Bài học phát huy sức mạnh của "thế trận lòng dân" trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Từ thực tiễn sinh động của cuộc chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện lâu dài, kết thúc thắng lợi bằng chiến thắng vĩ đại của chiến dịch Điện Biên Phủ, nhiều kinh nghiệm và những bài học đã được tổng kết trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng. Một trong những bài học đó là phát huy sức mạnh của “thế trận lòng dân” dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Thực chất của phát huy sức mạnh của “thế trận lòng dân” trong chiến dịch Điện Biên Phủ là Đảng, Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có quan điểm, chủ trương, giải pháp tạo ra những nhân tố, những điều kiện để quy tụ, khơi dậy lòng yêu nước nhân dân ta, dân tộc ta, làm cho tất cả các tầng lớp nhân dân vì lợi ích của dân tộc mà chiến đấu, tạo nên sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Những nhân tố, những điều kiện ấy đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Ngày nay, ta có chính quyền nhân dân mạnh mẽ, có Mặt trận dân tộc vững chắc, có quân đội nhân dân hùng mạnh. Có Đảng lao động tiếp tục truyền thống anh dũng của Đảng Cộng sản Đông Dương, theo chủ nghĩa Mác – Lênin, kinh qua những cuộc chỉnh Đảng, chỉnh phong làm cho tổ chức và tư tưởng của Đảng thêm mạnh mẽ và trong sạch. Nhân dân ta ngày thêm đoàn kết chặt chẽ. Đó là những điều kiện làm cho kháng chiến nhất định thắng lợi”.

Một là, đường lối vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, được quán triệt và cụ thể hoá trong xác định mục tiêu, nhiệm vụ, phương thức tác chiến chiến dịch là nhân tố quyết định phát huy sức mạnh của “thế trận lòng dân” trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Nhìn lại lịch sử, khi quân và dân ta bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm xác định đường lối kháng chiến đúng đắn và không ngừng bổ sung, hoàn chỉnh trong tiến trình kháng chiến. Đường lối vừa kháng chiến vừa kiến quốc đã xác định rõ quan điểm, tư tưởng, phương châm của kháng chiến. Với đường lối đúng đắn đó, Đảng đã tạo dựng nên một thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, quy tụ được sức mạnh chính trị - tinh thần và của cải vật chất của cả dân tộc vào chiến dịch Điện Biên Phủ.

Các đơn vị bộ đội băng rừng, lội suối tiến vào Điện Biên Phủ.

Mục đích của cuộc kháng chiến là giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, góp phần bảo vệ hòa bình thế giới. Mục đích đó đã đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của dân tộc Việt Nam là độc lập tự do của Tổ quốc, xây dựng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Nhiệm vụ của cuộc kháng chiến được xác định là “vừa kháng chiến” chống thực dân phản động Pháp xâm lược, giành độc lập cho dân tộc và thống nhất Tổ quốc, “vừa kiến quốc”, xây dựng chế độ mới - chế độ dân chủ nhân dân. Lực lượng kháng chiến được xác định là, kháng chiến toàn dân, toàn dân đánh giặc. Phương châm chỉ đạo cuộc kháng chiến là “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, trường kỳ và tự lực cánh sinh…Đường lối đó tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện trong quá trình phát triển của chiến tranh cách mạng.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân cả nước đã nhất tề đứng dậy quyết tâm đánh bại thực dân Pháp xâm lược. Thắng lợi trong các chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông năm 1947, chiến dịch Biên giới 1950…..thế và lực của cuộc kháng chiến ngày càng lớn mạnh, khiến cục diện chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương ngày càng chuyển biến mạnh theo hướng có lợi cho quân và dân ta, bất lợi cho thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Trước nguy cơ bị thất bại, âm mưu của Pháp và Mỹ là xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh để ngăn chặn, thu hút và tiêu hao quân chủ lực của ta, khống chế toàn bộ vùng Tây Bắc Việt Nam và Thượng Lào.

