Thu hẹp khoảng cách tiếp cận vaccine

Tăng cường khả năng châu Phi tự sản xuất vaccine là chủ đề được tập trung thảo luận tại Diễn đàn toàn cầu về chủ quyền vaccine và đổi mới, vừa diễn ra ở Paris (Pháp). Để bảo đảm tiếp cận công bằng vaccine, ngoài việc các nước giàu chia sẻ vaccine, các hãng dược thực hiện đầy đủ cam kết phân phối, thì việc mở rộng sản xuất là yếu tố rất quan trọng, giúp các nước nghèo tự chủ hơn trong giải quyết các cuộc khủng hoảng y tế.

Tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại Đức. Ảnh: Reuters

Các nhà lãnh đạo thế giới, nhóm y tế và công ty dược phẩm tham dự Diễn đàn toàn cầu về chủ quyền vaccine và đổi mới, diễn ra ngày 20/6 ở Paris, vừa công bố khoản tài trợ trị giá 1,2 tỷ USD dành cho việc tăng cường sản xuất vaccine ở châu Phi.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, 75% số tiền tài trợ đến từ châu Âu. Đức đóng góp 318 triệu USD cho chương trình này, trong khi Pháp đầu tư 100 triệu USD, Anh đầu tư 60 triệu USD. Ngoài ra, khoản tài trợ trên còn được dùng để thành lập một cơ quan dược phẩm của châu Phi, tương tự Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu.

Đại dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, cuộc sống của con người, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế mà còn bộc lộ tình trạng bất bình đẳng trong phân phối vaccine trên toàn cầu. Một nghịch lý xảy ra là trong khi các quốc gia giàu, vốn là nơi đặt trụ sở của hầu hết các công ty dược phẩm lớn, đã tích trữ phần lớn dược phẩm và thậm chí dẫn đến tình trạng dư thừa vaccine ngừa Covid-19 đến mức phải vứt bỏ vì quá hạn sử dụng, thì châu Phi bị bỏ lại phía sau, không kịp thời tiếp cận vaccine để bảo vệ người dân.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus từng nhấn mạnh: "Sự bất công về vaccine là một nỗi xấu hổ với toàn nhân loại".

Điều kiện y tế nghèo nàn, lạc hậu, nguồn lực tài chính ít ỏi, nguồn cung vaccine thiếu, lực lượng nhân viên thiếu hụt trầm trọng… là những nguyên nhân khiến châu Phi chậm chân trong cuộc chiến đẩy lùi dịch Covid-19. Tình hình dịch bệnh còn trở nên đặc biệt nghiêm trọng ở những nơi xung đột vẫn diễn ra hằng ngày, nơi mà tình trạng thiếu thốn lương thực là căn bệnh trầm kha.

Tuy nhiên, kể cả khi dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu thì sự bất bình đẳng về tiếp cận dịch vụ y tế và vaccine vẫn hiện hữu. Có ít nhất 4,5 tỷ người không được cung cấp đầy đủ dịch vụ y tế thiết yếu.

Báo cáo "Tình hình trẻ em thế giới năm 2023: Tiêm vaccine cho mọi trẻ em" của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, châu Phi là khu vực có số lượng trẻ em chưa được tiêm chủng cao nhất, với 12,7 triệu trẻ không được tiêm chủng đầy đủ vào năm 2021, trong đó có 8,7 triệu trẻ chưa được tiêm bất cứ liều vaccine nào. Hậu quả là thế giới đã chứng kiến các bệnh tưởng chừng đã được kiểm soát, như bệnh bạch hầu hay bệnh sởi, bất ngờ bùng phát trở lại. Hồi đầu năm 2024, các tổ chức quốc tế phải hỗ trợ 13 quốc gia ở khu vực đông và nam châu Phi ứng phó với một trong những đợt bùng phát dịch tả nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua.

