Thế giới "đánh rơi" 1000 tỷ USD mỗi năm

Trung bình hàng năm trên thế giới, số lương thực, thực phẩm bị bỏ phí có tổng trị giá ước tính lên tới 1000 tỷ USD.
 
Theo số liệu thống kê ngày 7/5 của Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), trung bình hằng năm trên thế giới, số lương thực, thực phẩm bị bỏ phí, cả trong thu hoạch, bảo quản cũng như trong quá trình sử dụng, có tổng trị giá ước tính lên tới 1.000 tỷ USD trong khi số dân bị đói luôn “ổn định” ở mức trên 840 triệu người. Riêng số rau, củ, quả bị lãng phí vì các lý do khác nhau chiếm khoảng 40 - 50% tổng sản lượng toàn cầu.

FAO cho rằng đây là thực tế không thể chấp nhận được, cần phải có biện pháp khẩn cấp và tích cực để giảm thiểu. Về tình trạng lãng phí thức ăn đã qua chế biến, FAO nhận định người châu Âu và khu vực Bắc Mỹ đáng phê phán nhất do trung bình mỗi người mỗi năm bỏ phí từ 95 - 115 kg lương thực, thực phẩm. Các thức ăn thường bị bỏ phí trên bàn ăn hoặc để ôi thiu trong tủ lạnh. Trong khi đó, cùng quãng thời gian ấy, mỗi người dân châu Phi hay khu vực Đông Nam Á "chỉ" bỏ phí từ 6 - 11kg lương thực, thực phẩm.

Báo cáo của FAO nhấn mạnh thật bất công khi hằng ngày trên thế giới vẫn có hàng trăm triệu người bị đói ăn trong khi ở những nơi khác người ta lại bỏ phí một số lượng lớn lương thực, thực phẩm đã qua chế biến. Theo tính toán, số lương thực, thực phẩm này đủ giúp cho 2 tỷ người có được 3 bữa ăn/ngày, trẻ em không phải bụng đói đến trường, người lớn không phải uống nước cầm hơi.

Theo dự báo của FAO, đến năm 2050, tổng sản lượng lương thực, thực phẩm toàn cầu phải tăng 60% so với hiện tại mới đủ nuôi sống 9 tỷ người vào thời điểm đó. Để giải được bài toán này, theo FAO, một trong những biện pháp cần làm ngay là giảm tối đa lượng lương thực, thực phẩm bị lãng phí ở tất cả các khâu để đến khi đó, con số lương thực, thực phẩm bị lãng phí chỉ còn bằng phân nửa mức hiện nay.

Tài liệu của FAO khẳng định tình trạng lãng phí lương thực, thực phẩm không chỉ ảnh hưởng tới an ninh lương thực toàn cầu, mà còn tác động rất xấu tới môi trường sống, gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, tăng lượng chất thải gây hiệu ứng nhà kính xuất phát từ việc trồng cấy và chế biến số lương thực, thực phẩm này. Đó là chưa kể tình trạng lãng phí lương thực, thực phẩm còn gây phí tổn rất lớn về sức người, sức của cũng như các nguồn tài nguyên đất và nước./.
(Theo chinhphu.vn)

Tin Liên Quan

Số người cao tuổi ở châu Á và Thái Bình Dương dự báo tăng lên 1,2 tỷ người vào năm 2050

Số người từ 60 tuổi trở lên ở châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển được dự báo sẽ tăng gần gấp đôi lên 1,2 tỷ người vào năm 2050, làm gia tăng nhanh chóng nhu cầu về lương hưu và các chương trình phúc lợi cũng như dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Triển vọng tươi sáng hơn của kinh tế toàn cầu

Dự báo của giới chuyên gia phân tích và các định chế tài chính cho thấy, triển vọng kinh tế thế giới năm 2024 có thể tươi sáng hơn so với các dự báo trước đây. Theo đó, kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 3% trong năm nay.

Mùa hè khắc nghiệt, nền nhiệt cao kỷ lục

Cơ quan khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Copernicus cho biết, tính đến tháng 3 vừa qua, thế giới đã trải qua tháng thứ 10 liên tiếp có nền nhiệt cao kỷ lục, cả nhiệt độ không khí và các đại dương đều ở mức cao nhất mọi thời đại. Nhiều khu vực đã xuất hiện “mùa cháy rừng” tồi tệ nhất trong thế kỷ...

Tổ chức Mặt trận góp phần củng cố quan hệ đoàn kết Việt Nam-Lào-Campuchia

Chiều 9/4 tại thủ đô Vientiane, đã diễn ra Hội nghị Chủ tịch Mặt trận ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 5. Hội nghị nhằm củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác lâu dài, ổn định và phát triển giữa ba tổ chức Mặt trận của ba nước.

Triển vọng chính sách sản lượng của OPEC+ đối mặt "ngã ba đường"

Mặc dù kỳ vọng OPEC+ bắt đầu nghĩ đến việc chấm dứt kế hoạch cắt giảm sản lượng là hợp lý, nhưng việc khối này giữ nguyên các hạn chế có thể hợp lý hơn.

Khai mạc Hội chợ thương mại Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan

Chiều 10/4 tại tỉnh Champasak đã diễn ra lễ khai mạc “Hội chợ triển lãm trưng bày sản phẩm và các hoạt động kết nối đầu tư, thương mại, du lịch giữa các doanh nghiệp Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan”.