Các nhà tài trợ cam kết không giảm mức đầu tư cho Việt Nam

VDFP là diễn đàn đầu tiên và đổi mới của mối quan hệ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam với các đối tác phát triển, đánh dấu sự kiện Việt Nam trở thành quốc gia đối tác phát triển.
Sáng 5/12, đã diễn ra Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDFP), (thay cho Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ - CG) trước đây.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến dự và trực tiếp đối thoại với đại diện các đối tác phát triển.
 
Tham dự Diễn đàn có gần 300 đại biểu đến từ 20 bộ, ngành, địa phương trong nước và các Đại sứ, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế và các đối tác phát triển của Việt Nam.
 

Caption

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Diễn đàn VDFP

Với chủ đề: “Thiết lập đối tác mới: Hướng tới cạnh tranh, tăng trưởng toàn diện và bền vững”, Diễn đàn tiến hành thảo luận về chính sách giữa Chính phủ Việt Nam với các nhà tài trợ, các tổ chức xã hội dân sự quốc tế và trong nước, các viện nghiên cứu trong nước và các tác nhân phát triển khác nhằm tăng cường phát triển kinh tế-xã hội toàn diện ở Việt Nam.
 
Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển đã chọn 4 chủ đề thảo luận, bao gồm: Giảm nghèo và giảm nghèo cho vùng dân tộc thiểu số; thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào việc cung cấp dịch vụ nước sạch và vệ sinh; tăng cường hiệu quả của các hệ thống quản lý môi trường và nâng cao tính cạnh tranh thông qua phát triển kỹ năng và đào tạo nghề.
 
Kiến tạo môi trường phát triển quốc gia hiệu quả hơn
 

Tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết trong 20 năm qua, Chính phủ Việt Nam đã cùng các nhà tài trợ quốc tế hợp tác hiệu quả. Từ nước kém phát triển đầu những năm 1990, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đồng thời Việt Nam đã sớm hoàn thành cơ bản các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG) và xóa đói giảm nghèo. Đây là niềm tự hào, là niềm vui chung của Việt Nam và các Nhà tài trợ về sự hợp tác kiên trì, có hiệu quả và rất thành công trong suốt hơn 20 năm qua.
 
Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ lời cảm ơn chân thành về sự hỗ trợ to lớn và hiệu quả của các nhà tài trợ trong thời gian qua.
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Hiến pháp (sửa đổi) và sửa đổi một số bộ luật quan trọng. Bên cạnh đó, Việt Nam đang tiến hành đàm phán 6 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các đối tác và nền  kinh  tế hàng đầu thế giới, như Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU... có các tiêu chuẩn cao về kinh tế thị trường và dự kiến kết thúc trong 2014-2015. Đó là những cơ sở quan trọng để Việt Nam thực hiện mạnh mẽ đột phá về xây dựng thể chế, kiến tạo môi trường phát triển quốc gia hiệu quả hơn, cạnh tranh hơn với sự tham gia tích cực, chủ động của các doanh nghiệp và mọi người dân.
 
Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát tốt hơn theo mục tiêu đã đề ra. Việt Nam duy trì tăng trưởng bảo đảm năm 2014 GDP tăng trưởng 5,8%, năm 2015 tăng trưởng 6%, ổn định tỷ giá, bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam, đẩy mạnh xuất khẩu và giữ đà xuất khẩu tăng trưởng cao như hiện nay.
 
Chính phủ Việt Nam tập trung tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng để nền kinh tế có hiệu quả cao, sức cạnh tranh cao hơn và phát triển bền vững hơn, để Việt Nam không rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam sẽ thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược. Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, trong đó sẽ tham gia đàm phán các hiệp định thương mại tự d TPP, FTA với châu Âu, liên minh thuế quan Nga, Belarus, Khazakhstan; tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường để tạo ra môi trường kinh doanh công bằng minh bạch, hiệu quả  cho tất cả các thành phần kinh tế.

Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường với các mặt hàng và dịch vụ công thiết yêu như điện, than, xăng dầu, nước, dịch vụ y tế...

