Trí thức Việt kiều – nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của đất nước

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện có khoảng 4,5 triệu người đang sinh sống và làm việc, học tập ở 109 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Bên cạnh đông đảo đội ngũ trí thức trong nước, không thể phủ nhận rằng các trí thức người Việt Nam ở nước ngoài luôn là nguồn lực quan trọng, có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.
Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) hiện có khoảng 4,5 triệu người đang sinh sống và làm việc, học tập ở 109 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tăng 40% so với cách đây 10 năm. Từ quá trình hình thành và phát triển, cộng đồng NVNONN dù phải đối mặt với bao nhiêu khó khăn, thách thức song vẫn tiếp tục vươn lên theo xu hướng ngày càng ổn định cuộc sống, hội nhập thành công vào xã hội sở tại và hướng về quê hương, đất nước.

Trong đó, các số liệu ước tính cho thấy hiện có gần 400.000 chuyên gia, trí thức NVNONN (trung bình chiếm khoảng 10 – 15% cộng đồng hơn 4,5 triệu NVNONN), có trình độ từ Đại học trở lên, tập trung chủ yếu ở các nước: Mỹ, Pháp, Australia, Canada, Đức, Nhật Bản, Nga…

 

 

Trí thức người Việt Nam tại Pháp luôn hướng về quê hương.
 (Ảnh: nhandan.com.vn)
 

Nguồn lực dồi dào và có giá trị…

Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, tại Mỹ, thống kê năm 2000 cho thấy tỷ lệ người Việt ở Mỹ có trình độ Đại học là 19,5%, Tiến sỹ Khoa học là 0,5%. Tại Pháp, ước tính đội ngũ trí thức người Việt khoảng 40.000 người; Australia, Canada – hơn 30.000 người. Tại Nga và Đông Âu có khoảng 10.000 trí thức người Việt. Số lượng các chuyên gia, trí thức người Việt tại các nước Đông Nam Á và các nước đang phát triển tuy có ít hơn song đang có xu hướng gia tăng.

Các chuyên gia, trí thức người Việt không chỉ có mặt trong các ngành khoa học nghiên cứu cơ bản, khoa học ứng dụng, công nghệ, sản xuất, kinh doanh mà còn hiện hữu trong ngành khoa học xã hội, quản lý, kinh tế, văn hóa, nghệ thuật. Tuy nhiên, số chuyên gia, trí thức có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực khoa học xã hội, văn hóa, nghệ thuật chiếm tỷ lệ nhỏ hơn so với các ngành khác.

Đội ngũ các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài tập trung ở nhiều lĩnh vực khoa học chuyên ngành và kinh tế mũi nhọn của nước sở tại như: công nghệ điện tử, thông tin – viễn thông, chế tạo máy, điều khiển học, công nghệ sinh học, khoa học vũ trụ, vật liệu mới, công nghệ nano, năng lượng, y học, các lĩnh vực quản lý kinh tế, ngân hàng, chứng khoán…

Không ít người đã đạt được vị trí quan trọng trong các cơ sở kinh tế, khoa học hàng đầu trên thế giới. Đặc biệt, nhiều nhà khoa học trẻ gốc Việt, du học sinh Việt Nam đã đạt những thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu, được chính quyền nước sở tại và các viện nghiên cứu vinh danh trên lĩnh vực khoa học như: Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn, Nguyễn Thảo…; trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật như: Tiana Thanh Nga, Phạm Linh Đan… Nhiều nhà khoa học, nhà văn hóa người Việt có tên tuổi, có công trình được ghi nhận. Một số trí thức gốc Việt đã trở thành các chính trị gia có ảnh hưởng trong cộng đồng, với chính quyền sở tại và trong mối quan hệ với đất nước.

Trong thời gian tới, đội ngũ trí thức NVNONN tiếp tục gia gia tăng về số lượng và địa bàn cư trú, hội nhập sâu hơn vào xã hội sở tại, cơ cấu tiếp tục thay đổi. Thế hệ trẻ đang thay thế dần lớp người lớn tuổi, có cách nhìn nhận khác trong quan hệ với trong nước, muốn tìm mối liên hệ với cội nguồn. Trong khi đó, ngày càng nhiều trí thức cao tuổi có nhu cầu về nước sinh sống, tham gia các hoạt động đóng góp cho quê hương.

