Đối ngoại tháng 9: Tăng cường hợp tác song phương, đa phương

Trong tháng 9/2014, bên cạnh các hoạt động đối ngoại song phương, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tham dự nhiều diễn đàn hợp tác đa phương.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đón Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tăng cường hợp tác song phương

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee đã tiến hành chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 15-17/9/2014.

Trong thời gian thăm Việt Nam, Tổng thống Ấn Độ đã hội kiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; hội đàm với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; có các cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Tại các cuộc gặp, lãnh đạo hai nước nhất trí tăng cường và làm sâu sắc quan hệ Đối tác chiến lược với trọng tâm là hợp tác chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học và kỹ thuật, dầu khí, văn hóa, kết nối nhân dân và hợp tác khu vực và đa phương.

Hai bên nhất trí đưa kim ngạch thương mại hai bên đạt mục tiêu 7 tỷ USD vào năm 2015 và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa để đạt 15 tỷ USD vào năm 2020.

Nhiều thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ đã được ký kết với sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee.

 

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh gặp Đại diện Thương mại Hoa Kỳ. Ảnh: VGP/Thành Chung

Từ ngày 14-19/9, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh dẫn đầu đoàn công tác Chính phủ sang Hoa Kỳ để thảo luận, trao đổi với giới chức nước bạn những vướng mắc trong quá trình đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và thúc đẩy quan hệ song phương về thương mại, đầu tư giữa hai quốc gia.

Trong thời gian ở Hoa Kỳ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã gặp Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Michael Froman, Bộ trưởng Bộ Tài chính Jack Lew và Bộ trưởng Bộ Thương mại Penny Pritzker, Hạ nghị sĩ David Camp, Chủ tịch Ủy ban Tài khóa và Ngân sách Hạ viện, Thượng nghị sỹ Ron Wyden, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện…

Tại cuộc gặp giới chức Chính phủ và Quốc hội của Hoa Kỳ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tiếp tục khẳng định quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong đàm phán để sớm kết thúc và đi đến ký kết Hiệp định TPP. Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu Hoa Kỳ chú trọng cắt giảm thuế cho ngành dệt may và giày dép khi đàm phán, công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam sau khi kết thúc đàm phán TPP.

 

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Canada John Baird.

Trong hai ngày 29-30/9, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã thăm chính thức Canada theo lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Canada John Baird.

Trong thời gian thăm, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Canada John Baird; hội kiến Bộ trưởng Bộ Phát triển và Cộng đồng Pháp ngữ Christian Paradis; Bộ trưởng Thương mại Ed Fast, Bộ trưởng Nông nghiệp Gerry Ritz; gặp lãnh đạo Quốc hội Canada.

 

Quang cảnh Hội nghị Bộ trưởng APEC về phát triển nguồn nhân lực sáng 6/9/2014.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đẩy mạnh hợp tác đa phương

Sáng 6/9, tới dự và phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Phát triển nguồn nhân lực Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, APEC cần tăng cường hơn nữa các hoạt động liên kết hợp tác, nhất là trong phát triển nguồn nhân lực, khuyến khích sự năng động, sáng tạo và tăng cường kết nối con người... coi đó là những biện pháp quan trọng để tái cơ cấu, phục hồi tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và phát triển con người.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng Hội nghị Bộ trưởng APEC về phát triển nguồn nhân lực sẽ thắt chặt hơn nữa các mối liên kết, hợp tác hiệu quả trong khu vực hướng tới một châu Á-Thái Bình Dương tự cường, gắn kết, phát triển đồng đều, công bằng và bền vững.

 

Ảnh: VGP/Hải Minh

Trung tuần tháng 9 (15-16),  Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tham dự Lễ khai mạc Hội chợ ASEAN-Trung Quốc 2014 (CAEXPO) và Hội nghị thượng đỉnh Thương mại và Đầu tư ASEAN-Trung Quốc (CABIS) lần thứ 11 tại thành phố Nam Ninh, Trung Quốc.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh ASEAN và Trung Quốc đã trở thành những đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của nhau. Duy trì môi trường hòa bình và ổn định là một trong những điều kiện tiên quyết cho kinh tế châu Á tiếp tục phát triển. Để hiện thực hóa điều đó, ASEAN và Trung Quốc cần hợp tác chặt chẽ hơn để duy trì hòa bình, ổn định và an ninh hàng hải ở Biển Đông, thực hiện đầy đủ và nghiêm túc Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cũng như sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử (COC), trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Luật Biển năm 1982.

Bên lề CAEXPO và CABIS lần thứ 11, Phó Thủ tướng, Bộ  trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ, tiếp Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Bành Thanh Hoa; hội kiến Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Phó Chủ tịch nước Lào Buonnhang Vorachith; gặp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Thanasak trao đổi về các biện pháp thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và các nước trên.

 

Toàn ảnh phiên khai mạc hội nghị cấp cao của Liên Hợp Quốc về khí hậu; Ảnh: UN

Từ ngày 22-28/9, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự và phát biểu tại phiên thảo luận cấp cao Khóa họp 69 Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, tại New York, Hoa Kỳ.

Phó Thủ tướng kêu gọi Liên Hợp Quốc và các nước thành viên cần nỗ lực phấn đấu hơn nữa trong việc tăng cường hòa bình, an ninh quốc tế, ngăn ngừa các nguy cơ xung đột tiềm tàng và tìm giải pháp chấm dứt các cuộc xung đột hiện nay; đồng thời nêu rõ: “Tôn trọng luật pháp quốc tế là nền tảng bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định phục vụ phát triển bền vững”. 

