Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Lào Cai cần biến tiềm năng thành tiềm lực, nguồn lực để phát triển

Như Báo Lào Cai đã đưa tin, tại cuộc làm việc, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Đặng Xuân Phong, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và Đoàn công tác của Chính phủ về tình hình triển khai, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 và một số nội dung quan trọng.

3 nhóm vấn đề cần giải quyết để khơi thông kết nối, phát triển

Bí thư Tỉnh uỷ Đặng Xuân Phong cho biết: Thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, mặc dù có nhiều khó khăn, song với chủ trương, quan điểm, định hướng đúng đắn, sát thực tiễn, cùng với sự năng động, sáng tạo trong công tác chỉ đạo, điều hành, sự quyết tâm phấn đấu nỗ lực của toàn Đảng bộ, của các cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân, tỉnh Lào Cai đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. 

Tốc độ tăng trưởng được duy trì phù hợp với tình hình thực tế, năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 5,33%, đứng thứ 8 so các tỉnh trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc, đứng thứ 27 các tỉnh, thành phố trong cả nước; 6 tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 7,14%, đứng thứ 8 trong khu vực và thứ 29 các tỉnh, thành phố trong cả nước. Các lĩnh vực văn hóa, thông tin, giáo dục, y tế, bảo đảm an sinh xã hội được quan tâm và triển khai có hiệu quả; giảm nghèo đạt kết quả tốt, bảo đảm tiến độ kế hoạch đề ra. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 tích cực và chủ động triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả. 

Quốc phòng, an ninh trên địa bàn được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quan hệ đối ngoại mở rộng; tình hình tội phạm, vi phạm, tai nạn giao thông được kiềm chế; các vấn đề phức tạp liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, an ninh, trật tự khu vực biên giới được xử lý hiệu quả, kịp thời. 
Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, cải cách hành chính đạt được nhiều kết quả tốt; công tác tuyên truyền, vận động tiếp tục có nhiều đổi mới, hiệu quả; hoạt động kiểm tra, giám sát bảo đảm thực hiện đúng theo chương trình, kế hoạch... góp phần quan trọng bảo đảm việc triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025. 

Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong báo cáo với Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc.

Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong khẳng định: Tỉnh Lào Cai có ý chí, có khát vọng, có tiềm năng, lợi thế riêng biệt và rất mong muốn được đóng góp nhiều hơn, trách nhiệm hơn với sự phát triển chung của vùng bằng những việc cụ thể, trong đó trọng tâm là hoàn thành nhiệm vụ rất nặng nề được Trung ương và Chính phủ giao - đó là trở thành “Cực tăng trưởng và trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc”. Để hiện thực hoá mục tiêu trên, cũng như “Biến tiềm lực thành nguồn lực, thành của cải vật chất” như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngoài sự nỗ lực, vượt khó đi lên của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân tỉnh Lào Cai, rất cần có sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương để “tạo thêm” và “tạo mới” nguồn lực cho tỉnh. Do vậy, tỉnh Lào Cai đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính: Khơi thông kết nối liên vùng, trọng tâm là kết nối giao thông; Cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển vùng kinh tế đặc thù; Biên giới lãnh thổ, quốc phòng, an ninh.

Về kiến nghị kết nối liên thông vùng, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong cho rằng, để Lào Cai trở thành “trung tâm kết nối” thì phải giải quyết được hai vấn đề không thể tách rời đó là “kết- liên kết” và “nối - nối liền”; trong đó, kết cấu hạ tầng giao thông giữ vai trò là động lực thúc đẩy. Vùng phát triển thì giao thông phải phát triển; tỉnh muốn hiện đại thì giao thông cũng phải hiện đại. Vì vậy, yêu cầu phát triển hệ thống hạ tầng kết nối đa dạng, liên hoàn, cụ thể là giao thông đối ngoại (sân bay, đường sắt), giao thông nội vùng; giao thông liên vùng (cao tốc, tiền cao tốc, quốc lộ, đường thủy) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và được xác định là một trong những đột phá chiến lược. Vì vậy, đối với giao thông đối ngoại, tỉnh Lào Cai đề nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến trao đổi ở cấp Chính phủ với Chính phủ Trung Quốc đẩy nhanh quá trình đàm phán, ký Hiệp định và Nghị định thư xây dựng mới cầu đường bộ qua sông Hồng tại xã Bản Vược, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai để sớm triển khai xây dựng cầu. 

