Các hiệu ứng của biến đổi khí hậu đã hiển hiện và diễn biến rất phức tạp

Trong báo cáo mới nhất vừa được công bố ngày 31/3 tại Yokohama (Nhật Bản), Nhóm chuyên gia Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (GIEC) cảnh báo, các hiệu ứng của biến đổi khí hậu đã hiển hiện và sẽ có thể trầm trọng hơn nếu không áp dụng các biện pháp hành động nhanh chóng hơn nữa.
 


Biến đổi khí hậu đã hiển hiện và diễn biến ngày càng phức tạp.

Đây là bản báo cáo đáng báo động nhất được GIEC đưa ra kể từ năm 2007. Bản báo cáo có nhan đề: "Biến đổi khí hậu 2014: Các tác động, thích ứng và tính dễ bị tổn thương" nhấn mạnh đến những hệ quả nghiêm trọng tại các khu vực lớn trên thế giới. Theo đó, các vấn đề như: An ninh lương thực, khan hiếm nước, chuyển dịch dân số lớn, các nguy cơ xảy ra xung đột ngày càng có "khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng, rộng rãi và không thể đảo ngược” đến nhân loại cùng với “sự tăng cường của hiện tượng nóng lên toàn cầu".

Báo cáo mới nhất của GIEC là kết quả của một công trình lao động “khổng lồ”, dựa trên 12.000 ấn phẩm đã được tiến hành nghiên cứu và là báo cáo khoa học toàn diện nhất kể từ năm 2007. Kể từ thời điểm năm 2007, thế giới đã tiến hành nhiều cuộc gặp gỡ song chưa đạt được thành công lớn ở Copenhagen, Cancun và Durban. Các hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu này đều cố gắng tìm kiếm và thống nhất về một thỏa thuận quốc tế ràng buộc chống lại sự nóng lên toàn cầu. Hội nghị thượng đỉnh tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra tại Paris vào năm 2015.

Trên thực tế, các công trình, tài liệu nghiên cứu, phân tích của GIEC luôn được xem là cơ sở cho các cuộc đàm phán quốc tế về thích ứng và giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính. Mục tiêu là để hạn chế sự nóng lên toàn cầu không vượt quá ngưỡng trung bình 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp trong bối cảnh nhiệt độ trái đất đã tăng thêm 0,8°C vào thời điểm hiện tại và xu hướng này sẽ có thể dẫn chúng ta lên đến 4°C vào cuối thế kỷ này.

Ông Vicente Barros, đồng chủ tịch nhóm các nhà khoa học là tác giả của báo cáo cho biết: "Chúng ta đã không chuẩn bị cho những rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu". Trong khi đó, từ Paris, ông John Kerry, Ngoại trưởng Mỹ – một trong những quốc gia gây ô nhiễm lớn nhất hành tinh đã đưa ra đánh giá rằng chỉ những quyết định "nhanh chóng và dũng cảm" mới có thể ngăn chặn được thảm họa. "Chúng ta có thể phải trả giá cho sự chờ đợi. Cái giá của việc không hành động sẽ là một thảm họa. Phủ nhận khoa học là một sai lầm", quan chức ngoại giao của Mỹ khẳng định.

Thêm vào đó, báo cáo mới nhất của GIEC cũng nhấn mạnh rằng chính dân số nghèo ở các nước phía Nam sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất từ ​​biến đổi khí hậu. Báo cáo nêu rõ: "Tỷ lệ dân số thế giới phải đối mặt với tình trạng thiếu nước hoặc bị ảnh hưởng bởi lũ lụt nghiêm trọng sẽ tăng lên cùng với mức độ của sự nóng lên toàn cầu trong thế kỷ 21".

Làm chậm lại tốc độ tăng trưởng kinh tế

Tình trạng khí hậu ấm hơn cũng sẽ ảnh hưởng đến vấn đề an ninh lương thực. Báo cáo của GIEC cho biết: "Tất cả các khía cạnh của an ninh lương thực đều sẽ có khả năng bị ảnh hưởng", đặc biệt là việc dự trữ lương thực, ổn định giá cả và người dân ở các khu vực nông thôn sẽ chịu nhiều tác động. Nếu các tác động kinh tế tổng thể "rất khó để ước tính" thì theo GIEC đánh giá biến đổi khí hậu sẽ "làm chậm lại đà tăng trưởng, làm giảm an ninh lương thực và tạo thêm nhiều hộ nghèo".

