Ngăn chặn tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội và hiện tượng “tư nhân hóa” báo chí

Sáng 22/12/2022, Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị trực tiếp và trực tuyến “Đánh giá kết quả hoạt động thông tin điện tử năm 2022 và định hướng nhiệm vụ năm 2023”.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Thanh Lâm chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị ở điểm cầu trung ương còn có ông Lê Quang Tự Do – Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử cùng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thông tin điện tử, mạng xã hội. 

Tại điểm cầu tỉnh Lào Cai, tham dự có đại diện Ban Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cùng lãnh đạo, chuyên viên các phòng chuyên môn thuộc Sở.

Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, đại diện Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã trình bày tổng quan lĩnh vực thông tin điện tử tại Việt Nam, các giải pháp đã triển khai năm 2022, một số vấn đề đặt ra trong công tác quản lý và một số định hướng phát triển trong năm 2023. Theo thống kế của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến 30/11/2022, trên toàn quốc có 1980 trang thông tin điện tử tổng hợp, 956 giấy phép mạng xã hội được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép, 72 triệu người dùng Việt Nam dùng mạng xã hội, 506 doanh nghiệp có dịch vụ cung cấp nội dung trên mạng viễn thông di động. 

Hội nghị cũng đã nghe một số phát biểu, trao đổi giữa cơ quan quản lý nhà nước với các đơn vị địa phương, doanh nghiệp với nội dung: tình hình vi phạm báo hóa trang thông tin điện tử tại địa phương; công tác quảng cáo trên mạng xã hội; cơ chế quảng cáo trên trang thông tin điện tử; giải pháp phát triển mạng xã hội mới tại Việt Nam; làm sao để chặn các game lậu, game xuyên biên giới; chính sách ưu tiên đặt hàng tuyên truyền trên mạng xã hội; công tác quản lý phát triển game tại Việt Nam …

Điểm cầu tại Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lào Cai.

Năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 27/2018/NĐ-CP. Trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung quy định để xử lý tình trạng “báo hóa” trang tin điện tử và mạng xã hội; quản lý chặt hơn dịch vụ nội dung cung cấp xuyên biên giới; đồng thời giảm bớt các thủ tục hành chính để tạo điều kiện phát triển cho doanh nghiệp trong nước…

Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức triển khai một số cách làm mới: Ban hành Tiêu chí nhận diện “báo hóa”; Xây dựng Bộ nhận diện các hành vi vi phạm hành chính liên quan đến “báo hóa”; Kiểm tra một số cơ quan báo chí là nguồn tin của các trang thông tin điện tử tổng hợp lớn; Thay đổi tư duy quản lý với phương châm: “Muốn quản được phải thấy được”; Thay đổi phương thức tiếp cận, đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới (Facebook, Google, TikTok…); Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Quy trình xử lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật (ca sỹ, nghệ sỹ…) vi phạm pháp luật: Cấm biểu diễn, cấm sóng, cấm mạng; Xây dựng bộ danh sách nội dung “sạch” (White List) và nội dung “đen” (Black list) trên mạng của Việt Nam; Đàm phán với Google để đạt thỏa thuận gỡ bỏ các quảng cáo vi phạm (thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe) bằng phương thức nhanh hơn. Google đã gỡ hơn 2000 quảng cáo vi phạm trong 6 tháng cuối năm 2022.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nêu một số vấn đề đặt ra trong công tác quản lý nhà nước. Đối với trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội: Tình trạng báo hóa trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội vẫn còn tồn tại nhiều; Nhiều dịch vụ và phương thức cung cấp nội dung mới trên mạng, trong khi việc yêu cầu ngăn chặn mất thời gian; Một số doanh nghiệp triển khai cung cấp dịch vụ không đúng Giấy phép, không thực hiện báo cáo định kỳ. 

Đối với việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu, độc, tin giả, sai sự thật trên mạng Internet: Tin giả tồn tại như rác, quét hết rác lại có rác mới; Quy trình, thời gian xác minh tin giả còn chậm trễ; Doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam chưa tuân thủ pháp luật Việt Nam; Chưa có cơ chế phối hợp cụ thể, hiệu quả giữa Bộ Thông tin và Truyền thông với các Bộ, ngành khác, Sở Thông tin và Truyền thông địa phương; Công cụ kỹ thuật để rà soát, phát hiện vi phạm còn thiếu.

