Kinh tế chuyển biến tích cực hơn

Hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế đều đạt kết quả tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023, tạo động lực mới, khí thế mới và đà phát triển thời gian tới. Tuy nhiên để thúc đẩy tăng trưởng, cần tiếp tục thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp, chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty cổ phần INTERHOUSE LA thuộc Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, Khu công nghiệp Hòa Bình, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. (Ảnh ĐĂNG ANH)

Với quyết tâm tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế-xã hội theo mục tiêu đề ra, ngay từ những tháng đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.

Nhiều ngành sản xuất tiếp đà tăng trưởng

Theo quy luật, trước và sau Tết Nguyên đán là thời điểm thường ghi nhận sự tăng trưởng tích cực của khu vực dịch vụ và năm 2024 cũng không phải ngoại lệ. Tổng cục Thống kê cho biết, hoạt động dịch vụ trong hai tháng đầu năm 2024 diễn ra sôi động và tăng cao so với cùng kỳ, trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,1%; vận chuyển hành khách tăng 9,2%; vận chuyển hàng hóa cũng tăng trưởng ở mức hai con số.

Đáng lưu ý, sự khởi sắc diễn ra mạnh mẽ ở ngành du lịch trong những ngày đầu năm mới khi trong tháng 1 và tháng 2, cả nước đón hơn 1,5 triệu lượt khách quốc tế/tháng, tương đương số lượng khách quốc tế đến Việt Nam cùng kỳ năm 2019 (năm chưa xảy ra dịch Covid-19). Đây là tín hiệu tích cực đối với ngành du lịch Việt Nam, là cơ sở để hoàn thành mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa và đạt tổng thu từ khách du lịch khoảng 840.000 tỷ đồng trong cả năm.

Hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì xu hướng tích cực với chỉ số sản xuất công nghiệp hai tháng ước tăng 5,7% so cùng kỳ, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 5,9%. Bên cạnh đó, 56/63 địa phương trong cả nước có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng, chủ yếu do sự đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Một số địa phương ghi nhận sự tăng trưởng cao của ngành sản xuất và phân phối điện. Đối với hoạt động ngoại thương, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của cả nước tăng 18,6%, trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 19,2%, kim ngạch nhập khẩu tăng 18%, cán cân thương mại duy trì xuất siêu 4,72 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 3,5 tỷ USD).

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 2 tiếp tục duy trì được mức trên 50 điểm (đạt 50,4 điểm) thể hiện mức độ cải thiện của ngành sản xuất; số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng trở lại đối với một số ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như gỗ, dệt may… cho thấy tín hiệu tích cực của sản xuất công nghiệp trong thời gian tới.

Tiếp nối đà tăng trưởng tích cực của năm 2023 và triển vọng thu hút đầu tư năm 2024, hoạt động đăng ký kinh doanh những tháng đầu năm diễn ra sôi động mặc dù bức tranh kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cả nước có hơn 41.100 doanh nghiệp gia nhập thị trường trong hai tháng đầu năm, tăng 8,5% so cùng kỳ.

Khai thác hiệu quả cơ hội phục hồi

Trong báo cáo cập nhật tình hình ngành sản xuất và niềm tin kinh doanh tại Việt Nam tháng 2/2024 vừa phát hành, Hãng thông tin và phân tích tài chính của Mỹ S&P Global nhấn mạnh 3 điểm nổi bật: Số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục cải thiện hỗ trợ tăng việc làm; giá cả đầu ra tăng sau khi giảm trong tháng 1; và yếu tố tích cực nhất là niềm tin kinh doanh đạt mức cao nhất trong một năm. Tuy nhiên, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence lưu ý mức tăng trưởng tổng thể vẫn tương đối yếu.

Điều này khiến các công ty tiếp tục thận trọng trong hoạt động mua hàng và duy trì hàng tồn kho. Tương tự như vậy, mặc dù giá cả đầu ra đã tăng nhưng mức độ tăng giá chỉ là nhẹ khi một số công ty vẫn ngần ngại trong việc tăng giá trong một môi trường cạnh tranh. Các nhà sản xuất sẽ cần có số lượng đơn đặt hàng mới duy trì và tăng mạnh hơn trước khi họ có thể đủ tự tin mua hàng hóa đầu vào và bắt đầu tăng thêm giá bán hàng tương ứng với gánh nặng chi phí.

