Liên hợp quốc ưu tiên ủng hộ xây dựng hệ thống lương thực thông minh

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) kêu gọi ứng dụng công nghệ để chuyển đổi hệ thống nông-lương thực tại châu Phi và coi đây là “chìa khóa” để giải quyết nạn đói vốn là căn bệnh kinh niên ở châu lục này.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nhiều cộng đồng dân cư ở châu Phi đang phải hứng chịu các cuộc khủng hoảng liên quan khí hậu, đe dọa tính mạng và sinh kế của người dân. Do đó, việc tìm ra các biện pháp củng cố năng lực phục hồi và xây dựng hệ thống lương thực thông minh, có khả năng thích ứng với khí hậu là rất cần thiết giúp bảo đảm tương lai bền vững, tự lực và tươi sáng hơn cho người dân.

Châu Phi được đánh giá là khu vực mất an ninh lương thực nhất thế giới, với 58% dân số đang phải chịu tình trạng nêu trên ở mức độ trung bình hoặc nghiêm trọng. Tại Hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) được tổ chức tại thành phố Syracuse, miền nam Italia gần đây, Tổng Giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc đã khẳng định lại cam kết hỗ trợ châu Phi sau năm 2025.

Theo ông Khuất Đông Ngọc, trong năm 2023, hơn 20% dân số châu Phi bị ảnh hưởng bởi nạn đói, lên tới gần 300 triệu người. Nếu thế giới không hành động nhanh hơn và tăng cường huy động nguồn lực, dự kiến số người phải đối mặt nạn đói ở châu Phi sẽ tăng thêm 10 triệu người vào năm 2030. Châu Phi được cho là có thể bảo đảm an ninh lương thực nếu cùng làm việc với tất cả đối tác để đạt được sự chuyển đổi khiến cho các hệ thống nông nghiệp thực phẩm trở nên hiệu quả hơn, toàn diện hơn, có sức chống đỡ hơn và bền vững hơn.

Trong thời gian tới, FAO cam kết hỗ trợ châu Phi giải quyết hiệu quả tình trạng mất an ninh lương thực, đói nghèo và tác động của khủng hoảng khí hậu.

FAO ủng hộ Chương trình nghị sự Malabo, với danh sách đầy tham vọng về các mục tiêu nông nghiệp cụ thể cần đạt được vào năm 2025, và Chương trình Phát triển Nông nghiệp toàn diện châu Phi. Từ năm 2017, FAO đã hợp tác với Ủy ban Liên minh châu Phi để đóng góp vào cơ chế báo cáo 2 năm một lần của chương trình, cung cấp năng lực để giám sát cam kết của Tuyên bố Malabo nhằm tăng cường khả năng phục hồi của sinh kế và hệ thống sản xuất trước tác động của khủng hoảng khí hậu và các rủi ro liên quan khác.

Với cam kết hỗ trợ châu Phi đạt được chương trình nghị sự hậu Malabo, sau tháng 1/2025, dữ liệu, công cụ và phương pháp tiếp cận hiện có của FAO sẽ hỗ trợ thiết kế, triển khai và theo dõi chương trình nghị sự này. Sự hỗ trợ của FAO không chỉ dừng lại ở việc cung cấp kiến thức và bằng chứng cho các quốc gia mà còn thúc đẩy những thay đổi trên thực tế. Thí dụ, Sáng kiến Hand-In-Hand Flagship của FAO hỗ trợ 40 quốc gia trên khắp châu Phi đẩy nhanh quá trình chuyển đổi thông qua các dự án cụ thể.

Tại cuộc họp mới đây, FAO đã cùng các nước châu Phi đánh giá những thành tựu của Liên đoàn Cây trồng mồ côi châu Phi (AOCC) trong thập kỷ đầu tiên, trao quyền cho hơn 172 nhà khoa học, trong đó gần 40% là phụ nữ, cùng 28 quốc gia châu Phi trong việc áp dụng các phương pháp tiếp cận hỗ trợ gien để cải thiện chất lượng cây trồng. Thông qua việc khai thác các loại cây trồng chưa được quan tâm đúng mức (cây trồng mồ côi), các nước châu Phi không những có thể bảo đảm an ninh lương thực mà còn trao quyền cho các cộng đồng canh tác các loại cây trồng có khả năng phục hồi, giàu dinh dưỡng và thích nghi với điều kiện địa phương.

