Triển khai Đề án 06: Người dân và doanh nghiệp sẽ hưởng nhiều lợi ích

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06).

Công an Lào Cai đang làm thủ tục cấp căn cước công dân cho người dân tại cơ sở (Ảnh: Quỳnh Hoa) 

Định danh và xác thực điện tử

Tài khoản định danh điện tử là tập hợp gồm tên đăng nhập, mật khẩu hoặc hình thức xác thực khác được tạo lập bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an. Tài khoản này được quản lý và xác thực trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia do Bộ Công an phát triển (cụ thể là ứng dụng VNEID).

Khi triển khai Đề án 06, mỗi người dân và doanh nghiệp sẽ được cung cấp tài khoản định danh điện tử để phục vụ các giao dịch trên môi trường điện tử gắn với các hệ sinh thái chữ ký số, hợp đồng điện tử, thanh toán điện tử… tạo ra điều kiện cho công dân và doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Khi công dân sử dụng tài khoản định danh điện tử sẽ được hưởng những lợi ích thiết thực như: Thực hiện các dịch vụ công (đã được tích hợp trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia) các thông tin cá nhân sẽ được tự điền thông tin vào các biểu mẫu (form) đăng ký mà không phải khai báo, điền thông tin nhiều lần giúp tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí cho các loại biểu mẫu kê khai, giảm nhiều khâu thủ tục cần giải quyết; có thể cung cấp, chia sẻ, đảm bảo chính xác thông tin của mình với bên thứ 3 thông qua quét mã QRcode hoặc giải pháp kỹ thuật khác khi hệ thống của bên thứ 3 đủ điều kiện kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử; thay thế căn cước công dân (CCCD) vật lý và các loại giấy tờ mà công dân đăng ký tích hợp hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia (giấy phép lái xe, đăng ký xe, thẻ bảo hiểm y tế,...); thực hiện các giao dịch tài chính (thanh toán hóa đơn điện, nước, đóng bảo hiểm xã hội, y tế, chuyển tiền…).

Đặc biệt, khi hệ thống định danh và xác thực điện tử được đưa vào sử dụng sẽ là nền tảng để phát triển hệ sinh thái số trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến gắn kết với chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh bảo đảm thông tin, dữ liệu điện tử chỉ cần cung cấp, số hóa một lần. Với các tổ chức tài chính, ngân hàng, thanh toán điện tử, giao dịch điện tử… kết nối, sử dụng các ứng dụng của hệ thống định danh và xác thực điện tử thì các tài khoản người dùng đều được xác thực đảm bảo đúng với danh tính của từng công dân tạo sự minh bạch, góp phần trong công tác đấu tranh, phòng, chống rửa tiền, giảm gian lận và lừa đảo trên không gian mạng.

Định danh và xác thực điện tử cũng rất có ý nghĩa với lĩnh vực thuế. Từ đây với mỗi mã số thuế cá nhân sẽ được gắn đúng cho công dân theo số định danh cá nhân, mã số thuế doanh nghiệp sẽ được gắn đúng theo pháp nhân chịu trách nhiệm. Qua đó, giảm tối đa tình trạng trốn thuế, tránh thất thoát cho ngân sách Nhà nước.

Lĩnh vực bảo hiểm cũng được hưởng lợi từ hệ sinh thái số này. Căn cứ theo từng số định danh cá nhân của công dân sẽ được cấp mã bảo hiểm xã hội. Mã bảo hiểm y tế giúp thông tin minh bạch, xác định được đúng đối tượng được hưởng chính sách.

Hiện nay, Bộ Công an đã triển khai kết nối thông tin chính thức đối với 05 đơn vị: Bảo hiểm xã hội Việt Nam (tích hợp thẻ Bảo hiểm Y tế lên thẻ Căn cước công dân gắn chip); Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính (sử dụng số định danh cá nhân thay cho mã số thuế); Bộ Giáo dục và Đào tạo (nộp hồ sơ đăng ký dự thi trực tuyến); Tập đoàn Điện lực Việt Nam (đăng ký hợp đồng mua bán điện); Bộ Y tế (dữ liệu tiêm chủng).

Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu Giấy phép lái xe, đăng kiểm phương tiện của Bộ Giao thông Vận tải; Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp; Cơ sở dữ liệu an sinh xã hội của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội... Triển khai rộng rãi việc ứng dụng các tính năng của chip diện tử trên thẻ CCCD đối với các lĩnh vực tài chính, hoạt động ngân hàng, giáo dục, quản lý cán bộ công chức... trên nền tảng công nghệ sinh học để cung cấp các dịch vụ định danh, xác thực điện tử và phục vụ các chính sách an sinh xã hội, người có công đảm bảo kịp thời, chính xác, hiệu quả.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là một hệ cơ sở dữ liệu duy nhất được xây dựng tại Trung tâm Cơ sở dữ liệu quốc gia (DLQG) về dân cư Bộ Công an được kết nối thống nhất, đồng bộ đến Công an cấp tỉnh, Công an cấp huyện và Công an xã, phường, thị trấn. Thông tin được xác thực từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là dữ liệu gốc được Chính phủ giao cho Bộ Công an quản lý nên không thể giả mạo, đảm bảo chính xác và duy nhất. Vì vậy, khi công dân thực hiện các giao dịch điện tử sẽ thuận tiện và an toàn.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có ý nghĩa rất quan trọng để xác thực, kết nối các dữ liệu, khai thác phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, hướng tới mục tiêu người dân chỉ khai báo thông tin một lần với cơ quan Nhà nước trong thực hiện các thủ tục hành chính. Điều đó sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho đất nước, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc và quyền lợi của người dân, góp phần tiết kiệm, chống lãng phí, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Đề án 06 hướng tới 5 nhóm tiện ích cốt lõi:

