Phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu chính về kinh tế - xã hội năm 2024

Chuẩn bị bước sang năm mới 2024, với khí thế mới và động lực mới, cả hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục đoàn kết, nỗ lực hơn nữa, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024.

(Lược ghi bài phát biểu của đồng chí Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại Hội nghị triển khai nghị quyết của Tỉnh ủy và Nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển KT - XH năm 2024)

Thưa quý vị đại biểu!

Thưa toàn thể các đồng chí có mặt tại hội trường và tại các điểm cầu cấp huyện, xã.

Hôm nay, trong không khí chuẩn bị bước sang năm mới 2024, chúng ta tổ chức hội nghị có ý nghĩa quan trọng triển khai nghị quyết của Tỉnh ủy và Nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển KT - XH năm 2024. Hội nghị hôm nay có đông đủ các đồng chí lãnh đạo chủ chốt từ tỉnh đến cơ sở, điều đó thể hiện tinh thần chủ động, quyết tâm chính trị của cả hệ thống chính trị trong việc tổ chức triển khai nhiệm vụ năm 2024.

baolaocai-hnkh-11-638.jpg

Những điểm sáng trong bức tranh KTXH năm 2023

Tại Kỳ họp lần thứ 16 - HĐND tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã phát biểu và đánh giá khá chi tiết các thuận lợi, khó khăn, những mặt đạt được, hạn chế và nguyên nhân trong việc triển khai các nhiệm vụ năm 2023 một cách khá toàn diện từ công tác xây dựng đảng, hệ thống chính trị; kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và đối ngoại. Tại hội nghị hôm nay, tôi chỉ điểm qua một số kết quả nổi bật về KT - XH và phân tích về các tồn tại, hạn chế trong việc triển khai các nhiệm vụ về phát triển KT - XH năm 2023.

Về kinh tế, quy mô kinh tế tỉnh Lào Cai vẫn có sự tăng trưởng nhất định, quy mô GRDP (theo giá hiện hành) đạt 73.600,9 tỷ đồng, tăng 8,16% so với năm 2022, xếp thứ 4/14 tỉnh trung du miền núi phía Bắc và xếp thứ 39/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (năm 2022 quy mô đạt 68.045,36 tỷ đồng, xếp thứ 4/14 tỉnh trung du miền núi phía Bắc và xếp thứ 42/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực: Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 12,8%; ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 41,1%; ngành dịch vụ chiếm 36,2%; thuế sản phẩm 9,9% (cơ cấu tương ứng của cùng kỳ 2022 là 13,6%; 41,5%; 34,7% và 10,2%).

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn duy trì và phát triển khá, là trụ đỡ cho nền kinh tế; tư duy sản xuất hàng hoá bước đầu hình thành.

Quy hoạch tỉnh, ngành, lĩnh vực được tích cực triển khai (Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Sa Pa - thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đến năm 2040. Quy hoạch 128 km dọc sông Hồng; các quy hoạch tại các huyện, thị xã, thành phố...)

Hoạt động kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động; dịch vụ tăng trưởng 8,75%, xây dựng tăng 9,18%. Công tác quản lý hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hoá chính ngạch đã có rất nhiều đổi mới từ bộ máy, công tác quản lý, cơ chế vận hành, tạo thuận lợi hơn cho Nhân dân, doanh nghiệp.

Huy động tín dụng đáp ứng được nhu cầu nguồn vốn cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Du lịch tăng trưởng mạnh mẽ, vượt 16,7% so với mục tiêu kế hoạch, dự kiến năm 2023 đạt khoảng 7 triệu lượt khách; giải ngân vốn đầu tư công thuộc nhóm có tỷ lệ cao của cả nước.

Hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm, nhiều dự án được tập trung đầu tư.

Đô thị được đầu tư nâng cấp, mở rộng, ngày càng văn minh, xanh, sạch, đẹp; kinh tế đô thị phát triển rõ rệt.

baolaocai-hnkh-26-6911.jpg
Các đại biểu tham dự hội nghị.

Lĩnh vực xã hội, công tác an sinh, đời sống văn hoá tiếp tục được quan tâm, đạt nhiều kết quả toàn diện.

