đã có tốc độ tăng trưởng ấn tượng và là khu vực tăng trưởng nhanh thứ hai trên thế giới chỉ sau châu Á. Trong những năm tới, các nước châu Phi hy vọng sẽ đóng góp 7 cái tên trong số 10 nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất.

Theo thống kê của tạp chí The Economist (Anh), 6/10 nước có tốc độ phát triển nhanh nhất trong năm 2012 đến từ lục địa đen. Nợ nước ngoài trung bình của khu vực đã giảm ấn tượng từ 63% GDP năm 2000 xuống còn 22,2% trong năm nay và lạm phát bình quân hiện giảm xuống còn 8% từ mức 15% vào năm 2000. Về dài hạn, các nhà kinh tế cho rằng, xu hướng tăng trưởng tích cực có thể vẫn được duy trì trong những năm tiếp theo vì châu Phi có các thế mạnh về vị trí địa lý, tài nguyên khoáng sản và các yếu tố về dân số.

Năm 2012, tốc độ tăng trưởng bình quân GDP của toàn bộ khu vực được dự báo ở mức 6%, nhưng kinh tế của Nam Phi được dự đoán sẽ chỉ tăng 3,6%, trong khi Cote d'Ivoire tăng 8,5%. Vì vậy, để chính sách kinh tế của mỗi quốc gia phát huy được hiệu quả và ảnh hưởng tích cực đến toàn bộ khu vực, các nhà hoạch định chính sách cần phải xác định những hướng đi dài hạn và các yếu tố có thể gây trở ngại cho quá trình tăng trưởng ở mỗi quốc gia.

Trong những năm qua, tiềm năng phát triển kinh tế, xã hội và môi trường đầu tư của châu Phi đã gây ấn tượng mạnh đối với các nhà đầu tư nước ngoài bởi họ là những nhân tố góp phần vào sự phát triển bùng nổ về nguồn vốn đầu tư. Từ năm 2008 - 2012, các nước châu Phi khu vực cận Sahara đã đón nhận trung bình 4,4% giá trị của tất cả các quỹ đầu tư vào các nước đang phát triển trên thế giới và 3,1% giá trị chi tiêu cho đầu tư.

Trên thực tế, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào châu Phi đã tăng kể từ đầu những năm 2000 và tăng gấp 5 lần trong giai đoạn 2000 - 2010. Các chỉ số kinh tế cho thấy xu hướng lạc quan để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững trong những năm tiếp theo, đó chính là điều kiện cần thiết góp phần thay đổi hình ảnh và vị thế quốc tế của châu Phi. Năm 2012, 67% các nhà đầu tư tiềm năng được phỏng vấn đã cho rằng họ tìm thấy những cơ hội kinh doanh hấp dẫn khi tiếp cận châu Phi. 50% trong số họ đã lên kế hoạch đầu tư vào các nước khu vực cận Sahara sau năm 2013 và ngày càng nhiều hơn các tập đoàn lớn coi châu Phi là mục tiêu chiến lược để phát triển kinh doanh. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn ý thức được các thách thức họ phải đối mặt tại một số quốc gia như tại vùng Sừng châu Phi, đặc biệt là Somalia, Mali, Guinea Bissau, nơi luôn hiện diện sự bất ổn về chính trị.

Trong những năm gần đây, Chính phủ các nước ở châu Phi đã nỗ lực nhiều hơn để giảm bớt các thủ tục hành chính và cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Từ năm 2000 - 2010, thời gian trung bình cần thiết để đăng ký quyền sở hữu tài sản đã giảm từ 120 ngày xuống còn 65 ngày, thời gian cần thiết để có được một giấy phép xuất khẩu giảm trung bình từ 230 ngày năm 2005 xuống còn 212 ngày vào năm 2010. Và so với cùng kỳ năm trước, thời gian cần thiết để một hợp đồng kinh tế có hiệu lực đã giảm xuống gần một tháng.

