Bước tiến mới trong hoạt động xuất khẩu

Những năm gần đây, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt nhiều thành tựu đáng khích lệ. Tuy nền kinh tế thế giới cũng như kinh tế trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn, nhưng 11 tháng năm 2014, Việt Nam tiếp tục xuất siêu, với con số 2,06 tỷ USD, góp phần quan trọng trong việc ổn định tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô.
Nhìn chung, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục tăng mạnh nhờ sự năng động của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 11 tháng năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 137 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 44,8 tỷ USD, tăng 13%.

Những kết quả tích cực

Trong khi lợi nhuận từ xuất khẩu hàng hóa đang dần dần hồi phục thì kim ngạch xuất khẩu những mặt hàng sản xuất truyền thống đòi hỏi nhiều nhân công như may mặc, giày dép và đồ nội thất tiếp tục duy trì tăng trưởng nhanh. Bổ sung đáng lưu ý vào ngành hàng xuất khẩu là các sản phẩm công nghệ cao và có giá trị cao hơn, như điện thoại di động và linh kiện, máy tính, đồ điện tử và phụ kiện, linh kiện phụ tùng ô tô. Đây đã trở thành những mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.


 Ảnh minh hoạ (Nguồn: sonla.gov.vn)

Tăng trưởng xuất khẩu mạnh cũng phản ánh một phần kết quả xuất khẩu khả quan trong những tháng gần đây của các doanh nghiệp trong nước. Kết quả hoạt động xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục được cải thiện, trong quý III tăng thêm 12,7% so với cùng kỳ năm trước và 13% nếu tính đến 11 tháng năm 2014.

Nhìn chung, thị trường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam khá đa dạng xét theo khu vực địa lý. Trong số các đối tác thương mại 11 tháng năm 2014, Hoa Kỳ vẫn là đối tác lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch ước tính đạt 26,2 tỷ USD, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2013. Tiếp sau là Liên minh châu Âu, đạt 24,8 tỷ USD, tăng 11,4%, Trung Quốc đạt 13,5 tỷ USD, tăng 13,1% và Nhật Bản đạt 13,6 tỷ USD, tăng 9,9%. Tuy nhiên, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn còn khá tập trung. 10 đối tác thương mại hàng đầu chiếm hơn 80% tổng kim ngạch nhâp khẩu của Việt Nam. Hiện tại, Trung Quốc là nguồn nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, ước tính kim ngạch đạt 39,9 tỷ USD, tăng 18,9%  so với cùng kỳ năm 2013. Thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc nhìn chung không chịu nhiều tác động từ những bất đồng lãnh thổ gần đây.

Thương mại dịch vụ tuy ở mức còn nhỏ nhưng có tiềm năng. Hiện tại, thương mại dịch vụ mới chỉ chiếm tỷ trọng khá khiêm tốn trong kết quả ngoại thương của Việt Nam. Năm 2013, xuất khẩu dịch vụ thương mại chiếm khoảng 7,4% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ; và nhập khẩu dịch vụ thương mại chiếm 8,3% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ.

Xuất khẩu dịch vụ liên quan tới du lịch chiếm 72% tổng giá trị xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam trong khi vận tải và vận chuyển hàng hóa nhập khẩu chiếm 62% giá trị nhập khẩu dịch vụ. Việt Nam tiếp đón 7,6 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2013 và 11 tháng của năm 2014 ước tính đã đạt 7,217 triệu lượt người, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, du khách từ Trung Quốc, Hàn  Quốc, Nhật Bản, Campuchia, Đài Loan (Trung Quốc) và Nga chiếm khoảng 60% tổng số du khách nước ngoài tới Việt Nam. Việt Nam có khả năng thu hút thêm nhiều du khách do giàu tiềm năng trong lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, cần nâng cao hơn nữa chất lượng cung cấp dịch vụ. Nếu có thể làm được điều này, xuất khẩu dịch vụ có thể chiếm tỷ trọng cao hơn trong tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam trong những năm tới.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả xuất khẩu

Để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, thời gian tới, cần đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tiếp tục đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động các ngành sản xuất có tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu lớn như cơ khí, đồ gỗ, dệt may, da giày. Khuyến khích phát triển, thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu đối với các ngành cơ khí chế tạo, điện tử - tin học, linh kiện ô tô, dệt may, da giày và công nghệ cao. Tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch phát triển các ngành nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh để định hướng cho doanh nghiệp tập trung đầu tư vào các ngành hàng này. Tăng cường các mối liên kết để tạo điều kiện đưa khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, giống mới vào sản xuất, nâng cao chất lượng, hiệu quả xuất khẩu và bảo vệ uy tín, thương hiệu hàng hóa Việt Nam. Khuyến khích gắn kết việc phát triển vùng nguyên liệu với sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Triển khai các chương trình hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong cả nước để đầu tư phát triển vùng nguyên liệu; liên kết sản xuất, chế biến tại chỗ phục vụ xuất khẩu.

