Thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam-Thái Lan

Bên lề Hội nghị Thượng định GMS 5, tại Thủ đô Bangkok, Thái Lan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dự lễ khai trương Hãng hàng không Liên doanh Thai Vietjet; tiếp các tập đoàn kinh tế lớn của Thái Lan.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cắt băng khai trương hãng hàng không Thai VietJet - Ảnh: VGP

* Tại Bangkok, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự Lễ ra mắt, trao chứng chỉ nhà khai thác hàng không của Thái Lan cho liên doanh Thai Vietjet và cắt băng khai trương hãng hàng không Thai VietJet. Sự kiện đánh dấu sự kết nối giữa hai nền kinh tế và mối quan hệ kinh tế, thương mại, du lịch ngày càng phát triển mạnh mẽ giữa Việt Nam và Thái Lan.

Thai Vietjet là hãng hàng không liên doanh giữa Kan Air (Thái Lan), sở hữu 51% vốn liên doanh và VietJet Air (Việt Nam) nắm 49% vốn. Thai Vietjet sẽ khai thác các đường bay nội địa Thái Lan, cũng như các đường bay quốc tế từ Thái Lan tới các điểm đến trong khu vực như Myanmar, Lào và Campuchia, mở rộng thêm mạng bay từ Việt Nam đang được khai thác bởi Hãng hàng không Vietjet.

* Cũng tại Thái Lan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) Piyasvasti Amrannand; Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Amata Vikrom Kromadit và lãnh đạo Tập đoàn Central Group.

Tại các cuộc tiếp, Chủ tịch Tập đoàn PTT đã báo cáo với Thủ tướng về các bước tiến hành Dự án đầu tư Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội có công suất 20 triệu tấn dầu thô/năm có số vốn đầu tư khoảng 22 tỷ USD tại tỉnh Bình Định. Ngoài dự án này, Tập đoàn PTT cũng bày tỏ ý định tham gia mua cổ phần các lô thăm dò khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam và mong muốn tham gia đầu tư nâng cấp Sân bay Phù Cát, Bình Định thành cảng hàng không quốc tế nhằm tạo thêm lợi thế cho Dự án tổ hợp lọc hóa dầu và các dự án khác đầu tư vào Khu kinh tế Nhơn Hội.

Đối với tập đoàn Amata, một tập đoàn có 20 năm đầu tư thành công các khu công nghiệp tại Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Amata Vikrom Kromadit bày tỏ ý định đầu tư 5 tỷ USD vào Dự án “Thành phố Tương lai” tại tỉnh Quảng Ninh. Dự án này có diện tích sử dụng đất 6.400 ha, 300.000 lao động và nhà đầu tư sẽ xây dựng một tổ hợp bao gồm khu công nghiệp, logistics, nghiên cứu khoa học, giáo dục và triển lãm quốc tế. Amata cũng bày tỏ ý định đầu tư xây dựng một khu công nghiệp lớn tại tỉnh Bình Định.

Đối với Central Group, tập đoàn này cũng mong muốn hợp tác với Việt Nam trong sản xuất, chế biến và phân phối toàn cầu các sản phẩm được chế biến từ nguồn nguyên liệu nông sản, thủy sản như gạo gia súc, gia cầm, tôm và cá da trơn của Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) Piyasvasti Amrannand
 Ảnh: VGP

Phát biểu tại các cuộc tiếp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh các ý định đầu tư các dự án lớn của các doanh nghiệp Thái Lan tại Việt Nam. Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án này triển khai thành công. Riêng Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội, Chính phủ đã có văn bản chấp thuận và cho phép triển khai các bước của Dự án đồng thời cũng chấp thuận đưa Dự án vào Quy hoạch phát triển ngành dầu khí Việt Nam. Đối với dự án của Tập đoàn Amata tại Quảng Ninh, Thủ tướng cho biết đây là dự án thuộc lĩnh vực được Việt Nam khuyến khích và đề nghị lãnh đạo Tập đoàn Amata làm việc với các bộ, ngành của Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh để triển khai Dự án. Với đề xuất của Central Group, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết sẽ giao các bộ, ngành, cơ quan chức năng của Việt Nam sớm nghiên cứu để triển khai hợp tác.

* Tại Thủ đô Bangkok, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự lễ khánh thành Phòng tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan.

