Kinh tế tiểu thủ công nghiệp sau hơn 20 năm: Những bước tiến dài

Như nhiều ngành sản xuất khác, khi mới tái lập tỉnh (1991), lĩnh vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp (TTCN) của Lào Cai đạt mốc rất thấp, tuy nhiên sau hơn 20 năm, hiện lĩnh vực sản xuất TTCN đã có sự phát triển vượt bậc.
 
Số liệu thống kê của Sở Công thương cho thấy, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 7.200 cơ sở sản xuất TTCN, trong đó có 120 doanh nghiệp, 98 hợp tác xã (HTX) và 7.000 hộ sản xuất cá thể. Giá trị sản xuất TTCN (tính theo giá cố định 1994) trong những năm gần đây liên tiếp đạt tốc độ tăng trưởng khá, bình quân từ 19 - 20%/năm.
 

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và nước ta còn nhiều khó khăn sau khủng hoảng nhưng năm 2011 giá trị sản xuất TTCN vẫn đạt 244 tỷ đồng, năm 2012 đạt 302 tỷ đồng, năm 2013 đạt 346 tỷ đồng, phấn đấu trong 2014 sẽ đạt 375 tỷ đồng. Dù giá trị sản xuất chưa thực sự lớn nhưng các cơ sở sản xuất TTCN đã tạo việc làm ổn định cho hơn 14 nghìn lao động với mức thu nhập khá.

Tín hiệu đáng mừng nữa là lĩnh vực TTCN đang phát triển về cả số lượng, quy mô và loại hình ngành nghề như chế biến chè búp, lương thực, thực phẩm, lâm sản, sản xuất rượu, bia, nước giải khát, chế biến lâm sản, gia công cơ khí, sửa chữa máy móc nông cụ, sửa chữa điện tử, đồ gia dụng, thủ công mỹ nghệ, sản xuất và khai thác vật liệu xây dựng, dệt may... Đặc biệt, đã hình thành một số ngành nghề mang tính thế mạnh của từng địa phương như chế biến lâm sản tại huyện Văn Bàn, Bảo Yên, Bảo Thắng; sản xuất rượu truyền thống tại huyện Bắc Hà, Bát Xát; thêu dệt thổ cẩm tại huyện Sa Pa, Văn Bàn, Bắc Hà.

Các sản phẩm TTCN ngày càng đáp ứng tốt hơn thị hiếu của người tiêu dùng, tạo nền móng tốt cho việc phát triển các thương hiệu sản phẩm, nhãn hiệu hàng hóa danh tiếng. Ông Nguyễn Bá Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương khẳng định, TTCN có được sự phát triển như ngày hôm nay là Lào Cai đã chọn lĩnh vực này làm một trong những khâu đột phá đối với công nghiệp nói chung.

Riêng giai đoạn 2006 - 2010, Tỉnh ủy đã có Đề án riêng cho lĩnh vực này nhằm khai thác nguồn lực đầu tư, phát triển TTCN toàn diện. Trong khi đó, hằng năm tỉnh vẫn dành trên 3 tỷ đồng (trong đó 1 tỷ đồng từ nguồn khuyến công quốc gia) để hỗ trợ các cơ sở sản xuất TTCN đầu tư, đổi mới dây chuyền, công nghệ sản xuất. Cùng với đó là sự “hỗ trợ mềm” với các chính sách khuyến khích phát triển, những định hướng, các chương trình tập huấn kỹ thuật cho các cơ sở sản xuất, hỗ trợ thị trường với nội dung ngày càng thiết thực hơn... Những tiềm năng, lợi thế trở thành giá trị kinh tế phục vụ đời sống và sự phát triển của xã hội trên địa bàn tỉnh.

