Ngày Thế giới chống lao động trẻ em (12/6): Mở rộng bảo trợ xã hội, loại bỏ lao động trẻ em

Ngày Thế giới chống lao động trẻ em năm nay (12/6/2014) được kỷ niệm nhằm thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế tới vai trò của bảo trợ xã hội trong việc bảo vệ trẻ em khỏi lao động cưỡng bức và đấu tranh để loại bỏ mọi hình thức lao động trẻ em.
 
Hàng trăm triệu trẻ em trai và trẻ em gái trên thế giới đang buộc phải làm các công việc vi phạm những quyền cơ bản của chúng – được tự do, giáo dục, y tế và giải trí. Trong số những đứa trẻ này, hơn một nửa các em phải tiếp xúc với các hình thức tồi tệ nhất của lao động trẻ em như làm việc trong môi trường nguy hiểm, làm việc như nô lệ hay các hình thức cưỡng bức lao động, trong các hoạt động bất hợp pháp như buôn bán ma túy, mại dâm và xung đột vũ trang.

Ngày Thế giới chống lao động trẻ em được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đưa ra vào năm 2002 để thu hút sự chú ý trên phạm vi toàn cầu về vấn đề lao động trẻ em cũng như các hành động và nỗ lực để loại bỏ vấn nạn này. Vào ngày 12/6 hằng năm, ngày kỷ niệm này tập hợp các Chính phủ, những người sử dụng lao động, tổ chức lao động, xã hội dân sự cũng như hàng triệu người dân trên khắp thế giới để làm nổi bật vấn đề lao động trẻ em và những gì có thể được thực hiện để đấu tranh chống lại tình trạng này.
 


Có tới 168 triệu trẻ em phải lao động trên thế giới.

Kể từ hơn 10 năm qua, lao động trẻ em đã được công nhận là một vấn đề thiết yếu về quyền con người trong lao động, cùng với tự do hội họp, quyền thương lượng tập thể, bãi bỏ lao động cưỡng bức, không phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp. Mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ rộng lớn xung quanh vấn đề này song theo ILO, trên thế giới vẫn còn 168 triệu lao động trẻ em, trong đó 85 triệu em phải chịu các hình thức tồi tệ nhất của lao động trẻ em. Đây thực sự là những con số đáng báo động.

Ngày Thế giới chống lao động trẻ em năm nay (12/6/2014) là dịp để lên tiếng kêu gọi hành động nhằm vận dụng, cải thiện và mở rộng các hình thức bảo trợ xã hội, các hệ thống an sinh xã hội quốc gia phù hợp với nhu cầu của trẻ em và cùng góp phần vào cuộc đấu tranh chống lao động trẻ em, để các hình thức bảo trợ xã hội có thể đến được với các nhóm trẻ em dễ bị tổn thương nhất.

Không thể phủ nhận rằng nghèo đói và những cú sốc về kinh tế là những tác nhân cơ bản trong việc hướng trẻ em đến với lao động. Những hộ gia đình nghèo có nhiều khả năng phải để con em mình lao động nhằm đáp ứng những nhu cầu cơ bản của chúng và ứng phó với tình trạng bất ổn kinh tế. Những tình huống tương tự cũng có thể xảy ra trong các gia đình bị mất nguồn thu nhập, ví dụ gặp phải những cú sốc kinh tế như mất việc làm, gặp phải vấn đề bất ngờ về sức khỏe và những ảnh hưởng của thiên tai trong nông nghiệp như hạn hán, lũ lụt và mất mùa…

Những tình huống này có thể làm giảm đáng kể nguồn thu nhập của các hộ gia đình và buộc trẻ em phải nghỉ học để đi làm và đóng góp vào thu nhập gia đình. Trước thực tế đó, các hình thức bảo trợ xã hội đóng một vai trò quan trọng nhằm cung cấp hỗ trợ cho các gia đình nghèo và giúp họ vượt qua những cú sốc khác nhau. Đây được xem là công cụ hữu ích nhất trong cuộc chiến chống lao động trẻ em.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, các hình thức bảo trợ xã hội có thể được thực hiện như:

- Các chương trình chuyển giao bằng tiền mặt hoặc hiện vật, kèm điều kiện hay không: giúp cải thiện sự ổn định về thu nhập cho các gia đình và tạo điều kiện để tiếp cận với giáo dục và chăm sóc sức khỏe, giúp ngăn chặn lao động trẻ em và thúc đẩy các em hòa nhập tại trường học và có thể tiếp cận với các dịch vụ y tế để kiểm tra sức khỏe.

