Mùa hè là mùa cao điểm của bệnh viêm não vi rút

Viêm não vi-rút là bệnh nguy hiểm do nhiều loại vi-rút gây nên, trong đó có vi-rút viêm não Nhật Bản. Bệnh xuất hiện quanh năm, nhưng mùa dịch cao điểm là vào các tháng 6, 7, 8.
Để chủ động, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống bệnh viêm não vi- rút, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo giao Sở Y tế tích cực triển khai các biện pháp phòng chống bệnh viêm não vi-rut theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Y tế, chú trọng phát hiện sớm, chuẩn đoán và điều trị kịp thời để hạn chế tối đa tử vong, đảm bảo an toàn và hiệu quả trong công tác tiêm vắc xin phòng viêm não Nhật Bản. Các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo, nâng cao nhận thức người dân về các biện pháp phòng, chống bệnh viêm não vi-rút. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Triệu chứng của bệnh viêm não vi- rút

Đây là bệnh nguy hiểm, làm tổn thương ở não, để lại di chứng thần kinh và tỷ lệ chết cao. Biểu hiện chính của bệnh là có sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan tổn thương hệ thần kinh trung ương, như: nhức đầu dữ dội, buồn nôn và nôn mửa, cứng cổ, lú lẫn, mất định hướng, thay đổi nhân cách, co giật, rối loạn nghe nói, ảo giác, mất trí nhớ, đờ đẫn, hôn mê... Người già và trẻ em là những đối tượng có nguy cơ cao bị mắc bệnh nặng, biến chứng và chết.

Tại nước ta, các nguyên nhân gây viêm não thường là các vi-rút arbo (trong đó có vi-rút viêm não Nhật Bản), vi-rút herpes, các vi-rút đường ruột (như EV 71 gây bệnh tay, chân, miệng), sởi, quai bị... Các triệu chứng lâm sàng rất khó phân biệt giữa các chủng vi-rút do đó việc chẩn đoán nguyên nhân phải thông qua việc xét nghiệm xác định vi-rút. Vi-rút viêm não Nhật Bản chỉ là một trong những nguyên nhân phổ biến gây bệnh viêm não vi-rút ở nước ta.

Các biện pháp phòng, chống bệnh viêm não vi rút

Ðối với các vi-rút arbo, bệnh lây qua côn trùng như muỗi, ve... đốt, cần hạn chế các nguy cơ bị côn trùng, muỗi đốt khi sinh hoạt hoặc làm việc ngoài trời, thông qua việc mặc áo quần phủ kín tay, chân, mang tất, nằm màn khi ngủ cùng với việc sử dụng các chất xua đuổi côn trùng. Ðể hạn chế sự phát triển của muỗi gây bệnh, cần thường xuyên vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, làm thông thoáng cống rãnh, đậy kỹ các vật dụng chứa nước, loại bỏ các dụng cụ thừa có khả năng đọng nước nhằm giảm nơi trú đậu cũng như nơi đẻ trứng của muỗi kết hợp phun hóa chất diệt muỗi ở những nơi có mật độ muỗi cao.

Ðối với các chủng vi-rút như herpes, sởi, quai bị,... bệnh lây qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp, cần cách ly người bệnh cũng như hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, sử dụng các biện pháp phòng hộ như đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh. Trong số các chủng vi-rút này, một số chủng vi-rút gây bệnh đã có vắc-xin phòng bệnh như sởi, quai bị; chúng ta cần phải chủ động tiêm vắc-xin để phòng bệnh và những biến chứng viêm não của các bệnh này.

Ðối với các vi-rút đường ruột, bệnh lây qua đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp, việc vệ sinh cá nhân là yếu tố quan trọng hàng đầu do chưa có vắc-xin phòng bệnh đặc hiệu, trong đó việc rửa tay với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, ăn chín, uống sôi là những biện pháp phòng bệnh đơn giản và hiệu quả.

Ðối với vi-rút gây bệnh viêm não Nhật Bản đã có vắc-xin phòng bệnh. Nên tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, nếu chỉ tiêm một mũi vắc-xin thì không có hiệu lực bảo vệ, nếu tiêm đủ hai mũi vắc-xin hiệu lực bảo vệ đạt hơn 80%, tiêm đủ ba mũi vắc-xin hiệu lực bảo vệ đạt 90 đến 95% trong khoảng ba năm. Do đó trẻ em cần tiêm chủng với ba liều cơ bản: mũi một (lúc trẻ được một tuổi);mũi hai (sau mũi một từ một đến hai tuần); mũi ba (cách mũi hai là một năm). Sau đó cứ ba, bốn năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Khi phát hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, phải đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám, hướng dẫn và phòng lây nhiễm cho người khác./.
Lan Anh

Tin Liên Quan

Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024

Sáng 10/5, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới điểm cầu các tỉnh, thành phố.

Đảng bộ khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh 65 năm xây dựng và phát triển

Đảng bộ Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh trong sự phát triển chung của tỉnh

Nhân kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Đảng bộ Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh (10/5/1959 - 10/5/2024), Báo Lào Cai đã phỏng vấn đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy về những kết quả đạt được trong thời gian qua và yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với Đảng bộ Khối trong tình hình mới.

Tinh thần khởi nghiệp của chàng trai "9x" dân tộc Nùng

Không nản chí, không sợ thất bại, luôn cần cù, chịu khó học hỏi là những đức tính để anh Lương Văn Xuân, sinh năm 1990, dân tộc Nùng ở thôn Trang Nùng, xã Xuân Quang (Bảo Thắng) phát triển kinh tế, thành công với mô hình gia công cơ khí và ươm giống cây nông nghiệp.

Họp Ban Chỉ đạo Dự án GREAT 2 Lào Cai

Sáng 8/5, UBND tỉnh Lào Cai phối hợp với Đại sứ quán Ô-xtrây-li-a tại Việt Nam tổ chức cuộc họp Ban Chỉ đạo Dự án Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch tại Lào Cai (Dự án GREAT 2 Lào Cai).

Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường làm việc với Hội đồng Doanh nghiệp gia đình Việt Nam

Chiều 7/5, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Đoàn công tác Hội đồng Doanh nghiệp gia đình Việt Nam do Tiến sỹ Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Hội đồng làm Trưởng đoàn đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại Lào Cai.