Báo Trung Quốc ca ngợi thành tích thu hút FDI của Việt Nam

Với nhan đề "Vốn đầu tư nước ngoài đổ vào, kinh tế Việt Nam quý III có nhiều khởi sắc, Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển", bài viết đăng trên tờ Thương báo quốc tế thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc đã đánh giá cao kết quả thu hút FDI và phát triển kinh tế của Việt Nam cũng như triển vọng hợp tác giữa hai nước.

Bài viết được đăng ở vị trí nổi bật trên trang 2 tờ Thương báo quốc tế số ra ngày 16/10. (Ảnh cắt từ epa.comnews.cn)

Bài viết được đăng ở vị trí nổi bật trên trang 2 tờ Thương báo quốc tế số ra ngày 16/10. (Ảnh cắt từ epa.comnews.cn)

Bài viết nhấn mạnh, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III của Việt Nam tăng 7,4% so cùng kỳ năm ngoái, là mức tăng trưởng theo quý cao nhất trong hai năm. Trong đó, tăng trưởng của ngành sản xuất chế biến hết sức nổi bật, với tốc độ tăng 11,41%, trở thành mức tăng trưởng cùng kỳ cao nhất trong 6 năm qua. Hiện nay, ngày càng nhiều công ty đa quốc gia chọn đến đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Dẫn số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, tờ Thương báo quốc tế (Trung Quốc) cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt hơn 24,78 tỷ USD, tăng 11,6% so cùng kỳ năm 2023. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng hơn 17,3 tỷ USD, tăng 8,9% so cùng kỳ năm 2023. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 trong số 21 ngành nghề của nền kinh tế Việt Nam.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với hơn 15,64 tỷ USD, chiếm 63,1% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam; tiếp theo là lĩnh vực kinh doanh bất động sản; sản xuất, phân phối điện và bán buôn, bán lẻ.

Bài viết khẳng định, một trong những dòng vốn đầu tư tích cực nhất đến từ các doanh nghiệp Trung Quốc. Theo số liệu thống kê của Bộ Thương mại Trung Quốc, tổng vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (ODI) của Trung Quốc vào Việt Nam liên tục tăng trong những năm gần đây. Năm 2023, lượng vốn đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam đạt 5 tỷ USD, tăng 30% so năm trước.

Con số này không chỉ phản ánh niềm tin của doanh nghiệp Trung Quốc vào thị trường Việt Nam mà còn cho thấy mối quan hệ kinh tế-thương mại ngày càng chặt chẽ giữa hai nước. Thêm vào đó, sản xuất là một trong những lĩnh vực chính mà các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam, liên quan đến dệt may, quần áo, sản phẩm điện tử, máy móc thiết bị và các ngành công nghiệp khác. Điều này không chỉ thúc đẩy sự phát triển của ngành sản xuất Việt Nam, mà còn thúc đẩy sự kết nối sâu rộng của chuỗi công nghiệp hai nước.

Dẫn thông tin từ một hãng dịch vụ tư vấn đầu tư sang Việt Nam cho biết, hiện có hơn 300 trên tổng số hơn 3.000 công ty niêm yết trong ngành chế tạo của Trung Quốc, tức là 1/10 số công ty niêm yết trong lĩnh vực này của Trung Quốc đã đặt cơ sở sản xuất tại Việt Nam, bài viết cho biết, trong năm nay, nhiều công ty Trung Quốc những năm trước chưa đầu tư vào Việt Nam cũng bắt đầu chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam, đặc biệt là những công ty có thị phần xuất khẩu lớn ở Mỹ.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, năm 2023, vốn đầu tư đăng ký của các nhà đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam đạt 4,5 tỷ USD, tăng gần 80% so năm trước. Trong 7 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư đăng ký của Trung Quốc vào Việt Nam đạt 1,65 tỷ USD, giảm nhẹ so cùng kỳ năm trước.

