Lào Cai: Công tác đào tạo nghề gắn với xây dựng nông thôn mới

Chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt cho đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những giải pháp thiết thực giúp mỗi người dân và gia đình có việc làm ổn định, thoát nghèo, giúp nhiều người dân chuyển đổi việc làm thành công. Tỉnh Lào Cai đã và đang quan tâm đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động. Trong đó, công tác dạy nghề góp phần nâng cao dân trí, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.

Lao động nông thôn có cơ hội học tập, làm việc trong các ngành nghề khác như du lịch, dịch vụ, giao thông vận tải, xây dựng,...

 

Công tác đào tạo nghề gắn với xây dựng nông thôn mới

Từ năm 2012 đến hết hết 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh Lào Cai đã đào tạo nghề cho 158.738 người lao động. Trong đó có 93.041 lao động nông thôn được đào tạo ngắn hạn (dưới 3 tháng) trong các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh. Hết năm 2021 có khoảng 21.258 người được đào tạo nghề dài hạn (6 tháng trở lên). Đến hết 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ người lao động qua đào tạo đã đạt 65,93% (tăng 29% so với với năm 2010); chỉ số đào tạo lao động của Lào Cai tăng từ 5,84 điểm (năm 2015) lên 6,89 điểm (năm 2020).

Công tác dạy nghề được thực hiện gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo bền vững. Trong đó, tập trung mở các lớp đào tạo nghề cho người lao động tại 127 xã xây dựng nông thôn mới và các xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 40%. Kết quả công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đã góp phần thực hiện tiêu chí số 14.3 “Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới.

Cơ cấu lao động chuyển dịch nhanh từ nông, lâm nghiệp sang khu vực công nghiệp, dịch vụ. Các cơ sở giáo dục, dạy nghề đã chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng ngành nghề tạo nhiều cơ hội việc làm cho người lao động, tập trung vào các ngành sản xuất truyền thống sẵn có như: kỹ thuật trồng và khai thác rừng trồng, chế biến lâm sản, trồng rau an toàn, hướng tới phát triển các lĩnh vực ngành nghề mới như du lịch cộng đồng, kỹ thuật xây dựng. Lao động nông thôn có cơ hội làm việc trong các ngành nghề khác như du lịch, dịch vụ, giao thông vận tải, xây dựng,...

Kết quả dạy nghề đã góp phần nâng cao năng xuất, chất lượng nông, lâm, thủy sản; xây dựng nông thôn mới bền vững; nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Thích ứng linh hoạt trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động

Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của tỉnh về dạy nghề luôn được tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân, từ đó tạo cơ hội chuyển đổi việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Công tác quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp đã tạo sự thống nhất, xuyên suốt, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các ngành, địa phương trong việc thực hiện quyền hạn, trách nhiệm được giao; bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Cơ sở vật chất các đơn vị giáo dục nghề nghiệp được đầu tư xây dựng theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng thực hành, tạo điều kiện thuận lợi cho người học phát huy trí tuệ, say mê thực tập, đổi mới sáng tạo, tích luỹ kiến thức, nâng cao kỹ năng thực hành.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Tỉnh Lào Cai; Cao đẳng Lào Cai, Trung cấp Nghề Apatit Việt Nam, Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp, hướng nghiệp dạy nghề và giáo dục thường xuyên tỉnh và 12 trung tâm có hoạt động giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu học nghề của lao động nông thôn.

Để công tác đào tạo nghề sát với thực tế và nhu cầu của người lao động, hàng năm, các địa phương trong tỉnh đều tổ chức điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, đặc biệt là đối với người dân tộc thiểu số; nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh,...Nội dung, phương pháp, hình thức dạy nghề được đổi mới theo hướng lấy người học là trung tâm; tích hợp kiến thức, kỹ năng, tác phong làm việc chuyên nghiệp hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học. Chú trọng đánh giá kỹ năng nghề đảm bảo học sinh, sinh viên sau khi hoàn thành chương trình đào tạo có khả năng thực hành nghề nghiệp đáp ứng được yêu cầu của đơn vị tuyển dụng và thị trường lao động. Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Nhiều hình thức dạy nghề được thực hiện như dạy tập trung, dạy tại cơ sở sản xuất kinh doanh, liên kết giảng dạy,...