Một là, nhóm tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến: Đề án đề ra mục tiêu cung cấp các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu (tối thiểu 25 dịch vụ thiết yếu thuộc lĩnh vực cư trú, hộ tịch, bảo hiểm xã hội, giáo dục, y tế, đất đai, lao động,…) để người dân, doanh nghiệp trên cơ sở sử dụng xác thực, chia sẻ bằng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Hai là, nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế, xã hội: Nghiên cứu, triển khai việc ứng dụng các tính năng của chip điện tử trên thẻ Căn cước công dân (CCCD) đối với các lĩnh vực tài chính, ngân hàng và một số lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội khác. Tích hợp, phát triển ứng dụng trên nền tảng hệ thống định danh và xác thực điện tử với các ứng dụng cốt lõi như: Ví điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, chứng khoán, điện, nước… lên ứng dụng VNEID, mã QR của thẻ CCCD gắn chíp điện tử. Phát triển, hoàn thiện và triển khai hiệu quả ứng dụng di động công dân số từ VNEID trên cơ sở mở rộng tích hợp các thông tin, dịch vụ y tế, bảo hiểm, giấy phép lái xe, ngân hàng, thanh toán điện tử, ứng cứu khẩn cấp, phản ánh hiện trường, tố giác tội phạm…

Ba là, nhóm tiện ích phục vụ công dân số: Hiện nay, công dân có rất nhiều loại giấy tờ khác nhau, như CCCD, thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, các loại bằng cấp, chứng chỉ… Nhằm tạo điều kiện cho công dân, Đề án đặt ra mục tiêu xác thực 100% các thông tin thiết yếu, quan trọng trên ứng dụng VNEID hoặc qua thẻ CCCD gắn chip điện tử như: Thông tin tiêm chủng, xét nghiệm, giấy phép lái xe, đăng ký xe… từng bước thay thế các giấy tờ của công dân trong một số giao dịch theo quy định của pháp luật. Cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ thương mại phục vụ tiện ích số của công dân trên ứng dụng VNEID như: Dịch vụ cư trú, CCCD, thương mại điện tử, thanh toán điện tử và các dịch vụ khác.

Bốn là, hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư: Triển khai hiệu quả việc kết nối, chia sẻ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác, cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã có như: Cơ sở dữ liệu giáo dục, cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu thuế… đảm bảo giải quyết các thủ tục phục vụ công dân chính xác và thuận lợi.

Năm là, phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp: Trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các thông tin đã được tích hợp, sử dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tổng hợp, phân tích, dự báo các thông tin để phục vụ việc điều hành Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hoạch định chính sách kinh tế, xã hội./. 

Thu Hiền

Tin Liên Quan

Nâng tầm giá trị cốt lõi của thương hiệu quốc gia

Theo đánh giá của tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 102% giai đoạn 2019-2023. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đã khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, thể hiện sự chủ động của nước...

Bảo đảm quyền con người trong lĩnh vực tôn giáo

Thời gian qua, Việt Nam tiếp tục có nhiều nỗ lực nhằm bảo đảm quyền con người, trong đó luôn quan tâm thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Đảng, Nhà nước cũng tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tìm ra hướng đi chung, xóa bỏ những định kiến, cách nhìn nhận, đánh giá không chính xác...

10 di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO vinh danh

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 10 di sản tư liệu được UNESCO vinh danh, bao gồm 3 di sản tư liệu thế giới và 7 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Việt Nam - nền kinh tế thành công của thế kỷ 21

Ông Don Lam, Tổng Giám đốc kiêm Cổ đông sáng lập Tập đoàn VinaCapital nhận định, kinh tế Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong hai thập kỷ qua, mặc dù vẫn còn nhiều thách thức. Ông tin rằng đất nước có thể làm tốt hơn nữa trong việc quảng bá hình ảnh và truyền tải thông điệp thành công ra thế giới.

Sáng tạo số vì mục tiêu phát triển bền vững

Đó là chủ đề Ngày Viễn thông và Xã hội thông tin Thế giới – ngày 17/5 năm 2024.

Việt Nam cam kết mạnh mẽ thúc đẩy và bảo vệ quyền con người

Khẳng định cam kết mạnh mẽ đối với việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh cải cách hành chính công, củng cố dân chủ ở cơ sở, cũng như thực hiện các nghĩa vụ trong khuôn khổ các điều ước quốc tế về...