Ngày 6 tháng 12 năm 1953, Bộ Chính trị quyết định chọn Điện Biên Phủ là điểm quyết chiến chiến lược giữa ta và địch và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng hậu cần Trung ương do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch. Quân và dân ta từ vùng tự do Việt Bắc, Liên khu III, Liên khu IV, vùng mới giải phóng ở Tây Bắc, đến vùng địch hậu và căn cứ kháng chiến đều tập trung mọi sức lực, của cải cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Phối hợp với Điện Biên Phủ, các chiến trường trên toàn Đông Dương như Thượng Lào, Trung Lào, Tây Nguyên đồng loạt tiến công làm cho kẻ thù bị phân tán, không ứng cứu được cho nhau.

Cùng với việc đề ra đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành công tác tuyên truyền giáo dục sâu rộng trong nhân dân và các lực lượng vũ trang, không ngừng nâng cao tinh thần yêu nước, yêu chế độ mới, hết lòng, hết sức tăng cường lực lượng cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 22 tháng 12 năm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lá cờ Quyết chiến, quyết thắng cho quân đội ta, động viên các đơn vị thi đua giết giặc lập công, nêu cao quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của chiến dịch.

Hưởng ứng lời kêu gọi “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính quyền, đoàn thể các cấp, các ngành đã làm tốt nhiệm vụ động viên tuyển quân, tham gia lực lượng dân công, bảo đảm giao thông vận tải, chi viện cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhân dân ta, người thì cầm súng giết giặc, người thì đi dân công, người thì lo tăng gia sản xuất để cung cấp cho bộ đội…Tuy việc làm khác nhau, nhưng đều dốc lòng, dốc sức vì thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ. Có tới “33.000 lượt người, trong đó bần nông và trung nông chiếm 98%, đồng bào thiểu số chiếm ¼ tham gia lực lượng dân công trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tóm lại, đường lối kháng chiến đúng đắn sáng tạo mà mục tiêu tối cao, bao trùm nhất là giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, được cụ thể hoá vào mục tiêu, nhiệm vụ, phương thức tác chiến chiến dịch đã phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, quy tụ, phát huy được sức mạnh của toàn dân tộc, tạo nên sự đồng thuận, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Hai là, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, quyền làm chủ của nhân dân được hiện thực hoá trên các lĩnh vực của đời sống xã hội là động lực phát huy sức mạnh của “thế trận lòng dân” trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Một nhân tố trung tâm, cốt lõi có ý nghĩa cực kỳ to lớn để phát huy sức mạnh của “thế trận lòng dân” trong chiến dịch Điện Biên Phủ là việc thiết lập chế độ xã hội mới, chế độ dân chủ nhân dân, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trên lĩnh vực chính trị, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chú trọng xây dựng, củng cố chính quyền dân chủ nhân dân. Quán triệt và thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân… quyền hành và lực lượng ở nơi dân”. Theo quan điểm đó, Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiến hành nhiều biện pháp để củng cố, kiện toàn Nhà nước dân chủ nhân dân làm cho nó trở nên “mạnh mẽ, nhanh chóng, quyết đoán, thống nhất, tập trung” đảm đương được nhiệm vụ “điều khiển chiến tranh và kiến thiết chế độ dân chủ nhân dân”. Chính quyền dân chủ nhân dân đã ban hành nhiều chính sách để thực hiện dân chủ trên lĩnh vực chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội. Đó là việc thực hiện chế độ bầu cử, bãi bỏ các thứ thuế vô lý dã man của chế độ cũ, giảm tô, giảm tức, xoá nợ, hoãn nợ, chia ruộng đất cho nông dân… Vì vậy, ngay từ những ngày đầu còn rất non trẻ, thiếu kinh nghiệm, nhưng Nhà nước dân chủ nhân dân vẫn được nhân dân tin tưởng, ủng hộ. Từ Nam đến Bắc, toàn dân nghe theo mệnh lệnh của Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Mọi chủ trương, chính sách của Nhà nước để bảo đảm giành thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ được nhân dân đồng lòng thực hiện. Đến chiến dịch Điện Biên Phủ, phong trào toàn dân tham gia công tác kháng chiến phát triển lên đỉnh cao mới. Quân và dân ta tin ở sức mạnh của dân tộc, tin ở sức chịu đựng của mình, kiên quyết vượt qua mọi khó khăn, ai cũng đem hết tài năng để sáng tạo tất cả những gì có thể để chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi. Các tầng lớp nhân dân đã tham gia và động viên con em mình hăng hái tòng quân và đi dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ vượt mức yêu cầu.

