Điện Biên Phủ - Quyết định lịch sử và sáu bài học chiến thắng

Quyết định lịch sử của Đảng ta 60 năm về trước đã đem lại một chiến thắng Điện Biên "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" và hôm nay nhìn lại bài học lịch sử năm xưa vẫn còn nguyên giá trị.

Chiến thắng 60 năm trước đã tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, hình thức phòng ngự cao nhất của đội quân viễn chinh Pháp ở Việt Nam và Đông Dương, đập tan ý chí tiếp tục chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, buộc chính phủ Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán, ký Hiệp định Geneve về lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương, chấm dứt gần 100 năm xâm lược, thống trị bằng chủ nghĩa thực dân cũ trên đất nước ta, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Một quyết định lịch sử của Đảng
Đến Thu Đông 1953, thế và lực của cuộc kháng chiến đã có sự phát triển vượt bậc, quân và dân ta đã giữ vững quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính Bắc Bộ và miền Bắc Đông Dương. Trên cơ sở đó, Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh mở những cuộc tiến công trên các chiến trường, nhằm vào nơi địch sơ hở, hiểm yếu mà chúng không thể bỏ, nhằm phân tán khối cơ động chiến lược - xương sống của Kế hoạch Nava, đang tập trung ở đồng bằng Bắc Bộ, đẩy quân Pháp lún sâu hơn vào tình thế phòng ngự bị động.

Tây Bắc đã được chọn làm hướng tác chiến chủ yếu. Một đơn vị chủ lực của ta được lệnh hành quân lên Tây Bắc tiến công địch, giải phóng thị xã Lai Châu, nhằm giải phóng hoàn toàn khu vực Tây Bắc rộng lớn, nối liền với căn cứ địa đầu não Việt Bắc. Phát hiện bộ đội ta tiến lên Tây Bắc, Tổng chỉ huy Nava vội vã điều sáu tiểu đoàn dù nhảy xuống lòng chảo Điện Biên Phủ nhằm ngăn chặn quân ta tiến lên Lai Châu và tiến sang Lào. Tình thế chiến lược mới xuất hiện được Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tư lệnh nhận định: đây là cơ hội tốt để tiêu diệt địch. Các đơn vị chủ lực được lệnh hành quân lên Điện Biên Phủ đánh địch. Cùng thời gian này, Bộ chỉ huy Pháp cũng quyết định tăng cường lực lượng cho Điện Biên Phủ, xây dựng nơi đây thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất kể từ đầu chiến tranh nhằm kéo chủ lực của ta lên để tiêu diệt, giành một thắng lợi quân sự quyết định trước khi bước vào đàm phán.

Ngày 6-12-1953, chỉ hai tuần sau khi những lính nhảy dù Pháp đầu tiên nhảy xuống Điện Biên Phủ, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã thông qua quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây được coi là một quyết định lịch sử bởi mấy căn cứ sau:

Một là, do so sánh lực lượng quân sự trên toàn chiến trường, ta còn thua kém địch, nên chủ trương lúc đầu chỉ là chọn nơi địch sơ hở, hiểm yếu để đánh. Nhưng khi quân Pháp tập trung lên Điện Biên Phủ, Đảng ta đã nhanh chóng nhận định tình hình và quyết định đánh vào nơi mạnh nhất của kẻ thù, đó là hình thức phòng ngự cao nhất mà trước đó chủ lực ta không tiêu diệt được. Một chủ trương chiến lược được quyết định chỉ trong thời gian ngắn đã cho thấy tầm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh của Đảng.

Hai là, Đảng ta cho rằng Điện Biên Phủ nhanh chóng trở thành điểm trọng tâm của Kế hoạch Nava là sự thể hiện rõ rệt nhất sự bị động, lúng túng, đồng thời cũng bộc lộ sự tính toán chủ quan, ngạo mạn của Bộ chỉ huy Pháp. Nếu đánh bại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, quân và dân ta sẽ làm cho Kế hoạch Nava - cố gắng chiến tranh cao nhất của Pháp - bị phá sản hoàn toàn, mở ra cơ hội thuận lợi và ưu thế cho ta khi bước vào đàm phán kết thúc chiến tranh với phía Pháp.

Ba là, quyết định này dựa trên sự phân tích khoa học đúng đắn về các điều kiện và khả năng giành thắng lợi của trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, về sức mạnh của toàn dân tộc kết hợp với sự giúp đỡ, ủng hộ của bạn bè quốc tế về vật chất và tinh thần.

