Vốn FDI rút khỏi các thị trường mới nổi

Trong quý 1/2014, lượng tiền rút khỏi các thị trường mới nổi đã vượt mức cả năm 2013. Trong khi đó, theo đà phục hồi ổn định của các nền kinh tế phát triển, lượng tiền chảy vào các nền kinh tế này trong quý 1 tăng gấp 2,5 lần so với cả năm ngoái.
 
Số liệu của Cơ quan giám sát dòng vốn (EPFR) cho thấy trong quý 1/2014, các nhà đầu tư toàn cầu đã rút 41 tỷ USD khỏi các thị trường mới nổi - cao hơn nhiều so với 26,7 tỷ USD cả năm 2013. Trong khi đó, dòng vốn chảy vào các nước phát triển như Nhật Bản, Mỹ, Đức… lên đến 95,6 tỷ USD, gấp 2,5 lần cả năm ngoái.

Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) dự báo nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thế giới có thể tăng lên 1.600 tỷ USD vào năm 2014, 1.800 tỷ USD vào năm 2015. Theo UNCTAD, FDI có xu hướng chuyển dịch trong nửa cuối năm nay và đầu năm tới, trong đó các nước đang phát triển tiếp tục có sức hấp dẫn lớn đối với nguồn vốn này.

Các nhà phân tích cho biết, do tác động của việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm quy mô nới lỏng tiền tệ và tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại nên các nhà đầu tư bắt đầu rút mạnh tiền ra khỏi các thị trường mới nổi.

Năm 2013, Trung Quốc thu hút ít vốn FDI hơn các nền kinh tế lớn tại Đông Nam Á, do lương tăng và lực lượng lao động giảm. Kết quả này vừa được hãng Bank of America Merrill Lynch công bố. Theo đó, tổng vốn FDI vào Singapore, Malaysia, Indonesia và Philippines đã tăng 7% lên 128,4 tỷ USD năm ngoái. Trong khi đó, vốn FDI vào Trung Quốc lại giảm năm thứ 2 liên tiếp, xuống còn 117,6 tỷ USD.

Trong báo cáo triển vọng toàn cầu gần đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cho biết với sự suy giảm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, các nền kinh tế thị trường mới nổi có thể sẽ gặp rắc rối. Trong 15 năm qua, Trung Quốc luôn là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến các thị trường mới nổi khác. Với số liệu kinh tế của Trung Quốc đầu năm nay không tốt, mối lo ngại của thị trường ngày càng tăng.

Trước tình hình đó, Ngân hàng Thế giới (WB) có kế hoạch sẽ tăng gấp đôi các khoản cho vay hằng năm dành cho các nền kinh tế mới nổi nhằm xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030. Theo đó, WB cho biết sẽ bổ sung 100 tỷ USD vào nguồn quỹ cho vay dành cho những quốc gia có mức thu nhập trung bình trong 10 năm tới, nâng tổng số tiền vay dành cho các nước này lên 28 tỷ USD mỗi năm, tăng so với 15 tỷ USD như hiện nay.

Trước đó, hồi tháng 12/2013, WB cũng đã quyết định bổ sung 52 tỷ USD vào các nguồn quỹ cho vay dành cho các nước nghèo nhất trên thế giới. Nếu gộp chung cả hai quyết định tăng nguồn tiền cho vay này, WB sẽ nâng tổng khả năng cho vay hàng năm lên 70 tỷ USD, so với mức 45-50 tỷ USD hiện nay. Theo các nhà phân tích, kịch bản chuyển dịch dòng vốn FDI có thể xuất phát từ sự yếu kém về cơ cấu trong hệ thống tài chính toàn cầu, khả năng xấu đi của kinh tế vĩ mô và sự không ổn định về chính sách - những yếu tố có thể làm suy yếu niềm tin của nhà đầu tư.

IMF nhận định, trong vài năm tới, các nước có nền kinh tế mới nổi sẽ phải đối mặt với môi trường kém thuận lợi cho đà phát triển kinh tế. Tuy mất các điều kiện thuận lợi từng tồn tại trước khi xảy ra khủng hoảng, các nước trên sẽ được hỗ trợ bởi những nền kinh tế phát triển có mức tăng trưởng cao hơn cho dù điều này thường đi đôi với lãi suất toàn cầu cao hơn.

Trong báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu của mình, IMF cũng nêu ra hai quan điểm khác nhau về sự tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi. Một số chuyên gia lập luận rằng sự thụt lùi của các nền kinh tế mới nổi là điều không thể tránh khỏi sau nhiều năm gây ấn tượng bởi tốc độ tăng trưởng nhanh chóng nhờ môi trường bên ngoài thuận lợi - song chỉ mang tính nhất thời như giá hàng hóa cao trong khi tín dụng bên ngoài lại thấp. Đối lập với quan điểm trên, nhiều nhà phân tích khác cho rằng những biện pháp cải cách cơ cấu và các chính sách kinh tế vĩ mô chắc chắn đã tạo cơ sở để thúc đẩy hoạt động kinh tế của các nền kinh tế mới nổi./.
(Theo chinhphu.vn)

Tin Liên Quan

Số người cao tuổi ở châu Á và Thái Bình Dương dự báo tăng lên 1,2 tỷ người vào năm 2050

Số người từ 60 tuổi trở lên ở châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển được dự báo sẽ tăng gần gấp đôi lên 1,2 tỷ người vào năm 2050, làm gia tăng nhanh chóng nhu cầu về lương hưu và các chương trình phúc lợi cũng như dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Triển vọng tươi sáng hơn của kinh tế toàn cầu

Dự báo của giới chuyên gia phân tích và các định chế tài chính cho thấy, triển vọng kinh tế thế giới năm 2024 có thể tươi sáng hơn so với các dự báo trước đây. Theo đó, kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 3% trong năm nay.

Mùa hè khắc nghiệt, nền nhiệt cao kỷ lục

Cơ quan khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Copernicus cho biết, tính đến tháng 3 vừa qua, thế giới đã trải qua tháng thứ 10 liên tiếp có nền nhiệt cao kỷ lục, cả nhiệt độ không khí và các đại dương đều ở mức cao nhất mọi thời đại. Nhiều khu vực đã xuất hiện “mùa cháy rừng” tồi tệ nhất trong thế kỷ...

Tổ chức Mặt trận góp phần củng cố quan hệ đoàn kết Việt Nam-Lào-Campuchia

Chiều 9/4 tại thủ đô Vientiane, đã diễn ra Hội nghị Chủ tịch Mặt trận ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 5. Hội nghị nhằm củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác lâu dài, ổn định và phát triển giữa ba tổ chức Mặt trận của ba nước.

Triển vọng chính sách sản lượng của OPEC+ đối mặt "ngã ba đường"

Mặc dù kỳ vọng OPEC+ bắt đầu nghĩ đến việc chấm dứt kế hoạch cắt giảm sản lượng là hợp lý, nhưng việc khối này giữ nguyên các hạn chế có thể hợp lý hơn.

Khai mạc Hội chợ thương mại Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan

Chiều 10/4 tại tỉnh Champasak đã diễn ra lễ khai mạc “Hội chợ triển lãm trưng bày sản phẩm và các hoạt động kết nối đầu tư, thương mại, du lịch giữa các doanh nghiệp Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan”.