Thêm vào đó, tình trạng gia tăng các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt cũng là nguyên nhân dẫn tới làn sóng di cư trên thế giới. Trước thực tế ngày càng đáng báo động, GIEC cảnh báo: “Tài nguyên nước và thức ăn ít hơn, làn sóng di cư tăng lên, tất cả điều này sẽ gián tiếp làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột bạo lực". Cuối cùng, theo đánh giá của GIEC, những vấn đề sức khỏe do các diễn biến thời tiết bất thường gây ra sẽ trở nên tồi tệ, đặc biệt ở các khu vực nghèo khó. Các căn bệnh liên quan đến suy dinh dưỡng hoặc chất lượng nước kém cũng vì thế mà bùng phát nghiêm trọng.

Ảnh hưởng tới tất cả các khu vực trên thế giới

Theo báo cáo mới nhất của GIEC, tất cả các khu vực trên thế giới đều chịu ảnh hưởng từ hệ quả của hiện tượng biến đổi khí hậu và không có phần nào của thế giới “được bỏ qua”.

Tại châu Phi, việc tiếp cận với nước sẽ trở thành vấn đề đặc biệt quan trọng khi châu lục này phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước. Trong khi đó, châu Âu sẽ lại chứng kiến sự gia tăng lũ lụt và tình trạng khí hậu nóng gây tác động đến cơ sở hạ tầng và ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

Tại châu Á, lũ lụt và các làn sóng nhiệt độ cao có nguy cơ dẫn đến tình trạng di dân mạnh mẽ. Bắc Mỹ sẽ chịu đựng các hiện tượng thời tiết cực đoan hơn (làn sóng khí hậu nóng, lũ lụt ven biển, hỏa hoạn). Mỹ Latinh sẽ phải đối mặt với các vấn đề về nước.

Các khu vực địa cực và hải đảo sẽ bị ảnh hưởng đặc biệt bởi sự nóng lên toàn cầu, thông qua sự tan chảy nhanh của các sông băng và mực nước của các đại dương tăng. Số lượng các hiện tượng vật lý như: Tăng nhiệt độ, tăng và axit hóa nước các đại dương, giảm băng… xảy ra ngày càng nhiều và sự cần thiết phải hành động "trong ngắn hạn" ngày càng trở nên cấp bách.

Hơn lúc nào hết, thực tế đã cho thấy chúng ta phải hành động. GIEC cũng gợi ý một loạt các biện pháp để thích ứng với một hành tinh ấm áp hơn, trong đó có việc bảo vệ bờ biển, trữ nước, thủy lợi, sản xuất nông nghiệp mới, hệ thống cảnh báo sức khỏe, môi trường sống, di dời...

Theo ông Chris Field, đồng tác giả của báo cáo, các vấn đề đặt ra do sự nóng lên toàn cầu "không phải là không có giải pháp, vấn đề thực tế là chúng ta không đủ tham vọng và tích cực để giải quyết chúng"./.
(Theo dangcongsan.vn)

Tin Liên Quan

“Thỏi nam châm” BRICS

Thêm nhiều quốc gia như Azerbaijan, Malaysia, Thái Lan… mới đây nộp đơn xin gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS). Vị thế và sức hút ngày càng gia tăng của nhóm này đang thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của dư luận, nhất là đối với các nước Nam bán cầu, trong bối cảnh Hội nghị thượng...

Bước tiến mới trong chẩn đoán ung thư não

Các nhà khoa học vừa tìm ra phương pháp mới để phát hiện ung thư não nhanh, chính xác và ít tốn kém hơn so với phương pháp thông thường.

Ngành du lịch có thể đóng góp kỷ lục 11.100 tỷ USD vào GDP toàn cầu

Ngành du lịch dự kiến hỗ trợ gần 348 triệu việc làm trong năm 2024; trong khi chi tiêu cho du lịch tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Đức dự kiến sẽ đóng góp nhiều nhất cho GDP.

Cơ hội nâng cao vị thế của các quốc đảo Thái Bình Dương

Các quốc đảo Thái Bình Dương đang đối mặt nhiều thách thức, song cũng sở hữu tiềm năng phát triển mạnh mẽ nhờ vị trí địa chính trị quan trọng, nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào.

Mỹ Latin “kẹt” trong bẫy tăng trưởng thấp

Ủy ban Kinh tế Mỹ Latin và Caribe (CEPAL) mới đây nhận định, nền kinh tế khu vực này vẫn “mắc kẹt” trong bẫy tăng trưởng thấp và sẽ chỉ tăng trưởng trung bình 1,8% trong năm nay. Cơ hội việc làm kém và biến đổi khí hậu là nguyên nhân dẫn đến mức dự báo thấp này.

WHO ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe vì đậu mùa khỉ

Bệnh đậu mùa khỉ đã lan rộng khắp Cộng hòa Dân chủ Congo trước khi lây lan sang các quốc gia khác. Cộng hòa Dân chủ Congo chính là nơi đầu tiên loại virus này được phát hiện ở người vào năm 1970.