Nhìn chung, có thể khẳng định rằng đại đa số trí thức NVNONN, dù sống xa Tổ quốc nhưng luôn nuôi dưỡng, phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, giữ gìn truyền thống văn hóa, luôn hướng về cội nguồn, gắn bó với gia đình, quê hương. Nhiều người đã có những đóng góp vật chất, tinh thần cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ngày nay, họ luôn hướng về Tổ quốc, mong muốn góp phần phát triển quê hương và sẵn sàng làm cầu nối giúp đất nước tiếp thu công nghệ tiên tiến, mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, chủ động tham gia vào quá trình toàn cầu hóa.

… có đóng góp to lớn cho sự phát triển của quê hương

Từ trước đến nay, đội ngũ trí thức NVNONN vẫn được các cơ quan chức năng trong nước đánh giá là thế mạnh của cộng đồng, là một nguồn lực có thể góp phần tích cực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng, “trong bối cảnh đẩy mạnh phát triển đất nước như hiện nay, bên cạnh các nguồn lực trong nước thì chắc chắc nguồn lực của đội ngũ trí thức NVNONN là rất quan trọng. Cộng đồng NVNONN không chỉ là nguồn lực về con người mà còn là nguồn lực về trí tuệ cho sự phát triển của đất nước. Đối với cộng đồng người Việt Nam ở Pháp, 40% trong số đó là những tinh tú về mặt trí tuệ. Họ đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của bản thân nước sở tại, vì vậy, đây cũng chính là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của chính đất nước chúng ta. Một ví dụ tiêu biểu là nhà vật lý nổi tiếng, Giáo sư Trần Thanh Vân với những đóng góp cho nền giáo dục nước nhà khi hàng năm ông đều dành nhiều hoạt động hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo hiếu học và học giỏi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, vận động xây dựng Trung tâm Hội nghị quốc tế Quy Nhơn”.

Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Trần Việt Thanh cho biết: “Số liệu điều tra của Ngân hàng Thế giới năm 2005 chỉ ra rằng, trong số gần 50 quốc gia có kiều bào đang sinh sống tại các nền kinh tế phát triển thuộc Tổ chức OECD, số lượng trí thức kiều bào người Việt Nam xếp thứ 11 và điều đặc biệt là đóng góp của Việt kiều được trải đều trên cả 4 loại hình chính bao gồm: kiều hối, chia sẻ khó khăn, đầu tư và chia sẻ tri thức sáng tạo.

Đánh giá của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cũng chỉ ra rằng trong 10 năm qua, bình quân hàng năm có khoảng 300 lượt trí thức NVNONN về nước làm việc, tham gia vào các chương trình hợp tác nghiên cứu và triển khai khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo, phần lớn theo hình thức công tác ngắn ngày, chủ yếu là dự hội nghị, hội thảo, giảng dạy, triển khai các dự án hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực. Trong những năm gần đây, số lượt trí thức NVNONN về nước tham gia giảng dạy và hợp tác nghiên cứu ở các trường đại học, viện nghiên cứu chiếm khoảng 45%; chủ yếu vẫn từ Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản, Australia và Canada; tập trung vào các lĩnh vực khoa học nghiên cứu cơ bản như: toán, công nghệ hạt nhân, nông nghiệp, năng lượng tái tạo và các lĩnh vực công nghệ thông tin, kinh tế tài chính, y tế, giáo dục đào tạo…

Ngoài ra, trong thời gian trở lại đây, các mô hình mới đã bắt đầu xuất hiện như: mô hình vừa là trí thức và là doanh nhân (doanh nhân – trí thức); vừa giỏi nghiên cứu, phát triển công nghệ mới, vừa làm quản lí doanh nghiệp có tiềm năng, nắm chắc thông tin và có quan hệ chặt chẽ với thị trường thế giới. Một số cơ sở nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh thành công ngay ở trong nước, kết hợp đầu tư với đào tạo, chuyển giao công nghệ cao, xây dựng môi trường văn hóa xí nghiệp, đóng góp xã hội… Có thể kể đến các mô hình tiêu biểu: Đại học Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh thu hút nhiều nhà khoa học như Tiến sỹ Nguyễn Đình Uyên – kiều bào Mỹ (ngành viễn thông), Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Tới – kiều bào Mỹ (ngành hàng không) …; Viện Khoa học và Công nghệ tính toán thành phố Hồ Chí Minh do Giáo sư Trương Nguyện Thành – kiều bào Mỹ làm Viện trưởng; Công ty hóa phẩm Mỹ Lan tại Trà Vinh với các sản phẩm công nghệ Nano của Tiến sỹ Nguyễn Thanh Mỹ – kiều bào Canada; Trung tâm Hội nghị quốc tế Quy Nhơn của Giáo sư Trần Thanh Vân; Viện nghiên cứu cao cấp về toán do Giáo sư Ngô Bảo Châu làm Viện trưởng. Ngoài ra, nhiều trí thức, nhà quản lý NVNONN đang đại diện quản lý đầu tư tại các quỹ VinaCapital Group, Mekong Capital, Vietnam Capital Partners…