Đối với tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, tỉnh Lào Cai đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép ưu tiên đầu tư nâng cấp mở rộng đoạn Yên Bái - Lào Cai (còn 83 km) lên 4 làn xe ngay trong năm 2023, hoàn thành trong năm 2025; đồng thời chỉ đạo điều chỉnh tăng tốc độ tối đa toàn tuyến lên 120 km/h; bảo đảm hàng hóa luân chuyển trên toàn tuyến hành lang kinh tế trong 1 ngày. Đồng thời, cho chủ trương đầu tư mở rộng đủ 6 làn đường toàn tuyến theo quy hoạch sẽ thực hiện xong trước năm 2030.

Đối với Dự án Cảng Hàng không Sa Pa, tỉnh Lào Cai đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương ủng hộ và có định hướng xây dựng Cảng Hàng không Sa Pa thành Cảng Hàng không Quốc tế trước 2030 để tỉnh Lào Cai cập nhật ngay nội dung này vào trong Quy hoạch tỉnh đang dự kiến trình Thủ tướng trong tháng 9/2022. 

Đối với đường sắt, tỉnh Lào Cai đề nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến trao đổi ở cấp Chính phủ với Trung Quốc đẩy nhanh quá trình ký thống nhất phương án và triển khai thực hiện kết nối giữa ga Lào Cai (Việt Nam) - ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc); Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sớm nghiên cứu đầu tư tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng khổ 1.435 mm.

Về kiến nghị liên quan đến cơ chế, chính sách, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong nêu rõ: Ngoài thể chế cho liên kết vùng đang được Chính phủ, các bộ, ngành tập trung xây dựng, hoàn thiện thì vấn đề nguồn lực có tầm quan trọng đặc biệt. Tỉnh Lào Cai xác định, nếu chỉ trông chờ vào nguồn đầu tư và hỗ trợ của Trung ương thì sẽ không thể bứt phá vươn lên và đạt được các mục tiêu của Nghị quyết 11. Do vậy, bám sát 4 trụ cột của nền kinh tế đã được xác định trong quy hoạch tỉnh, Lào Cai đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và Đoàn công tác mội số nội dung cơ chế, chính sách đặc thù riêng để tỉnh tích cực, chủ động hơn.

Về du lịch, đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu cho phép thực hiện một số cơ chế đặc thù đối với Khu du lịch quốc gia Sa Pa như cho phép đầu tư dịch vụ kinh doanh các trò chơi có thưởng trên máy trò chơi điện tử có thưởng và bàn trò chơi (Casino) trên địa bàn thị xã Sa Pa; cho phép tỉnh được sử dụng 100% nguồn thu từ cho thuê đất để chi đầu tư như đối với nguồn thu tiền sử dụng đất, khoản thu này đề nghị được loại trừ trước khi tính tăng thu để cải cách tiền lương; thời gian thí điểm đến hết năm 2030, kinh phí này chỉ sử dụng để chi đầu tư cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng của thị xã Sa Pa; ủy quyền hoặc phân cấp cho tỉnh được điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Sa Pa - thị xã Sa Pa đến năm 2040 trên cơ sở ý kiến thống nhất của các cơ quan chuyên ngành (sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch).

Lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương tham gia ý kiến tại buổi làm việc.

Về phát triển Khu kinh tế cửa khẩu, đề nghị Chính phủ cho phép tỉnh Lào Cai được thí điểm triển khai Khu hợp tác kinh tế qua biên giới trong phạm vi Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai theo đúng nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định trong Nghị quyết 11-NQ/TW; đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh Lào Cai để lại khoảng 50% phần vượt thu xuất, nhập khẩu so với dự toán Trung ương giao hàng năm đến hết năm 2030 để đầu tư hạ tầng kết nối Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai.

Về sản xuất công nghiệp, đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp tháo gỡ, tái cơ cấu lại hoạt động của Công ty Cổ phần Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM); điều chỉnh tỷ lệ phân chia tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với Giấy phép do Trung ương cấp theo tỷ lệ Trung ương hưởng 30%; địa phương hưởng 70%.
Về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đề nghị Chính phủ sớm triển khai “Xây dựng thí điểm một số mô hình quản lý rừng bền vững dựa vào cộng đồng” với trọng tâm là thúc đẩy sớm thị trường tín chỉ các-bon theo Nghị quyết 96 của Chính phủ gắn với ổn định và từng bước nâng cao thu nhập, đời sống nhân dân vùng đồng bào dân tộc, khu vực biên giới.

