Châu Âu đoàn kết với các quốc gia đang phát triển và kém phát triển hướng tới phát triển bền vững

Diễn đàn Cửa ngõ toàn cầu tại Brussels, Bỉ vừa khép lại, với kết quả tích cực là hàng loạt thỏa thuận được ký kết giữa Liên minh châu Âu (EU) và các nước đang phát triển, kém phát triển.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen phát biểu tại phiên khai mạc diễn đàn. (Ảnh: TTXVN)

Giới chức EU khẳng định, kết quả trên phản ánh vai trò ngày càng tăng của EU trên toàn cầu, là đối tác quan trọng của các nước trong ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển xanh và bền vững.

Trong thông báo được đưa ra sau Diễn đàn Cửa ngõ toàn cầu, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Josep Borrell nêu rõ, được công bố vào tháng 12/2021, Chiến lược Cửa ngõ toàn cầu của EU hướng tới mục tiêu huy động 300 tỷ euro đến năm 2027 để đầu tư hỗ trợ sự phát triển kinh tế-xã hội của các đối tác thông qua xây dựng cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh chuyển đổi xanh, củng cố hệ thống y tế, giáo dục.

Là diễn đàn quy mô lớn đầu tiên được tổ chức trong khuôn khổ chiến lược này, Diễn đàn Cửa ngõ toàn cầu vừa qua đã chứng kiến sự ký kết các thỏa thuận tổng trị giá 3 tỷ euro giữa EU với nhiều quốc gia đang phát triển và kém phát triển, theo đúng tinh thần của Diễn đàn là “Cùng nhau mạnh mẽ hơn thông qua đầu tư bền vững”.

Đáp ứng lời kêu gọi của các nhà lãnh đạo châu Phi về hỗ trợ Lục địa Đen tiếp cận dịch vụ y tế công bằng, xây dựng hệ sinh thái bền vững, nhân dịp diễn ra Diễn đàn, Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) công bố gói hỗ trợ trị giá 500 triệu euro để nâng cao chất lượng hạ tầng y tế ở các nước kém phát triển.

EU cũng công bố thêm 134 triệu euro nhằm tăng cường sản xuất trong nước, tiếp cận công bằng các sản phẩm y tế chất lượng, an toàn, hiệu quả và giá cả phải chăng dành cho Nigeria, Rwanda, Senegal...

Đây là tín hiệu đáng mừng với các nước châu Phi, khi đại dịch Covid-19 trước đó đã bộc lộ nhiều hạn chế về hệ thống y tế toàn cầu, trong đó có sự bất bình đẳng về tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Tại thời điểm dịch bệnh hoành hành, nhiều quốc gia ở châu lục này thiếu khả năng tiếp cận vắc-xin, thuốc men, thiết bị bảo vệ cá nhân, bộ dụng cụ chẩn đoán.

Cũng tại Diễn đàn Cửa ngõ toàn cầu, nhiều thỏa thuận về quan hệ đối tác giữa EU với các nước cũng được ký kết, trong đó nổi bật là thỏa thuận với Mauritania về hydro xanh, thỏa thuận với Zambia về các nguyên liệu thô quan trọng.

Về kết nối số, lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế đánh giá kết nối số là giải pháp quan trọng để phát triển xã hội, cần ưu tiên nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng số, trí tuệ nhân tạo và công nghệ sinh học.

EU cũng thúc đẩy triển khai Sáng kiến Giáo viên khu vực dành cho châu Phi để cải thiện chất lượng nền giáo dục, thông qua khoản đầu tư trị giá 46 triệu euro.

Sáng kiến này nhằm góp phần nâng cao kỹ năng sư phạm, trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên, giúp các giáo viên phát triển kỹ năng giảng dạy trong môi trường kỹ thuật số, hỗ trợ nghiên cứu về các chính sách và phúc lợi dành cho giáo viên...

Diễn đàn Cửa ngõ toàn cầu thu hút sự quan tâm của dư luận khi diễn ra trong bối cảnh thế giới đang chao đảo bởi hàng loạt biến động lớn, từ các điểm nóng xung đột như Israel-Hamas, Nga-Ukraine cho đến các thách thức kinh tế, tình trạng biến đổi khí hậu trầm trọng, an ninh lương thực bấp bênh.

Bởi vậy, thông điệp về tăng cường phối hợp giữa các quốc gia, tổ chức quốc tế, giữa các chính phủ và khu vực tư nhân, cùng nhau hành động vì mục tiêu phát triển bền vững mà Diễn đàn mang đến đã phản ánh đúng nguyện vọng của các nước.

Ủy viên châu Âu phụ trách hợp tác quốc tế Jutta Urpilainen cho biết, EU hiện là đối tác thương mại và là nhà đầu tư lớn nhất vào châu Phi; đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng, EU sẽ tăng cường vai trò, trở thành đối tác quan trọng và hiệu quả hơn trên toàn cầu.

Thế giới đang đứng trước những thách thức lớn, ảnh hưởng đến mọi quốc gia. Kết quả tích cực của Diễn đàn cho thấy tinh thần đoàn kết, chung sức hợp tác để tất cả các nước cùng tiến bước trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến những bước thụt lùi do các nhân tố bất ổn gây ra.

Châu Âu đoàn kết với các quốc gia đang phát triển và kém phát triển hướng tới phát triển bền vững (nhandan.vn)

Theo nhandan.vn

Tin Liên Quan

Ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), trong những ngày qua, trên các trang điện tử của các tờ báo lớn như Pasaxon - Cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào; Thông tấn xã Lào; Đài Phát thanh Quốc gia Lào đều có các bài viết ca ngợi về chiến thắng “lừng lẫy...

Số người cao tuổi ở châu Á và Thái Bình Dương dự báo tăng lên 1,2 tỷ người vào năm 2050

Số người từ 60 tuổi trở lên ở châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển được dự báo sẽ tăng gần gấp đôi lên 1,2 tỷ người vào năm 2050, làm gia tăng nhanh chóng nhu cầu về lương hưu và các chương trình phúc lợi cũng như dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Triển vọng tươi sáng hơn của kinh tế toàn cầu

Dự báo của giới chuyên gia phân tích và các định chế tài chính cho thấy, triển vọng kinh tế thế giới năm 2024 có thể tươi sáng hơn so với các dự báo trước đây. Theo đó, kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 3% trong năm nay.

Mùa hè khắc nghiệt, nền nhiệt cao kỷ lục

Cơ quan khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Copernicus cho biết, tính đến tháng 3 vừa qua, thế giới đã trải qua tháng thứ 10 liên tiếp có nền nhiệt cao kỷ lục, cả nhiệt độ không khí và các đại dương đều ở mức cao nhất mọi thời đại. Nhiều khu vực đã xuất hiện “mùa cháy rừng” tồi tệ nhất trong thế kỷ...

Tổ chức Mặt trận góp phần củng cố quan hệ đoàn kết Việt Nam-Lào-Campuchia

Chiều 9/4 tại thủ đô Vientiane, đã diễn ra Hội nghị Chủ tịch Mặt trận ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 5. Hội nghị nhằm củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác lâu dài, ổn định và phát triển giữa ba tổ chức Mặt trận của ba nước.

Triển vọng chính sách sản lượng của OPEC+ đối mặt "ngã ba đường"

Mặc dù kỳ vọng OPEC+ bắt đầu nghĩ đến việc chấm dứt kế hoạch cắt giảm sản lượng là hợp lý, nhưng việc khối này giữ nguyên các hạn chế có thể hợp lý hơn.