Lào Cai: Đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống tảo hôn

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gây hệ luỵ không nhỏ tới chất lượng dân số và sự phát triển xã hội. Đảng và Nhà nước ta xác định đây là vấn đề cấp bách cần giải quyết để nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền.

Theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, nam đủ 20 tuổi, nữ đủ 18 tuổi thì mới được phép kết hôn. Tảo hôn là tình trạng nam, nữ kết hôn trước tuổi quy định. Tình trạng này đến nay vẫn còn tồn tại ở những khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, tỉnh Lào Cai có trên 200 trường hợp tảo hôn năm 2021. Đặc biệt là số trẻ em nữ dân tộc thiểu số sinh con khi chưa đủ 18 tuổi rất đáng quan ngại. Từ năm 2018 đến hết tháng 9/2022, toàn tỉnh có trên 3.000 trẻ em nữ dưới 18 tuổi sinh con. 9 tháng đầu năm 2023 có trên 500 phụ nữ dân tộc thiểu số dưới 18 tuổi sinh con lần đầu. Đáng chú ý là tảo hôn xảy ra chủ yếu ở một số dân tộc Mông, Dao, Nùng, Tày, Phù Lá.

Tảo hôn để lại hậu quả rất nguy hiểm. Trẻ em gái độ tuổi 15 có nguy tử vong do mang thai và sinh đẻ cao hơn so với phụ nữ trên 20 tuổi. Những đứa trẻ có mẹ dưới 18 tuổi thường còi, thấp, nhẹ cân, thiểu năng trí tuệ, dễ bị chết non, khuyết tật tạo ra gánh nặng cho xã hội. Phần lớn các cặp vợ chồng tảo hôn phải nghỉ học dẫn đến tình trạng thiếu kiến thức xã hội, ảnh hưởng đến trí tuệ và thể chất. Đồng thời tảo hôn làm mất cơ hội tìm việc làm, năng suất lao động, sản xuất thấp, kinh tế gặp khó khăn dẫn đến đói nghèo, nảy sinh mâu thuẫn trong gia đình; nhiều cặp vợ chồng phải chia tay sớm nên ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của trẻ em. Tảo hôn gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dân số.

Để đẩy lùi tảo hôn, hủ lục lạc hậu đã tồn tại lâu đời cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong 9 tháng đầu năm 2023, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã chung tay đẩy mạnh  công tác tuyên truyền,  phổ biến, giáo dục pháp luật, cung cấp thông tin với nhiều hình thức phong phú và đa dạng. Nội dung tuyên truyền tập trung vào lĩnh vực pháp luật Hôn nhân và Gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống bất bình đẳng giới; xây dựng đời sống văn hóa mới; hệ luỵ của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Tổ chức hội nghị trực tiếp, tư vấn, tuyên truyền trên truyền thanh xã, qua các cuộc họp thôn, bản, sinh hoạt các tổ, hội, đối thoại trực tiếp với nhân dân trên 1.000 hội nghị tuyên truyền cho hơn 94.000 lượt người; 54 hội nghị đối thoại với trên 4.750 lượt người  tham gia.

Phát huy vai trò của các chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng bản, người uy tín trong cộng đồng, người có ảnh hưởng đến công chúng tham gia tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là thiếu niên về hậu quả, tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; lồng ghép nội dung phòng, chống tảo hôn vào các  buổi sinh hoạt cộng đồng, lễ hội văn hóa, hương ước, quy ước và thiết chế văn hóa của cộng đồng, tiêu chuẩn thôn, bản, gia đình văn hóa.

Bài viết về tảo hôn, hôn nhân cận huyết qua hình thức thể hiện mới E-Magazine trên báo Lào Cai điện tử. 

Các cơ quan báo chí đã tham gia tích cực vào công tác tuyên truyền, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ.

Theo Ban Dân tộc tỉnh, công tác tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành tốt Luật Hôn nhân và gia đình, nói không với việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS ở cấp cơ sở luôn được quan tâm. Lào Cai đã có Kế hoạch số 512 về thực hiện công tác phòng, chống  tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số trên khu vực biên giới tỉnh Lào Cai năm 2023; Kế hoạch số 46 thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận  huyết thống trong vùng đồng  bào dân  tộc thiểu số trên địa  bàn tỉnh Lào  Cai giai  đoạn  II  (2021 -2025) năm 2023; Quyết định số 52 ban hành Đề án “Đoàn thanh niên tham gia  phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” giai đoạn 2022 -2027;...