Giáo dục có chuyển biến tích cực, chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, giáo dục dân tộc được nâng lên. Năng lực y tế được tăng cường.

Văn hóa, thể thao có nhiều điểm nhấn với các hoạt động: Lễ Kỷ niệm 120 năm du lịch Sa Pa; đăng cai tổ chức thành công giải bóng chuyền nữ quốc tế VTV Cup, giải chạy Marathon vượt núi quốc tế; giải đua xe đạp một đường đua 2 quốc gia… và nhiều lễ hội, hoạt động văn hóa tại các địa phương trong tỉnh gắn với thu hút khách du lịch.

Tỷ lệ giảm hộ nghèo đa chiều đạt 4,43% (tỉ lệ hộ nghèo còn 14,94%, cận nghèo còn 10,25%). Công tác giải quyết việc làm mới có nhiều chuyển biến tích cực, ước thực hiện năm 2023 giải quyết việc làm cho trên 15.000 lao động, đạt 114,1% mục tiêu kế hoạch năm. Triển khai có hiệu quả các hoạt động, tổ chức chăm lo, trợ giúp các đối tượng chính sách (người có công với cách mạng, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng yếu thế khác).

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tôi ghi nhận và biểu dương sự trách nhiệm, nỗ lực, cố gắng; những đóng góp quan trọng của các cấp, các ngành, của cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể cán bộ, đảng viên, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đạt được trong năm vừa qua.

Những khó khăn, thách thức

Bên cạnh những kết quả đạt được, nhìn lại năm 2023 (năm bản lề thực hiện Nghị quyết đại hội), còn nhiều nội dung, công việc, mục tiêu mà chúng ta đã rất cố gắng, rất nỗ lực, rất quyết tâm nhưng kết quả chưa được như mong đợi, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của tỉnh, như:

 

Tăng trưởng kinh tế đạt thấp (đạt 5,11%, xếp thứ 8/14 tỉnh trung du miền núi phía Bắc và xếp thứ 48/63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, thấp nhất trong nhiều năm qua); còn 4 nhóm chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra.

Thu ngân sách đạt thấp, nhất là nguồn thu từ đất và xuất- nhập khẩu; việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là trong sử dụng ngân sách nhà nước chưa thực chất, hiệu quả, chưa trở thành thói quen, phong trào.

Giải ngân vốn đầu tư công tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chậm, nhất là nguồn vốn Trung ương giao và các nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; còn có hiện tượng giải ngân khi chưa có khối lượng.

Tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng một số dự án, công trình trọng điểm, nhất là công trình giao thông kết nối còn chậm.

Quản lý khoáng sản, đất đai, rừng còn có tồn tại, hạn chế.

Hoạt động thu hút đầu tư, thu hút nguồn lực hạn chế, đạt rất thấp so với mục tiêu nghị quyết đại hội.

Hoạt động xuất- nhập khẩu khôi phục chậm, không ổn định. Công tác quản lý bến bãi còn nhiều bất cập.

Giá trị sản xuất công nghiệp đạt thấp; còn để xảy ra sự cố môi trường liên quan đến hoạt động sản xuất công nghiệp.

Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đạt kết quả chưa như mong muốn.

Nông nghiệp hàng hóa hình thành chưa rõ nét. Việc xây dựng, duy trì các xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới còn gặp nhiều khó khăn.

Du lịch phát triển chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chưa có các sản phẩm đặc sắc thu hút khách du lịch, đặc biệt với các địa bàn tiềm năng như Y Tý, Bắc Hà.

Các sự kiện văn hóa nổi bật mang tính quảng bá, giới thiệu, tạo ấn tượng trong tỉnh, khu vực và quốc tế còn chưa rõ nét.

Việc đấu thầu mua sắm trong lĩnh vực y tế còn chậm chưa đáp ứng tốt nhất yêu cầu chăm sóc sức khoẻ Nhân dân. Lĩnh vực giáo dục vẫn còn thiếu giáo viên. Chất lượng dân số, nguồn nhân lực chưa chuyển biến rõ nét...