- Các chương trình công về việc làm: Cung cấp việc làm cho người trưởng thành trong việc xây dựng và cải thiện đường giao thông, trường học và các trung tâm y tế, giúp đỡ để bảo đảm rằng người trưởng thành lao động chứ không phải trẻ em.

- Bảo trợ xã hội bảo đảm việc tiếp cận với chăm sóc sức khỏe và bảo vệ tài chính trong trường hợp ốm đau, có thể tạm chấm dứt tình trạng gửi trẻ em đi lao động khi một thành viên trong gia đình bị ốm.

- Trợ cấp cho các bà m bảo vệ phụ nữ mang thai và các bà mẹ trẻ và chăm sóc cho trẻ sơ sinh. Những việc làm này có tác động đáng kể để cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em, tránh tình trạng những trẻ em lớn hơn phải làm việc để bù vào nguồn thu nhập bị mất của các bà mẹ.

- Bảo trợ xã hội cho người khuyết tật và những người bị thương hoặc bệnh tật ngăn chặn tình trạng các hộ gia đình phải nhờ đến lao động trẻ em.

- Bảo đảm thu nhập cho người cao tuổi cung cấp lương hưu cho người già và giúp bảo vệ các thế hệ trẻ hơn bằng cách đóng góp cho an ninh kinh tế của các hộ gia đình nói chung.

- Bảo trợ trong trường hợp thất nghiệp cung cấp cho những người trưởng thành ít nhất một phần nguồn thu nhập thay thế và làm giảm sự cần thiết phải dựa vào thu nhập của lao động trẻ em trong trường hợp mất việc làm.

Các công cụ này có thể được vận dụng bổ sung cho nhau; các lợi ích có thể bằng tiền mặt hoặc các dịch vụ phải được phối hợp tốt. Không có một công cụ bảo trợ xã hội duy nhất trong cuộc chiến chống lao động trẻ em./.
(Theo dangcongsan.vn)

Tin Liên Quan

Niềm tin vững chắc vào sức mạnh đoàn kết

Ngay sau khi nhậm chức nhiệm kỳ mới, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh về các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2036. Cam kết đưa nước Nga trở nên mạnh mẽ hơn, bằng sức mạnh đoàn kết và các kế hoạch phát triển, Tổng thống Putin được người dân Nga tin tưởng sẽ...

Ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), trong những ngày qua, trên các trang điện tử của các tờ báo lớn như Pasaxon - Cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào; Thông tấn xã Lào; Đài Phát thanh Quốc gia Lào đều có các bài viết ca ngợi về chiến thắng “lừng lẫy...

Số người cao tuổi ở châu Á và Thái Bình Dương dự báo tăng lên 1,2 tỷ người vào năm 2050

Số người từ 60 tuổi trở lên ở châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển được dự báo sẽ tăng gần gấp đôi lên 1,2 tỷ người vào năm 2050, làm gia tăng nhanh chóng nhu cầu về lương hưu và các chương trình phúc lợi cũng như dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Triển vọng tươi sáng hơn của kinh tế toàn cầu

Dự báo của giới chuyên gia phân tích và các định chế tài chính cho thấy, triển vọng kinh tế thế giới năm 2024 có thể tươi sáng hơn so với các dự báo trước đây. Theo đó, kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 3% trong năm nay.

Mùa hè khắc nghiệt, nền nhiệt cao kỷ lục

Cơ quan khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Copernicus cho biết, tính đến tháng 3 vừa qua, thế giới đã trải qua tháng thứ 10 liên tiếp có nền nhiệt cao kỷ lục, cả nhiệt độ không khí và các đại dương đều ở mức cao nhất mọi thời đại. Nhiều khu vực đã xuất hiện “mùa cháy rừng” tồi tệ nhất trong thế kỷ...

Tổ chức Mặt trận góp phần củng cố quan hệ đoàn kết Việt Nam-Lào-Campuchia

Chiều 9/4 tại thủ đô Vientiane, đã diễn ra Hội nghị Chủ tịch Mặt trận ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 5. Hội nghị nhằm củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác lâu dài, ổn định và phát triển giữa ba tổ chức Mặt trận của ba nước.