Đường dây 500kV Bắc - Nam: Hai mươi năm giữ vững dòng điện huyết mạch

Đường dây siêu cao áp 500kV Bắc-Nam mạch 1 vừa tròn 20 năm vận hành (27/5/1994 – 27/5/2014). Từ khi đi vào vận hành, đường dây 500kV Bắc – Nam mạch 1 không chỉ đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển hệ thống điện Việt Nam, tạo đà phát triển cho hệ thống điện 500 kV trên toàn quốc mà còn mang lại những thành tựu quan trọng cho nền kinh tế - xã hội của đất nước.

Vào thời kỳ đầu những năm 90 của thế kỷ 20, nhu cầu sử dụng điện tại các tỉnh miền Nam rất lớn và luôn đối mặt với tình trạng thiếu điện. Trong khi đó, tại miền Bắc lại thừa điện, các nhà máy không phát huy được tối đa công suất. Trước tình hình đó, ngày 25/02/1992, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã quyết định xây dựng đường dây 500kV Bắc – Nam, nhằm đưa điện từ Bắc vào Nam. Thời gian thi công trong vòng 2 năm và thực hiện đồng thời các bước khảo sát, thiết kế, nhập vật tư, thiết bị và thi công.

 

 

Đường dây 500kV mạch 1 chính là nền tảng cho lưới điện truyền tải phát triển phủ khắp đất nước. Ảnh: Ngọc Hà 


Ngày 05/4/1992, công trình được khởi công và sau 2 năm lao động cần cù sáng tạo, không quản ngày đêm của cán bộ, công nhân ngành Điện Việt Nam, công trình truyền tải điện siêu cao áp 500kV đầu tiên tại Việt Nam được hoàn thành. Đúng 19 giờ 07 phút ngày 27/5/1994, tại Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra lệnh hòa hệ thống điện Việt Nam, với 4 tổ máy của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, tại Trạm 500kV Đà Nẵng qua đường dây 500kV, chính thức đưa hệ thống 500kV vào vận hành.

Để hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ trong khoảng thời gian ngắn ngủi là sự đóng góp rất lớn của cán bộ công nhân viên các công ty xây lắp 1,2,3,4, Tổng công ty Sông Đà và hỗ trợ rất lớn của lực lượng quân đội, bao  gồm Binh đoàn 12, Binh đoàn 15, Quân khu 4, Quân khu 5, Quân đoàn 1, Quân đoàn 3 và nhiều đơn vị khác, cũng như sự giúp đỡ và tạo điều kiện mọi mặt của chính quyền 17 tỉnh, thành phố và người dân trong khu vực có công trình đi qua.

Với việc đưa vào vận hành đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 đã giải quyết căn bản tình trạng thiếu điện của miền Nam và miền Trung. Cụ thể, điện thương phẩm của toàn quốc với mức độ tăng trưởng từ 5 - 6% giai đoạn 1990-1992 đã có mức tăng trưởng đột biến lên 18,2% giai đoạn 1993-1997, với đỉnh điểm là 21% năm 1995, trong đó, khu vực miền Trung và miền Nam là 21% giai đoạn 1993-1997 và năm 1995 là 25%. Góp phần giúp nền kinh tế của đất nước đạt được tốc độ tăng trưởng GDP từ 5,1% vào năm 1990 lên 9,5% vào năm 1995, trong đó, tốc độ tăng trưởng sản lượng công nghiệp bình quân đạt từ 12% đến 14% trong giai đoạn 1990 - 1995, vượt các chỉ tiêu Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng đã đề ra.

Sau hơn 10 năm vận hành đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1, ngày 23/9/2005, ngành Điện Việt Nam tiếp tục hoàn thành đóng điện đưa vào vận hành đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 2 (từ Nho Quan đến Phú Lâm). Với việc đưa vào vận hành 2 mạch đường dây 500kV Bắc - Nam đã giải quyết thiếu điện rất lớn ở miền Bắc và đặc biệt là Hà Nội trong giai đoạn 2005-2008. Ngoài ra, 2 mạch đường dây 500kV Bắc - Nam đã thực sự là “trục xương sống” của hệ thống truyền tải điện quốc gia theo cả hai chiều, nâng cao độ an toàn, ổn định cung cấp và chất lượng điện, đồng thời tạo điều kiện để khai thác tối ưu các nguồn điện hiện có trong hệ thống.

