Khai mạc Phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Sáng 14/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc Phiên họp thứ 29, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Trong phiên họp, UBTVQH đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Căn cước công dân và dự án Luật Hộ tịch.
 


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc phiên họp. (Ảnh:TTXVN)

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Phiên họp thứ 29 là phiên họp quan trọng, mở đầu cho các phiên họp của UBTVH để chuẩn bị cho kì họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII. Tại phiên họp này, UBTVQH dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật.

Cụ thể, UBTVQH sẽ cho ý kiến về một số dự án luật: Dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, đồng thời cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý một số dự án Luật vừa được Quốc hội thảo luận tại kì họp thứ 7 như: Dự án Luật Căn cước công dân; Luật Hộ tịch; Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)… UBTVQH cũng sẽ dành thời gian đánh giá kết quả kỳ họp thứ 7 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII.

Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, UBTVQH thảo luận về dự án Luật Căn cước công dân. Cho ý kiến vào dự án luật này, nội dung được các đại biểu quan tâm là số định danh cá nhân và tuổi được cấp thẻ căn cước công dân. Về tuổi được cấp thẻ căn cước công dân, hiện vẫn còn có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất, nhất trí với quy định của dự thảo luật về việc cấp thẻ căn cước công dân ngay từ khi sinh ra và không cần cấp giấy khai sinh. Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định cấp thẻ căn cước công dân cho công dân đủ 14 tuổi trở lên để bảo đảm ổn định các thông tin nhận dạng của công dân đã được quy định trong Luật Căn cước công dân; trẻ dưới 14 tuổi thì cấp gấy khai sinh và quy định trong Luật Hộ tịch.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa cho biết tán thành với loại ý kiến thứ nhất vì việc cấp thẻ căn cước công dân dưới 14 tuổi sẽ bảo đảm quyền bình đẳng của công dân theo Hiến pháp năm 2013, không có sự phân biệt công dân theo độ tuổi; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong giao dịch, giảm thủ tục hành chính, góp phần hiện đại hóa, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước. Việc quy định cấp thẻ căn cước công dân từ khi sinh ra để thay thế cho giấy khai sinh cũng góp phần bảo đảm yêu cầu quản lý dân cư tập trung, thống nhất từ khi sinh ra, giảm giấy tờ công dân, khắc phục tình trạng sửa chữa giấy khai sinh, cố ý làm sai lệch hồ sơ.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi cũng nhất trí với loại ý kiến thứ nhất. Tuy nhiên, ông đề nghị thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi phải có tên bố, mẹ; đồng thời chưa có nhận dạng. Về quy định số định danh cá nhân 12 số, một số ý kiến đề nghị cân nhắc số lượng chữ số trong số định danh cá nhân là 12 số để vừa bảo đảm yêu cầu quản lý, vừa tránh gây phiền hà cho công dân khi thực hiện quản lý bằng số định danh cá nhân.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng nếu chỉ để mỗi người có một số định danh không trùng nhau thì không cần tới 12 chữ số mà chỉ 7 - 8 chữ số là đủ. “Từ 8 đến 12 chữ số là cực kỳ tốn kém vì vậy cần tính toán lại” – ông đề nghị.

Về vấn đề này, đại diện Bộ Công an cho biết: Số định danh cá nhân như quy định của dự thảo luật là số tự nhiên duy nhất cấp cho mỗi công dân, bảo đảm không trùng lặp. Để nghiên cứu xây dựng số định danh cá nhân, Bộ Công an và Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh đã tổ chức các hội nghị, hội thảo, nghiên cứu, xin ý kiến các chuyên gia, các bộ ngành có liên quan, tham khảo kinh nghiệm của một số nước. Đại diện Bộ Công an khẳng định, mã số không chỉ có ý nghĩa phân biệt các cá nhân mà còn có các chữ số thể hiện người được cấp thẻ là nam/ nữ/ năm sinh/ sinh ra ở nước ngoài hay trong nước, địa phương nào… Và xác định số định danh cá nhân gồm 12 chữ số là phù hợp quy mô dân số trước mắt và lâu dài, đã được xử lý theo nguyên tắc toán học.

Cũng trong sáng 14/7, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Hộ tịch. Cho ý kiến về dự án luật này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu: “Dự luật phải nói rõ cơ sở dữ liệu quốc gia gồm những thông tin gì? Dữ liệu hộ tịch gồm những thông tin gì? Bao giờ phải khai? Phải ghi rõ vào luật một cách minh bạch và mạch lạc”. Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng: Giấy tờ tùy thân của người dân chỉ là thẻ căn cước, người dân sẽ khai để nhập cơ sở dữ liệu thông tin về bản thân mình nhưng chỉ phải khai một lần. Sau này các cơ quan nào cần thì cứ truy cập vào kho dữ liệu đó để lấy chứ đừng đòi hỏi người dân đi khai nhiều lần./.
(Theo dangcongsan.vn)

Tin Liên Quan

Đổi mới để tạo đột phá trong xúc tiến, quảng bá du lịch

Để định vị Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu khu vực Đông Nam Á như mục tiêu Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã đặt ra, chắc chắn không thể thiếu vai trò của xúc tiến, quảng bá du lịch.

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024): Chiến thắng Điện Biên Phủ - Biểu tượng và đỉnh cao của văn hóa giữ nước Việt Nam

70 năm qua, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, đã có hàng nghìn công trình lớn, nhỏ, trong nước và nước ngoài nghiên cứu về chiến dịch này để cố gắng đưa ra những đánh giá đầy đủ, trọn vẹn nhất về ý nghĩa, tầm ảnh hưởng to lớn của sự kiện đối với Việt Nam và thế giới.

Chuyên gia Mỹ Latinh: Việt Nam là ngọn hải đăng hy vọng của thế giới

Tiến sĩ Ruvislei González Sáez, chuyên gia hàng đầu về Việt Nam ở khu vực Mỹ Latinh, khẳng định Việt Nam là ngọn hải đăng hy vọng của thế giới, là lũy thép ngăn chặn chủ nghĩa đế quốc.

Khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 6 triệu lượt trong 4 tháng

Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tháng 4 đạt 1,55 triệu lượt, cao hơn 58,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách quốc tế đạt 6,2 triệu lượt, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm 2023.

[INFOGRAPHIC] Kinh tế - xã hội 4 tháng: Nhiều lĩnh vực tiếp tục xu hướng tích cực

Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024, cho thấy tình hình kinh tế - xã hội khởi sắc trên nhiều lĩnh vực.

Kỷ niệm 49 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Ngày vui thống nhất non sông

Chỉ có thống nhất Việt Nam mới có thể giàu mạnh, chỉ có thống nhất nhân dân mới có cuộc sống Độc lập - Tự do - Hạnh phúc!