Củng cố vai trò của châu Phi trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Các nền kinh tế châu Phi có thể trở thành những nhân tố chính trong chuỗi cung ứng toàn cầu bằng cách khai thác nguồn nguyên liệu khổng lồ cần thiết cho các ngành công nghệ cao và thị trường tiêu dùng.Phụ nữ châu Phi học cách lắp ráp linh kiện thiết bị điện mặt trời. (Ảnh LIÊN HỢP QUỐC)
Đó là nhận định của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) đối với tiềm năng của Lục địa đen trong việc tham gia vào chuỗi ung ứng toàn cầu. Hiện được cho là thời điểm để châu Phi củng cố vị thế, góp phần thúc đẩy các ngành công nghiệp mới nổi, tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm cho hàng triệu người dân ở châu lục này.
Trong báo cáo về phát triển kinh tế ở châu Phi năm 2023, UNCTAD nêu rõ, chuỗi cung ứng bao gồm các hệ thống và nguồn lực cần thiết để phát triển, sản xuất, cũng như vận chuyển hàng hóa và dịch vụ từ nhà cung cấp đến khách hàng.
Tổng Thư ký UNCTAD Rebeca Grynspan (R.Grin-xpan) đánh giá, nguồn khoáng sản và kim loại quan trọng dồi dào của châu Phi giúp lục địa này trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà sản xuất.
Bên cạnh đó, những biến động thời gian gần đây, từ bất ổn thương mại tới các sự kiện về địa chính trị và bất ổn kinh tế, buộc các nhà sản xuất phải đa dạng hóa địa điểm hoạt động.
Châu Phi cũng có lợi thế như khả năng tiếp cận các nguồn lực nhanh chóng và đơn giản hơn, lực lượng lao động trẻ hơn, hiểu biết về công nghệ, dễ thích nghi, cùng tầng lớp trung lưu đang phát triển. Đó là những yếu tố thuận lợi để châu Phi mở rộng các địa điểm sản xuất, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Việc tạo ra một môi trường thuận lợi cho các ngành sử dụng nhiều công nghệ sẽ giúp mức lương ở châu Phi tăng. Hiện mức lương tối thiểu ở châu lục này là 220 USD/tháng, thấp hơn so với mức trung bình 668 USD/tháng ở châu Mỹ.
Hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu cũng sẽ giúp đa dạng hóa các nền kinh tế ở châu Phi, tăng cường khả năng phục hồi của châu lục trước những cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Một trong những thế mạnh của châu Phi là có thể mở rộng chuỗi cung ứng năng lượng, coi đây là một cơ hội để thúc đẩy hành động về khí hậu. Với tiềm năng sản xuất hydro xanh hằng năm được đánh giá trị giá 1.000 tỷ euro vào năm 2035, châu Phi có thể xuất khẩu nhiên liệu và thúc đẩy ngành công nghiệp địa phương.
Theo một nghiên cứu được hỗ trợ bởi Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), nhờ khai thác nguồn năng lượng mặt trời dồi dào nhất thế giới, một số quốc gia ở châu Phi có thể sản xuất nhiên liệu bằng cách chiết xuất hydro từ nước nhờ năng lượng tái tạo, với chi phí chưa tới 2 euro 1 kg vào năm 2030.
Tuy nhiên, theo UNCTAD, cần đầu tư nhiều hơn vào năng lượng tái tạo ở châu Phi để giúp thu hẹp đáng kể khoảng cách đầu tư và giải quyết những trở ngại đối với việc sản xuất các tấm pin mặt trời.
Hiện chỉ có khoảng 2% đầu tư toàn cầu vào năng lượng tái tạo là dành cho châu Phi. Sự tăng trưởng đầu tư vào năng lượng tái tạo có thể thúc đẩy việc sản xuất các tấm pin mặt trời trên lục địa này.
Liên hợp quốc đã hỗ trợ châu Phi sáng kiến về pin và xe điện, cho phép lục địa này tiếp cận vào chuỗi giá trị toàn cầu dự kiến đạt 8.800 tỷ USD trong ba năm tới và 46 nghìn tỷ USD vào năm 2050.
Thêm vào đó, Liên hợp quốc đã khởi động Sáng kiến thị trường các-bon châu Phi (ACMI) nhằm mở rộng đáng kể sự tham gia của châu Phi vào các thị trường các-bon tự nguyện.
ACMI đã công bố một tham vọng lớn đối với châu Phi nhằm đạt mục tiêu sản xuất hằng năm 300 triệu tín chỉ các-bon vào năm 2030. Mức sản xuất này dự kiến sẽ mang lại doanh thu 6 tỷ USD và hỗ trợ việc làm cho khoảng 30 triệu người.
Nhiều quốc gia châu Phi bao gồm Kenya, Malawi, Gabon, Nigeria và Togo đã chia sẻ cam kết hợp tác với Sáng kiến ACMI để mở rộng quy mô sản xuất tín chỉ các-bon thông qua các kế hoạch kích hoạt thị trường các-bon tự nguyện.
Để củng cố vị thế là điểm đến của chuỗi cung ứng, châu Phi cần đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng. Hiện có 17 quốc gia châu Phi đã triển khai những quy định để hỗ trợ cho phát triển chuỗi cung ứng ở địa phương, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tạo việc làm và các giá trị đi kèm.
Liên hợp quốc khuyến nghị các nước châu Phi nên tập trung vào việc gia tăng giá trị, triển khai hiệu quả chính sách về tỷ lệ nội địa hóa để giúp châu lục này tham gia tốt hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
https://nhandan.vn/cung-co-vai-tro-cua-chau-phi-trong-chuoi-cung-ung-toan-cau-post770085.html