Nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài

Ngày 16/5, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tổ chức Hội thảo “Định hướng nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài”.
 
Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp bộc lộ nhiều hạn chế
 
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nhấn mạnh, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đòi hỏi Việt Nam vừa phải phát huy nội lực, đồng thời tranh thủ nguồn lực cho đầu tư, phát triển, trong đó đầu tư đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng vai trò rất quan trọng.
 

 
Hình ảnh tại hội thảo. (Ảnh: VT) 
 
Với 101 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam, hiện Việt Nam đang có 16.323 dự án còn hiệu lực có tổng vốn đăng ký khoảng 237 tỷ USD tính đến tháng 4/2014. Đầu tư nước ngoài đã bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ, cải thiện cán cân thanh toán, tạo công ăn việc làm cho người lao động…Đồng thời, có tác động lan tỏa tích cực, thúc đẩy hoàn thiện hành lang pháp lý và môi trường đầu tư - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước.
 
Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài trong khu vực và trên thế giới diễn ra ngày một gay gắt, đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang gặp không ít khó khăn, thách thức. Do đó, việc rà soát, đánh giá các vướng mắc trong hoạt động đầu tư, nhất là các bất cập của quy định về điều kiện, thủ tục đầu tư  tại Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các văn bản liên quan khác là một nhiệm vụ quan trọng trong việc thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài.
 
Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Báo Đầu tư, quá trình thực thi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đã bộc lộ các hạn chế như: nội dung một số điều khoản chưa đủ rõ ràng và cụ thể; một số quy định chưa tương thích với thông lệ quốc tế; thiếu sự nhất quán với các luật chuyên ngành như Luật Chứng khoán, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Tổ chức tín dụng… Đồng thời, Luật Đầu tư hiện hành còn tồn tại một số quy định khác biệt giữa nhà đầu tư nước ngoài trong việc thành lập doanh nghiệp và thực hiện dự án đầu tư. Điều này đã làm cho các thủ tục đầu tư trở nên phức tạp, cách áp dụng luật còn khác nhau dẫn đến sự kém hấp dẫn của môi trường đầu tư.
 
Thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ
 
Theo Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp năm 2005 phải đặt trong bối cảnh nền kinh tế nước ta tuy đã có dấu hiệu phục hồi nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn sụt giảm so với mức bình quân từ 7-7,5% đã đạt được và so với tiềm năng có thể khai thác. Vì thế, cần tạo ra một số đột phá theo yêu cầu cải cách thể chế, để khắc phục được những khiếm khuyết hiện tại, tạo tiền đề để phát triển kinh tế với tốc độ nhanh hơn, bền vững hơn.
 
Trên cơ sở đó, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) phải xử lý đồng thời hai nhược điểm chủ yếu. Thứ nhất là chưa hình thành được hành lang pháp lý thông thoáng để tạo tiền đề cho doanh nghiệp được quyền tự chủ thực hiện ý tưởng, sáng kiến trong kinh doanh và đầu tư. Thứ hai là còn nhiều kẽ hở về luật pháp nên vừa không bảo vệ được hành vi kinh doanh chân chính, vừa bị lợi dụng để tiến hành các hoạt động bất chính.
 
Cũng tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng cho biết, trong thời gian tới, định hướng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam sẽ tập trung theo các hướng cơ bản như: chọn lọc dự án có chất lượng, giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; tăng cường thu hút dự án có quy mô lớn, sản phẩm cạnh tranh, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời chú trọng các dự án quy mô nhỏ và vừa; khuyến khích tạo điều kiện và tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp...
 
Để làm được điều này, theo ông Đỗ Nhất Hoàng, cần thực hiện một số nhóm giải pháp như: cải cách thủ tục hành chính; cải thiện cơ sở hạ tầng; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; điều chỉnh quy định về công nghệ và chuyển giao công nghệ; nâng cao hiệu quả công tác thực thi pháp luật...
(Theo dangcongsan.vn)

Tin Liên Quan

Đổi mới để tạo đột phá trong xúc tiến, quảng bá du lịch

Để định vị Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu khu vực Đông Nam Á như mục tiêu Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã đặt ra, chắc chắn không thể thiếu vai trò của xúc tiến, quảng bá du lịch.

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024): Chiến thắng Điện Biên Phủ - Biểu tượng và đỉnh cao của văn hóa giữ nước Việt Nam

70 năm qua, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, đã có hàng nghìn công trình lớn, nhỏ, trong nước và nước ngoài nghiên cứu về chiến dịch này để cố gắng đưa ra những đánh giá đầy đủ, trọn vẹn nhất về ý nghĩa, tầm ảnh hưởng to lớn của sự kiện đối với Việt Nam và thế giới.

Chuyên gia Mỹ Latinh: Việt Nam là ngọn hải đăng hy vọng của thế giới

Tiến sĩ Ruvislei González Sáez, chuyên gia hàng đầu về Việt Nam ở khu vực Mỹ Latinh, khẳng định Việt Nam là ngọn hải đăng hy vọng của thế giới, là lũy thép ngăn chặn chủ nghĩa đế quốc.

Khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 6 triệu lượt trong 4 tháng

Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tháng 4 đạt 1,55 triệu lượt, cao hơn 58,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách quốc tế đạt 6,2 triệu lượt, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm 2023.

[INFOGRAPHIC] Kinh tế - xã hội 4 tháng: Nhiều lĩnh vực tiếp tục xu hướng tích cực

Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024, cho thấy tình hình kinh tế - xã hội khởi sắc trên nhiều lĩnh vực.

Kỷ niệm 49 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Ngày vui thống nhất non sông

Chỉ có thống nhất Việt Nam mới có thể giàu mạnh, chỉ có thống nhất nhân dân mới có cuộc sống Độc lập - Tự do - Hạnh phúc!