Các sở, ngành, lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể đã phối hợp chặt chẽ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của Luật Hôn nhân và gia đình. Ban  Dân tộc tỉnh in tái bản 10.000 tờ rơi nói không với  tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; tổ chức tuyên truyền cho gần 900 đại biểu là cán bộ đoàn thể thôn bản, người có uy tín, người am hiểu phong tục tập quán, người dân tại các huyện, thị xã, thành phố. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp tổ chức tuyên truyền cho 300 đại  biểu. Hội Liên hiệp  Phụ nữ tuyên truyền trên 20.300 lượt hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số. Tỉnh Đoàn Lào  Cai đăng tải 52 tin, bài hoạt động giáo dục sức khoẻ sinh sản vị thành niên, tảo hôn, hôn nhân cận huyết trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang mạng xã hội của cơ sở Đoàn; dán trên 5.000 tờ rơi, áp phích tuyên truyền tại các nhà văn hóa, trung tâm y tế, đơn vị trường học. Các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức lồng ghép tuyên truyền cho trên 36.900 lượt người; 15 hội nghị chuyên đề;  50 cuộc đối thoại với trên 4.000 người dân tham gia; in và phát trên 2.300 tờ rơi cho người dân, 8 pa nô; đăng  555 tin bài.

Tờ rời tuyên truyền phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống bằng 2 ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Mông. 

Lào Cai cũng triển khai mô hình điểm: “Thanh thiếu  niên  nói  không  với  tảo hôn,  hôn  nhân  cận  huyết thống”  tại  xã  Pa  Cheo,  Dền Thàng, huyện Bát Xát; “Bộ đội Biên phòng đồng  hành  cùng  thôn bản  nói không  với  tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống” tại xã Tả Gia Khâu, Dìn Chin, huyện Mường Khương; “Câu lạc  bộ nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại xã  Thái Niên, Phong  Niên, huyện Bảo Thắng. Lập Tổ tư vấn mô hình “Cha mẹ đồng hành cùng con,  nói không với tảo hôn” trong đồng  bào dân tộc thiểu số tại thôn Phìn Hồ xã  Tả Phời, thành phố Lào Cai,...

Thời gian tới, Lào Cai tiếp tục tăng cường kiểm tra, nắm bắt tình hình thanh, thiếu niên, đặc biệt là các đối tượng học sinh để có các biện pháp tuyên truyền thực hiện phòng, chống tảo hôn. Nâng cao nhận thức cho người dân về các hệ luỵ của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; thực hiện nghiêm các chế tài về xử phạt hành chính và hình sự liên quan đến vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Cải tạo tập quán lạc hậu trong việc cưới, việc tang trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường đưa các quy định của pháp luật về tuổi kết hôn, đăng ký kết hôn, cam kết không tảo hôn, thực hiện đăng ký kết hôn, đăng ký khai sinh theo đúng quy định và bảo đảm thực hiện các nội dung chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em... vào quy ước thôn bản, tiêu chuẩn xếp loại gia đình văn hóa, thôn, bản văn hóa. Tiếp tục duy trì thực hiện các mô hình điểm phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Tập trung  các nguồn lực đầu tư phát triển  kinh  tế - xã hội, cải thiện đời sống của đồng bào vùng dân tộc thiểu số./.

Thu Hiền

Tin Liên Quan

Từ ngày 2 - 8/6 sẽ diễn ra Giải đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà mở rộng năm 2024

Giải đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà mở rộng lần thứ 17 năm 2024 là một trong những hoạt động của “Festival cao nguyên trắng Bắc Hà” mùa hè năm 2024 với chủ đề “Nghiêng say vó ngựa cao nguyên”.

Để phong trào “Dân vận khéo” lan tỏa

Sau hơn 10 năm triển khai phong trào, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì gần 5.300 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên tất các các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024

Sáng 10/5, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới điểm cầu các tỉnh, thành phố.

Đảng bộ khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh 65 năm xây dựng và phát triển

Đảng bộ Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh trong sự phát triển chung của tỉnh

Nhân kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Đảng bộ Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh (10/5/1959 - 10/5/2024), Báo Lào Cai đã phỏng vấn đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy về những kết quả đạt được trong thời gian qua và yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với Đảng bộ Khối trong tình hình mới.

Tinh thần khởi nghiệp của chàng trai "9x" dân tộc Nùng

Không nản chí, không sợ thất bại, luôn cần cù, chịu khó học hỏi là những đức tính để anh Lương Văn Xuân, sinh năm 1990, dân tộc Nùng ở thôn Trang Nùng, xã Xuân Quang (Bảo Thắng) phát triển kinh tế, thành công với mô hình gia công cơ khí và ươm giống cây nông nghiệp.