Sau 20 năm vận hành đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 và gần 10 năm đường dây 500kV mạch 2, mặc dù công trình đi qua nhiều địa hình khó khăn và hiểm trở nhưng cán bộ công nhân viên EVN, luôn đảm bảo hệ thống lưới điện truyền tải Bắc - Nam được thông suốt, các chỉ tiêu suất sự cố và thời gian ngừng cung cấp ở mức thấp hơn so với thiết kế. Đến nay, cùng với đường dây 500kV mạch 2, lượng công suất truyền tải trên 2 mạch đường dây đảm bảo vận hành 1.600 - 1.800MW, với sản lượng truyền tải trên 12 tỷ kWh/năm, cao gấp 6 lần so với khi đường dây 500kV mạch 1 đưa vào vận hành.

Để đảm bảo điện mùa khô năm 2014 và những năm tiếp theo cho khu vực miền Nam, đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, với quy mô 437,5 km (hai mạch) và Trạm 500kV Cầu Bông được khởi công xây dựng từ ngày 23/10/2011 và đã hoàn thành đóng điện vào ngày 5/5 vừa qua. Việc đưa vào vận hành đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông có ý nghĩa vô cùng quan trọng, được xác định là đường dây 500kV mạch 3 của hệ thống lưới truyền tải điện Bắc - Nam. Qua đó tăng khả năng truyền tải đoạn từ Pleiku vào miền Nam lên 2.300MW, ngay khi đưa vào vận hành để đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội khu vực miền Nam, làm cơ sở để hình thành hệ thống liên kết lưới điện truyền tải 500kV của Việt Nam với lưới điện trong khu vực.

(Theo dangcongsan.vn)

Tin Liên Quan

Đổi mới để tạo đột phá trong xúc tiến, quảng bá du lịch

Để định vị Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu khu vực Đông Nam Á như mục tiêu Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã đặt ra, chắc chắn không thể thiếu vai trò của xúc tiến, quảng bá du lịch.

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024): Chiến thắng Điện Biên Phủ - Biểu tượng và đỉnh cao của văn hóa giữ nước Việt Nam

70 năm qua, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, đã có hàng nghìn công trình lớn, nhỏ, trong nước và nước ngoài nghiên cứu về chiến dịch này để cố gắng đưa ra những đánh giá đầy đủ, trọn vẹn nhất về ý nghĩa, tầm ảnh hưởng to lớn của sự kiện đối với Việt Nam và thế giới.

Chuyên gia Mỹ Latinh: Việt Nam là ngọn hải đăng hy vọng của thế giới

Tiến sĩ Ruvislei González Sáez, chuyên gia hàng đầu về Việt Nam ở khu vực Mỹ Latinh, khẳng định Việt Nam là ngọn hải đăng hy vọng của thế giới, là lũy thép ngăn chặn chủ nghĩa đế quốc.

Khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 6 triệu lượt trong 4 tháng

Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tháng 4 đạt 1,55 triệu lượt, cao hơn 58,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách quốc tế đạt 6,2 triệu lượt, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm 2023.

[INFOGRAPHIC] Kinh tế - xã hội 4 tháng: Nhiều lĩnh vực tiếp tục xu hướng tích cực

Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024, cho thấy tình hình kinh tế - xã hội khởi sắc trên nhiều lĩnh vực.

Kỷ niệm 49 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Ngày vui thống nhất non sông

Chỉ có thống nhất Việt Nam mới có thể giàu mạnh, chỉ có thống nhất nhân dân mới có cuộc sống Độc lập - Tự do - Hạnh phúc!