Những dấu hiệu phục hồi của kinh tế năm 2013

Năm 2013 đã khép lại, tuy vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá ước đạt 132,2 tỉ USD, tăng 15,4% so với năm 2012 chính là một trong những điểm sáng của kinh tế Việt Nam.
Tại buổi họp báo công bố tình hình kinh tế năm 2013 do Tổng CụcThống kê vừa tổ chức tại Hà Nội, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê đã có trao đổi với phóng viên báo chí về những chỉ tiêu kinh tế đạt được của năm 2013.
 
PV: Thưa ông, trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức, để thực hiện tốt các mục tiêu và chỉ tiêu chủ yếu của năm, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các ngành, địa phương thực hiện tích cực và đồng bộ các giải pháp, chủ động khắc phục khó khăn để từng bước ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh. Xin ông cho biết các kết quả về tăng trưởng kinh tế năm qua?
 
Ông Nguyễn Bích Lâm: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2013 ước tính tăng 5,42% so với năm 2012, trong đó quý I tăng 4,76%; quý II tăng 5,00%; quý III tăng 5,54%; quý IV tăng 6,04%. Mức tăng trưởng năm nay tuy thấp hơn mục tiêu tăng 5,5% đề ra nhưng cao hơn mức tăng 5,25% của năm 2012 và có tín hiệu phục hồi. Trong bối cảnh kinh tế thế giới những năm qua có nhiều bất ổn, sản xuất trong nước gặp khó khăn, lạm phát tăng cao, Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt các ngành, các cấp thực hiện ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nên đây là mức tăng hợp lí. Trong mức tăng 5,42% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,67%, xấp xỉ mức tăng năm trước, đóng góp 0,48 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,43%, thấp hơn mức tăng 5,75% của năm trước, đóng góp 2,09 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,56%, cao hơn mức tăng 5,9% của năm 2012, đóng góp 2,85 điểm phần trăm. Như vậy, mức tăng trưởng năm nay chủ yếu do đóng góp của khu vực dịch vụ, trong đó một số ngành chiếm tỉ trọng lớn có mức tăng khá là: Bán buôn và bán lẻ tăng 6,52%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 9,91%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,89%.

 Ảnh minh hoạ (Ảnh: A.N)

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, tuy mức tăng của ngành công nghiệp không cao (5,35%) nhưng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng khá ở mức 7,44% (năm 2012 tăng 5,80%) đã tác động đến mức tăng GDP chung. Ngành xây dựng mặc dù chiếm tỉ trọng không lớn nhưng đạt mức tăng 5,83%, cao hơn nhiều mức tăng 3,25% của năm trước cũng là yếu tố tích cực trong tăng trưởng kinh tế năm nay. Xét về góc độ sử dụng GDP năm nay, tiêu dùng cuối cùng tăng 5,36% so với năm 2012, đóng góp 3,72 điểm phần trăm vào mức tăng chung; tích lũy tài sản tăng 5,45%, đóng góp 1,62 điểm phần trăm; chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 0,08 điểm phần trăm do xuất siêu.
 
PV: Được biết, năm 2013, sản xuất công nghiệp có dấu hiệu phục hồi, nhất là ngành công nghiệp chế biến chế tạo có chuyển biến rõ nét qua từng quý. Ông có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?
 
Ông Nguyễn Bích Lâm: Sản xuất công nghiệp năm 2013 có dấu hiệu phục hồi, nhất là ngành công nghiệp chế biến chế tạo với tỉ trọng lớn trong toàn ngành công nghiệp đã có sự chuyển biến rõ nét qua các quý. Chỉ số tồn kho, chỉ số tiêu thụ diễn biến theo xu hướng tích cực. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 12 ước tính tăng 7% so với cùng kì năm trước, trong đó ngành khai khoáng tăng 0,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,8%; sản xuất và phân phối điện tăng 8,7%; cung cấp nước, xử lí rác thải, nước thải tăng 10,1%. Tính chung cả năm 2013, IIP ước tính tăng 5,9% so với năm trước, cao hơn mức tăng năm 2012, trong đó quí I tăng 5%; quí II tăng 5,5%; quí III tăng 5,4% và quí IV tăng 8%. Nếu loại trừ tháng 1 (IIP tăng 27,5%) và tháng 2 (IIP giảm 15,1%) do ảnh hưởng của yếu tố thời vụ là Tết Nguyên đán thì từ tháng 3, IIP đạt mức tăng 5 - 6%.
 
Trong các ngành công nghiệp cấp I, ngành khai khoáng (chiếm 21,3% giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp) giảm 0,2% so với năm trước; công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm khoảng 71% giá trị tăng thêm toàn ngành) tăng 7,4%, cao hơn nhiều mức tăng 5,5% của năm 2012; ngành sản xuất, phân phối điện (chiếm 6,7% giá trị tăng thêm toàn ngành) tăng 8,5%; ngành cung cấp nước và xử lí nước thải, rác thải (chiếm 1,1% giá trị tăng thêm toàn ngành) tăng 9,1%. Trong mức tăng chung của toàn ngành năm nay, ngành chế biến, chế tạo đóng góp 5,3 điểm phần trăm; sản xuất và phân phối điện đóng góp 0,6 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, xử lí nước thải, rác thải đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai thác giảm 0,1 điểm phần trăm.
 
