Tỉnh Lào Cai tăng cường phát triển nguồn nhân lực
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá góp phần tạo nền tảng quan trọng để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỉnh Lào Cai đang đi đúng hướng trong việc phát triển, đào tạo nguồn nhân lực nhằm xây dựng nền kinh tế bền vững, tạo ra nhiều cơ hội mới.
Công nhân Công ty TNHH Babeeni Việt Nam - Chi nhánh Lào Cai.
Nguồn nhân lực bao gồm những người đang lao động, trong độ tuổi lao động; những người trong độ tuổi lao động sức khỏe bình thường nhưng chưa có việc làm; những người chuẩn bị đến tuổi lao động, ở dạng dự trữ, với các tiêu chí cụ thể về thể lực, trí lực, tâm lực để có khả năng trực tiếp huy động vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Nguồn nhân lực chất lượng cao là khái niệm để chỉ người lao động có trình độ lành nghề (về chuyên môn, kỹ thuật) ứng với một ngành nghề cụ thể theo tiêu thức phân loại lao động về chuyên môn, kỹ thuật nhất định (đại học, trên đại học, cao đẳng, lao động kỹ thuật lành nghề).
Theo số liệu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai, lực lượng lao động của tỉnh đang chiếm 61,6% dân số toàn tỉnh và chất lượng nguồn lực đang ngày càng được nâng cao. Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 68,2%, tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn băng, chứng chỉ đạt 30%.
Để có được kết quả trên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh với chức năng cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp đã hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động xây dựng, điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh, đào tạo theo hướng mở, linh hoạt. Đồng thời, tăng cường đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực chất lượng cao theo tăng cường thực hành, thực tập, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng cho thị trường lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các khu vực kinh tế trọng điểm.
Tư vấn định hướng nghề nghiệp, kết nối tìm việc làm tại các huyện, thị xã, thành phố.
Từ năm 2021 đến nay, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đã tổ chức 10 hội nghị tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp; 452 phiên giao dịch việc làm; Kết nối với 500 lượt đơn vị, doanh nghiệp tham gia tư vấn giới thiệu việc làm; Thực hiện tư vấn cho 105.357 lượt người lao động qua nhiều hình thức như tư vấn trực tiếp, qua các trang mạng xã hội, cổng thông tin điện tử; tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, tư vấn cho trên 23.000 người lao động; Giới thiệu việc làm cho 7.859 lao động có nhu cầu, kết nối việc làm thành công cho 4125 lao động….
Thực hiện nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tỉnh Lào Cai đã mở các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp; Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, hội nhập quốc tế cho học sinh, lao động chất lượng cao; Tích cực triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên giai đoạn 2021-2025; Đồng thời tăng cường hợp tác với doanh nghiệp trong công tác đào tạo và giải quyết việc làm cho người học; cơ cấu lại ngành nghề đào tạo và mở mới các ngành nghề đáp ứng nhu cầu xã hội và chuyển dịch cơ cấu lao động trong các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đặc biệt, tỉnh rất quan tâm, chú trọng đến việc xây dựng các chính sách vượt trội để thu hút, trọng dụng nhân lực chất lượng cao trong và ngoài tỉnh. Việc ban hành Nghị quyết số 11/2020/NQ-HĐND và Nghị quyết số 10/2022/NQ-HĐND sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định chính sách thu hút, đãi ngộ, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021 – 2025 đã góp phần thu hút, bổ sung nhân lực tỉnh đang cần, đang thiếu, đặc biệt là bổ sung đội ngũ bác sỹ cho ngành y tế, bổ sung giáo viên tiếng Anh, tin học cho ngành giáo dục và đào tạo.
Trường Cao đẳng Lào Cai là một trong những tập thể tiêu biểu trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có trình độ. Với việc xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo phù hợp nhu cầu xã hội, đáp ứng nhu cầu lao động của tỉnh, hơn 80% học sinh, sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp có việc làm. Kết quả này khẳng định thành công của nhà trường trong nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng, gắn đào tạo với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Mục tiêu đến năm 2025, Trường Cao đẳng Lào Cai đào tạo 24 nghề trình độ cao đẳng, 27 nghề trung cấp và các nghề sơ cấp theo nhu cầu xã hội. Đặc biệt, có 7 nghề trọng điểm ở ba cấp độ: Quốc tế, ASEAN và quốc gia.
Tỉnh Lào Cai đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm hiện đại hóa quá trình đào tạo, kết hợp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với việc nâng cao kỹ năng số cho người dân. Việc tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong các khâu đào tạo sẽ góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế số và xã hội số, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó có việc tái cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu đã góp phần tăng cơ hội việc làm, hướng tới những việc làm có thu nhập ổn định cho người lao động trên địa bàn tỉnh.
Không chỉ tập trung vào đào tạo lao động, Lào Cai còn đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ kinh doanh cá thể trong quá trình chuyển đổi số. Các chương trình hỗ trợ này không chỉ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao hiệu quả kinh doanh mà còn khuyến khích đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Đặc biệt, việc phát triển kinh tế tập thể tại nông thôn và quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp tiềm năng của tỉnh cũng được chú trọng. Các sản phẩm này sẽ được ứng dụng công nghệ số để truy xuất nguồn gốc và tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử, qua đó nâng cao uy tín và chất lượng của sản phẩm.
Tỉnh cũng đặt ưu tiên vào phát triển các mô hình sinh kế bền vững, đặc biệt quan tâm đến những khu vực chịu ảnh hưởng lớn từ biến đổi khí hậu. Việc đào tạo lại, chuyển đổi nghề và hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn sẽ giúp người lao động đối mặt tốt hơn với những thách thức do biến đổi khí hậu gây ra. Đây là một phần trong chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh Lào Cai, với tầm nhìn đến năm 2050.
Trong lĩnh vực quản lý lao động, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số giúp nâng cao hiệu quả quản lý. Việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về lao động, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ giúp việc tư vấn, giới thiệu việc làm trở nên chính xác và kịp thời hơn. Người lao động có thể tiếp cận thông tin thị trường lao động qua nhiều kênh, từ các cơ quan truyền thông đến các ứng dụng di động thông minh, giúp họ nắm bắt cơ hội việc làm một cách nhanh chóng và tiện lợi.
Tỉnh Lào Cai đang đặt ra những mục tiêu quan trọng về đào tạo lao động trong giai đoạn tới. Từ nay đến năm 2025, tỉnh phấn đấu tuyển sinh và đào tạo ít nhất 13.000 lao động, trong đó có 10.400 lao động từ khu vực nông thôn và 6.250 lao động có tay nghề cao. Trong giai đoạn từ 2026 đến 2030, mục tiêu sẽ nâng lên với việc đào tạo 27.000 lao động tay nghề cao. Đây là một nỗ lực lớn nhằm nâng cao chất lượng lao động, góp phần vào phát triển kinh tế bền vững.