Tỉ lệ hộ nghèo (14,94%), cận nghèo (10,25%) vẫn còn cao; tương đương cứ 4 hộ thì có một hộ nghèo, cận nghèo.

Công tác cải cách hành chính chưa thực sự hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân đối với các dịch vụ công trong một số lĩnh vực, đặc biệt là đất đai, cửa khẩu còn thấp. Chuyển đổi số chưa thực sự nổi bật, các sản phẩm chuyển đổi số đặc trưng, tạo dấu ấn triển khai còn chậm, chưa có sản phẩm cụ thể.

Công tác phối hợp chưa hiệu quả, chủ động

Hạn chế trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng chủ yếu là nguyên nhân chủ quan.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị trong thực hiện một số nhiệm vụ còn chậm; công tác phối hợp chưa hiệu quả, thiếu chủ động; có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm trong triển khai công vụ; còn có hiện tượng cầu toàn, an toàn quá mức dẫn đến mất cơ hội trong việc triển khai một số nhiệm vụ của tỉnh.

Công tác điều hành thời gian qua hiệu quả chưa cao, thể hiện ở một số điểm: Công tác dự đoán, dự báo chưa sát, chưa đưa ra các giải pháp kịp thời, hiệu quả (thị trường bất động sản trầm lắng, thị trường xuất khẩu khó khăn, giá bán một số sản phẩm công nghiệp xuống thấp...).

Thời gian qua, từ cấp tỉnh đến cấp huyện ngày đêm sớm tối họp bàn để triển khai tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ nhưng kết quả vẫn đạt thấp, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng.

Chúng ta tập trung nhiều vào công tác giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia nhưng chưa quan tâm đúng mức đến giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, dự án, nhất là các đơn vị sản xuất công nghiệp.

Chúng ta muốn thu hút đầu tư nhưng chúng ta chưa đưa ra được các giải pháp toàn diện (cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, đất đai... ). Nhất là vấn đề đất đai, hiện nay, nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào tỉnh nhưng không có đất diện tích lớn theo nhu cầu của doanh nghiệp, do công tác quy hoạch, đầu tư các khu công nghiệp tạo mặt bằng sạch rất chậm.

Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển KT - XH năm 2024 ở mức cao nhất

baolaocai-hnkh-2-5503.jpg
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh nhấn nút giao kế hoạch phát triển KT - XH năm 2024.

Năm 2024 là năm thứ tư thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc để về đích vào năm 2025.

 

Đối với các số liệu, chỉ tiêu KT - XH của năm 2024 vừa giao đã được Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thảo luận, bàn bạc kỹ lưỡng. Các số liệu mục tiêu, chỉ tiêu đều được thảo luận, tính toán, phân tích đa chiều từng nguy cơ - thách thức cũng như tiềm năng, lợi thế về vị trí địa kinh tế chính trị và tình hình thực tiễn của tỉnh.

Trong rất nhiều chỉ tiêu được giao, tôi đề nghị các đồng chí quan tâm và phấn đấu hết sức để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu chính về KT - XH như sau:

Về chỉ tiêu kinh tế, ta đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế phấn đấu đạt trên 10% để bù đắp cho tốc độ tăng trưởng các năm 2021 và 2023 (hai năm đạt mức tăng trưởng lần lượt là: 5,45% và 5,11%), bảo đảm cả nhiệm kỳ tăng trưởng trên 10%.

Theo đó các chỉ tiêu kinh tế có liên quan khác đặt ra phải đạt được như sau:

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội: 60.000 tỷ đồng, đề nghị phải phấn đấu cao hơn nữa để kết thúc giai đoạn 2021 - 2025 đạt mức 260.000 tỷ đồng (đến nay chúng ta mới huy động được 138.050/260.000 tỷ đồng; cần phải huy động 121.950 tỷ đồng nữa).

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn: 12.800 tỷ đồng, phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành mục tiêu thu 15.500 tỷ đồng; cân đối được chi thường xuyên; giá trị xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu đạt 4,5 tỷ USD.