Châu Phi vốn sở hữu nhiều loại cây trồng chưa được khai thác, bao gồm các loại lương thực địa phương như kê và các loại trái cây như măng cụt. Những cây trồng này từ lâu đã đóng vai trò quan trọng trong chế độ ăn uống, di sản văn hóa và hệ sinh thái địa phương, nhưng vẫn chưa được quan tâm đúng mức trong các cuộc thảo luận về nghiên cứu, đầu tư và chính sách. Một số “cây trồng mồ côi” đang được xem xét bao gồm các loại mù tạt, đậu bắp, bánh mì, dưa, khoai môn, bí ngô và khoai mỡ, cùng với táo dại và rau bina leo, và giống khoai tây bản địa Plectranthus rotundifolius.

Trước tác động ngày càng nghiêm trọng do biến đổi khí hậu và gia tăng dân số toàn cầu gây ra, việc bảo vệ hành tinh để bảo đảm sản xuất lương thực bền vững ngày càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Sinh kế của hàng triệu người dân châu Phi phụ thuộc vào khí hậu, trong khi các nước nghèo không có khả năng tài trợ cho các biện pháp thích ứng biến đổi khí hậu. Bởi thế, giúp các nước châu Phi chuyển đổi hệ thống lương thực, bảo đảm sản xuất thực phẩm bền vững, dinh dưỡng hơn là một trong những ưu tiên hiện nay của Liên hợp quốc trong nỗ lực bảo đảm an ninh lương thực và xóa bỏ nạn đói.

https://nhandan.vn/lien-hop-quoc-uu-tien-ung-ho-xay-dung-he-thong-luong-thuc-thong-minh-post843088.html

Vân Anh (theo Báo Nhân dân)

Tin Liên Quan

Các nước bịt “lỗ hổng” thuế quan thương mại điện tử như thế nào?

Đứng trước nỗi lo “cơn lốc hàng giá rẻ” tràn qua biên giới thông qua các sàn thương mại điện tử ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước, nhiều quốc gia trên thế giới đã vào cuộc để cập nhật và cải cách ngưỡng áp thuế để phù hợp với thực tế mới.

Giấc mơ trở thành vựa lương thực thế giới của Indonesia

Theo báo Jakarta Post, hiện nay, tự cung tự cấp lương thực vẫn là một khát vọng hơn là thành tựu ở Indonesia.

Khai mạc Diễn đàn Đô thị Thế giới lần thứ 12

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 4/11, Diễn đàn Đô thị Thế giới lần thứ 12 (WUF12) đã khai mạc tại Thủ đô Hành chính Mới (New Cairo) của Ai Cập, đánh dấu sự trở lại của diễn đàn này ở châu Phi lần đầu tiên sau 22 năm.

Chìa khóa của phát triển bền vững

Vốn chịu sức ép từ nhiều cuộc khủng hoảng, nền kinh tế thế giới đang có nguy cơ mắc kẹt trong tình trạng tăng trưởng thấp, khó có thể đáp ứng được các nhu cầu phát triển. Trong bối cảnh này, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) hối thúc các quốc gia, nhất là các nước đang phát...

Xu hướng xanh hóa nông nghiệp ở Bắc Âu và bài học cho nông sản Việt

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, xu hướng phát triển nông nghiệp xanh ngày càng được các quốc gia Bắc Âu thúc đẩy, không chỉ nhằm bảo vệ môi trường mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Với những bước tiến tiên phong trong nông nghiệp bền vững, các nước Bắc Âu như Thụy...

Việt Nam và Canada tăng cường kết nối trong thương mại, đầu tư

Việt Nam tham gia Triển lãm xúc tiến đầu tư quốc tế MIBIExpo với mong muốn thúc đẩy kết nối, đồng thời tạo ra một hệ sinh thái trong hệ thống các hiệp định thương mại tự do sẵn có giữa hai nước.