Chính phủ các nước châu Phi biết rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể giúp sản xuất các loại sản phẩm cho thị trường trong nước, từ đó tạo ra giá trị gia tăng một cách đáng kể. Thị trường trong nước thường khuyến khích đa dạng hóa các sản phẩm, giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên và giúp bình ổn giá cả hàng hóa trên thế giới, điều này làm cho nền kinh tế có sức đề kháng tốt hơn và hạn chế tối đa các tổn thương trước những cú sốc đến từ những thị trường bên ngoài.

Định hướng cởi trói nền kinh tế nội địa và thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế khu vực thay vì tiếp tục lệ thuộc vào sự thống trị nền kinh tế của châu Âu và Bắc Mỹ đã và đang phát huy hiệu quả rõ rệt. Vì vậy, các nước châu Phi khu vực cận Sahara đang tăng cường theo đuổi các chính sách thân thiện với các nước láng giềng. Chính sách này đã phát huy hiệu quả và giúp tăng trưởng thương mại của các nước châu Phi khu vực cận Sahara từ 7% vào năm 1990 lên 15% vào năm 2010.

Thay đổi hướng tới hội nhập khu vực của Chính phủ các nước ở châu Phi là một hướng đi phù hợp. Tuy nhiên, để vươn lên trở thành một khu vực năng động của thế giới thì châu Phi vẫn cần sự chung tay của toàn xã hội để cùng bước trên một chặng đường dài. Sự nỗ lực hơn bao giờ hết của Chính phủ các nước ở châu Phi nhằm thực thi các chính sách tự do hóa thương mại trong khu vực, hội nhập thể chế và phát triển cơ sở hạ tầng đang là động lực cốt lõi để hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp tục phát triển mở rộng thị trường và dấn thân sang các lĩnh vực, vùng, miền khác nhằm góp phần cải thiện đời sống cho mọi người dân./.
(Theo chinhphu.vn)

Tin Liên Quan

Ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), trong những ngày qua, trên các trang điện tử của các tờ báo lớn như Pasaxon - Cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào; Thông tấn xã Lào; Đài Phát thanh Quốc gia Lào đều có các bài viết ca ngợi về chiến thắng “lừng lẫy...

Số người cao tuổi ở châu Á và Thái Bình Dương dự báo tăng lên 1,2 tỷ người vào năm 2050

Số người từ 60 tuổi trở lên ở châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển được dự báo sẽ tăng gần gấp đôi lên 1,2 tỷ người vào năm 2050, làm gia tăng nhanh chóng nhu cầu về lương hưu và các chương trình phúc lợi cũng như dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Triển vọng tươi sáng hơn của kinh tế toàn cầu

Dự báo của giới chuyên gia phân tích và các định chế tài chính cho thấy, triển vọng kinh tế thế giới năm 2024 có thể tươi sáng hơn so với các dự báo trước đây. Theo đó, kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 3% trong năm nay.

Mùa hè khắc nghiệt, nền nhiệt cao kỷ lục

Cơ quan khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Copernicus cho biết, tính đến tháng 3 vừa qua, thế giới đã trải qua tháng thứ 10 liên tiếp có nền nhiệt cao kỷ lục, cả nhiệt độ không khí và các đại dương đều ở mức cao nhất mọi thời đại. Nhiều khu vực đã xuất hiện “mùa cháy rừng” tồi tệ nhất trong thế kỷ...

Tổ chức Mặt trận góp phần củng cố quan hệ đoàn kết Việt Nam-Lào-Campuchia

Chiều 9/4 tại thủ đô Vientiane, đã diễn ra Hội nghị Chủ tịch Mặt trận ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 5. Hội nghị nhằm củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác lâu dài, ổn định và phát triển giữa ba tổ chức Mặt trận của ba nước.

Triển vọng chính sách sản lượng của OPEC+ đối mặt "ngã ba đường"

Mặc dù kỳ vọng OPEC+ bắt đầu nghĩ đến việc chấm dứt kế hoạch cắt giảm sản lượng là hợp lý, nhưng việc khối này giữ nguyên các hạn chế có thể hợp lý hơn.