Việt Nam luôn tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người

Báo cáo quốc gia theo Cơ chế kiểm điểm định kỳ (UPR) chu kỳ II của Việt Nam nhấn mạnh những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong việc tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người trên thực tế.
 
Caption

Một phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (Ảnh: AFP)

 
Ngày 5/2, Việt Nam chính thức bảo vệ Hồ sơ nhân quyền trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Geneva, Thụy Sĩ, theo Cơ chế kiểm điểm định kỳ (UPR).
 
Theo TTXVN, Đoàn liên ngành Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc dẫn đầu tham dự Phiên bảo vệ Báo cáo quốc gia theo UPR chu kỳ II trong bối cảnh Việt Nam vừa trúng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016 với số phiếu cao nhất trong số các ứng cử viên.

Báo cáo quốc gia theo UPR chu kỳ II của Việt Nam nhấn mạnh những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong việc tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người trên thực tế; nêu bật kết quả thực hiện những khuyến nghị đã chấp nhận tại Báo cáo UPR chu kỳ I, những thách thức, tồn tại và hướng ưu tiên của Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển quyền con người.

Báo cáo nêu rõ: Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về quyền con người như thông qua bản sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trong đó dành toàn bộ Chương II quy định việc bảo vệ quyền con người và quyền công dân; Ban hành mới các luật như Luật Khám chữa bệnh (2009), Luật Lý lịch tư pháp (2009), Luật Người cao tuổi (2010), Luật Người khuyết tật (2010), Luật Nuôi con nuôi (2010), Luật Thi hành án hình sự (2010), Luật Tố tụng hành chính (2010), Luật Tố cáo (2011), Luật Phòng, chống mua bán người (2011),…


Việt Nam đã tham gia các công ước quốc tế quan trọng về nhân quyền như: ký Công ước về quyền của người khuyết tật (CRPD) năm 2008; thông qua Luật Người khuyết tật năm 2010 và hiện đang hoàn thiện các thủ tục để sớm phê chuẩn CRPD; gia nhập Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư về ngăn chặn, trấn áp và trừng phạt tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (năm 2012); Công ước số 122 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về chính sách việc làm; Phê chuẩn Công ước số 186 về Lao động hàng hải ngày 8/5/2013 (có hiệu lực từ 8/5/2014).
 
UPR là cơ chế được Hội đồng Nhân quyền thành lập năm 2007 nhằm đánh gia một cách toàn diện, khách quan tình hình thực hiện các nghĩa vụ, cam kết về nhân quyền của tất cả các nước thành viên LHQ.
 
Năm 2009, Việt Nam đã trình bày và bảo vệ thành công báo cáo UPR chu kỳ I và được Hội đồng Nhân quyền LHQ đánh giá cao.
Việt Nam luôn tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người như: quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin; quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng; quyền của người đang chấp hành án phạt tù, người bị tạm giam, tạm giữ đề điều tra; quyền kinh tế, xã hội và văn hóa nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Việt Nam luôn coi trọng xây dựng và phát triển các chính sách, chương trình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới. Tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội khóa XIII đạt 24,4%, đứng thứ hai khu vực ASEAN.

Trên phạm vi khu vực và quốc tế, Việt Nam đã đóng góp tích cực vào việc thành lập Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR), Ủy ban ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy các quyền của phụ nữ và trẻ em (ACWC) và Tuyên bố Nhân quyền ASEAN; tích cực tham gia Sáng kiến cấp Bộ trưởng các nước Tiểu vùng sông Mekong về phòng, chống nạn buôn bán người (COMMIT); phối hợp chặt chẽ với các tổ chức LHQ như Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của LHQ (UNODC), Tổ chức Di trú quốc tế (IOM), Dự án Liên đối tác LHQ về chống buôn người (UNIAP) và ký nhiều thỏa thuận, hiệp định hợp tác song phương với các nước Lào, Campuchia, Trung Quốc, Malaysia… về phòng, chống nạn buôn bán người trong khu vực (COMMIT); thiết lập các cơ chế đối thoại song phương thường kỳ về nhân quyền với một số nước và đối tác như Mỹ, Liên minh châu Âu, Australia, Na Uy, Thụy Sĩ.

Bằng chứng cho thấy sự tích cực và chủ động của Việt Nam tham gia đóng góp vào những công việc quốc tế, nhất là việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người được thể hiện qua số phiếu  ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016.

 
Trong phiên họp thứ 18 của Nhóm làm việc theo cơ chế kiểm điểm định kỳ của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (UPR) chiều ngày 5/2, đa số đại biểu của các nước tham dự phiên họp đều hoan nghênh những nỗ lực của Việt Nam trong những năm qua và chúc mừng Việt Nam với vai trò mới tại Hội đồng Nhân quyền bắt đầu từ đầu năm nay.
 
Việt Nam lần đầu tiên thực hiện cơ chế UPR vào tháng 5/2009 và đã nhận được 123 khuyến nghị từ 60 quốc gia, trong đó chấp thuận 96 khuyến nghị.

Các khuyến nghị còn lại tuy không được chấp thuận do không phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện đặc thù của Việt Nam, song Chính phủ Việt Nam vẫn nghiêm túc nghiên cứu.


Việc thực hiện các khuyến nghị UPR đã chấp thuận được Thủ tướng Chính phủ giao trực tiếp cho 17 Bộ, ngành và cơ quan thuộc Chính phủ.
 
Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc xóa đói giảm nghèo. Tỷ lệ người nghèo dưới ngưỡng chuẩn quốc gia đã giảm từ 58,1% năm 1993 xuống 14,8% năm 2007 và 7,8% năm 2013. Việt Nam cũng đã hoàn thành 5 trong số 8 Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc trước thời hạn.