Đây cũng là mối quan tâm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi nhận định về tình hình sản xuất, kinh doanh và phát triển các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế trong tháng 2/2024. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá, sản xuất, kinh doanh và tình hình đăng ký doanh nghiệp có chuyển biến nhưng vẫn đối mặt với nhiều thách thức khi các thị trường xuất khẩu lớn, chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu và khu vực tiếp tục gặp khó khăn. Trong hai tháng đầu năm, cả nước có 63.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,5% so với cùng kỳ.

Trước tình hình đó, nhiều vấn đề lớn, cấp bách đặt ra cả trước mắt và lâu dài, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương cần tập trung nghiên cứu ngay từ đầu năm để chủ động tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách mới, toàn diện và có tính chất đột phá trong thu hút nguồn lực tài chính, khoa học công nghệ từ bên ngoài, cũng như thu hút các dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn, công nghệ cao; qua đó giúp nền kinh tế khai thác hiệu quả cơ hội phục hồi từ các thị trường, đối tác và tranh thủ thời cơ, cơ hội mới, các xu thế lớn toàn cầu để tạo chuyển biến mạnh mẽ về năng suất, chất lượng tăng trưởng, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành và triển khai đồng bộ, hiệu quả Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở... góp phần giải phóng nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng ngay trong năm 2024; tiếp tục thực hiện quyết liệt, tổng thể và đồng bộ các giải pháp, chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp, tạo việc làm, sinh kế cho người dân; trong đó có việc trình ban hành các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất... như đã thực hiện trong năm 2023; tạo thuận lợi tối đa, giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân trong tiếp cận vốn tín dụng; đẩy nhanh gói tín dụng cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng…

Các tổ chức quốc tế đã đưa ra dự báo kinh tế Việt Nam năm 2024 có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn so với năm 2023. Trong thời gian tới, nền kinh tế có nhiều triển vọng cải thiện tốc độ tăng trưởng thông qua thúc đẩy đầu tư công, tiêu dùng, du lịch và gia tăng đóng góp của số hóa, công nghệ cao vào tăng trưởng cũng như đẩy mạnh quá trình chuyển đổi xanh, tận dụng xu hướng dịch chuyển của dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Kinh tế chuyển biến tích cực hơn (nhandan.vn)

Theo nhandan.vn

Tin Liên Quan

Môi trường đầu tư chuyển biến rõ nét

Thời gian gần đây môi trường đầu tư tại một số tỉnh, thành phố được cải thiện rõ rệt. Nhiều thủ tục hành chính, nhất là thủ tục liên quan đến doanh nghiệp và lĩnh vực đầu tư được đơn giản hóa, rút ngắn đáng kể thời gian giải quyết. Có địa phương ban hành cơ chế đặc thù, ủy quyền cho một...

Làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ, giáo dục trẻ em trong tình hình mới

Những chủ trương, định hướng lớn của Ðảng và Hiến pháp năm 2013 đang đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, nhất là việc bảo vệ trẻ em trước và trong hoạt động tố tụng hình sự.

Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người

Ngày 25/4, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam đối với Báo cáo Nhân quyền thường niên năm 2023 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố ngày 22/4/2024, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nhấn mạnh, Báo cáo Nhân...

Sắp diễn ra Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Ninh thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 28/4/2024, tại Long Thuận Hotel & Resort (số 01 đường Yên Ninh, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận), UBND tỉnh Ninh Thuận sẽ tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận.

Hơn 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu được giới thiệu tại Triển lãm Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử

Triển lãm "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử" giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu phản ánh về trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ năm 1954 và khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ; sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của...

Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), Cục Điện ảnh sẽ tổ chức "Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ" từ ngày 24-30/4/2024 tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.