Việt Nam có thể đạt được mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0”

UNDP đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam nhằm tăng cường năng lực thích ứng và cam kết vững chắc của Chính phủ Việt Nam trong việc hiện thực hóa mục tiêu đầy tham vọng nhằm đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Việt Nam có thể đạt được mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0”- Ảnh 1.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam - Ảnh: VGP/Quang Thương

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu sau Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), và đề ra những phương hướng nhằm cụ thế hóa mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0" vào giữa thế kỷ này.

Cụ thể, Việt Nam đã hoàn thiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), xem xét kỹ lưỡng các chiến lược, chính sách cũng như cập nhật chính sách để phù hợp với cam kết phát thải ròng bằng "0", trong đó có Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 và Quy hoạch Phát triển Điện lực Việt Nam (PDP8).

Bên cạnh đó, Thủ tướng đã thông qua Kế hoạch hành động giảm ít nhất 30% tổng lượng phát thải khí methane vào năm 2030 so với mức năm 2020 trong các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, quản lý chất thải rắn, xử lý nước thải, khai thác dầu khí, khai thác than và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch.

Thủ tướng cũng đã ban hành Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí cacbon và khí metan của ngành giao thông vận tải nhằm tìm cách phát triển ngành vận tải và thúc đẩy giao thông sạch trên toàn quốc, bao gồm việc thúc đẩy sử dụng xe điện, thúc đẩy cơ sở hạ tầng vật chất bao gồm sạc điện cũng như thúc đẩy hệ thống giao thông công cộng chạy điện.

Phía UNDP đánh giá cao Việt Nam đã đạt được thỏa thuận với Nhóm Đối tác Quốc tế (IPG) về thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với những cam kết nhằm cụ thể hóa và đề ra lộ trình đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng.

Bà Ramla Khalidi đánh giá cao Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường (MONRE) đã đi tiên phong trong những nỗ lực liên quan đến JETP trong nhiều tháng qua, gần đây nhất là việc chuẩn bị một dự thảo toàn diện về Kế hoạch Huy động Nguồn lực thực hiện JETP để ra mắt tại COP28.

"Bằng cách thúc đẩy nỗ lực chuyển đổi sang nền kinh tế xanh đồng thời đảm bảo tạo việc làm bền vững và các khía cạnh công bằng trong quá trình chuyển đổi, Việt Nam có thể đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng "0" và thực hiện các mục tiêu chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững của đất nước", Trưởng Đại diện UNDP nhấn mạnh.

Đánh dấu bước quan trọng đầu tiên trong quá trình thực hiện JETP

Đề cập tới kỳ vọng đối với Việt Nam tại COP28 sắp diễn ra tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), bà Ramla Khalidi chia sẻ, trước hết, UNDP rất mong đợi sự ra mắt của Kế hoạch Huy động Nguồn lực thực hiện JETP tại COP28.

"Điều này đánh dấu bước quan trọng đầu tiên trong quá trình thực hiện JETP của Việt Nam, vạch ra lộ trình đạt được các mục tiêu chuyển đổi năng lượng công bằng, xác định các lĩnh vực ưu tiên và biện pháp can thiệp cũng như xác định tiêu chí lựa chọn dự án đầu tư", đại diện UNDP bày tỏ.

Bên cạnh đó, tại COP28 lần này, phía UNDP mong muốn Việt Nam tích cực tham gia đàm phán, đặc biệt là vấn đề liên quan đến "quỹ tổn thất và thiệt hại" đã được thống nhất thành lập năm ngoái tại COP27.

Điều quan trọng là phải đảm bảo rằng quỹ này có thể mang lại lợi ích và được triển khai tại Việt Nam, một trong những quốc gia dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, nhằm giúp giải quyết những rủi ro và tác động khó tránh khỏi của biến đổi khí hậu, bà Ramla Khalidi nhấn mạnh.

UNDP cũng hy vọng Việt Nam sẽ tham gia thảo luận và hoàn thiện Mục tiêu Thích ứng Toàn cầu (GGA) cũng như xây dựng Khung GGA.

Đặc biệt, tại COP28 năm nay, toàn thế giới sẽ cùng nhau đánh giá các thành quả đạt được dựa trên bản Đánh giá toàn cầu (Global Stocktake) lần đầu tiên được công bố tại hội nghị ở UAE.

UNDP đang mong đợi sự tham gia của Việt Nam vào các cuộc thảo luận về Đánh giá toàn cầu này nhằm đánh giá tiến bộ chung của thế giới trong việc giải quyết khủng hoảng khí hậu, thúc giục thế giới có kế hoạch mới, đề ra cam kết khí hậu mạnh mẽ hơn và đề ra các mục tiêu năng lượng tái tạo, bà Ramla Khalidi chia sẻ thêm.

Việt Nam cần ưu tiên cho quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng

Về các biện pháp mà Việt Nam cần triển khai trong thời gian tới để hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, Trưởng Đại diện UNDP cho rằng, trước hết, Việt Nam nên ưu tiên cho quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, và đẩy nhanh quá trình thực hiện Chương trình JETP.

Bên cạnh đó, Việt Nam nên tập trung vào các biện pháp đảm bảo rằng quá trình chuyển đổi không ảnh hưởng đến những nhóm dân cư và người lao động dễ bị tổn thương đang làm việc trong ngành nhiên liệu hóa thạch, thúc đẩy khả năng tiếp cận công bằng với các cơ hội việc làm mới trong lĩnh vực tái tạo và cung cấp các chương trình đào tạo và đào tạo lại kỹ năng và áp dụng các biện pháp bảo trợ xã hội.

