Hoạt động đối ngoại nổi bật tháng 2

Bảo vệ Hồ sơ nhân quyền; trao đổi đoàn cấp cao với Trung Quốc; họp Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Campuchia; tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Australia... là một số hoạt động đối ngoại nổi bật của tháng 2.
Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp lần thứ 18 về UPR tại Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Ảnh: TTXVN

Ngày 5/2, tại Geneva, Thụy Sĩ , Việt Nam chính thức bảo vệ Hồ sơ nhân quyền theo Cơ chế kiểm điểm định kỳ (UPR) của Hội đồng Nhân quyền LHQ.

Thành viên có trách nhiệm của Hội đồng Nhân quyền

Báo cáo quốc gia về quyền con người của Việt Nam đã nêu bật những thành tựu trong việc tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người trên thực tế.

Báo cáo nêu rõ, Việt Nam đã và đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về quyền con người, trong đó, Hiến pháp năm 2013 dành riêng 36/120 Điều nói về việc bảo vệ quyền con người và quyền công dân.

Cùng với đó Việt Nam luôn tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người như: Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin; quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng; coi trọng việc xây dựng và phát triển các chính sách, chương trình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới.

Báo cáo cũng cho biết Việt Nam đã tích cực đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền như phối hợp chặt chẽ với các tổ chức LHQ, trong đó có Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM); ký nhiều thỏa thuận, hiệp định hợp tác song phương với Lào, Campuchia, Trung Quốc về phòng, chống nạn buôn bán người trong khu vực (COMMIT); thiết lập các cơ chế đối thoại song phương thường kỳ về nhân quyền với một số nước, trong đó có Hoa Kỳ, EU, Australia...

Báo cáo của Việt Nam được đa số các nước tham gia đánh giá là chuẩn bị công phu, toàn diện, có nội dung phong phú, thể hiện cam kết về đảm bảo quyền con người và hợp tác quốc tế.

Với tư cách là thành viên HĐNQ nhiệm kỳ 2014-2016, những thành tựu về nhân quyền của Việt Nam một mặt khẳng định nỗ lực của Việt Nam đồng thời đóng góp vào những giá trị chung mà Hội đồng Nhân quyền mong muốn thúc đẩy.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân
hội kiến Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.
Ảnh VOV

Thắt chặt quan hệ hợp tác hữu nghị với Trung Quốc

Từ ngày 21-25/2, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân thăm hữu nghị Trung Quốc.

Trong chuyến thăm này, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đã hội đàm với Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Hội nghị Chính trị Hiệp thương nhân dân Trung Quốc Du Chính Thanh; hội kiến với Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy phát triển quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện trong tình hình mới; tổ chức định kỳ các đoàn cấp cao và đoàn địa phương thăm lẫn nhau; triển khai giao lưu và hợp tác với nhiều hình thức; tiến hành các cuộc trao đổi chuyên đề hoặc thường xuyên trao đổi thông tin và ý kiến về các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm.

Cũng trong tháng 2 (từ ngày19-20) đã diễn ra đàm phán Vòng V cấp chuyên viên về vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ và Vòng V Nhóm công tác về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển Việt Nam-Trung Quốc.

Hai bên đã trao đổi và thống nhất kế hoạch triển khai cụ thể hai Thỏa thuận hợp tác liên quan đến dự án “Hợp tác trao đổi, nghiên cứu về quản lý môi trường biển và hải đảo vùng vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam-Trung Quốc” và dự án “Nghiên cứu so sánh trầm tích thời kỳ Holocenne khu vực châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Trường Giang”.

Hai bên tiếp tục trao đổi dự thảo Thỏa thuận “Hợp tác tìm cứu nạn trên biển Việt Nam-Trung Quốc” để có thể sớm ký kết và triển khai trong năm 2014.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen tiếp Phó Thủ tướng,
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh ngày 11/2.
Ảnh: TTXVN

Việt Nam, Campuchia: Hướng mốc kim ngạch đạt 5 tỷ USD

Sáng 11/2 tại thủ đô Phnom Penh (Campuchia), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã cùng với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Hor Namhong đồng chủ trì kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Campuchia về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học-kỹ thuật.

Theo đó, hai bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác giáo dục, chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo; thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, đồng thời quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, triển khai hiệu quả các dự án đã được cấp phép và sớm ký kết các thỏa thuận hợp tác mới để phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai nước đạt 5 tỷ USD vào năm 2015.

Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực như tài nguyên môi trường, nông-lâm-ngư nghiệp, năng lượng, dầu khí, lao động, y tế... và triển khai kết nối hai nền kinh tế, nhất là trong lĩnh vực giao thông, viễn thông, tài chính, ngân hàng và du lịch như thỏa thuận của Thủ tướng hai nước, đồng thời, khuyến khích các bộ, ngành, địa phương hai bên tăng cường hoạt động trao đổi, giao lưu … vun đắp cho quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao  Phạm Bình Minh tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Australia 
Ảnh: VGP

Thúc đẩy, mở rộng hợp tác với Australia, Kyrgyzstan, Sudan

Trong hai ngày 18-19/2, bà Julie Bishop đã có chuyến thăm và làm việc tại đầu tiên tại Việt Nam trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao Australia.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Australia đã tiến hành hội đàm, nhất trí tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn cấp cao; sớm hoàn tất Chương trình hành động giai đoạn 2014-2016 nhằm tiếp tục thúc đẩy và mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển, giáo dục-đào tạo, du lịch, lao động…

Bà Julie Bishop nhấn mạnh, Australia đặc biệt coi trọng hợp tác với Việt Nam, khẳng định sự ủng hộ của Australia trong việc duy trì, đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông, đồng thời mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trên lĩnh vực an ninh quốc phòng, nhất là phòng chống tội phạm xuyên quốc gia.

Cùng thời điểm với chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Australia, còn có Bộ trưởng Ngoại giao Kyrgyzstan Abdyldaev Erlan Bekeshovich và Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Sudan Kamal Al-Din Ismail Saeed sang thăm và làm việc tại Việt Nam.

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam và Kyrgyzstan nhất trí thúc đẩy đàm phán và sớm ký kết một số hiệp định trong lĩnh vực kinh tế-thương mại,  đầu tư, tài chính, tạo khung pháp lý thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại, văn hóa, thể thao và  du lịch, giáo dục đào tạo.

Với Sudan, trong thời gian tới Việt Nam sẽ thúc đẩy quan hệ song phương thông qua việc tăng cường trao đổi đoàn các cấp, giao lưu tiếp xúc giữa các doanh nghiệp; sớm tạo kênh thanh toán trực tiếp giữa các ngân hàng trong hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai nước; đẩy nhanh đàm phán, ký kết các văn kiện hợp tác quan trọng như các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần; khuyến khích và bảo hộ đầu tư, hợp tác ngân hàng và miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao....

* Bên cạnh các hoạt động nổi bật nói trên, trong tháng 2/2014 còn có một số hoạt động đối ngoại đáng chú ý khác.

Ngày 11/2, Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ tổ chức kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ, với sự tham gia của khoảng hơn 300 khách mời, trong đó có những thành viên chủ chốt của Chính phủ và Quốc hội Hoa Kỳ (Ngoại trưởng John Kerry, Thượng nghị sỹ John McCain, những người đi đầu trong nỗ lực vận động bãi bỏ cấm vận Việt Nam năm 1994).

Quan hệ song phương hai nước đang ngày càng phát triển. Kim ngạch thương mại hai chiều hiện đạt gần 30 tỷ USD, tăng hơn 130 lần so với thời điểm năm 1994. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 29 của Hoa Kỳ; tăng trưởng thương mại giữa hai nước hằng năm đạt 20%.

Cũng trong tháng 2, Bộ trưởng Bộ Công an Israel, Trung tướng Yitzhak Aharonovitch; Tổng Tư lệnh quân đội Indonesia, Đại tướng Moeldoko và Đặc phái viên Thủ tướng Anh, Huân tước David Terence Puttnam… đã sang thăm Việt Nam./.

(theo chinhphu.vn)

Tin Liên Quan

Đổi mới để tạo đột phá trong xúc tiến, quảng bá du lịch

Để định vị Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu khu vực Đông Nam Á như mục tiêu Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã đặt ra, chắc chắn không thể thiếu vai trò của xúc tiến, quảng bá du lịch.

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024): Chiến thắng Điện Biên Phủ - Biểu tượng và đỉnh cao của văn hóa giữ nước Việt Nam

70 năm qua, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, đã có hàng nghìn công trình lớn, nhỏ, trong nước và nước ngoài nghiên cứu về chiến dịch này để cố gắng đưa ra những đánh giá đầy đủ, trọn vẹn nhất về ý nghĩa, tầm ảnh hưởng to lớn của sự kiện đối với Việt Nam và thế giới.

Chuyên gia Mỹ Latinh: Việt Nam là ngọn hải đăng hy vọng của thế giới

Tiến sĩ Ruvislei González Sáez, chuyên gia hàng đầu về Việt Nam ở khu vực Mỹ Latinh, khẳng định Việt Nam là ngọn hải đăng hy vọng của thế giới, là lũy thép ngăn chặn chủ nghĩa đế quốc.

Khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 6 triệu lượt trong 4 tháng

Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tháng 4 đạt 1,55 triệu lượt, cao hơn 58,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách quốc tế đạt 6,2 triệu lượt, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm 2023.

[INFOGRAPHIC] Kinh tế - xã hội 4 tháng: Nhiều lĩnh vực tiếp tục xu hướng tích cực

Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024, cho thấy tình hình kinh tế - xã hội khởi sắc trên nhiều lĩnh vực.

Kỷ niệm 49 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Ngày vui thống nhất non sông

Chỉ có thống nhất Việt Nam mới có thể giàu mạnh, chỉ có thống nhất nhân dân mới có cuộc sống Độc lập - Tự do - Hạnh phúc!