Giá trị sản phẩm trên 1 ha đất canh tác: 98 triệu đồng, phấn đấu đến năm 2025 đạt 100 triệu đồng, bảo đảm đạt được mục tiêu theo Nghị quyết số 10 - NQ/TU, Đề án số 01-ĐA của Tỉnh ủy.

Giá trị sản xuất công nghiệp, năm 2024 phấn đấu đạt 52.195 tỷ đồng, theo mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu đạt là 60.000 tỷ đồng, đây là chỉ tiêu rất quan trọng, tác động rất lớn đến chỉ tiêu tăng trưởng.

Tổng lượng khách du lịch đến địa bàn đạt trên 8 triệu lượt; doanh thu du lịch trên 27.200 tỷ đồng; có ý nghĩa quyết định đến việc hoàn thành mục tiêu của nghị quyết đại hội XVI là tổng lượt khách đạt 10 triệu lượt và tổng doanh thu từ khách du lịch trên địa bàn đạt 44.500 tỷ đồng.

Về chỉ tiêu xã hội, tỷ lệ giảm nghèo đạt 4,0% - đây là động lực, áp lực để triển khai nhanh, hiệu quả các Chương trình MTQG trên địa bàn.

Số bác sỹ trên 1 vạn dân là 14,5 bác sỹ; điều này thể hiện được mức độ sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh, khả năng chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho Nhân dân.

Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em thể chiều cao trên tuổi dưới 24,7% (hiện nay là 25,9%). Tôi đề nghị là phải giảm hơn nữa tỷ lệ này gắn với thực hiện Nghị quyết nâng cao chất lượng dân số của tỉnh với quan điểm chất lượng dân số là yếu tố đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh.

Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế 97%. Đây là mục tiêu rất cao, đòi hỏi nguồn lực lớn nhưng là chỉ số pháp lệnh được Chính phủ giao nên các đồng chí đặc biệt quan tâm đến cách thức, phương pháp tổ chức thực hiện.

Tỷ lệ số xã đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới năm cuối kỳ đã được điều chỉnh giảm còn 56,7%, đây vẫn là mục tiêu của năm 2023, vì cả năm 2023 chúng ta không công nhận được xã nông thôn mới nào. Với mục tiêu như trên sẽ rất khó để đạt được mục tiêu đại hội đã đề ra (trên 60%).

Trong quá trình xây dựng kế hoạch phát triển KT - XH, dự toán ngân sách năm 2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xem xét, cho ý kiến; HĐND tỉnh đã có nghị quyết, trên cơ sở đó UBND tỉnh có quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch KT - XH và dự toán ngân sách nhà nước cho các đơn vị, địa phương.

Phân công nhiệm vụ rõ ràng gắn với trách nhiệm của người đứng đầu

Để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, tôi lưu ý mấy vấn đề sau:

Thứ nhất, bám sát vào chủ đề năm là "Đoàn kết - Kỷ cương - Hành động - Hiệu quả - Phát triển’’ để chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện; nội dung này đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã phân tích rất kỹ tại Kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 16.

Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với hoạt động của chính quyền; phải thường xuyên, sát sao, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo; kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ của địa phương.

cauphuthinh (14).jpg
Toàn cảnh thi công cầu Phú Thịnh, thành phố Lào Cai.

Thứ ba, đổi mới cách thức điều hành bảo đảm hiệu quả, thiết thực; nâng cao chất lượng công tác dự đoán, dự báo, đưa ra các giải pháp kịp thời, sát với yêu cầu nhiệm vụ. Xây dựng kế hoạch chi tiết đối với từng nhiệm vụ bảo đảm tính tổng thể, khoa học; phân công nhiệm vụ rõ ràng gắn với trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát để kịp thời đưa ra các giải pháp điều chỉnh phù hợp, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ đúng tiến độ đề ra.

Thứ tư, có giải pháp khắc phục ngay tình trạng đùn đẩy, né tránh, tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, làm việc cầm chừng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý; rà soát, đánh giá kỹ lưỡng các quy chế, quy định, các phân cấp để phân định rõ trách nhiệm giữa các sở, ngành, địa phương để không xảy ra hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm.

