Thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Italia

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Cộng hòa Italia Matteo Renzi (Mát-teo Ren-xi) bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 9 - 10/6/2014. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một Thủ tướng Italia kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973.


Nhân chuyến thăm Italy cấp Nhà nước của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
(tháng 1/2013), lãnh đạo hai nước đã ký Tuyên bố chung về việc thiết lập
quan hệ Đối tác chiến lược
 


Nằm ở phía Nam châu Âu, ba mặt giáp biển Địa Trung Hải, phần biên giới phía Bắc là đất liền giáp với Áo, Pháp, Thụy Sĩ, Slovenia, ngoài ra, trong lòng Italia tồn tại hai quốc gia nhỏ là Vatican (nằm trong thủ đô Roma) và San Marino (miền Trung Italia).

Nền kinh tế Italia đứng thứ 9 trên thế giới (Sau: Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Đức, Pháp, Anh, Brazil, Nga). Italia có một nền kinh tế đa dạng với nhiều ngành công nghiệp. Tại phía Bắc, công nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn với đa số các tập đoàn công nghiệp hàng đầu như: Fiat, Finmeccanica, Bonfigli..., kinh tế khu vực phía Nam kém phát triển hơn do chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Các ngành công nghiệp Italia cần rất nhiều nguồn nguyên liệu thô, nhưng tiềm năng trong nước không đáp ứng đủ, vì vậy, phải nhập đến 75% nguyên liệu từ nước ngoài. Italia có mô hình phát triển kinh tế khá gần gũi với Việt Nam, đó là hệ thống các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất năng động và hiệu quả, đóng góp tới gần 2/3 GDP. Suốt một thập kỷ qua, Italia đã theo đuổi một chính sách chặt chẽ về tài chính để đáp ứng những yêu cầu của Liên minh Tiền tệ và Kinh tế Châu Âu, nhưng tăng trưởng rất chậm từ sau năm 2000 với thâm hụt ngân sách luôn vượt quá mức trần 3% của EU quy định. Do là một nước sản xuất chủ yếu phục vụ xuất khẩu và phụ thuộc lớn vào nguồn cung cấp nguyên, nhiên liệu từ bên ngoài, nên Italia chịu hậu quả nặng nề hơn so với một số nước châu Âu khác trong cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và nợ công châu Âu.

Với các ngành kinh tế mũi nhọn gồm: Du lịch, thương mại, công nghiệp (cơ khí chế tạo, quốc phòng, hóa chất, đồ gia dụng, đóng tàu…), viễn thông, may mặc, da giày, gốm sứ, nông nghiệp (ô-liu, rượu vang, rau quả…), chính sách thương mại của Italia hiện nay gắn với chính sách kinh tế chung của EU. Italia có quan hệ thương mại chủ yếu với các nước EU, Mỹ và các nước khu vực Địa Trung Hải. Hiện nay, Italia đang đẩy mạnh ngoại thương với các nước châu Á, trong đó có các nước ASEAN.

Việt Nam và Italia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/3/1973. Quan hệ chính trị giữa hai nước từ đầu những năm 90 được củng cố và phát triển rõ nét. Italia là nước Tây Âu đầu tiên tích cực ủng hộ việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu trên các diễn đàn quốc tế lớn cũng như việc bình thường hoá quan hệ giữa Việt Nam và các tổ chức tài chính, thương mại, tiền tệ quốc tế đầu những năm 90. Sau chuyến thăm chính thức Việt Nam của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Italia G. De Michelis (12/1989), hai nước duy trì thường xuyên việc trao đổi đoàn ở cấp cao. Trong các cuộc tiếp xúc, lãnh đạo cấp cao Italia khẳng định quyết tâm thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, coi Việt Nam là nước ưu tiên phát triển quan hệ ở khu vực Đông Nam Á và là điểm đến của các doanh nghiệp Italia từ nay cho đến 2020.

Ngày 21/01/2013, Việt Nam và Italia đã ký Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược nhân chuyến thăm Italia cấp Nhà nước của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hai bên đã ký Kế hoạch hành động triển khai Đối tác chiến lược giai đoạn 2013 - 2014 nhân chuyến thăm chính thức Italia của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tháng 9/2013.

