Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng tiến bộ

Nhà nước Việt Nam thực hiện đường lối nhất quán là các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng tiến bộ. Hệ thống pháp luật Việt Nam liên tục được hoàn thiện, đáp ứng cơ bản chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có việc bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của các dân tộc thiểu số.

 

 

Các đại biểu dự Đại hội Dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ nhất (Ảnh: vov.vn)

Người dân tộc thiểu số được chăm lo, tạo điều kiện tham gia hệ thống chính trị, quản lý xã hội, quản lý nhà nước. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham chính ngày càng tăng, số lượng đại biểu Quốc hội là dân tộc thiểu số luôn chiếm tỷ lệ cao hơn so với tỷ lệ dân số. Trong 4 nhiệm kỳ Quốc hội gần đây, tỷ lệ đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số chiếm từ 15,6% đến 17,27%, trong khi người dân tộc thiểu số chỉ chiếm 14,3% dân số. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham gia Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2011 - 2016 là 18%, cấp huyện là 20%, cấp xã là 22,5%.

Trong giai đoạn 2006 – 2012, Nhà nước đã có 160 văn bản quy phạm pháp luật về chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi, với kinh phí từ ngân sách lên tới 55.000 tỷ đồng (tương đương 2,6 tỷ đô la Mỹ). Với nguồn lực như vậy, nhiều chính sách đã phát huy hiệu quả tốt như Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về giảm nghèo bền vững; chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo; Chương trình phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo ở vùng có đông người dân tộc thiểu số giảm từ 32,6% năm 2009 xuống còn 24,3% năm 2012. Cơ sở hạ tầng có sự cải thiện rõ rệt: 98,6% xã có đường ô tô; 99,8% số xã và 95,5% số thôn được sử dụng điện sinh hoạt.

Năm 2012, 100% xã đã đạt chuẩn phổ cập tiểu học, nhiều nơi đã đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở, tỷ lệ nhập học đúng độ tuổi bậc giáo dục tiểu học bình quân cả nước đạt gần 98%, trong đó 95% trẻ em dân tộc thiểu số được đến trường. Tất cả các tỉnh, vùng có đông dân tộc thiểu số đều có trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, trường dạy nghề và đào tạo nghiệp vụ trong các lĩnh vực nông nghiệp, quản lý kinh tế, tài chính, giáo dục, y tế. Năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82 quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số. Năm 2012, đã có 32 tỉnh tổ chức dạy và học 12 tiếng dân tộc thiểu số. Tính đến hết năm 2012, cả nước có 2.629 lớp học chữ tiếng dân tộc với 136.600 học sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang hợp tác với UNICEF thí điểm thực hiện giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ tại 3 tỉnh Lào Cai, Trà Vinh, Gia Lai bước đầu đạt kết quả tốt.

Mạng lưới y tế phát triển nhanh chóng ở vùng có đông dân tộc thiểu số, hệ thống bệnh viện tỉnh, huyện và trạm y tế xã đã được quan tâm đầu tư, 99,39% xã có trạm y tế, 77,8% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Đến năm 2011, có 94,2% số thôn có cán bộ y tế. Đồng bào dân tộc được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, đồng bào nghèo được khám chữa bệnh miễn phí. Các dịch bệnh ở vùng dân tộc và miền núi như sốt rét, bướu cổ cơ bản được khống chế; giảm đáng kể tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng...

Năm 2011, Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”, thể hiện chính sách của Nhà nước Việt Nam trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc thiểu số. Đề án tập trung ưu tiên phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số rất ít người. Người dân tộc thiểu số ở tất cả các vùng miền được tham gia hoạt động văn hóa mang bản sắc các dân tộc, 92% người dân được nghe đài phát thanh, 85% được xem truyền hình, nhiều chương trình phát bằng tiếng dân tộc thiểu số như: Mông, Thái, Êđê, Chăm, Khmer... Nhiều di sản văn hóa các dân tộc được công nhận là di sản văn hoá cấp quốc gia như: “Lễ hội Lồng Tồng” của dân tộc Tày, “Lễ Cấp sắc” của dân tộc Dao. Tổ chức UNESCO đã công nhận một số di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam là di sản văn hóa thế giới như: “Không gian văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên”, “Thánh địa Mỹ Sơn”...

Đối với cộng đồng các dân tộc thiểu số, quyền tự do và bình đẳng về tôn giáo được Nhà nước bảo vệ và hỗ trợ phát triển. Học viện Phật giáo Nam Tông Khmer đã được thành lập và Kinh sách Phật giáo bằng tiếng Khmer được nhập khẩu để phục vụ đào tạo chức sắc và sinh hoạt tôn giáo của người dân tộc Khmer. Người dân tộc Chăm theo Hồi giáo và đạo Bàlamôn được tạo điều kiện thành lập các Ban đại diện cộng đồng để hỗ trợ việc sinh hoạt tôn giáo, gìn giữ và phát triển tôn giáo truyền thống. Kinh thánh song ngữ tiếng Việt – Banar/Êđê/Jrai cũng được phát hành để đáp ứng nhu cầu của người dân tộc thiểu số theo đạo Tin lành.

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong vùng dân tộc và miền núi có chuyển biến tích cực, dịch vụ trợ giúp pháp lý đang tiếp cận với người dân. Thực hiện Luật trợ giúp pháp lý, 100% các tỉnh, thành phố đã có các Trung tâm trợ giúp pháp lý. Các Trung tâm này cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí bằng các hình thức tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng… để giúp đỡ người nghèo, người dân tộc thiểu số giải quyết các vướng mắc về pháp luật. Từ năm 2009 đến hết 2012, các tổ chức trợ giúp pháp lý đã thực hiện trợ giúp hơn 200.000 lượt đối tượng là người dân tộc thiểu số, thành lập gần 2.000 câu lạc bộ trợ giúp pháp lý ở các xã để phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân, trong đó có người dân tộc thiểu số./.

(theo dangcongsan.vn)

Tin Liên Quan

Hiệp định Geneve: Bài học quý cho hoạt động đối ngoại quốc phòng, an ninh trong tình hình mới

Mặc dù 70 năm đã trôi qua, nhưng Hiệp định Geneve vẫn vẹn nguyên ý nghĩa lịch sử, giá trị hiện thực và để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý cho hoạt động ngoại giao nói chung và đối ngoại quốc phòng, an ninh nói riêng trong tình hình hiện nay.

Môi trường đầu tư chuyển biến rõ nét

Thời gian gần đây môi trường đầu tư tại một số tỉnh, thành phố được cải thiện rõ rệt. Nhiều thủ tục hành chính, nhất là thủ tục liên quan đến doanh nghiệp và lĩnh vực đầu tư được đơn giản hóa, rút ngắn đáng kể thời gian giải quyết. Có địa phương ban hành cơ chế đặc thù, ủy quyền cho một...

Làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ, giáo dục trẻ em trong tình hình mới

Những chủ trương, định hướng lớn của Ðảng và Hiến pháp năm 2013 đang đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, nhất là việc bảo vệ trẻ em trước và trong hoạt động tố tụng hình sự.

Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người

Ngày 25/4, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam đối với Báo cáo Nhân quyền thường niên năm 2023 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố ngày 22/4/2024, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nhấn mạnh, Báo cáo Nhân...

Sắp diễn ra Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Ninh thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 28/4/2024, tại Long Thuận Hotel & Resort (số 01 đường Yên Ninh, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận), UBND tỉnh Ninh Thuận sẽ tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận.

Hơn 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu được giới thiệu tại Triển lãm Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử

Triển lãm "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử" giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu phản ánh về trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ năm 1954 và khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ; sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của...