Đột phá tiếp theo được Thủ tướng cam kết trước các đối tác phát triển, các nhà đầu tư là tiếp tục đầu tư, huy động nguồn lực của nhà nước, của các thành phần kinh tế, kể cả PPP để đầu tư kết cấu hạ tầng. “Đây là khâu Việt Nam đang gặp khó khăn, phải dồn sức đầu tư kết cấu hạ tầng” – Thủ tướng lưu ý.
Việt Nam cũng sẽ tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
 
Trong khi thực hiện 3 khâu đột phá đó, Việt Nam tiếp tục tập trung tái cơ cấu đầu tư công, để đầu tư công được quản lý chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn. Chính phủ cũng sẽ ban hành các quy định, thể chế để thu hút đầu tư của tư nhân dưới các hình thức.
 
Thủ tướng cam kết tiếp tục tái cơ cấu tài chính ngân hàng để hoạt động hiệu quả hơn, cạnh tranh hơn, đi liền với giảm nhanh nợ xấu để đến 2015 nợ xấu trở về mức bình thường.
 
Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc tập trung tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước để doanh nghiệp nhà nước thực sự hoạt động cạnh tranh theo cơ chế thị trường. Sẽ công khai minh bạch kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước.
 

Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, khôi phục ngành tài chính, ngân hàng và kinh tế quốc doanh, tạo sân chơi bình đẳng cho kinh tế tư nhân là những yếu tố quan trọng để khôi phục lại niềm tin vào nền kinh tế. Đẩy nhanh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và khu vực tài chính sẽ giúp khôi phục năng lực cạnh tranh và tăng trưởng về lâu dài.

 Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam
Phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn
 
Thủ tướng cam kết, Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện có hiệu quả phòng chống tham nhũng theo  hướng  hoàn thiện thể chế cơ chế thị trường, công khai minh bạch, phát huy vai trò của người dân, báo chí, xã hội để góp phần vào phòng chống tham nhũng. “Chính phủ Việt Nam xử lý nghiêm các sai phạm về pháp luật, tham nhũng, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong giải trình, giải đáp” – Thủ tướng nói.
 
Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội tốt hơn.  Chính phủ Việt Nam sẽ tập trung sức tạo việc làm, giảm nghèo bền vững hơn, đặc biệt là với đồng bào dân tộc thiểu số với những quy định, chính sách thiết thực, hiệu quả để giảm nghèo nhanh khu vực này. Những năm qua, bình quân giảm nghèo ở khu vực dân tộc thiểu số đạt 4%/năm, gấp đôi với tỷ lệ giảm nghèo bình quân chung cả nước. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào thiểu số còn cao. Việt Nam thấy rõ điều này và hết sức quyết tâm để giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo trong khu vực đồng bào thiểu số.
 
Việt Nam cũng cam kết tiếp tục hoàn thiện thể chế để quản lý tốt hơn tài nguyên, môi trường để chủ động đối phó với biến đổi khí hậu, biển dâng, phòng chống thiên tai.
 
Chính phủ Việt Nam tiếp tục nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý điều hành trong quản trị, điều hành xã hội, quản lý nền kinh tế.

Để thực hiện được mục tiêu nhiệm vụ, Việt Nam hết sức phấn đấu bằng nội lực của mình là chính, huy động tất cả các nguồn lực từ nhà nước, tư nhân… Đồng thời, mong muốn các đối tác phát triển, các nhà tài trợ tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ Việt Nam cả về tư vấn chính sách, hỗ trợ kỹ thuật, nguồn lực… để giúp Việt Nam giữ vững thành quả trong những năm qua, đồng thời tiếp tục phát triển bền vững.
 
Các đối tác phát triển cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam
 

Tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đánh giá cao nỗ lực và những tiến bộ của Chính phủ Việt Nam trong triển khai Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 5 năm qua với những động lực phát triển phù hợp, nhất là tạo ra nền kinh tế có năng lực cạnh tranh cao hơn, bao gồm các thể chế thị trường lành mạnh nhằm khôi phục tăng trưởng, đồng thời dịch chuyển nền kinh tế lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị.
 
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cho rằng, tăng cường năng lực cạnh tranh, trong đó bao gồm vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh, là vấn đề cơ bản nếu Việt Nam muốn tận dụng tối đa đà phục hồi toàn cầu và từ quá trình hội nhập kinh tế với ASEAN, TPP, EU và trong khuôn khổ các hiệp định thương mại song phương khác.
 
Theo bà Kwawa, tăng trưởng vẫn còn chậm chạp. Tác động của khu vực đầu tư nước ngoài lên khu vực kinh tế tư nhân đã bị giảm sút do mức độ tin tưởng của người tiêu dùng và doanh nghiệp còn thấp và do khu vực kinh tế nhà nước còn trì trệ.
 
“Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, khôi phục ngành tài chính, ngân hàng và kinh tế quốc doanh, tạo sân chơi bình đẳng cho kinh tế tư nhân là những yếu tố quan trọng để khôi phục lại niềm tin vào nền kinh tế. Đẩy nhanh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và khu vực tài chính sẽ giúp khôi phục năng lực cạnh tranh và tăng trưởng về lâu dài” – bà Kwawa nói.
 
Đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, Việt Nam đã kiềm chế thành công lạm phát, tăng được dự trữ ngoại hối nhưng những tiến bộ với sự ổn định vĩ mô vẫn cần được thúc đẩy hơn nữa. Những nỗ lực ổn định vĩ mô, cải cách doanh nghiệp nhà nước vẫn chậm. ADB khuyến khích chính phủ tạo điều kiện cho khối tư nhân tham gia cải cách. ADB cũng cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam trong quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước.
 
Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên hiệp châu Âu (EU) tại Việt Nam, ông Franz Jessen, cho biết: EU hỗ trợ Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau. Thời gian tới, EU cam kết tăng cường nguồn lực hỗ trợ cho Việt Nam, đặc biệt trong việc tăng cường hỗ trợ cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển của Việt Nam. EU cũng ghi nhận những thành tựu Việt Nam đạt được trong đàm phán các hiệp định thương mại tự do với các nước, trong đó có các nước trong EU. Hiện nay, xuất khẩu sang EU chiếm tới 8% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Chính vì thế, EU muốn thấy rõ hơn cam kết của Việt Nam để tăng tỷ trọng này thời gian tới.
 
Đại sứ EU cũng khẳng định: “Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác với các địa phương của Việt Nam để thúc đẩy cải cách, đảm bảo hiệu quả đầu tư công”.
 
Đại sứ Nhật Bản cũng bày tỏ cam kết trong việc tăng cường các nỗ lực, hỗ trợ Việt Nam nhằm cải cách kinh tế.
 
“Những năm gần đây, chúng tôi thấy có tiến triển đạt được trong thực hiện các dự án có sử dụng nguồn vốn ODA. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số dự án triển khai chậm, trong đó có các dự án có vốn của của Nhật Bản. ODA là một cấu phần quan trọng trong FDI của Việt Nam. Chúng tôi quan ngại về việc triển khai thủ tục thực hiện dự án ODA” – Đại sứ Nhật Bản nói.
 

Đại sứ Nhật Bản cũng cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển nguồn nhân lực.
 
 
 Các nhà tài trợ cam kết không giảm mức đầu tư cho Việt Nam
 

Cùng chung cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển nguồn nhân lực, đại diện Chính phủ Hàn Quốc khẳng định tầm quan trọng của nguồn nhân lực đối với công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà Việt Nam đặt mục tiêu đạt được vào năm 2020.
 
Hàn Quốc cam kết đóng góp vào việc phát triển của Việt Nam. Dù đang đối mặt với các thách thức kinh tế ở khu vực và toàn cầu, nhưng vẫn tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tăng trưởng, thúc đẩy xuất khẩu. “Hàn Quốc sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển với Việt Nam” – đại diện Hàn Quốc nói.

Đại sứ Canada bày tỏ sự hoan nghênh với những hành động của Chính phủ trong thúc đẩy cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước, trong đó nhấn mạnh đến việc xây dựng hệ thống luật pháp minh bạch, rõ ràng để bảo đảm sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
 
“Việt Nam cũng đã trải qua quá trình chuyển đổi lớn lao trong hơn 20 năm qua. Sự đóng góp của cộng đồng các nhà tài trợ thời gian qua khá quan trọng đối với quá trình này. Hiện nay, Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi. Hy vọng, các nhà tài trợ được tham gia sâu hơn vào   đối   thoại với Chính phủ”- Đại sứ Canada nói.
 
Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam, khẳng định LHQ và các đối tác sẵn sàng phối hợp với Chính phủ Việt Nam trong tiến trình phát triển để hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu ưu tiên và hoài bão phát triển của quốc gia.
 