Kim ngạch thương mại hai chiều tăng đều trong những năm qua, tuy nhiên, chưa xứng với tiềm năng kinh tế hai nước. Do tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, kim ngạch hai chiều năm 2009 chỉ đạt hơn 1,5 tỷ USD. Năm 2013, kim ngạch hai chiều đạt 3,5 tỷ USD (so với 2,8 tỷ USD năm 2012). Những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam vào thị trường Italia là: Giày dép (231 triệu Euro), thuỷ sản (134 triệu Euro) cà phê (115 triệu Euro), hàng dệt may (115 triệu Euro). Việt Nam nhập từ Italia chủ yếu là máy móc thiết bị cơ khí, phương tiện vận tải và nguyên liệu da.

Tính đến hết tháng 8/2013, Italia đứng thứ 29 trên tổng số 100 quốc gia và lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 53 dự án đầu tư, tổng số vốn là 294,22 triệu USD, chủ yếu trong các ngành: Công nghiệp chế biến, chế tạo, giày da, xây dựng, thiết bị vệ sinh, bình nóng lạnh, chế biến thép.

Một số tập đoàn sản xuất lớn của Italia đã thiết lập quan hệ hợp tác và bước đầu có được một số kết quả quan trọng tại Việt Nam như: Perfetti (kẹo), Technip Italy (dự án Nhà máy đạm Phú Mỹ), Danieli Officina (Nhà máy sản xuất thép), Fiat Iveco (Liên doanh ôtô Mekong), Piaggo (xe máy scooter), Tập đoàn Pirelli (xây dựng cáp quang Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh), Finmeccanica (Tập đoàn công nghiệp và thiết bị quốc phòng). Công ty Piaggio đã đầu tư 70 triệu USD để xây dựng tại Vĩnh Phúc 02 nhà máy sản xuất xe máy Vespa (dự kiến 200.000 chiếc/năm) và động cơ xe máy không chỉ phục vụ thị trường Việt Nam mà còn để xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á.

Mới đây, Italia đã đưa Việt Nam vào danh sách 10 thị trường mới nổi ưu tiên phát triển thương mại và đầu tư.


Italia bắt đầu cung cấp ODA cho Việt Nam vào những năm 80 dưới các hình thức: Cho vay ưu đãi, viện trợ khẩn cấp, viện trợ không hoàn lại song phương hoặc thông qua các tổ chức quốc tế như: UNIDO, IFAD. Các lĩnh vực hợp tác ưu tiên giữa Italia và Việt Nam gồm: Cấp thoát nước, bảo vệ môi trường, phát triển nguồn nhân lực, y tế, hỗ trợ thể chế...
Năm 1997, Italia cho Việt Nam vay 100 tỷ lia (tương đương 60 triệu USD) thời hạn 35 năm, ân hạn 14 năm, lãi suất 0,5% để thực hiện các dự án về cấp nước và giáo dục. Năm 2000, tại kỳ họp Ủy ban Liên chính phủ (12/2000), Chính phủ Italia cam kết cấp bổ sung cho Việt Nam 16 tỷ lia tín dụng ưu đãi. Italia đã cung cấp vốn viện trợ không hoàn lại đối với dự án hàng hoá cho ngành nước trị giá 2,737 triệu Euro và dự án hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực thể chế giúp Việt Nam gia nhập WTO trị giá ODA 751.950 Euro.

Ngoài ra, Italia còn có hình thức viện trợ rất hiệu quả thông qua uỷ thác hoặc đồng tài trợ như: Tài trợ 839.424 Euro ủy thác qua trường Đại học Sassari cho Dự án “Xây dựng Trung tâm y tế Carlo Urbani” tại Đại học Y Huế; tài trợ 1,083 triệu Euro thông qua UNIDO cho Dự án “Hỗ trợ thành lập cơ cấu trợ giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ”; tài trợ 1,5 triệu Euro thông qua IFAD cho Dự án “Xoá đói giảm nghèo tại tỉnh Gia Lai”; tài trợ 1,49 triệu USD thông qua FAO cho Dự án “Quản lý tổng hợp các hoạt động ở đầm phá Thừa Thiên - Huế.