Bên lề Khóa họp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dự Hội nghị cấp cao về khí hậu; Hội nghị cấp cao về gìn giữ hòa bình, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN không chính thức, Hội nghị ASEAN-Liên Hợp Quốc và Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-Hoa Kỳ.

 

 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Phó Thủ tướng Nga Igor. I. Shuvalov trao đổi Biên bản cuộc gặp.
Ảnh: VGP/Nguyên Linh

Thúc đẩy đàm phán FTA với Liên minh Hải quan

Ngay đầu tháng 9 (5-7), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn đầu đoàn Đoàn Việt Nam sang thăm và làm việc tại LB Nga. Chiều 6/9, hai Phân ban Việt Nam và Phân ban LB Nga đã nhóm họp Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-LB Nga về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật lần thứ 17 dưới sự chủ trì của hai đồng Chủ tịch Phân ban, Phó Thủ tướng thứ nhất Chính phủ LB Nga Igor. I. Shuvalov và Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Hoàng Trung Hải.

Hai bên nhất trí sẽ nỗ lực phấn đấu nhằm đạt mục tiêu kết thúc đàm phán để ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga, Belarus, Kazakhstan vào đầu năm 2015. Hai bên cũng đã trao đổi, thống nhất một số biện pháp để tăng cường, thúc đẩy hơn nữa về trao đổi thương mại có thế mạnh.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định mong muốn hai bên tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực năng lượng, trong đó dầu khí là lĩnh vực ưu tiên phát triển và mang tính chiến lược trong tổng thể mối quan hệ song phương. Các lĩnh vực khác được quan tâm là mở đường bay thẳng sang Vladivostok; hợp tác trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, lắp ráp ô tô, đóng tàu; hợp tác về thương mại, tài chính, ngân hàng, giáo dục đào tạo, nông nghiệp, chuyển giao công nghệ...

 

Thủ tướng Mark Rutte đón Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Đoàn công tác Chính phủ Việt Nam
sang thăm và làm việc tại Hà Lan. Ảnh: VGP/Nguyên Linh

Từ ngày 22-26/9, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn đầu Đoàn công tác Chính phủ thăm và làm việc tại Hà Lan, Phần Lan theo lời mời của Chính phủ Vương quốc Hà Lan và Cộng hòa Phần Lan.

Việt Nam và Hà Lan thảo luận về định hướng hợp tác giữa hai nước trong khuôn khổ Thoả thuận năm 2015, trong đó tập trung vào vấn đề quản lý đô thị bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu và nghiên cứu khả năng giữ nước ở vùng ĐBSCL.

Tại các cuộc tiếp xúc song phương, hai bên thỏa thuận đưa qua hệ hợp tác giữa hai nước đi vào chiều sâu, trong đó ưu tiên 5 lĩnh vực là thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước, nông nghiệp, kinh tế biển, năng lượng và dịch vụ hậu cần.

Thăm và làm việc tại Phần Lan ngày 25-26/9, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã hội kiến Thủ tướng Chính phủ Phần Lan Alexander Stubb, gặp Bộ trưởng Kinh tế Phần Lan..

Hai bên nhất trí tiếp tục củng cố quan hệ chính trị tốt đẹp thông qua duy trì trao đổi đoàn các cấp, phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế; thúc đẩy ký kết một số thỏa thuận hợp tác, như Hiệp định vận chuyển hàng không, Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ, Hiệp định hợp tác giáo dục; khuyến khích các doanh nghiệp hai bên tìm hiểu thông tin và cơ hội hợp tác, nhất là trong các lĩnh vực mà Phần Lan có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu, như môi trường, công nghệ xanh và năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin…

Theo chinhphu.vn

Tin Liên Quan

Quốc hội bầu ông Trần Thanh Mẫn làm Chủ tịch Quốc hội

Chiều 20/5, Quốc hội bắt đầu tiến hành công tác nhân sự, thực hiện quy trình bầu Chủ tịch Quốc hội đối với ông Trần Thanh Mẫn.

Hiệp ước Xanh: Hành trình nhiều gian nan

Việc thực hiện Hiệp ước Xanh ở châu Âu đang đối mặt nhiều khó khăn do lo ngại về tác động kinh tế và sự phản đối từ một số ngành. Tuy nhiên giới lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) khẳng định Hiệp ước Xanh vẫn là ưu tiên hàng đầu của khối và liên minh sẽ “linh hoạt trong cách thức thực hiện” hiệp...

Di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh: Từ đoàn kết trong Đảng đến đồng thuận xã hội

“Tôi chỉ có một đảng, Đảng Việt Nam” - Đó là lời tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước Quốc hội, trước quốc dân, trước thế giới, tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá I (ngày 31/10/1946). Đó là sự khẳng định của Người sáng lập ra Đảng, xây dựng thiết chế Nhà nước và mở đường kiến thiết...

Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XV

Sáng nay (20/5) Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV họp phiên trù bị và khai mạc trọng thể theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Đồng hành doanh nghiệp trong kinh tế xanh

Trước những tác động từ biến đổi khí hậu và môi trường, trở thành doanh nghiệp xanh, phát triển kinh tế xanh không chỉ đơn thuần là xu hướng mà còn trở thành cam kết của nhiều quốc gia và các doanh nghiệp trên thế giới.

Khẩn trương đào tạo 50.000 kỹ sư công nghiệp bán dẫn

Nhận thức được vai trò quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đã đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư công nghệ bán dẫn đến năm 2030. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng, đòi hỏi sự nỗ lực đồng bộ của các bên liên quan.