Đẩy mạnh, tăng cường công tác phối hợp giữa xã với huyện, huyện với các sở, ngành, tỉnh và giữa sở, ngành tỉnh với bộ, ngành trung ương; phối hợp giữa các sở, ngành cấp tỉnh, các phòng, ban cấp huyện và các đơn vị cấp phòng trong cùng cơ quan, đơn vị với nhau.

Tiếp tục rà soát, có phương án luân chuyển, điều động, sắp xếp cán bộ, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo quản lý, bảo đảm phù hợp với trình độ chuyên môn, tinh thần, trách nhiệm nhằm nâng cao hiệu quả công việc quản lý, điều hành, triển khai thực hiện được thông suốt. Kiên quyết xử lý các trường hợp gây phiền hà, nhũng nhiễu đối với người dân và doanh nghiệp, đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, cầu toàn, chậm chễ.

Đồng thời, kịp thời khen thưởng, bố trí, sắp xếp những cán bộ dám nghĩ, dám làm, sáng tạo, có hiệu quả trong triển khai thực hiện nhiệm vụ; kiên quyết bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

Thứ năm, thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, kết luận, chương trình, kế hoạch của cấp ủy, các chương trình kinh tế - xã hội, một số nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh: Phát triển nông nghiệp hàng hóa, công nghiệp, du lịch, dịch vụ, xuất - nhập khẩu, phát triển văn hóa con người Lào Cai, lao động, việc làm, triển khai các công trình, dự án quan trọng, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, giảm nghèo bền vững...

 

Tập trung hoàn thiện và triển khai các quy hoạch như: Quy hoạch tỉnh; Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Sa Pa, Quy hoạch chung dọc tuyến sông Hồng, các quy hoạch phân khu thuộc Quy hoạch chung đô thị du lịch Y Tý, quy hoạch các khu, cụm công nghiệp. Đẩy mạnh việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị, nhất là hoàn thiện tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn Yên Bái - Lào Cai theo quy mô 4 làn xe; cầu đường bộ qua sông Hồng; chính thức khởi công được dự án Cảng hàng không Sa Pa; tuyến đường Bắc Ngầm - Bắc Hà, đường kết nối Y Tý; các dự án phát triển nhà ở xã hội, đô thị; các dự án công trình thể thao gắn với phát triển du lịch; các dự án công trình văn hóa, công cộng; dự án phát triển khu thương mại dịch vụ tại đường Thủy Hoa, phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai.

Tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhất là dự án sản xuất công nghiệp (chế biến khoáng sản, thủy điện), đồng thời, rà soát kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ không theo cam kết.

Tiếp tục quan tâm hơn nữa đến nhiệm vụ phát triển văn hóa hài hòa và ngang tầm với phát triển KT - XH. Không ngừng nâng cao đời sống văn hoá, vật chất, tinh thần của Nhân dân; phát huy sức mạnh của văn hoá, coi văn hoá là sức mạnh nội sinh, là động lực phát triển KT - XH. Ưu tiên triển khai đồng bộ 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Chăm lo đời sống người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giải quyết việc làm, giảm nghèo nhanh và bền vững.

Thứ sáu, thu hút mọi nguồn lực, phân bổ sử dụng có hiệu quả nguồn lực để phục vụ cho đầu tư phát triển, bảo đảm có trọng tâm, tránh dàn trải, lãng phí, không hiệu quả. Tập trung giải phóng mặt bằng, tái định cư để kịp thời thực hiện các chương trình, dự án ngay từ đầu năm. Đẩy mạnh quy hoạch, đầu tư các khu công nghiệp, tạo mặt bằng để thu hút đầu tư; trong thu hút đầu tư cần lựa chọn các dự án có chất lượng, hiệu quả kinh tế - xã hội, thực hiện đúng các quy định của pháp luật, ưu tiên các dự án có tác động lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ bảy, ngay sau hội nghị này, căn cứ chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2024 được giao, yêu cầu các ngành, địa phương khẩn trương phân bổ, giao chỉ tiêu cho các đơn vị trực thuộc, với tinh thần, nguyên tắc là chỉ tiêu kế hoạch phấn đấu thực hiện của từng ngành, địa phương phải cao hơn chỉ tiêu tỉnh giao. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện, xác định rõ từng nhiệm vụ, tiến độ thực hiện, phân công từng tổ chức, cá nhân phụ trách để đạt hiệu quả cao nhất.

Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân để quyết tâm thực hiện các chủ trương của cấp ủy, các cơ chế, chính sách và các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh. Thường xuyên gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe và tiếp thu, giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp; nắm chắc tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.

Thứ tám, trong quá trình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024, một yêu cầu rất quan trọng là phải làm thật tốt công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát để kịp thời chấn chỉnh, đề ra giải pháp linh hoạt, phù hợp với thực tiễn. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát; khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp, gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tập trung vào những vấn đề dư luận bức xúc, xã hội quan tâm, lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm, tiêu cực. Tăng cường quản lý Nhà nước đối với các ngành, lĩnh vực, địa bàn. Quan tâm giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc, như: quản lý và sử dụng đất đai, khoáng sản, bảo vệ tài nguyên, môi trường.

Thứ chín, chuẩn bị đón tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, đề nghị các cấp, các ngành tập trung chăm lo tết nguyên đán cho Nhân dân bảo đảm vui tươi, lành mạnh, mọi người, mọi nhà đều có tết. Lưu ý chăm lo đời sống của Nhân dân, nhất là hộ nghèo, thương bệnh binh, gia đình chính sách, người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội, các hộ dân tái định cư; thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với công nhân, người lao động.

Thưa toàn thể các đồng chí!

Chuẩn bị bước sang năm mới 2024, với khí thế mới và động lực mới, tôi tin tưởng cả hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục đoàn kết, nỗ lực hơn nữa, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024.

Tôi đề nghị đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp phải thực sự nêu gương, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, tận tụy với công việc, năng động, sáng tạo, hành động quyết tâm, bám sát công việc và cơ sở, tạo chuyển biến về chất lượng, hiệu quả công việc được giao ngay từ đầu năm.

Nhân dịp chuẩn bị bước sang năm mới 2024, tôi xin gửi tới các đồng chí và toàn thể cán bộ, đảng viên, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, năm mới giành nhiều thắng lợi mới.

https://baolaocai.vn/phan-dau-hoan-thanh-vuot-muc-cac-chi-tieu-chinh-ve-kinh-te-xa-hoi-nam-2024-post377089.html

Theo Đinh Viết Vinh - Đức Nguyễn - Mạnh Dũng/baolaocai.vn

Tin Liên Quan

Đảng bộ khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh 65 năm xây dựng và phát triển

Đảng bộ Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh trong sự phát triển chung của tỉnh

Nhân kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Đảng bộ Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh (10/5/1959 - 10/5/2024), Báo Lào Cai đã phỏng vấn đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy về những kết quả đạt được trong thời gian qua và yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với Đảng bộ Khối trong tình hình mới.

Tinh thần khởi nghiệp của chàng trai "9x" dân tộc Nùng

Không nản chí, không sợ thất bại, luôn cần cù, chịu khó học hỏi là những đức tính để anh Lương Văn Xuân, sinh năm 1990, dân tộc Nùng ở thôn Trang Nùng, xã Xuân Quang (Bảo Thắng) phát triển kinh tế, thành công với mô hình gia công cơ khí và ươm giống cây nông nghiệp.

Họp Ban Chỉ đạo Dự án GREAT 2 Lào Cai

Sáng 8/5, UBND tỉnh Lào Cai phối hợp với Đại sứ quán Ô-xtrây-li-a tại Việt Nam tổ chức cuộc họp Ban Chỉ đạo Dự án Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch tại Lào Cai (Dự án GREAT 2 Lào Cai).

Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường làm việc với Hội đồng Doanh nghiệp gia đình Việt Nam

Chiều 7/5, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Đoàn công tác Hội đồng Doanh nghiệp gia đình Việt Nam do Tiến sỹ Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Hội đồng làm Trưởng đoàn đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại Lào Cai.

Quân và dân Lào Cai góp sức làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