Một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất tăng cao trong cả năm 2013 so với năm 2012 là: Dệt tăng 21,8%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 15,3%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) tăng 14,4%; sản xuất xe có động cơ tăng 13,5%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 11,6%; sản xuất trang phục tăng 10,4%; sản xuất thiết bị điện tăng 9,6%; khai thác, xử lí và cung cấp nước tăng 9,5%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 9%. Một số ngành có mức tăng khá là: Sản xuất đồ uống tăng 8,8%; sản xuất và phân phối điện tăng 8,5%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và quang học tăng 7,7%. Một số ngành có mức tăng thấp hoặc giảm là: Sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất tăng 6,7%; sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 6%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên tăng 0,5%; khai thác than cứng và than non giảm 1,8%; sản xuất kim loại giảm 2,6%; khai khoáng khác giảm 5,3%. Chỉ số sản xuất công nghiệp cả năm 2013 so với năm 2012 của một số địa phương như sau: Thành phố Hồ Chí Minh tăng 6,3%; Đồng Nai tăng 7,6%; Bình Dương tăng 8,7%; Hà Nội tăng 4,5%; Hải Phòng tăng 4,3%; Bắc Ninh tăng 2,9%; Vĩnh Phúc tăng 14%; Cần Thơ tăng 7,7%; Hải Dương tăng 8,1%; Đà Nẵng tăng 10,5%; Quảng Nam tăng 9,6%; Quảng Ngãi tăng 6,6%...
 
PV: Tín hiệu vui với nền kinh tế Việt Nam năm qua chính là kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tăng 15,4% so với năm 2012. Đây có thể coi là điểm sáng của bức tranh kinh tế năm 2013 không, thưa ông?
 
Ông Nguyễn Bích Lâm: Đúng vậy! Năm 2013, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 132,2 tỉ USD, tăng 15,4% so với năm 2012. Kim ngạch xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước đạt 43,8 tỉ USD, tăng 3,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (gồm cả dầu thô) đạt 88,4 tỉ USD, tăng 22,4%. Nếu không kể dầu thô thì kim ngạch hàng hoá xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài năm nay đạt 81,2 tỉ USD, tăng 26,8% so với năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2013 tăng 18,2%.
 
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm nay tăng cao chủ yếu ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với các mặt hàng như: Điện tử, máy tính và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt may, giày dép... Xuất khẩu của khu vực này trong những năm gần đây có xu hướng tăng mạnh và chiếm tỉ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu: Năm 2011 chiếm 56,9% và tăng 41%; năm 2012 chiếm 63,1% và tăng 31,1%; năm 2013 chiếm 61,4% và tăng 22,4%.
 
Nhiều sản phẩm thuộc nhóm hàng công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh như: Điện thoại và linh kiện đạt 21,5 tỉ USD, tăng 69,2%; hàng dệt, may đạt 17,9 tỉ USD, tăng 18,6%; điện tử máy tính và linh kiện đạt 10,7 tỉ USD, tăng 36,2%; giày dép đạt 8,4 tỉ USD, tăng 15,2%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 5,5 tỉ USD, tăng 17,8%; túi xách, ví, va li, mũ, ô dù đạt 1,9 tỉ USD, tăng 27,6%; hóa chất tăng 32,4%; rau quả tăng 25,7%; hạt điều tăng 12,9%; hạt tiêu tăng 13,4%.
 
Về thị trường, EU tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu năm 2013 ước đạt 24,4 tỉ USD tăng 20,4% (tương đương 4,1 tỉ USD) so với năm 2012, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng tăng so với năm 2012 như: Điện thoại các loại và linh kiện tăng 56% (2,75 tỉ USD); giầy dép tăng 10,5% (245 triệu USD); hàng dệt may tăng 11,2% (243 triệu USD). Hoa Kỳ đứng thứ 2 với kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 23,7 tỉ USD, tăng 20,3% (4 tỉ USD). Tiếp đến là ASEAN đạt 18,5 tỉ USD, tăng 6,3% (1,1 tỉ USD) với các mặt hàng chủ yếu như điện thoại các loại và linh kiện tăng 75,2% (992 triệu USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 30,7% (414 triệu USD). Nhật Bản ước tính đạt 13,6 tỉ USD, tăng 3,8% (496 triệu USD). Hàn Quốc 6,7 tỉ USD, tăng 19,9% (1,1 tỉ USD) ...
 
PV: Ông đánh giá thế nào về tình hình hoạt động của doanh nghiệp?
 