"Chính phủ nên đóng vai trò với tư cách là nhà đầu tư khởi nghiệp vào cơ sở hạ tầng vật chất thiết yếu và đảm bảo môi trường pháp lý hấp dẫn để thúc đẩy năng lượng tái tạo", bà Ramla Khalidi khuyến nghị.

Việt Nam cũng cần duy trì vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo nhằm giảm lượng khí thải, thực sự tận dụng được lợi ích kinh tế và giảm sự phụ thuộc vào than.

Bên cạnh đó, ngoài việc duy trì và tăng cường độ che phủ rừng, hiện chiếm hơn 41% tổng diện tích đất cả nước, Việt Nam cũng cần cải thiện chất lượng rừng và bảo tồn rừng tự nhiên và rừng bản địa - những khu vực cực kỳ quan trọng đối với đa dạng sinh học, và đóng một vai trò quan trọng trong việc cô lập và lưu trữ carbon.

Ngoài ra, Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy và nhân rộng các giải pháp dựa vào thiên nhiên để mang lại lợi ích kép là tăng cường khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu và giảm phát thải.

UNDP sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn

Nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt được các cam kết về biến đổi khí hậu, bà Ramla Khalidi cho biết UNDP hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường cập nhật NDC và thiết lập Hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) cho các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ở cấp quốc gia. Điều này giúp cải thiện việc kiểm kê khí nhà kính phù hợp với các yêu cầu của Thỏa thuận Paris.

UNDP đã hỗ trợ việc điều chỉnh và sửa đổi một số chính sách mới phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng "0", tập trung vào Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050. Điều này cũng bao gồm việc đánh giá các cơ hội tài chính trong nước và quốc tế cũng như tăng cường đóng góp của khu vực tư nhân để đáp ứng các mục tiêu này.

Phía UNDP cũng hỗ trợ những đổi mới về hiệu quả năng lượng trong các tòa nhà và vật liệu xây dựng, giúp tiết kiệm năng lượng đáng kể và giảm lượng khí thải CO2; thúc đẩy đầu tư vào sử dụng năng lượng hiệu quả và năng lượng sạch trong các doanh nghiệp, đặc biệt hướng tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo Trưởng đại diện UNDP, "UNDP đang hợp tác với chính quyền các tỉnh và thành phố để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang giao thông xanh và phát triển chuỗi cung ứng nông nghiệp xanh hướng tới các hệ thống ít carbon và có khả năng phục hồi".

UNDP cũng đóng góp vào việc chuẩn bị Chương trình JETP và Kế hoạch Huy động Nguồn lực thực hiện JETP; tích cực làm việc với Chính phủ và các doanh nghiệp để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, bao gồm hỗ trợ xây dựng chính sách, đào tạo doanh nghiệp và khu vực tư nhân, phát triển các mô hình quản lý chất thải dựa vào cộng đồng và tìm kiếm các giải pháp sáng tạo cho ô nhiễm nhựa biển.

"UNDP sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, trung tính carbon, tuần hoàn và thích ứng với biến đổi khí hậu, với mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau", Trưởng Đại diện UNDP nhấn mạnh./.

https://baochinhphu.vn/viet-nam-co-the-dat-duoc-muc-tieu-giam-phat-thai-rong-bang-0-102231129162029659.htm

theo Báo Chính phủ

Tin Liên Quan

Khánh thành biển kỷ niệm mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Sainte-Adresse, Pháp

Trưa 6/10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới thành phố Sainte-Adresse dự lễ khánh thành biển kỷ niệm mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh; thăm Tòa thị chính thành phố Saint-Adresse

Báo chí quốc tế bình luận về ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam

Báo chí quốc tế tuần qua đã có nhiều bài viết đánh giá tích cực về tiềm năng của ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Quyết định ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phó Tổng Thư ký LHQ đánh giá cao những đóng góp của Việt Nam cho LHQ

Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Jean-Pierre Lacroix bày tỏ rất vui mừng với những đóng góp thiết thực của Việt Nam cho LHQ, trong đó có hoạt động gìn giữ hòa bình, không chỉ vì những gì đã có mà còn ở tiềm năng tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và LHQ.

Tổng thống Joe Biden lần thứ hai đề cao quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden lần thứ hai đề cao quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 24/9, giờ New York.

Truyền thông Mexico: Quan hệ Việt Nam - Cuba là hình mẫu của tình đoàn kết quốc tế

Những gì mà Việt Nam và Cuba dành cho nhau trong hơn nửa thế kỷ qua đã vượt qua khuôn khổ thông thường của một mối quan hệ song phương, bởi đó là mối quan hệ trước sau như một, trong sáng và sẻ chia giữa 2 nước anh em, bất chấp sự xa cách về địa lý cũng như mọi biến thiên của thời cuộc.

Việt Nam có 9 nhà khoa học được xếp vào nhóm có tầm ảnh hưởng thế giới 2024

Việt Nam có 9 nhà khoa học được xếp hạng trong nhóm 10.000 nhà khoa học thế giới và 60 nhà khoa học được xếp hạng trong nhóm 100.000 nhà khoa học có trích dẫn ảnh hưởng thế giới trong năm 2024.