Trong bối cảnh trong nước còn nhiều khó khăn về mặt kinh tế và xã hội do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và tài chính toàn cầu, Chính phủ Việt Nam vẫn đặt ưu tiên cho vấn đề an sinh xã hội và cải thiện mức sống của người dân. Vì lý do đó mà không có bất cứ chương trình an sinh xã hội nào bị cắt giảm trong giai đoạn này.

Các đại biểu cũng đánh giá cao việc Việt Nam ký “Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn và trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo hoặc làm mất phẩm giá khác” (gọi tắt là Công ước chống tra tấn) vào tháng 11/2013.

Đây là văn kiện quốc tế quan trọng về quyền con người, nhằm ngăn ngừa các hành vi tra tấn, đồng thời tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, thúc đẩy xây dựng các cơ chế bảo vệ nạn nhân và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Các nước hy vọng Việt Nam sẽ sớm phê chuẩn và thực hiện Công ước này.

Các nước ghi nhận Báo cáo Quốc gia của Việt Nam đã cung cấp các thông tin đầy đủ, đa chiều, thể hiện rõ sự nghiêm túc của Việt Nam đối với Cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát, đánh giá cao sự tham gia đóng góp đầy đủ của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp, người dân và quá trình tham vấn, đối thoại nghiêm túc, kỹ lưỡng giữa Chính phủ và tất cả các bên liên quan.
 
Nhiều nước hoan nghênh những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong xây dựng nhà nước pháp quyền, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ, từ đó tạo điều kiện cho việc đảm bảo quyền con người một cách toàn diện, đặc biệt chú ý tới quyền của các nhóm yếu thế, sự cân bằng, hài hòa giữa các quyền chính trị - dân sự và kinh tế - văn hóa – xã hội.
 
Các nước đánh giá cao sự cởi mở, hợp tác và tích cực của Việt Nam, khẳng định cộng đồng quốc tế hoan nghênh và mong muốn Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp to lớn hơn nữa trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên phạm vi quốc tế.
 
Trên tinh thần thẳng thắn, xây dựng, các nước tiếp tục khuyến nghị Việt Nam nỗ lực hơn nữa trong việc cải cách tư pháp, pháp luật, thúc đẩy quyền tự do ngôn luận, báo chí, tôn giáo, mời thêm các Thủ tục Đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền…
 
Nhiều nước cũng khuyến nghị Việt Nam tăng cường chia sẻ kinh nghiệm đổi mới, đảm bảo quyền của các nhóm yếu thế, đảm bảo an sinh xã hội, tạo việc làm…trong điều kiện kinh tế khó khăn, khuyến nghị Việt Nam tăng cường hợp tác với các cơ chế nhân quyền của Liên Hợp Quốc và các Cơ quan Công ước.
 
Các nước ASEAN đã hoan nghênh những đóng góp của Việt Nam vào việc thành lập và hoạt động của Ủy ban Liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền, khuyến nghị Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực vào việc thực hiện Tuyên bố Nhân quyền ASEAN.
 
Phiên họp thứ 18 của Nhóm làm việc về UPR của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc diễn ra từ ngày 27/1 đến 7/2/2014 với 14 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, bao gồm: New Zealand, Afghanistan, Chile, Uruguay, Yemen, Vanuatu, Macedonia, Comoros, Slovakia, Eritrea, Cyprus, Cộng hòa Dominica, Campuchia và Việt Nam. Việt Nam đến kỳ kiểm điểm (định kỳ 4, 5 năm 1 lần) theo nguyên tắc đối thoại, hợp tác, đối xử bình đẳng, khách quan, minh bạch, xây dựng, không đối đầu, không chọn lọc và chính trị hóa.

Nhóm làm việc về UPR sẽ họp và thông qua báo cáo kết quả kiểm điểm của quốc gia./.
(theo vietnam.vn)

Tin Liên Quan

Hiệp định Geneve: Bài học quý cho hoạt động đối ngoại quốc phòng, an ninh trong tình hình mới

Mặc dù 70 năm đã trôi qua, nhưng Hiệp định Geneve vẫn vẹn nguyên ý nghĩa lịch sử, giá trị hiện thực và để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý cho hoạt động ngoại giao nói chung và đối ngoại quốc phòng, an ninh nói riêng trong tình hình hiện nay.

Môi trường đầu tư chuyển biến rõ nét

Thời gian gần đây môi trường đầu tư tại một số tỉnh, thành phố được cải thiện rõ rệt. Nhiều thủ tục hành chính, nhất là thủ tục liên quan đến doanh nghiệp và lĩnh vực đầu tư được đơn giản hóa, rút ngắn đáng kể thời gian giải quyết. Có địa phương ban hành cơ chế đặc thù, ủy quyền cho một...

Làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ, giáo dục trẻ em trong tình hình mới

Những chủ trương, định hướng lớn của Ðảng và Hiến pháp năm 2013 đang đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, nhất là việc bảo vệ trẻ em trước và trong hoạt động tố tụng hình sự.

Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người

Ngày 25/4, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam đối với Báo cáo Nhân quyền thường niên năm 2023 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố ngày 22/4/2024, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nhấn mạnh, Báo cáo Nhân...

Sắp diễn ra Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Ninh thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 28/4/2024, tại Long Thuận Hotel & Resort (số 01 đường Yên Ninh, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận), UBND tỉnh Ninh Thuận sẽ tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận.

Hơn 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu được giới thiệu tại Triển lãm Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử

Triển lãm "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử" giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu phản ánh về trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ năm 1954 và khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ; sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của...