Thêm vào đó, đóng góp của trí thức NVNONN ngày càng tăng, thể hiện chủ yếu trong các lĩnh vực như tư vấn, góp ý chính sách; trực tiếp tham gia hoặc hỗ trợ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, chuyển giao tri thức, công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến, các hoạt động giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao; làm cầu nối cho các hoạt động hợp tác về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo với nước ngoài; cung cấp thông tin cho các ngành, các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường…. Thời gian gần đây, nhiều trí thức NVNONN có trình độ thường xuyên quan tâm, theo dõi và đóng góp ý kiến về các vấn đề kinh tế – xã hội quan trọng của đất nước như: đóng góp ý kiến về cải cách giáo dục, tái cơ cấu kinh tế, xử lí vấn đề nợ xấu, sử dụng năng lượng sạch, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, tháo gỡ khó khăn cho bất động sản… Hầu hết các ý kiến đều thể hiện sự quan tâm nghiên cứu có chiều sâu, chất lượng, cùng hướng đến xây dựng và bảo vệ lợi ích của đất nước. Đây là những tâm huyết của cộng đồng trí thức NVNONN rất có giá trị về mặt thực tiễn.

Có thể thấy rõ ràng rằng đội ngũ trí thức NVNONN chính là nguồn lực rất dồi dào, đa dạng trong nhiều lĩnh vực, có chuyên môn cao. Đây là tài sản quý giá của đất nước, rất cần được phát huy và tạo điều kiện để họ góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh. Nhằm phát huy tối đa nguồn lực quan trọng của đội ngũ trí thức NVNONN trong quá trình phát triển, trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước đòi hỏi nỗ lực không nhỏ của cả hệ thống chính trị và của toàn dân bởi “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước” như Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị đã khẳng định./.

(Theo dangcongsan.vn)

Tin Liên Quan

Đổi mới để tạo đột phá trong xúc tiến, quảng bá du lịch

Để định vị Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu khu vực Đông Nam Á như mục tiêu Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã đặt ra, chắc chắn không thể thiếu vai trò của xúc tiến, quảng bá du lịch.

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024): Chiến thắng Điện Biên Phủ - Biểu tượng và đỉnh cao của văn hóa giữ nước Việt Nam

70 năm qua, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, đã có hàng nghìn công trình lớn, nhỏ, trong nước và nước ngoài nghiên cứu về chiến dịch này để cố gắng đưa ra những đánh giá đầy đủ, trọn vẹn nhất về ý nghĩa, tầm ảnh hưởng to lớn của sự kiện đối với Việt Nam và thế giới.

Chuyên gia Mỹ Latinh: Việt Nam là ngọn hải đăng hy vọng của thế giới

Tiến sĩ Ruvislei González Sáez, chuyên gia hàng đầu về Việt Nam ở khu vực Mỹ Latinh, khẳng định Việt Nam là ngọn hải đăng hy vọng của thế giới, là lũy thép ngăn chặn chủ nghĩa đế quốc.

Khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 6 triệu lượt trong 4 tháng

Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tháng 4 đạt 1,55 triệu lượt, cao hơn 58,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách quốc tế đạt 6,2 triệu lượt, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm 2023.

[INFOGRAPHIC] Kinh tế - xã hội 4 tháng: Nhiều lĩnh vực tiếp tục xu hướng tích cực

Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024, cho thấy tình hình kinh tế - xã hội khởi sắc trên nhiều lĩnh vực.

Kỷ niệm 49 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Ngày vui thống nhất non sông

Chỉ có thống nhất Việt Nam mới có thể giàu mạnh, chỉ có thống nhất nhân dân mới có cuộc sống Độc lập - Tự do - Hạnh phúc!