Việt Nam đang đi đúng lộ trình thực hiện thành công giảm tử vong bà mẹ và trẻ em

Việt Nam là một trong 10 quốc gia trên thế giới, cùng với Bangladesh, Campuchia, Trung Quốc, Ai Cập, Ethiopia, Lào, Nepal, Peru và Rwanda đang trong đúng lộ trình thực hiện thành công Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ số 4 (giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi) và Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ số 5 (giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ).
 
Đây là đánh giá của Báo cáo toàn cầu về “Những yếu tố thành công đối với sức khỏe phụ nữ và trẻ em – những con đường tiến lên” do Liên minh các Đối tác về sức khỏe phụ nữ và trẻ em, Tổ chức Y tế Thế giới, Ngân hàng Thế giới, Trường Đại học Johns Hopkins Hoa Kỳ, Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh London, Vương quốc Anh và các đối tác khác vừa phối hợp tiến hành khảo sát và điều tra trên toàn cầu.

Bản báo cáo này sẽ được công bố tại Diễn đàn Liên minh các Đối tác về Sức khỏe Phụ nữ và Trẻ em được tổ chức từ ngày 30/6 - 01/7/2014 tại Johannesburg, Nam Phi. Đây là một diễn đàn đối thoại toàn cầu cấp cao với sự tham dự của hơn 800 đại biểu đến từ các nơi trên thế giới, bao gồm Bộ trưởng Bộ Y tế các nước, các quan chức chính phủ, các nhà tài trợ, các viện hàn lâm, các tổ chức quốc tế, các cơ quan hợp tác song phương và đa phương, các đại biểu thuộc lĩnh vực tư nhân và các đại biểu quốc tế khác.

Diễn đàn nhằm mục đích chia sẻ các kinh nghiệm và bài học, tìm ra các cách thức và con đường đi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ mà thế giới sẽ phải hoàn thành vào năm 2015, đảm bảo một tương lai khỏe mạnh cho phụ nữ và trẻ em trên toàn thế giới sau năm 2015.
 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm và tặng quà cho Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi. 

Tại Diễn đàn này, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến được lựa chọn là một trong 5 Bộ trưởng Bộ Y tế các nước có thành công nổi bật, được mời chia sẻ kinh nghiệm của quốc gia trong việc đạt được các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ liên quan đến y tế, trong đó có kinh nghiệm hợp tác đa ngành thông qua Chiến lược quốc gia và các kế hoạch hành động liên ngành về dinh dưỡng, bao gồm cả dinh dưỡng bà mẹ, dinh dưỡng trẻ em, an toàn thực phẩm, nước sạch và vệ sinh môi trường cũng như giải quyết các thách thức trong hợp tác đa ngành và giữa các đối tác khác nhau để thực hiện hiệu quả các chiến lược và chương trình dinh dưỡng, sức khỏe bà mẹ và trẻ em.

Theo bản Báo cáo “Những yếu tố thành công đối với sức khỏe phụ  nữ  và trẻ em – những con đường tiến lên” nói trên, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ quan trọng trong việc giảm tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi, dưới 5 tuổi và giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ. Việt Nam đang tiến tới thực hiện thành công Mục tiêu số 4, trong khi đã hoàn thành Mục tiêu 5a (giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ) và đạt nhiều tiến bộ tích cực để có thể hoàn thành Mục tiêu 5b trước năm 2015 (bao phủ tiếp cận toàn dân đối với sức khỏe sinh sản).

Trong vòng 10 năm qua, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi đã giảm nhanh và bền vững. Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi/10.000 trẻ đẻ sống đã giảm từ 58 năm 1990 xuống còn 23,2 năm 2012 và dự kiến đạt 19,3 vào năm 2015 theo đúng Mục tiêu thiên niên kỷ là giảm 2/3 tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi trong giai đoạn 1990 - 2015. Trong khi đó, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi/10.000 trẻ đẻ sống cũng giảm từ 44,4 năm 1990 xuống còn 15,4 năm 2012 và ước đạt 14,8 vào năm 2015. Bên cạnh đó, tỷ lệ tử vong mẹ đã giảm hơn 3 lần từ 233/100.000 trẻ đẻ sống vào năm 1990 xuống còn 68/100.000 trẻ đẻ sống vào năm 2010, song cần nỗ lực lớn để đạt được mục tiêu là 58,3/100.000 trẻ đẻ sống vào năm 2015 theo Mục tiêu thiên niên kỷ là giảm 3/4 tỷ lệ tử vong ở bà mẹ trong giai đoạn 1990 - 2015.

Lộ trình đúng hướng thực hiện thành công các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Việt Nam, đặc biệt là Mục tiêu số 4 và 5 của Việt Nam được lý giải bởi một loạt các chiến lược mang tính đột phá trong y tế, các phối hợp đa ngành hiệu quả và các tiến bộ về thể chế.

Thứ nhất, trong lĩnh vực y tế: Chi tiêu bình quân của Chính phủ tính theo đầu người cho y tế đã tăng hơn 5 lần từ năm 1990, theo đó Việt Nam đã mở rộng được mạng lưới các cơ sở y tế và tăng cường đội ngũ cán bộ y tế. Chiến lược quan trọng về sức khỏe sinh sản cũng là một cơ chế chủ chốt nhằm tối ưu hóa các can thiệp thiết yếu, bao gồm các ca đỡ đẻ được trợ giúp bởi những người đỡ đẻ có kỹ năng, tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ mang thai và các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình.