Tỉnh Lào Cai cũng đề xuất, kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương một số nội dung liên quan đến công tác quản lý biên giới, lãnh thổ quốc gia.
Trên cơ sở báo cáo và đề xuất, kiến nghị của tỉnh Lào Cai, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã dành nhiều thời gian phân tích về tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh, cũng như những bất cập, hạn chế; đồng thời gợi ý các giải pháp, nhiệm vụ, cho ý kiến về các đề xuất, kiến nghị để tỉnh phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Hành động quyết liệt để thực hiện mục tiêu đề ra

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Nguồn lực của Lào Cai rất lớn. Trước hết, Lào Cai ở nơi sông đầu nguồn, núi tuyệt đỉnh; trung tâm của các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc, nằm trên hai hành lang kinh tế lớn và được kết nối với các vành đai kinh tế lớn của đồng bằng sông Hồng; có đầy đủ loại hình giao thông. Cùng với đó, Sa Pa - Lào Cai có từ hơn 100 năm, đã khẳng định được thương hiệu du lịch đối với thế giới; có nhiều tài nguyên khoáng sản, có cửa khẩu quốc tế; giàu bản sắc văn hóa. Truyền thống lịch sử, cách mạng qua các thời kỳ của Lào Cai chính là nguồn lực, động lực to lớn cho sự phát triển của tỉnh. 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc.

“Tiềm năng, nguồn lực như vậy. Việc phát triển nhanh hay chậm, nhiều hay ít là do tỉnh, không ai có thể làm thay. Do vậy, Lào Cai đoàn kết, thống nhất quyết tâm cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, việc phải trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó”, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu. 

Mặc dù có nhiều thành công, thuận lợi, nhưng tỉnh cần xác định, những khó khăn, thách thức ngày càng nhiều. “Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các đồng chí phải tích cực, chủ động theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, giữ vững độc lập, chủ quyền của đất nước tại một tỉnh biên giới như Lào Cai; xây dựng đường biên giới hòa bình, hợp tác, hữu nghị, góp phần củng cố tình đoàn kết, hữu nghị của hai đất nước, hai dân tộc; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc về an ninh, quốc phòng; xây dựng phòng tuyến hợp tác cạnh tranh kinh tế quốc tế thực chất và hiệu quả”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Tiếp tục quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, nghị quyết của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ để cụ thể hóa thành những nhiệm vụ cụ thể, tổ chức cho tốt, kịp thời điều chỉnh mục tiêu, giải pháp cho phù hợp với thực tế.

Trên cơ sở tiềm năng khác biệt, lợi thế đặc biệt, riêng có, Lào Cai cần biến tiềm năng thành tiềm lực, nguồn lực để phát triển; phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tự vươn lên, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; nâng cao trình độ tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các cấp; xây dựng cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất, hành động; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, tận tụy, vì Nhân dan phục vụ; đẩy mạnh công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Đối với những công việc cụ thể, Lào Cai cần tiếp tục tập trung phòng, chống dịch bệnh, nhất là tiêm vắc xin theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế cho các đối tượng phải tiêm phòng. “Hơn hai năm 2 qua, chúng ta đã quá vất vả phòng, chống dịch Covid-19, nên chúng ta cần tập trung hơn nữa cho công tác này, không được để dịch bệnh y tế bùng phát trở lại. Tiếp tục quan tâm đến công tác y tế, nhất định không được để thiếu thuốc, vật tư y tế như thời gian qua trên tinh thần trong sạch, trong sáng và phải coi đây là nhiệm vụ quan trọng”, Thủ tướng Chính phủ đề nghị. 

Quan tâm sâu sắc đến công tác giáo dục - đào tạo, luôn luôn coi đó là quốc sách, từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ cho sự phát triển của địa phương. 

Đẩy nhanh hơn nữa công tác quy hoạch, cần khai thác, phát huy tối đa bản sắc văn hóa, thương hiệu Sa Pa, lấy sông Hồng làm trục dọc phát triển không chỉ cho Lào Cai mà cho cả vùng; nghiên cứu đầu tư xây dựng thêm nhiều cầu qua sông Hồng, phát triển không gian dọc hai bờ sông Hồng trên tinh thần “qua sông thì bắc cầu, qua núi thì đào hầm và qua đồng ruộng thì đổ đất”; đồng thời phải “hóa giải” được những điểm nghẽn, nút thắt; quy hoạch phải có tầm nhìn xa, chiến lược, tư duy đổi mới, dành nhiều thời gian cho công tác quy hoạch. “Trong quy hoạch, những chỗ vị trí đẹp cần để dành cho sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động, chứ không phải dành cho đô thị, bất động sản”, Thủ tướng yêu cầu.