Trong phát triển TTCN, định hướng và sự quan tâm cụ thể của các địa phương, sự nỗ lực vươn lên của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này được coi là yếu tố quyết định. Minh chứng cụ thể là tại huyện Bảo Thắng, mặc dù từ năm 2011 đến nay, huyện mới chỉ được nhận 300 triệu đồng nguồn vốn khuyến công để hỗ trợ cho 6 cơ sở sản xuất TTCN, nhưng kết quả phát triển vẫn rất đáng kể. Về số lượng, từ 304 cơ sở sản xuất năm 2012, đến cuối năm 2013 đã đạt con số 1.090 (tăng 278%), tổng giá trị sản xuất 289 tỷ đồng, các cơ sở sản xuất TTCN đang tạo việc làm cho 2.286 lao động. Các cơ sở sản xuất TTCN tại Bảo Thắng phát triển đúng hướng với trọng tâm là khai thác thế mạnh của địa phương, thực tế là trong số 1.090 cơ sở thì có đến 370 cơ sở chế biến nông sản, thực phẩm, 222 cơ sở chế biến lâm sản.

Sự chủ động của các cơ sở sản xuất TTCN là rất đáng khích lệ, điển hình như cơ sở bóc gỗ của gia đình chị Nguyễn Thị Thúy, thôn Phú Long 1, thị trấn Phố Lu (Bảo Thắng). Dù chưa nhận được vốn khuyến công, nhưng cơ sở này vẫn liên tục mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm ổn định cho khoảng 40 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Điểm đáng chú ý là các chủ cơ sở sản xuất đồ mộc tại Bảo Thắng đã có sự chủ động trong phân khúc thị trường, hướng sản phẩm vào thị hiếu của thị trường nông thôn. Nói về vấn đề này, anh Trần Quang Khải, chủ cơ sở sản xuất đồ mộc tại thôn Phú Long 2, thị trấn Phố Lu (Bảo Thắng) cho biết: “Dù chưa thể phát triển lớn nhưng 4 thợ làm việc tại cơ sở sản xuất của gia đình tôi chưa bao giờ thiếu việc làm. Thu nhập bình quân của người lao động được duy trì ổn định ở mức 4 - 5 triệu đồng/người/tháng”./.
(Theo baolaocai.vn)

Tin Liên Quan

[Infographic] 10 nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao tỉnh Lào Cai năm 2024

Ngày 17/4/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 220-KH/UBND về phát triển kinh tế - xã hội đối với 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao tỉnh Lào Cai năm 2024, với mục tiêu thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các giải pháp giảm nghèo bền vững trên địa bàn các xã nghèo; giúp người nghèo cải thiện sinh kế, khơi dậy...

Kim ngạch xuất - nhập khẩu qua Cửa khẩu Kim Thành đạt hơn 46 triệu USD trong 5 ngày nghỉ lễ

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Lào Cai cho biết, trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Cửa khẩu Kim Thành) đạt hơn 46 triệu USD.

Lào Cai trong Đại thắng mùa Xuân 1975

Chiến dịch Hồ Chí Minh với đỉnh cao là chiến thắng ngày 30/4 giải phóng hoàn toàn miền Nam có phần đóng góp đáng kể của quân và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai. Đó là đóng góp to lớn về sức người, sức của với tinh thần "tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng" để cùng dân tộc làm nên những...

Ban Tuyên giáo tỉnh ủy tổ chức Hội nghị báo cáo viên tháng 4/2024

Sáng 3/5, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức Hội nghị báo cáo viên tháng 4/2024. Đồng chí Dương Đức Huy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Lào Cai xử lý gần 600 trường hợp vi phạm giao thông

Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông, trong dịp nghỉ lễ vừa qua, các ngành chức năng trong tỉnh đã bố trí 347 tổ tuần tra kiểm soát, thực hiện 15.245 lượt kiểm tra, qua tuần tra phát hiện và lập biên bản vi phạm đối với 591 trường hợp, ước số tiền xử phạt khoảng 1.751 triệu đồng.

Lào Cai tiếp tục nhân rộng mô hình “Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa”

Năm 2024, tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục triển khai, nhân rộng các mô hình giảm thiểu rác thải nhựa nhằm khuyến khích, vận động người dân không sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, khuyến khích thay thế túi nilon bằng các loại túi khác thân thiện với môi trường.