Ông Nguyễn Bích Lâm: Ước tính năm 2013, tổng số doanh nghiệp đăng kí thành lập mới là gần 77.000 doanh nghiệp, tăng 10,1% so với năm 2012. Số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc ngừng hoạt động là 60.737 doanh nghiệp, tăng 11,9% so với năm trước, trong đó số doanh nghiệp đã giải thể là 9.818 doanh nghiệp, tăng 4,9%; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 10.803 doanh nghiệp, tăng 35,7%; số doanh nghiệp ngừng hoạt động nhưng không đăng kí là 40.116 doanh nghiệp, tăng 8,6%.
 
Về hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước, có 2.854 doanh nghiệp thực tế đang hoạt động, chiếm 98,7%; 39 doanh nghiệp ngừng hoạt động, chiếm 1,3%, bao gồm 24 doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước và 15 doanh nghiệp vốn nhà nước trên 50%. Trong số 24 doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước ngừng hoạt động thì tỉ lệ doanh nghiệp chờ giải thể, phá sản là 41,7%; doanh nghiệp chờ sắp xếp lại là 29,2%, doanh nghiệp ngừng để đầu tư đổi mới công nghệ là 12,5%, còn lại là nguyên nhân khác. Trong số 15 doanh nghiệp có vốn nhà nước trên 50% ngừng hoạt động, tỉ lệ doanh nghiệp chờ giải thể, phá sản và chờ sắp xếp lại cùng chiếm 40%, còn lại là nguyên nhân khác. Về lí do ngừng hoạt động, 56,4% số doanh nghiệp trả lời do sản xuất thua lỗ kéo dài, 5,1% trả lời do năng lực quản lí, điều hành hạn chế và 38,5% trả lời do nguyên nhân khác như thiếu vốn sản xuất kinh doanh, không tìm kiếm được thị trường hoặc đang thuộc diện bán hoặc chờ sắp xếp lại.
 
So với năm 2000, số doanh nghiệp nhà nước tại thời điểm 01/01/2013 bằng 54,4%, giảm 2624 doanh nghiệp; tổng doanh thu năm 2012 gấp 6,9 lần năm 2000; tổng lợi nhuận trước thuế gấp 9,4 lần; tổng nộp ngân sách nhà nước gấp 8,1 lần. Thị phần cung cấp sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ của các doanh nghiệp nhà nước cho thị trường trong nước chiếm khoảng 32,2%, trong đó thị phần của doanh nghiệp nông, lâm nghiệp và thủy sản là 41,9%; ngành công nghiệp và xây dựng là 30,4% và ngành dịch vụ là 30,5%.
 
Qua kết quả điều tra cho thấy, tỉ suất lợi nhuận/doanh thu của các doanh nghiệp được cổ phần hóa có xu hướng tăng so với thời điểm trước sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa, cụ thể: 39,6% doanh nghiệp có tỉ suất lợi nhuận tăng trên 10%; 36,5% doanh nghiệp tăng dưới 10%; 36,5% doanh nghiệp không tăng, không giảm và 8,5% doanh nghiệp giảm...
 
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
(theo dangcongsan.vn)

Tin Liên Quan

Ký Hiệp định CEPA Việt Nam-UAE: Mốc lịch sử mở đường lớn vào thị trường Trung Đông-châu Phi

Ngày 28/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ cùng lãnh đạo cấp cao UAE chứng kiến lễ ký Hiệp định CEPA giữa Việt Nam-UAE. Đây là dấu mốc tạo đột phá hợp tác hai bên

Sử dụng chữ ký số cá nhân VNPT SmartCA ngay trên VNeID

Từ ngày 28/10, người dân có thể khởi tạo chữ ký số VNPT SmartCA ngay trên ứng dụng VNeID của Bộ Công an và sử dụng chữ ký số này thực hiện ký số miễn phí hoàn toàn trên các cổng dịch vụ công.

Tuyên bố chung giữa Việt Nam và UAE về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện

Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung giữa nước CHXHCN Việt Nam và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện.

Tập trung ngăn chặn tình trạng "báo hoá" tạp chí, trang thông tin điện tử

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có công văn số 4544/BTTTT-TTra yêu cầu thanh tra các Sở Thông tin và Truyền thông tập trung thanh tra, kiểm tra những vấn đề “nóng” được nhân dân quan tâm, thuộc 4 lĩnh vực: Báo chí-xuất bản; thông tin trên mạng; bưu chính - viễn thông; an toàn thông tin.

Thủ tướng: Chăm lo cho người Việt Nam ở nước ngoài với trách nhiệm cao nhất

Chiều ngày 27/10 (theo giờ địa phương), tại Thủ đô Abu Dhabi, trong chuyến thăm chính thức Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Phu nhân Lê Thị Bích Trân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam có buổi gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam...

Truyền cảm hứng, củng cố lòng tin, lan tỏa tinh thần tích cực

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) Lê Hoàng Châu cho rằng "Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025" do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã...