Chính thức thông xe đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng không chỉ đối với Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội và vùng Tây Bắc, mà còn cả nước, đồng thời có ý nghĩa trọng trong hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đại diện các bộ, ngành, địa phương
cắt băng chính thức thông xe tuyến đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai.

Sáng 21/9, tại xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự và phát biểu tại Lễ thông xe dự án đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai.

Đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai là dự án đặc biệt quan trọng thuộc hành lang đường bộ Côn Minh-Hải Phòng, nằm trong chương trình hợp tác giữa 6 nước tiểu vùng sông Mekong (Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và Trung Quốc).

Đây là một trong những dự án đường cao tốc có quy mô lớn nhất tại Việt Nam, với chiều dài (giai đoạn 1) là 245km đi qua Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai.

Cùng với các tuyến Hà Nội-Thái Nguyên-Bắc Kạn, Hà Nội-Lạng Sơn, Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh, tuyến đường này có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng... của cả nước nói chung và của khu vực Tây Bắc nói riêng, tạo đà chuyển dịch kinh tế của đồng bào các dân tộc; đồng thời, tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế đối ngoại giữa các nước ASEAN và Trung Quốc.

Tuyến đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A (đoạn từ Hà Nội đi Yên Bái xây dựng cao tốc 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp với tốc độ thiết kế 100km/giờ; đoạn từ Yên Bái đi Lào Cai xây dựng cao tốc 2 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp tốc độ thiết kế 80km/giờ).

 

Thủ tướng cảm ơn hơn 25.000 hộ dân trong vùng dự án đi qua đã nghiêm túc
thực hiện chính sách thu hồi đất của Nhà nước, chấp nhận nhượng đất để xây dựng dự án.

Diện tích giải phóng mặt bằng của dự án là trên 2.000ha, đền bù giải phóng mặt bằng cho hơn 25.000 hộ dân bị ảnh hưởng; xây dựng 99 khu tái định cư; di dời và xây mới hàng trăm công trình công cộng;…

Dự án phải thi công nhiều hạng mục với khối lượng rất lớn gồm 120 cầu lớn nhỏ, 1 hầm xuyên núi dài 530m, 1 hầm chui (giao QL2) dài 645m, 5 trạm dừng nghỉ rộng 23 ha, 460 cống hộp và cống phục vụ dân sinh… Tổng mức đầu tư của dự án giai đoạn 1 khoảng 1,5 tỷ USD.

Công trình quan trọng này được chính thức đưa vào khai thác sẽ giảm thời gian lưu thông từ Hà Nội đi Lào Cai xuống còn 3,5 giờ so với 7 giờ như trước đây và mở ra cơ hội phát triển kinh tế-xã hội cho các địa phương khu vực Tây Bắc và cả nước, là đòn bẩy tăng trưởng, thúc đẩy phát triển du lịch, giảm áp lực giao thông và tai nạn giao thông trên các tuyến QL 2, 2B, 32C, 4E và QL 70.

Phát biểu tại Lễ thông xe, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai là đường cao tốc dài nhất, lớn nhất và hiện đại nhất của Việt Nam đến thời điểm hiện tại; con đường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng không chỉ đối với Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội và vùng Tây Bắc mà còn cả nước, đồng thời có ý nghĩa quan trọng trong hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng.

 

Người dân trong vùng dự án đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai phấn khởi chào mừng
Lễ thông xe dự án đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao, biểu dương Bộ GTVT, các bộ, ngành, địa phương, Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam, các đơn vị liên  quan, các cán bộ, kỹ sư, người lao động… đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, lao động cật lực trên công trường 5 năm qua để đến hôm nay dự án đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai được hoàn thành, con đường là niềm mong ước từ lâu của nhân dân đã trở thành hiện thực.

Thủ tướng cũng cảm ơn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã tài trợ, cho vay dự án với số tiền vay lớn, hơn 1 tỷ USD cũng như các cam kết tài trợ, cho vay ưu đãi phát triển hạ tầng khác; khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn của các nhà tài trợ, trong đó có nguồn vốn của ADB.

Đồng thời, Thủ tướng cảm ơn hơn 25.000 hộ dân trong vùng dự án đi qua đã nghiêm túc thực hiện chính sách thu hồi đất của Nhà nước, chấp nhận nhượng đất để xây dựng dự án; yêu cầu chính quyền các địa phương tạo điều kiện thuận lợi để các hộ dân bị thu hồi đất ổn định cuộc sống, sản xuất.

Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam, các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành các công trình phụ trợ trên tuyến đường; Bộ GTVT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thu xếp vốn, thực hiện tiếp giai đoạn 2 của dự án, bảo đảm theo đúng kế hoạch.

Các bộ, ngành, địa phương liên quan phối hợp với Bộ GTVT, Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam kịp thời hỗ trợ, phối hợp xây dựng các hạng mục công trình kết nối với đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, nhằm phát huy cao nhất hiệu quả của toàn bộ tuyến đường.

Các địa phương có tuyến đường đi qua khẩn trương cập nhật, bổ sung quy hoạch nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội và cải thiện đời sống nhân dân./.

Theo chinhphu.vn

Tin Liên Quan

Hiệp ước Xanh: Hành trình nhiều gian nan

Việc thực hiện Hiệp ước Xanh ở châu Âu đang đối mặt nhiều khó khăn do lo ngại về tác động kinh tế và sự phản đối từ một số ngành. Tuy nhiên giới lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) khẳng định Hiệp ước Xanh vẫn là ưu tiên hàng đầu của khối và liên minh sẽ “linh hoạt trong cách thức thực hiện” hiệp...

Di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh: Từ đoàn kết trong Đảng đến đồng thuận xã hội

“Tôi chỉ có một đảng, Đảng Việt Nam” - Đó là lời tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước Quốc hội, trước quốc dân, trước thế giới, tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá I (ngày 31/10/1946). Đó là sự khẳng định của Người sáng lập ra Đảng, xây dựng thiết chế Nhà nước và mở đường kiến thiết...

Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XV

Sáng nay (20/5) Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV họp phiên trù bị và khai mạc trọng thể theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Đồng hành doanh nghiệp trong kinh tế xanh

Trước những tác động từ biến đổi khí hậu và môi trường, trở thành doanh nghiệp xanh, phát triển kinh tế xanh không chỉ đơn thuần là xu hướng mà còn trở thành cam kết của nhiều quốc gia và các doanh nghiệp trên thế giới.

Khẩn trương đào tạo 50.000 kỹ sư công nghiệp bán dẫn

Nhận thức được vai trò quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đã đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư công nghệ bán dẫn đến năm 2030. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng, đòi hỏi sự nỗ lực đồng bộ của các bên liên quan.

Tổ chức triển lãm ảnh "Sắc màu các dân tộc Việt Nam"

Triển lãm ảnh "Sắc màu các dân tộc Việt Nam" dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11 tới tại Bảo tàng Đắk Lắk và thủ đô Hà Nội.