Đối với Trò chơi điện tử trên mạng: Trò chơi không phép, đánh bạc, đổi thưởng vẫn tiếp tục gia tăng trên các kho ứng dụng; Một số doanh nghiệp triển khai cung cấp dịch vụ không đúng Giấy phép, Quyết định, không thực hiện báo cáo định kỳ; Tỷ lệ trò chơi được cấp phép phát hành có nguồn gốc nước ngoài vẫn chiếm tỷ lệ lớn; Chưa có cơ chế, chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp sản xuất game; Hầu hết các Công ty game ở Việt Nam đều đóng vai trò là những nhà phát hành game hơn là nhà sản xuất.

Đối với Quảng cáo trên mạng Internet: Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài chưa nghiêm túc tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam; Các nhãn hàng, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo Việt Nam vẫn chưa chủ động kiểm soát quảng cáo; Công cụ kỹ thuật để rà soát nội dung quảng cáo, vị trí đặt quảng cáo vẫn chưa hiệu quả.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề ra một số định hướng phát triển trong năm 2023: Một là, triển khai thực hiện Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP, Nghị định 27/2018/NĐ-CP sau khi được Chính phủ ban hành. Hai là, xử lý cơ bản tình trạng tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội. Ba là, tiếp tục tăng cường rà quét, xử lý vi phạm trên mạng Internet: Xây dựng cơ chế phối hợp bộ, ngành, Sở Thông tin và Truyền thông; Tổ chức Hội nghị các mạng đa kênh, người nổi tiếng để kết nối, phổ biến quy định pháp luật…Bốn là, ban hành Chiến lược phát triển lĩnh vực game online, giai đoạn 2022-2027. Năm là, công bố và truyền thông bộ danh sách nội dung “sạch” trên mạng (White List) và nội dung “đen” (Black List) của Việt Nam. Sáu là, tăng cường phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và lực lượng Công an để tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra đối với các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực./.

Quỳnh Hoa

Tin Liên Quan

Đổi mới để tạo đột phá trong xúc tiến, quảng bá du lịch

Để định vị Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu khu vực Đông Nam Á như mục tiêu Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã đặt ra, chắc chắn không thể thiếu vai trò của xúc tiến, quảng bá du lịch.

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024): Chiến thắng Điện Biên Phủ - Biểu tượng và đỉnh cao của văn hóa giữ nước Việt Nam

70 năm qua, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, đã có hàng nghìn công trình lớn, nhỏ, trong nước và nước ngoài nghiên cứu về chiến dịch này để cố gắng đưa ra những đánh giá đầy đủ, trọn vẹn nhất về ý nghĩa, tầm ảnh hưởng to lớn của sự kiện đối với Việt Nam và thế giới.

Chuyên gia Mỹ Latinh: Việt Nam là ngọn hải đăng hy vọng của thế giới

Tiến sĩ Ruvislei González Sáez, chuyên gia hàng đầu về Việt Nam ở khu vực Mỹ Latinh, khẳng định Việt Nam là ngọn hải đăng hy vọng của thế giới, là lũy thép ngăn chặn chủ nghĩa đế quốc.

Khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 6 triệu lượt trong 4 tháng

Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tháng 4 đạt 1,55 triệu lượt, cao hơn 58,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách quốc tế đạt 6,2 triệu lượt, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm 2023.

[INFOGRAPHIC] Kinh tế - xã hội 4 tháng: Nhiều lĩnh vực tiếp tục xu hướng tích cực

Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024, cho thấy tình hình kinh tế - xã hội khởi sắc trên nhiều lĩnh vực.

Kỷ niệm 49 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Ngày vui thống nhất non sông

Chỉ có thống nhất Việt Nam mới có thể giàu mạnh, chỉ có thống nhất nhân dân mới có cuộc sống Độc lập - Tự do - Hạnh phúc!