Phát biểu với cán bộ Đại sứ quán và đại diện bà con Việt kiều tại Thái Lan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao nỗ lực, kết quả công tác của Đại sứ quán trong việc triển khai các nội dung hợp tác đối tác chiến lược giữa hai nước, từ chính trị, ngoại giao; kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch; văn hóa, môi trường, hợp tác lao động; quốc phòng an ninh. Thủ tướng cũng đánh giá cao cộng đồng Việt kiều hơn 100.000 người tại Thái Lan đã đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau, nỗ lực vươn lên, hòa nhập tốt với xã hội sở tại, tuân thủ pháp luật, đóng góp cho sự phát triển của đất nước Thái Lan và cho tình hữu nghị và hợp tác giữa hai nước, đồng thời luôn hướng về quê hương, đất nước.

Thủ tướng cho biết Chính phủ hai nước đã ký Chương trình Hành động để triển khai quan hệ đối tác chiến lược. Hai bên đã đặt ra mục tiêu tăng kim ngạch thương mại từ 11 tỷ USD hiện nay lên 15 tỷ USD vào năm 2020. Thủ tướng cũng cho biết, với các dự án lớn đang triển khai, đầu tư của Thái Lan vào Việt Nam sẽ tăng mạnh từ mức gần 7 tỷ USD vốn đăng ký hiện nay lên mức 35 tỷ USD trong vài năm tới đây. Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác về du lịch và hợp tác về lao động với việc 2 Thủ tướng đã nhất trí sớm ký kết Hiệp định về hợp tác lao động nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho hơn 50.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Thái Lan. Thái Lan cũng ủng hộ Việt Nam khi cam kết cùng với Lào và Campuchia tiến hành nghiên cứu khoa học về nguồn nước Mekong trong khuôn khổ hoạt động của Ủy hội Mekong nhằm đảm bảo sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước sông Mekong.

Với đà tiến triển mạnh mẽ của hợp tác song phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Đại sứ quán và bà con Việt kiều tiếp tục các nỗ lực thúc đẩy hợp tác hiệu quả, tăng cường sự tin cậy, ủng hộ lẫn nhau giữa Việt Nam và Thái Lan, đưa quan hệ song phương phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Trước đó, trong cuộc tiếp Chủ tịch Hội Hữu nghị Thái Lan-Việt Nam Prachuop Chayasan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh và đánh giá cao các hoạt động của Hội đã đóng góp thiết thực cho quan hệ hai nước. Cho rằng Hội là cầu nối, nhân tố thúc đẩy quan hệ song phương, nhất là tăng cường hoạt động giao lưu nhân dân, tăng cường tình hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa người dân 2 nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Hội ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân 2 nước nhằm góp phần đưa quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới./.
Theo chinhphu.vn

Tin Liên Quan

Đồng hành doanh nghiệp trong kinh tế xanh

Trước những tác động từ biến đổi khí hậu và môi trường, trở thành doanh nghiệp xanh, phát triển kinh tế xanh không chỉ đơn thuần là xu hướng mà còn trở thành cam kết của nhiều quốc gia và các doanh nghiệp trên thế giới.

Khẩn trương đào tạo 50.000 kỹ sư công nghiệp bán dẫn

Nhận thức được vai trò quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đã đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư công nghệ bán dẫn đến năm 2030. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng, đòi hỏi sự nỗ lực đồng bộ của các bên liên quan.

Tổ chức triển lãm ảnh "Sắc màu các dân tộc Việt Nam"

Triển lãm ảnh "Sắc màu các dân tộc Việt Nam" dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11 tới tại Bảo tàng Đắk Lắk và thủ đô Hà Nội.

Nâng tầm giá trị cốt lõi của thương hiệu quốc gia

Theo đánh giá của tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 102% giai đoạn 2019-2023. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đã khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, thể hiện sự chủ động của nước...

Bảo đảm quyền con người trong lĩnh vực tôn giáo

Thời gian qua, Việt Nam tiếp tục có nhiều nỗ lực nhằm bảo đảm quyền con người, trong đó luôn quan tâm thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Đảng, Nhà nước cũng tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tìm ra hướng đi chung, xóa bỏ những định kiến, cách nhìn nhận, đánh giá không chính xác...

10 di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO vinh danh

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 10 di sản tư liệu được UNESCO vinh danh, bao gồm 3 di sản tư liệu thế giới và 7 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.