Bảo vệ giới trẻ trước tác hại của thuốc lá
Thế giới có khoảng 37 triệu trẻ em, từ 13 đến 15 tuổi, hút thuốc lá. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi các chính phủ nhanh chóng hành động để bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.Người dân Indonesia hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5. (Ảnh: UNNES.AC.ID)
Theo nghiên cứu mới nhất của WHO và STOP- cơ quan giám sát ngành công nghiệp thuốc lá toàn cầu, tại nhiều quốc gia, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở thanh, thiếu niên cao hơn ở người lớn. Làn sóng hút thuốc trong giới trẻ lan rộng tại hầu hết khu vực trên thế giới.
Tại châu Phi, tỷ lệ thanh niên hút thuốc lá ở mức cao đáng báo động, 17,8% ở Zimbabwe, hơn 10% ở Seychelles, Mauritius, Mauritania và Madagascar, và từ 6,5% đến 9,5% ở Algeria, Cameroon, Gabon và Gambia. Trong khi đó, báo cáo Văn phòng WHO tại châu Âu vừa công bố cũng cho thấy một bức tranh đáng lo ngại về việc sử dụng chất gây nghiện trong thiếu niên khi khoảng 11% trẻ em từ 13 đến 15 tuổi hút thuốc.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ giới trẻ hút thuốc tăng mạnh là chiến lược tiếp thị và đa dạng hóa sản phẩm của ngành công nghiệp thuốc lá. Tiến sĩ Ruediger Krech, Giám đốc Bộ phận Xúc tiến Y tế của WHO cho rằng, các doanh nghiệp cố tình thiết kế sản phẩm và sử dụng chiến lược tiếp thị thuốc lá điện tử nhắm trực tiếp đến những người trẻ tuổi, đối tượng được xem sẽ là khách hàng thân thiết và mang lại lợi nhuận lâu dài cho ngành thuốc lá.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ lo ngại: “Lịch sử đang lặp lại, nhưng dưới một hình thức khác. Vẫn là chất nicotin nhưng với bao bì khác”. Theo người đứng đầu WHO, các công ty thuốc lá nhắm vào đối tượng sử dụng là trẻ em khi đưa ra các sản phẩm thuốc lá điện tử có mùi hương trẻ em yêu thích, thiết kế bắt mắt. Ngoài ra, WHO cũng chỉ ra một số chiến thuật khác mà ngành công nghiệp thuốc lá sử dụng để tiếp cận giới trẻ, như tài trợ cho các lễ hội âm nhạc và sự kiện thể thao, sử dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm.
Những tác hại của thuốc lá, trong đó có thuốc lá điện tử, gây ra cho sức khỏe con người là không thể phủ nhận. Tại nhiều nước, thuốc lá điện tử được quảng cáo rầm rộ như một giải pháp thay thế lành mạnh cho việc hút thuốc. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Scientific Reports cho thấy, các sản phẩm thuốc lá điện tử chứa hơn 500 loại hóa chất độc hại.
Đáng lo ngại, trên thị trường hiện có hàng chục nghìn loại thuốc lá điện tử khác nhau và trong mỗi sản phẩm đều chứa nhiều loại hóa chất. Giáo sư Donal O’Shea thuộc Trường đại học Phẫu thuật Hoàng gia ở Ireland cảnh báo, làn sóng bệnh mãn tính mới có thể xuất hiện sau 15 đến 20 năm nữa, do người sử dụng đang bị phơi nhiễm các chất độc hại từ thuốc lá điện tử.
Trước thực trạng đáng lo ngại nêu trên, nhiều nước đã mạnh tay triển khai các biện pháp giúp giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá. Mới đây, Hạ viện Anh đã thông qua dự luật ngăn chặn giới trẻ hút thuốc. Sau khi được thông qua, luật mới sẽ cấm bán thuốc lá cho người sinh sau ngày 1/1/2009, sau đó mỗi năm sẽ nâng độ tuổi hút thuốc lá thêm một năm cho đến khi áp dụng với toàn bộ dân số. Đây được xem là một trong số những kế hoạch cấm thuốc lá nghiêm ngặt nhất hiện nay.
Tại Thái Lan, Văn phòng Ủy ban giáo dục cơ bản tuyên bố áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt nhằm cấm thuốc lá điện tử trong trường học. Một trong những biện pháp mà Obec áp dụng là kiểm tra ba-lô, túi xách của học sinh trước khi các em vào lớp học. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc lá xuống dưới 5% dân số vào năm 2040. Để hiện thực hóa mục tiêu này, EU đã triển khai một số biện pháp như cấm bán các sản phẩm thuốc lá nung nóng có hương vị, yêu cầu ghi nhãn chặt chẽ hơn đối với những sản phẩm này, hạn chế quảng cáo và tài trợ cũng như tiến hành các chiến dịch chống hút thuốc, hỗ trợ chương trình cai nghiện thuốc lá.
Giới chuyên gia nhận định, những năm gần đây, cuộc chiến ngăn chặn những nguy cơ từ thuốc lá đã đạt được nhiều tiến bộ quan trọng, song vẫn đối mặt thách thức khi thuốc lá điện tử ngày càng phổ biến. Trong bối cảnh đó, WHO kêu gọi các nước triển khai những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa nhằm bảo vệ người dân, nhất là giới trẻ, khỏi “kẻ giết người” nguy hiểm này.