Bốn là, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh quân đội, người đại diện cao nhất của Đảng tại mặt trận, được giao làm Bí thư Đảng ủy chiến dịch, đã triển khai mọi mặt chuẩn bị và chỉ huy tác chiến theo quyết nghị của Đảng, trong trận quyết chiến chiến lược này và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng giao, giành thắng lợi hoàn toàn trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Bài học còn nguyên giá trị
Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi là mốc son chói lọi, một bản hùng ca thời đại Hồ Chí Minh. Những bài học từ chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn có giá trị thời sự trong cuộc sống hôm nay.

Bài học 1 về tập hợp và xây dựng sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân để chiến thắng kẻ thù. Cách đây hơn một tháng, một nữ phóng viên của Đài phát thanh quốc gia Pháp (RFI) đặt cho tôi câu hỏi liên quan đến lực lượng nào đã đánh bại quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ, quân đội Việt Nam hay cả dân tộc Việt Nam?. Tôi nói với bà ta rằng bản thân câu hỏi đã là một câu trả lời bởi vì quân đội của chúng tôi là quân đội của nhân dân, hơn 50 nghìn bộ đội chiến đấu ở Điện Biên Phủ sẽ không thể giành thắng lợi nếu không có toàn thể nhân dân Việt Nam đứng phía sau hỗ trợ về mọi mặt. Sức mạnh toàn dân tộc một khi kết lại thành một khối thì sẽ là vô địch. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có đường lối đúng, biện pháp phù hợp, hiệu quả nên đã phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, đánh bại kẻ thù.

Ngày nay, để thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, vấn đề tập hợp các lực lượng của toàn dân tộc, phát huy cao nhất sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân càng có ý nghĩa quan trọng và cấp thiết nhằm thực hiện dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Bài học 2 về phát huy tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường và sáng tạo, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong giải quyết những vấn đề có tính chiến lược sống còn của đất nước. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, cùng với chủ trương mở cửa hội nhập sâu rộng với thế giới, đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế, cần nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết không thể bị phụ thuộc, thực hiện hợp tác bình đẳng cùng có lợi; chủ động, sáng tạo trong quan hệ quốc tế.

Bài học 3 về nhạy bén nắm bắt tình hình, sớm phát hiện và nhận thức thời cơ, quyết đoán, sáng tạo trong thay đổi chủ trương, phương châm cho phù hợp với thực tế, không chủ quan, duy ý chí nhằm đạt kết quả cao nhất, giành thắng lợi cuối cùng.

Bài học 4 về phát huy tinh thần dám chịu trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong giải quyết xử lý những vấn đề trọng đại của đất nước, của cộng đồng, của tập thể, đơn vị.

Bài học 5 về bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, tạo điều kiện tốt nhất để cán bộ thể hiện khả năng và sự cống hiến cho đất nước.

Bài học 6 về phát huy cao độ lòng yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng, khắc phục mọi khó khăn gian khổ, hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ tưởng chừng không thể thực hiện được, góp phần vào thắng lợi chung.

PGS.TS NGUYỄN MẠNH HÀ
Viện Lịch sử Đảng
(theo Nhân Dân)

Tin Liên Quan

4 nhóm chỉ tiêu phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 (Chiến lược AI ứng dụng)

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Kế hoạch hành động năm 2024 triển khai chiến lược phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030.

Đổi mới để tạo đột phá trong xúc tiến, quảng bá du lịch

Để định vị Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu khu vực Đông Nam Á như mục tiêu Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã đặt ra, chắc chắn không thể thiếu vai trò của xúc tiến, quảng bá du lịch.

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024): Chiến thắng Điện Biên Phủ - Biểu tượng và đỉnh cao của văn hóa giữ nước Việt Nam

70 năm qua, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, đã có hàng nghìn công trình lớn, nhỏ, trong nước và nước ngoài nghiên cứu về chiến dịch này để cố gắng đưa ra những đánh giá đầy đủ, trọn vẹn nhất về ý nghĩa, tầm ảnh hưởng to lớn của sự kiện đối với Việt Nam và thế giới.

Chuyên gia Mỹ Latinh: Việt Nam là ngọn hải đăng hy vọng của thế giới

Tiến sĩ Ruvislei González Sáez, chuyên gia hàng đầu về Việt Nam ở khu vực Mỹ Latinh, khẳng định Việt Nam là ngọn hải đăng hy vọng của thế giới, là lũy thép ngăn chặn chủ nghĩa đế quốc.

Khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 6 triệu lượt trong 4 tháng

Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tháng 4 đạt 1,55 triệu lượt, cao hơn 58,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách quốc tế đạt 6,2 triệu lượt, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm 2023.

[INFOGRAPHIC] Kinh tế - xã hội 4 tháng: Nhiều lĩnh vực tiếp tục xu hướng tích cực

Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024, cho thấy tình hình kinh tế - xã hội khởi sắc trên nhiều lĩnh vực.