Bên cạnh đó, bao phủ y tế toàn dân cũng được xác định là mục tiêu của hệ thống y tế và các chính sách đầu tư, đồng thời với việc sẵn sàng cung ứng về tài chính và ban hành kịp thời các hành lang pháp lý, cộng với việc triển khai bảo hiểm y tế và các quỹ chăm sóc sức khỏe đặc biệt hướng đến người nghèo, cũng là những nhân tố góp phần làm nên thành công của Việt Nam. Ngoài ra, việc giảm thành công tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cũng là một yếu tố quan trọng làm giảm nhanh tỷ lệ tử vong trẻ em ở Việt Nam.

Việt Nam đã hoàn thành trước hạn Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ số 1 (giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em). Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (cân nặng/tuổi) trên toàn quốc đã đạt mục tiêu được trước thời năm 2015 ở tất cả các vùng sinh thái với các mức độ suy dinh dưỡng nhẹ, vừa và nặng. Trong đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi đã giảm mạnh từ 41% năm 1990 xuống còn 15,3% năm 2013, trong khi mục tiêu này cho năm 2015 là 20,5%.

Thứ hai, về hợp tác đa ngành: Việt Nam đã đạt nhiều tiến bộ tích cực trong việc tăng tiếp cận nước sạch (nước uống) và vệ sinh. Những thay đổi này có được là nhờ các chính sách và chương trình cơ bản hướng đến các hộ nghèo, các hộ khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số. Các luật phổ cập giáo dục cũng góp phần cải thiện tỷ lệ đến trường, biết đọc và biết viết, trong khi việc triển khai một số chính sách và chương trình dinh dưỡng đã tạo ra môi trường thuận lợi cho việc giảm nhanh tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ em.

Không những vậy, sự phát triển kinh tế cũng đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần vào thành công của Việt Nam trong việc đạt được các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ liên quan đến y tế. Ngoài ra, một yếu tố quan trọng khác là sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ tích cực của các đối tác phát triển, các cơ quan Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế.

Thứ ba, về thể chế và các đột phá: Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực và đạt được nhiều tiến bộ về giảm nghèo, từ 58% năm 1993 xuống còn 14,5% năm 2008 (theo báo cáo và đánh giá của Ngân hàng Thế giới). Thông qua việc quản trị và lãnh đạo tốt, công cuộc đổi mới của Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân cấp quản lý và phân quyền, từ đó đã kích thích sản xuất và tăng trưởng về nông nghiệp, công nghiệp, đồng thời tác động tích cực đến các cấp chính quyền và hành chính ở địa phương, tạo thuận lợi cho việc cung cấp các dịch vụ, phát triển truyền thông và mở rộng các hiệp hội. Ngoài ra, giáo dục về bình đẳng giới cũng ghi nhận đạt được nhiều tiến bộ mạnh mẽ.

Bên cạnh những thành công kể trên, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với một số thách thức nhất định. Sự mất cân đối trong tiếp cận dịch vụ y tế do các rào cản về địa lý và tài chính là một trong những khó khăn mà Việt Nam cần giải quyết để đảm bảo được những tiến bộ xa hơn nữa hướng tới thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần tập trung phải giải quyết các lĩnh vực ưu tiên khác, bao gồm cải thiện chất lượng và bao phủ các can thiệp chăm sóc trẻ sơ sinh (tháng đầu sau khi sinh), cũng như tăng cường nhận thức của thanh niên về các vấn đề sức khỏe sinh sản.

Như vậy, theo ghi nhận và đánh giá của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã thể hiện thành công các cam kết mạnh mẽ trong việc giảm tử vong bà mẹ và trẻ em. Sự hợp tác giữa Chính phủ, xã hội, người dân và các đối tác đa phương cũng như sự tập trung theo hướng tiếp cận dựa vào cộng đồng đã giúp Việt Nam duy trì bền vững các tiến bộ. Mặc dù vậy, Việt Nam cũng cần phải tiến hành các bước đi tiếp theo nhằm đảm bảo các tiến bộ đồng đều giữa các vùng dân cư, cũng như giảm tỷ lệ mất cân đối trong tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em do những rào cản về địa lý và tài chính gây ra, cải thiện chất lượng và bao phủ các can thiệp chăm sóc trẻ sơ sinh và tăng cường nhận thức của thanh niên về các vấn đề sức khỏe sinh sản./.
(Theo dangcongsan.vn)

Tin Liên Quan

Đồng hành doanh nghiệp trong kinh tế xanh

Trước những tác động từ biến đổi khí hậu và môi trường, trở thành doanh nghiệp xanh, phát triển kinh tế xanh không chỉ đơn thuần là xu hướng mà còn trở thành cam kết của nhiều quốc gia và các doanh nghiệp trên thế giới.

Khẩn trương đào tạo 50.000 kỹ sư công nghiệp bán dẫn

Nhận thức được vai trò quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đã đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư công nghệ bán dẫn đến năm 2030. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng, đòi hỏi sự nỗ lực đồng bộ của các bên liên quan.

Tổ chức triển lãm ảnh "Sắc màu các dân tộc Việt Nam"

Triển lãm ảnh "Sắc màu các dân tộc Việt Nam" dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11 tới tại Bảo tàng Đắk Lắk và thủ đô Hà Nội.

Nâng tầm giá trị cốt lõi của thương hiệu quốc gia

Theo đánh giá của tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 102% giai đoạn 2019-2023. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đã khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, thể hiện sự chủ động của nước...

Bảo đảm quyền con người trong lĩnh vực tôn giáo

Thời gian qua, Việt Nam tiếp tục có nhiều nỗ lực nhằm bảo đảm quyền con người, trong đó luôn quan tâm thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Đảng, Nhà nước cũng tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tìm ra hướng đi chung, xóa bỏ những định kiến, cách nhìn nhận, đánh giá không chính xác...

10 di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO vinh danh

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 10 di sản tư liệu được UNESCO vinh danh, bao gồm 3 di sản tư liệu thế giới và 7 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.