Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư tại Lào

Tỉnh Bình Định và Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam tại Lào đã tổ chức Tọa đàm hợp tác kinh tế giữa các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và các tỉnh Trung - Nam Lào lần thứ 2 vào sáng ngày  02/11, tại thành phố Quy Nhơn.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Lào Somsavad Lengsavath chủ trì buổi tọa đàm.

Buổi tọa đàm do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Phân ban Hợp tác Việt Nam - Lào và Phó Thủ tướng Lào Somsavad Lengsavath, Chủ tịch Phân ban Hợp tác Lào - Việt Nam chủ trì.

Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành của 2 nước, lãnh đạo 7 tỉnh Trung -Nam Lào và các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ Việt Nam cùng 80 doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư tại Lào tham dự. 

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, CHDCND Lào đã cấp phép đầu tư 423 dự án cho các doanh nghiệp Việt Nam với tổng số vốn khoảng 5 tỷ USD, đứng thứ 2 trong số các quốc gia đầu tư vào Lào. Hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tập trung chủ yếu tại địa bàn khu vực Trung và Nam Lào, chiếm 95% tổng số vốn FDI Việt Nam đầu tư vào Lào.

Tính đến hết tháng 9/2014, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Lào đạt gần 1 tỷ USD, trong đó, các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên chiếm 82%. Các dự án của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào hoàn thành và đưa vào sử dụng đã đóng góp vào phát triển kinh tế của Lào, tăng thu ngân sách, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, thúc đẩy kinh tế Lào phát triển. Những dự án này tạo việc làm ổn định cho khoảng 30 vạn lao động góp phần vào ổn định đời sống xã hội của nhân dân địa phương./.

Trong số các doanh nghiệp đầu tư vào nước bạn, có những doanh nghiệp đầu tư lớn và hiệu quả, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và phát triển mạnh mẽ cho các địa phương của Lào, như Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đến nay đã đầu tư vào Lào 1,2 tỷ USD, tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp (70%) và thủy điện (30%).

Tuy nhiên một số dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào triển khai  còn chậm, nhất là trong lĩnh vực năng lượng và khai khoáng. Điều này đòi hỏi Chính phủ, bộ ngành và doanh nghiệp 2 nước cần phải nỗ lực hơn nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ.

Lãnh đạo Chính phủ hai nước chứng kiến Lễ ký kết chương trình
hợp tác giữa Tỉnh đoàn Bình Định và Tỉnh đoàn Champasak.

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định với các lợi thế về vị trí địa lý, quan hệ nhân dân gắn bó hữu nghị giữa Lào - Việt Nam nói chung và khu vực Trung và Nam Lào nói riêng, tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, con người của hai nước có điều kiện để phát triển nông lâm nghiệp, năng lượng, chế biến khoảng sản và du lịch.

Việt Nam có điều kiện về cảng biển, du lịch, có năng lực tài chính về các lĩnh vực nêu trên, đó là thuận lợi cơ bản để doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh đầu tư thương mại hai chiều và hợp tác phát triển mạnh mẽ hơn.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị thời gian tới, các cơ quan và doanh nghiệp của hai nước tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ hơn nữa và có các biện pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp hai bên phát triển đầu tư, kinh doanh.

Các cơ quan hai nước cần tiếp tục duy trì thường xuyên cơ chế đối thoại; đẩy nhanh việc hoàn thiện các hiệp định liên quan đến thương mại, đầu tư; nhanh chóng hình thành cơ chế, chính sách hài hòa, tạo khuôn khổ pháp lý và áp dụng các thủ tục, hỗ trợ thiết thực về tài chính cho các dự án đầu tư của doanh nghiệp hai nước.

Các bộ ngành, địa phương có liên quan của hai nước phải thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ hơn trong việc rà soát các dự án đầu tư và năng lực của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào. Ngoài ra, giải quyết ngay những bất cập, khắc phục hạn chế, yếu kém trong hợp tác và đầu tư giữa hai nước.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh các nhà đầu cần tư tập trung nguồn lực đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư đã được cấp phép; đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án đầu tư như đã cam kết, chấp hành nghiêp túc pháp luật của Lào.

Cùng với đó, các doanh nghiệp phải nêu cao trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng, tạo thêm việc làm, bảo vệ môi trường, đóng góp thiết thực vào xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Chính quyền các tỉnh biên giới Việt Nam và Lào cần tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin trên nhiều cấp độ, đa dạng hóa hình thức hợp tác để phát huy tối đa các tiềm năng và lợi thế của địa phương.

Phó Thủ tướng Somsavad Lengsavath khẳng định Đảng và Nhà nước Lào luôn coi trọng mối quan hệ hợp tác toàn diện, đặc biệt giữa hai nước và giữa các địa phương hai nước nhất là trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của hai nước hiện nay.

* Cũng trong sáng ngày 02/11, lãnh đạo Chính phủ hai nước đã chứng kiến Lễ ký kết Quy chế kết nghĩa và hợp tác giữa Tỉnh đoàn Bình Định và Tỉnh đoàn Champasak (Lào) giai đoạn 2014-2019./.

Theo chinhphu.vn

Tin Liên Quan

Đồng hành doanh nghiệp trong kinh tế xanh

Trước những tác động từ biến đổi khí hậu và môi trường, trở thành doanh nghiệp xanh, phát triển kinh tế xanh không chỉ đơn thuần là xu hướng mà còn trở thành cam kết của nhiều quốc gia và các doanh nghiệp trên thế giới.

Khẩn trương đào tạo 50.000 kỹ sư công nghiệp bán dẫn

Nhận thức được vai trò quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đã đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư công nghệ bán dẫn đến năm 2030. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng, đòi hỏi sự nỗ lực đồng bộ của các bên liên quan.

Tổ chức triển lãm ảnh "Sắc màu các dân tộc Việt Nam"

Triển lãm ảnh "Sắc màu các dân tộc Việt Nam" dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11 tới tại Bảo tàng Đắk Lắk và thủ đô Hà Nội.

Nâng tầm giá trị cốt lõi của thương hiệu quốc gia

Theo đánh giá của tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 102% giai đoạn 2019-2023. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đã khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, thể hiện sự chủ động của nước...

Bảo đảm quyền con người trong lĩnh vực tôn giáo

Thời gian qua, Việt Nam tiếp tục có nhiều nỗ lực nhằm bảo đảm quyền con người, trong đó luôn quan tâm thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Đảng, Nhà nước cũng tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tìm ra hướng đi chung, xóa bỏ những định kiến, cách nhìn nhận, đánh giá không chính xác...

10 di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO vinh danh

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 10 di sản tư liệu được UNESCO vinh danh, bao gồm 3 di sản tư liệu thế giới và 7 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.