Đẩy mạnh các hoạt động đàm phán song phương, đa phương nhằm mở rộng thị trường phân phối hàng hóa Việt Nam; rà soát các cơ chế, chính sách và cam kết quốc tế để bảo đảm sự đồng bộ trong quá trình thực hiện các cam kết. Tiến hành rà soát, đàm phán, ký mới và bổ sung các hiệp định đã ký về sự phù hợp và công nhận lẫn nhau về chất lượng sản phẩm, tạo điều kiện lưu thông thuận lợi, ổn định cho hàng hóa xuất khẩu. Tổ chức hiệu quả, đồng bộ hoạt động thông tin, dự báo tình hình thị trường hàng hóa trong nước và thế giới, luật pháp, chính sách và tập quán buôn bán của các thị trường để giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường hiệu quả. Đổi mới mô hình tổ chức, tăng cường hoạt động của các thương vụ, cơ quan xúc tiến thương mại ở nước ngoài; đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại theo hướng tập trung phát triển sản phẩm xuất khẩu mới có lợi thế cạnh tranh; đẩy mạnh hoạt động xây dựng và bảo vệ thương hiệu ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm. Khuyến khích hoạt động của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong tổ chức phân phối hàng hóa Việt Nam vào hệ thống phân phối tại nước nhập khẩu.

Ưu tiên vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất, nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ. Rà soát, điều chỉnh các chính sách nhằm thu hút mạnh đầu tư trong nước và ngoài nước vào lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu. Đẩy mạnh hoạt động bảo hiểm tín dụng xuất khẩu nhằm bảo hiểm rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu; tạo sự thuận lợi trong việc đi vay từ các tổ chức tín dụng để tăng lượng hàng hóa xuất khẩu, tăng khả năng tiếp cận thị trường quốc tế. Điều hành chính sách tiền tệ, quản lý ngoại hối linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, cân đối hài hòa giữa yêu cầu xuất khẩu và nhu cầu nhập khẩu.

Rà soát đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông vận tải, luồng lạch, kho tàng bến bãi tại các cảng biển và các địa điểm thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Xây dựng chính sách phát triển các dịch vụ logistics; thu hút đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật cho dịch vụ logistics và năng lực thực hiện các dịch vụ này.

Đổi mới hệ thống đào tạo nguồn nhân lực theo hướng đào tạo gắn với yêu cầu, mục tiêu phát triển của từng ngành hàng và có chất lượng, tay nghề cao, trước hết là đối với sản xuất hàng dệt may, da giày, đồ gỗ, sản phẩm nhựa, điện tử, cơ khí. Đa dạng hóa và mở rộng các hình thức hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực theo hướng gắn kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, từng bước thực hiện đào tạo theo yêu cầu định hướng của cộng đồng doanh nghiệp. Bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng đầu tư, tham gia vào lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực phục vụ các ngành hàng sản xuất, xuất khẩu.

Tiếp tục nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và vai trò của hiệp hội ngành hàng. Tập trung nguồn lực đổi mới công nghệ, cải tiến mẫu mã và đa dạng sản phẩm, nâng cao chất lượng, tạo sản phẩm có chất lượng quốc tế, hướng mạnh vào xuất khẩu, đồng thời chú trọng sản xuất các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu trong nước. Triển khai áp dụng các mô hình quản trị doanh nghiệp, mô hình quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm trong tổ chức sản xuất và kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và chất lượng sản phẩm. Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nhằm tránh rủi ro trong kinh doanh và khai thác tiềm năng tại các thị trường mới. Đa dạng hóa đồng tiền thanh toán và phòng ngừa rủi ro về tỷ giá trong hoạt động xuất nhập khẩu…/.
Theo dangcongsan.vn

Tin Liên Quan

Đồng hành doanh nghiệp trong kinh tế xanh

Trước những tác động từ biến đổi khí hậu và môi trường, trở thành doanh nghiệp xanh, phát triển kinh tế xanh không chỉ đơn thuần là xu hướng mà còn trở thành cam kết của nhiều quốc gia và các doanh nghiệp trên thế giới.

Khẩn trương đào tạo 50.000 kỹ sư công nghiệp bán dẫn

Nhận thức được vai trò quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đã đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư công nghệ bán dẫn đến năm 2030. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng, đòi hỏi sự nỗ lực đồng bộ của các bên liên quan.

Tổ chức triển lãm ảnh "Sắc màu các dân tộc Việt Nam"

Triển lãm ảnh "Sắc màu các dân tộc Việt Nam" dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11 tới tại Bảo tàng Đắk Lắk và thủ đô Hà Nội.

Nâng tầm giá trị cốt lõi của thương hiệu quốc gia

Theo đánh giá của tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 102% giai đoạn 2019-2023. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đã khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, thể hiện sự chủ động của nước...

Bảo đảm quyền con người trong lĩnh vực tôn giáo

Thời gian qua, Việt Nam tiếp tục có nhiều nỗ lực nhằm bảo đảm quyền con người, trong đó luôn quan tâm thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Đảng, Nhà nước cũng tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tìm ra hướng đi chung, xóa bỏ những định kiến, cách nhìn nhận, đánh giá không chính xác...

10 di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO vinh danh

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 10 di sản tư liệu được UNESCO vinh danh, bao gồm 3 di sản tư liệu thế giới và 7 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.