Trên mặt trận kinh tế, Đảng, Chính phủ chủ trương phải xây dựng nền kinh tế dân chủ nhân dân. Trong nông nghiệp, ruộng công được chia lại theo nguyên tắc dân chủ cho cả nam và nữ. Ruộng đất của Việt gian địa chủ được chia cho nông dân nghèo. Đến chiến dịch Điện Biên Phủ nền kinh tế kháng chiến đã phát triển mạnh mẽ. Chính sách ruộng đất đem lại quyền lợi thiết thực cho nông dân cả Bắc, Trung, Nam đã cổ vũ mạnh mẽ nhân dân lao động hăng say sản xuất và bảo vệ hậu phương, cung cấp sức người, sức của cho kháng chiến và chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhằm đẩy mạnh kháng chiến, Đảng chủ trương tiếp tục thực hiện các cuộc cải cách dân chủ bằng cuộc phát động giảm tô, tiến tới cải cách ruộng đất. Những thắng lợi của giảm tô và cải cách ruộng đất ở hậu phương dội đến tiền tuyến càng làm nức lòng cán bộ, chiến sỹ ta, tăng thêm quyết tâm thi đua giết giặc lập công trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Trên mặt trận văn hoá, một nền văn hoá mới mang bản sắc dân tộc, dân chủ được xây dựng theo phương châm “dân tộc, khoa học, đại chúng” đã thực sự trở thành nền tảng tinh thần cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ba là, xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân toàn dân tộc, là nền tảng chính trị - xã hội vững chắc phát huy sức mạnh của “thế trận lòng dân” trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Thành công nổi bật trong xây dựng, củng cố, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong chiến dịch Điện Biên Phủ là, Đảng đã hoạch định được môt cách đúng đắn đường lối, chính sách cụ thể nhằm tập hợp lực lượng đoàn kết của toàn dân, thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ chiến dịch đã đề ra. Khối đại đoàn kết dân tộc đã được xây dựng trên cơ sở truyền thống yêu nước, đường lối kháng chiến của Đảng với mục tiêu là độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Đó là sợi chỉ đỏ, chất keo gắn kết mọi tầng lớp nhân dân trong khối đại đoàn kết toàn dân dân tộc, tạo nên sức mạnh để nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, quyết tâm chiến đấu hy sinh để bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Ngày 3 tháng 3 năm 1951, Đại hội toàn quốc thống nhất tổ chức Việt Minh và Liên Việt thành Mặt trận Liên Việt. Mặt trận Liên Việt ra đời, khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố và làm hậu thuẫn vững chắc cho Đảng, chính quyền dân chủ nhân dân động viên và tập hợp mọi lực lượng tham gia kháng chiến chống Pháp, góp phần làm nên thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ. Với mục tiêu chung là giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, các “hội tương tế, ái hữu”; các hội “Cứu quốc”, đoàn thể và các tổ chức thành viên của Mặt trận Liên Việt đã “tập hợp, đoàn kết, giác ngộ và tổ chức các giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo mọi cá nhân yêu nước trong nhân dân để hình thành và phát triển lực lượng cách mạng rộng lớn thực hiện nhiệm vụ của chiến dịch Điện Biên Phủ. Chính nhờ quan tâm xây dựng đường lối đại đoàn kết dân tộc đúng đắn, lựa chọn hình thức tổ chức Mặt trận phù hợp với mục tiêu và nhiệm vụ của cuộc kháng chiến chống Pháp, nên đã tập hợp, đoàn kết và phát huy sức mạnh của toàn dân tộc thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Những thành công và kinh nghiệm phát huy sức mạnh của “thế trận lòng dân” trong chiến dịch Điện Biên Phủ góp phần làm phong phú kho tàng lý luận của chiến tranh nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Bài học về phát huy sức mạnh của “thế trận lòng dân” trong chiến dịch Điện Biên Phủ cần được nghiên cứu, kế thừa phát triển vào xây dựng “thế trận lòng dân” trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Để định hướng, quy tụ, khơi dậy, phát huy mọi tiềm lực của nhân dân, của các giai cấp, các cộng đồng người Việt Nam, thì mục tiêu và lý tưởng của Đảng, Nhà nước và của toàn dân phải hoàn toàn thống nhất. Đảng phải có đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, phù hợp với quy luật phát triển của xã hội, phù hợp với lòng dân. Đó là nguồn gốc, động lực để phát huy sức mạnh của “thế trận lòng dân” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cả hiện nay và mai sau. Phải xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân vững mạnh, làm hết sức mình phục vụ nhân dân, vì lợi ích chính đáng của nhân dân, thực hiện quyền dân chủ của nhân dân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ngăn chặn và xử lý nghiêm những biểu hiện quan liêu, tham nhũng, vi phạm dân chủ, sách nhiễu, ức hiếp nhân dân. Chỉ có như thế Nhà nước mới có thể tồn tại, được nhân dân ủng hộ và bảo vệ. Và do đó mới phát huy được sức mạnh của “thế trận lòng dân” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc phải được xây dựng củng cố trên lợi ích chung của toàn dân tộc, phù hợp với lợi ích riêng của từng giai cấp và tầng lớp. Trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay, để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vấn đề xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc càng có ý nghĩa chiến lược quan trọng hơn bao giờ hết. Theo đó cần mở rộng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đa dạng hoá các hình thức tập hợp nhân dân. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động của các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
 
Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản

Tin Liên Quan

Hiệp định Geneve: Bài học quý cho hoạt động đối ngoại quốc phòng, an ninh trong tình hình mới

Mặc dù 70 năm đã trôi qua, nhưng Hiệp định Geneve vẫn vẹn nguyên ý nghĩa lịch sử, giá trị hiện thực và để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý cho hoạt động ngoại giao nói chung và đối ngoại quốc phòng, an ninh nói riêng trong tình hình hiện nay.

Môi trường đầu tư chuyển biến rõ nét

Thời gian gần đây môi trường đầu tư tại một số tỉnh, thành phố được cải thiện rõ rệt. Nhiều thủ tục hành chính, nhất là thủ tục liên quan đến doanh nghiệp và lĩnh vực đầu tư được đơn giản hóa, rút ngắn đáng kể thời gian giải quyết. Có địa phương ban hành cơ chế đặc thù, ủy quyền cho một...

Làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ, giáo dục trẻ em trong tình hình mới

Những chủ trương, định hướng lớn của Ðảng và Hiến pháp năm 2013 đang đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, nhất là việc bảo vệ trẻ em trước và trong hoạt động tố tụng hình sự.

Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người

Ngày 25/4, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam đối với Báo cáo Nhân quyền thường niên năm 2023 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố ngày 22/4/2024, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nhấn mạnh, Báo cáo Nhân...

Sắp diễn ra Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Ninh thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 28/4/2024, tại Long Thuận Hotel & Resort (số 01 đường Yên Ninh, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận), UBND tỉnh Ninh Thuận sẽ tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận.

Hơn 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu được giới thiệu tại Triển lãm Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử

Triển lãm "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử" giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu phản ánh về trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ năm 1954 và khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ; sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của...