Tập trung đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, nếu vướng mắc ở đâu thì chủ động kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan; khẩn trương triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Cơ cấu lại sản xuất, đầu tư, tránh dàn trải, việc quan trọng thì làm trước, chứ đừng chia nhỏ nguồn lực đầu tư, dẫn đến manh mún, vụn vặt.

Phát triển hạ tầng đồng bộ, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn chỉnh quy hoạch đầu tư phát triển hạ tầng đường sắt, đường thủy nội địa.
Chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, xã hội số, công dân số cần mạnh mẽ, quyết liệt hơn, đó là xu thế của thời đại. Song song với đó, chuyển đổi năng lượng xanh, chống biến đổi khí hậu.

Giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, cân đối nguồn lực để phân bổ kịp thời cho công tác chống sạt lở, xói mòn khu vực biên giới.

Chủ động liên kết, kết nối, hợp tác kinh tế quốc tế; cạnh tranh minh bạch trên phòng tuyến hợp tác kinh tế; xây dựng quan hệ tốt đẹp với các địa phương phía Trung Quốc, đảm bảo thúc đẩy sự phát triển của hai địa phương.

Có các giải pháp để huy động nguồn lực công tư, vốn Nhà nước là dẫn dắt, vốn mồi để huy động các nguồn vốn khác, tăng thu, tiết kiệm chi để tiến tới tự cân đối ngân sách.

Tập trung cải cách hành chính; trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh, thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công; tham gia thực hiện chuyển đổi số trong từng lĩnh vực của đời sống.

Về các đề xuất, kiến nghị của Lào Cai, trên cơ sở các ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và khảo sát, nghiên cứu thực tế, Thủ tướng Chính phủ cơ bản nhất trí, trên nguyên tắc đảm bảo đúng các quy định của pháp luật; tạo cơ chế khơi thông, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển.

Thủ tướng Chính phủ chụp ảnh lưu niệm với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đại biểu.

https://baolaocai.vn/bai-viet/359934-thu-tuong-chinh-phu-pham-minh-chinh-lao-cai-can-bien-tiem-nang-thanh-tiem-luc-nguon-luc-de-phat-trien

Theo Thanh Nam- Đức Phương - Ngọc Bằng/LCĐT

Tin Liên Quan

Thực hiện thí điểm một số dịch vụ không tiếp nhận bản giấy - Bước tiến mới trong cải cách thủ tục hành chính

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ công trực tuyến, từ tháng 12/2023, Lào Cai đã triển khai thực hiện thí điểm "một số dịch vụ không tiếp nhận bản giấy, một số ngày không tiếp nhận bản giấy" trên địa bàn tỉnh.

Sự đồng thuận quan trọng của EU

Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua 10 điều luật nhằm cải cách chính sách di cư và tị nạn của Liên minh châu Âu (EU). Đây được đánh giá là sự kiện lịch sử, bước ngoặt quan trọng nhằm tăng cường đoàn kết cũng như trách nhiệm của các nước thành viên EU trong việc tìm “chìa khóa” cho vấn đề người di cư,...

Lào Cai: Quyết liệt triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh

Thời gian qua, trật tự, an toàn giao thông trong học sinh trên địa bàn tỉnh Lào Cai diễn biến phức tạp. Nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh gây hậu quả nghiêm trọng. Trước tình hình đó, tỉnh Lào Cai đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh.

Thành lập các tiểu ban phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVII

Ngày 9/4/2024, Tỉnh ủy ban hành các quyết định về việc thành lập các tiểu ban phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Phụ nữ Lào Cai rạng rỡ trong trang phục truyền thống

Lào Cai là mảnh đất có đông đồng bào dân tộc cùng sinh sống. Sự đa sắc màu đó đã tạo nên bức tranh văn hóa ấn tượng và một trong số đó là trang phục truyền thống. Những người phụ nữ của đồng bào các dân tộc ở Lào Cai vẫn luôn tự hào, gìn giữ và tỏa sáng với trang phục truyền thống của dân tộc...

Khơi dậy nội lực và khát vọng vươn lên trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là một chương trình mới, tiếp tục khẳng định sự quan tâm, chăm lo đặc biệt của Đảng và nhà nước ta đối với đồng bào các dân tộc thiểu số và những khu vực còn nhiều khó khăn. Sau 3 năm triển khai,...