Liên minh châu Phi (AU) đề ra mục tiêu đến năm 2040, 60% số vaccine được sử dụng ở châu Phi sẽ được sản xuất trong khối. Thời gian qua, nhiều hội thảo lớn, nhỏ về tình hình y tế của châu Phi cũng bàn thảo về các chiến lược tăng cường sản xuất sản phẩm y tế ở châu Phi để châu lục này chủ động bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Bộ trưởng Y tế Rwanda Sabin Nsanzimana nhấn mạnh, việc sản xuất và phân phối tại chỗ vaccine là giải pháp quan trọng với châu Phi, khu vực hiện nhập khẩu hơn 90% số vaccine và thuốc điều trị từ bên ngoài.

Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (Gavi) cho biết, trong một thế giới đang bị chia rẽ, Diễn đàn toàn cầu về chủ quyền vaccine và đổi mới đã khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy tinh thần đoàn kết, hợp tác toàn cầu. Gavi đang lên kế hoạch huy động khoảng 11,9 tỷ USD từ các chính phủ để tài trợ cho các chương trình tiêm chủng ở những quốc gia nghèo trong giai đoạn 2026-2030. Bài học về thúc đẩy tiếp cận công bằng dịch vụ y tế trong thời gian bùng phát dịch Covid-19 còn nguyên giá trị trong bối cảnh hiện nay.

Thu hẹp khoảng cách tiếp cận vaccine (nhandan.vn)

Theo nhandan.vn

Tin Liên Quan

Cộng đồng quốc tế chia sẻ trách nhiệm hỗ trợ người tị nạn

Gần 120 triệu người trên thế giới phải rời bỏ mái ấm để trốn chạy khỏi các cuộc xung đột, bạo lực... Con số nhức nhối này là hồi chuông cảnh báo và cũng thúc giục cộng đồng quốc tế dang rộng vòng tay đón nhận và hỗ trợ người tị nạn, để tránh những thảm kịch tồi tệ.

Xu hướng tích cực trên thị trường năng lượng

Báo cáo Đầu tư Năng lượng thế giới hằng năm của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho thấy, đầu tư toàn cầu vào công nghệ và cơ sở hạ tầng năng lượng sạch dự kiến đạt 2.000 tỷ USD trong năm nay, gấp đôi mức dành cho nhiên liệu hóa thạch. Sự gia tăng chi tiêu cho năng lượng sạch là nhờ kinh tế phát triển...

Triển vọng của kinh tế toàn cầu

Nền kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu ổn định, với việc Ngân hàng Thế giới (WB) nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 lên 2,6%, từ mức dự báo 2,4% trước đó. Tuy nhiên, tổ chức tài chính quốc tế này vẫn tỏ ra quan ngại về tình trạng tăng trưởng không đồng đều, cũng như nền kinh tế thế...

Áp lực đè nặng hệ thống lương thực toàn cầu

Hệ thống lương thực toàn cầu đang đối mặt nhiều thách thức khi chỉ số giá lương thực tăng nhiều tháng liên tiếp, trong khi đó thời tiết cực đoan đe dọa làm sụt giảm sản lượng nông sản, các cuộc xung đột khiến nạn đói ngày càng nghiêm trọng. Thực trạng này có thể làm đảo ngược những thành tựu thế...

Nhiều nước châu Á hứng chịu nắng nóng khắc nghiệt

Theo Trung tâm Khí tượng quốc gia Trung Quốc (NMC), trong tuần này, nhiều vùng ở miền bắc và miền trung nước này ghi nhận nền nhiệt cao kỷ lục, trong khi hạn hán nghiêm trọng ở miền đông đang đe dọa mùa màng. NMC dự báo, nắng nóng tiếp tục bao trùm miền bắc Trung Quốc đến ngày 20/6, với mức nhiệt có thể bằng...

Nhật Bản đăng ký tất cả cư dân nước ngoài vào hệ thống lương hưu quốc gia

Việc đăng ký tham gia chương trình hưu trí sẽ tạo nền tảng kinh tế cho người nước ngoài tiếp tục sống ở Nhật Bản khi về già.