Về lượng vốn, Trung Quốc đứng thứ 4 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Về số lượng dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án được phê duyệt mới (chiếm 29,7%).

Điểm nổi bật nhất là chất lượng đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Trước đây, đầu tư của Trung Quốc thường tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, chế biến như dệt may, da giày; giờ đây, nguồn vốn đang chuyển sang lĩnh vực công nghệ cao, điện và điện tử... Nhiều công ty Trung Quốc có quy mô quốc tế đã bắt đầu đầu tư vào các ngành điện, điện tử, chế biến chế tạo, cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo, xe điện và các lĩnh vực khác của Việt Nam.

Bài báo nhấn mạnh, cùng với đà phát triển ngày càng mật thiết và thường xuyên của quan hệ kinh tế-thương mại song phương, hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã ra Tuyên bố chung nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường.

Trong đó, hai bên nhất trí thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển giữa hai nước, thực hiện tốt Kế hoạch hợp tác kết nối giữa Khuôn khổ “Hai hành lang, Một vành đai” với Sáng kiến “Vành đai và Con đường”; đẩy nhanh thúc đẩy kết nối hạ tầng giữa hai nước về đường sắt, đường bộ cao tốc, hạ tầng cửa khẩu..., nâng cấp “kết nối mềm” về hải quan thông minh; thúc đẩy ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ hai nước về xây dựng 3 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn, tích cực nghiên cứu và triển khai thí điểm xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc; cùng xây dựng chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng an toàn, ổn định; thúc đẩy sớm ký Nghị định thư đối với các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc; Việt Nam ủng hộ Trung Quốc gia nhập Hiệp định CPTPP, tích cực hoan nghênh đơn gia nhập Hiệp định RCEP của Khu hành chính đặc biệt Hồng Kông (Trung Quốc).

https://nhandan.vn/bao-trung-quoc-ca-ngoi-thanh-tich-thu-hut-fdi-cua-viet-nam-post837060.html

Hữu Hưng (Theo Báo Nhân dân)

Tin Liên Quan

Tuyên bố chung Việt Nam-UAE về nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện

Nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), lãnh đạo cấp cao Việt Nam và UAE nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Toàn diện vào ngày 28/10/2024. Báo Nhân Dân trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ...

Di sản tư liệu thế giới - nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy hiểu biết và hợp tác quốc tế

Từ ngày 28-29/10/2024, tại Trụ sở Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ở Paris (Cộng hòa Pháp) đã diễn ra Hội nghị quốc tế về Chương trình Ký ức thế giới (MOW) và Diễn đàn chính sách toàn cầu lần thứ 4 về Di sản tư liệu.

Hợp tác quốc tế về chuyển đổi xanh

Kết thúc các cuộc thảo luận ở thủ đô Washington (Mỹ), các bộ trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) một lần nữa khẳng định quyết tâm đẩy mạnh quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch.

Đẩy mạnh hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia vùng Vịnh

Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) trong những năm qua duy trì đà phát triển tích cực. Cơ chế chính sách thuận lợi, cùng những thành tựu ấn tượng về kinh tế-xã hội đã góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những đối tác quan trọng hàng đầu tại châu...

Liên hợp quốc thúc giục hành động vì khí hậu

Ngày 24/10, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tiếp tục cảnh báo nhân loại sẽ phải trả giá khủng khiếp vì thiếu hành động quyết liệt trước tình trạng nóng lên toàn cầu. Ông Guterres nhấn mạnh, thế giới không còn nhiều thời gian để tránh thảm họa do biến đổi khí hậu.

Cam kết mạnh mẽ với mục tiêu phát triển

Vô vàn những thách thức, như xung đột, suy thoái kinh tế, nạn đói, biến đổi khí hậu… đặt gánh nặng lên cuộc sống của người dân ở nhiều quốc gia. Nhóm họp tại thành phố Pescara của Italia mới đây, Bộ trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) nêu quan ngại về cuộc khủng hoảng đang kìm hãm tiến...