Phải thay đổi tư duy về vấn đề ODA
 
Trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp, từ việc được hưởng các khoản vay ODA ưu đãi với lãi suất thấp hoặc ân hạn lâu dài, Việt Nam sẽ đối mặt việc các nguồn vốn này giảm hoặc phải vay lãi suất cao phù hợp với bối cảnh viện trợ toàn cầu.
 
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định: “Việt Nam đã có bước trưởng thành. Việt Nam cần phải thay đổi tư duy về vấn đề ODA. Trước đây, chúng ta nhận ODA là mong muốn viện trợ không hoàn lại hoặc cho vay ưu đãi. Bây giờ, chính sách của quốc tế với chúng ta đã bắt đầu giảm dần ưu đãi, chuyển dần sang vay thương mại”.
 
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, tuy thay đổi hình thức viện trợ nhưng các nhà tài trợ cam kết về cơ bản không giảm mức đầu tư cho Việt Nam trong năm 2014. Con số đó không thấp hơn của năm 2013 - 6,5 tỉ USD.
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lắng nghe và đối thoại với các đối tác phát triển về các lĩnh vực cụ thể, thiết thực đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam.
 

Thủ tướng trân trọng tiếp thu những ý kiến xây dựng, thiết thực và xác đáng của các đối tác phát triển; khẳng định sẽ đưa các ý kiến này vào các cơ chế, chính sách, giải pháp trong công tác chỉ đạo, điều hành, phát triển kinh tế-xã hội./.
 
*Liên quan đến vấn đề tái cơ cấu ngân hàng, thị trường tài chính, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu toàn diện các TCTD, nhất là các NHTMCP yếu kém để hoạt động ngân hàng hiệu quả và cạnh tranh hơn. Đồng thời, tiếp tục CPH các NHTM Nhà nước; tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, bảo đảm an toàn hệ thống; xử lý có  hiệu quả tình trạng sở hữu chéo, đẩy mạnh xử lý nợ xấu và nâng cao hiệu quả hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC). Trong năm 2014, phấn đấu xử lý 100 - 150 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Năm 2015 phấn đấu đưa nợ xấu trở về mức bình thường. 
 
Trong 20 năm qua, từ 1993-2012, tổng vốn ODA các nhà tài trợ cam kết cho Việt Nam là 78,2 tỷ USD, trong đó ký kết đạt 56 tỷ USD, chiếm 71,7% tổng vốn ODA cam kết, bao gồm 51,6 tỷ USD vốn vay ưu đãi, chiếm 88,4% và 6,76 tỷ USD viện trợ không hoàn lại, chiếm 11,6%. Tổng vốn ODA giải ngân trong cùng thời kỳ này đạt 37,6 tỷ USD chiếm 66,9% vốn ODA đã được ký kết.
(theo vietnam.vn)

Tin Liên Quan

Hiệp định Geneve: Bài học quý cho hoạt động đối ngoại quốc phòng, an ninh trong tình hình mới

Mặc dù 70 năm đã trôi qua, nhưng Hiệp định Geneve vẫn vẹn nguyên ý nghĩa lịch sử, giá trị hiện thực và để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý cho hoạt động ngoại giao nói chung và đối ngoại quốc phòng, an ninh nói riêng trong tình hình hiện nay.

Môi trường đầu tư chuyển biến rõ nét

Thời gian gần đây môi trường đầu tư tại một số tỉnh, thành phố được cải thiện rõ rệt. Nhiều thủ tục hành chính, nhất là thủ tục liên quan đến doanh nghiệp và lĩnh vực đầu tư được đơn giản hóa, rút ngắn đáng kể thời gian giải quyết. Có địa phương ban hành cơ chế đặc thù, ủy quyền cho một...

Làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ, giáo dục trẻ em trong tình hình mới

Những chủ trương, định hướng lớn của Ðảng và Hiến pháp năm 2013 đang đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, nhất là việc bảo vệ trẻ em trước và trong hoạt động tố tụng hình sự.

Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người

Ngày 25/4, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam đối với Báo cáo Nhân quyền thường niên năm 2023 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố ngày 22/4/2024, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nhấn mạnh, Báo cáo Nhân...

Sắp diễn ra Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Ninh thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 28/4/2024, tại Long Thuận Hotel & Resort (số 01 đường Yên Ninh, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận), UBND tỉnh Ninh Thuận sẽ tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận.

Hơn 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu được giới thiệu tại Triển lãm Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử

Triển lãm "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử" giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu phản ánh về trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ năm 1954 và khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ; sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của...