Ngoài nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, việc xã hội hóa công tác dạy nghề được đẩy mạnh; thực hiện liên doanh, liên kết các trình độ đào tạo; thực hiện phân luồng, khuyến khích học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào học nghề. Thông qua xã hội hóa đã huy động được nhiều nguồn lực chăm lo sự nghiệp dạy nghề, đặc biệt là quan tâm các đối tượng chính sách, người nghèo,…

Tỉnh cũng đã triển khai đồng bộ các giải pháp đào tạo nghề, giải pháp hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường làm việc. Đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp bị thiếu hụt lao động do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và nhu cầu tìm việc làm của người lao động, đặc biệt là những lao động bị mất việc làm hoặc thiếu việc làm do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Năm 2022, tỉnh Lào Cai phấn đấu giải quyết việc làm cho trên 13.000 lao động; đảm bảo 100% lao động có nhu cầu tìm việc làm đều được tiếp cận các thông tin tuyển dụng lao động của doanh nghiệp, các dịch vụ tư vấn giới thiệu việc làm; tập trung đào tạo nghề gắn với thực tế vùng miền, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, coi đó là động lực xóa nghèo, bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương.

Để đạt được mục tiêu đó, Lào Cai sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án «Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp cho người lao động, giai đoạn 2021- 2025», thực hiệu quả mục tiêu Đề án “Đổi mới, phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện - nguồn nhân lực - khoa học công nghệ tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 - 2025” đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động và yêu cầu của thị trường lao động. Trọng tâm là tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lao động nông thôn tham gia học nghề, ưu tiên đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người dân các xã xây dựng nông thôn mới, xã phát triển du lịch, làng nghề,… Phối hợp tạo việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp, nâng cao năng suất lao động và ổn định thu nhập cho người dân. Đổi mới, nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Phối hợp định hướng phân luồng học sinh THCS, THPT. Hỗ trợ khởi nghiệp cho người lao động sau khi học nghề. Triển khai đào tạo nghề cho người lao động, ưu tiên nâng cao kiến thức, kỹ năng cho các đối tượng là lao động nông thôn, lao động bị thôi việc, mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lao động bị mất việc làm tại vùng biên giới, lao động di cư tự do, lao động là người khuyết tật, người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, người có công với cách mạng, thanh niên, người chấp hành xong hình phạt tù... để chủ động tham gia thị trường lao động, ổn định sinh kế. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng các ngành nghề công nghiệp - xây dựng và lĩnh vực du lịch, dịch vụ thương mại và trong nội bộ từng ngành.

Công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn đã và đang được tỉnh Lào Cai tích cực triển khai góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, phát triển kinh tế xanh, bền vững, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.

Thu Hương

Tin Liên Quan

Lào Cai quan tâm bảo tồn và phát triển làng nghề

Từ nay đến năm 2030, tỉnh Lào Cai sẽ quan tâm phát triển 06 nhóm ngành nghề nông thôn với mục tiêu phát huy tiềm năng của khu vực nông thôn, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Rộn ràng Ngày hội đọc sách tại trường PTDTBT THCS Bản Khoang, xã Ngũ Chỉ Sơn, Sa Pa

Ngày 19/4/2024, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Thư viện tỉnh tổ chức Ngày hội đọc sách tại trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Bản Khoang (xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa). Đây là hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4.

Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 10,77% trở lên đối với 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh

Đó là mục tiêu được tỉnh Lào Cai đặt ra đối với 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh trong năm 2024.

3 dự án về nông nghiệp được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư

Quý I/2024, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với 3 dự án về nông nghiệp.

Lào Cai phát triển vùng nguyên liệu chuối, dứa, cây ăn quả ôn đới

Năm 2024, tỉnh Lào Cai tiếp tục tập trung nguồn lực nhằm xây dựng ổn định và nâng cao chất lượng vùng cây ăn quả ôn đới gắn với sản phẩm OCOP và phát triển du lịch nông nghiệp. Tăng cường quảng bá phát triển mở rộng các mô hình sản xuất gắn với du lịch nông nghiệp, phục vụ nhu cầu du khách góp phần...

Triển khai công bố hiện trạng rừng tỉnh Lào Cai năm 2023

Để đảm bảo số liệu hiện trạng rừng phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp và công tác kiểm tra, giám sát ở địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành Văn bản số 1522/UBND-NLN chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh, địa phương triển khai một số nội dung về công bố hiện trạng rừng tỉnh...