Hai bên đã tái khởi động hoạt động của Uỷ ban Hỗn hợp về Hợp tác Phát triển Việt Nam – Italia (họp tại Roma ngày 4-5/12/2009) để thông qua một số dự án trong các lĩnh vực ưu tiên (y tế, bảo vệ môi trường và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ).
 

Italia cũng đã nhiều lần viện trợ khẩn cấp cho Việt Nam như: Viện trợ bão lụt (1999, 2000, 2001), viện trợ khắc phục dịch cúm gia cầm (2004), viện trợ khẩn cấp 1 triệu Euro (1,44 triệu USD) để khắc phục hậu quả cơn bão Kammuri gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh Tây Bắc (9/2008) và 200.000 Euro khắc phục cơn bão Ketsana (10/2009).

Hàng năm, Bộ Ngoại giao Italia dành cho Việt Nam một số học bổng cho các khóa học tiếng Italia và cao học, mở các khoá học tiếng Italia tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Chính phủ Italia phối hợp với UNESCO giúp đỡ Việt Nam trùng tu khu di tích Mỹ Sơn với tổng kinh phí hơn 435.000 USD (phía Việt Nam đóng góp 19.000 USD); đồng thời, giúp đào tạo và trang bị kiến thức về bảo tồn di sản văn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế cho cán bộ khảo cổ học, kiến trúc sư, chuyên gia bảo tồn và cán bộ quản lý.

Bên cạnh đó, hai bên cũng thường xuyên tổ chức các tuần lễ/tháng văn hoá tại Italia và Việt Nam, theo đó, đáng chú ý là các liên hoan văn hoá Việt Nam “Rồng và Bướm” tại Roma (2006 và 2007), “Gần và Xa” tại Udine (2007), Năm Văn hoá Italia tại Việt Nam mang tên “Cầu vồng Ý” với hơn 40 hoạt động văn hoá (4/2007 - 10/2007) và Chương trình văn hóa Ý – Việt 2011 với chủ đề “Văn hóa và doanh nghiệp Italia – Việt Nam” (4/2011 - 12/2011). Hai nước đã tổ chức thành công sự kiện Năm Việt Nam tại Italia và Năm Italia tại Việt Nam 2013, nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2013).

Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Italia Matteo Renzi là cơ hội để hai bên trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Italia trong các lĩnh vực: Kinh tế, thương mại, đầu tư; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ, năng lượng, du lịch cũng như trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm./.

(Theo dangcongsan.vn)

Tin Liên Quan

Giá xăng tiếp tục giảm lần thứ ba liên tiếp với mức giảm 300 đồng/lít

Ngày 5/9, Liên bộ Công thương-Tài chính điều chỉnh giá bán xăng dầu theo định kỳ. Tại kỳ điều hành này, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu đồng loạt giảm, trong đó giá xăng về dưới 21.000 đồng một lít.

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 9/2024

Quy định mới về thang lương, bảng lương, phụ cấp lương với người lao động trong doanh nghiệp nhà nước; sửa quy định mua, bán ngoại tệ giữa dự trữ ngoại hối chính thức với ngân sách nhà nước... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 9/2024.

Kỷ niệm 79 năm Quốc khánh 2/9: Thắm tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam và các nước

Trong những ngày qua, Đại sứ quán Việt Nam tại nhiều nước đã tổ chức lễ kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2024).

'Sự thật Việt Nam đã thành nước Tự do, Độc lập'

Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố trước quốc dân, đồng bào và toàn thế giới ngày 2/9/1945 đã khẳng định Việt Nam là một quốc gia tự do, độc lập. Ở đó người dân có quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc… Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay chúng ta ngày càng có...

INFOGRAPHICS: Thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2021- 2026

Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 vừa được kiện toàn sau kỳ họp bất thường lần thứ 8, Quốc hội khóa XV ngày 26/8/2024 có 26 thành viên gồm: Thủ tướng, 5 Phó Thủ tướng và 20 Bộ trưởng, trưởng ngành.

Tư tưởng và Di chúc của Người luôn đồng hành cùng dân tộc

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, trong suốt chiều dài lịch sử của cách mạng Việt Nam, mỗi thắng lợi, mỗi bước đi lên đều gắn liền với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nguyện kế tục sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh; kiên quyết, kiên...