Thủ tướng chỉ thị bình ổn giá cả thị trường Tết Ất Mùi

Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.
Ảnh minh họa

Để chủ động cân đối cung cầu, bảo đảm đủ các mặt hàng thiết yếu, không để biến động lớn về thị trường, giá cả và chuẩn bị tốt các điều kiện để mọi  người dân được đón Tết Nguyên đán Ất Mùi vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NĐ-CP ngày 2/1/2014 của Chính phủ.

Bảo đảm cung ứng hàng hóa, tránh neo giá

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến thị trường cung cầu hàng hóa nhất là các mặt hàng thiết yếu để chủ động có biện pháp điều tiết kịp thời trong phạm vi vùng, miền và trên cả nước.

Tổ chức tốt hệ thống phân phối, bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt từ sản xuất đến tiêu dùng, có giải pháp tạo điều kiện để các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới kinh doanh, tham gia bình ổn giá, chuẩn bị tốt các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để cung ứng sớm và đầy đủ cho nhân dân với giá cả hợp lý và chất lượng tốt.

Bộ Công Thương tích cực tổ chức các chuyến hàng lưu động phục vụ tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và vùng bị thiên tai trong dịp Tết; gắn kết việc triển khai chương trình bình ổn thị trường giả cả với các hoạt động xúc tiến thương mại, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, kết nối cung cầu nhằm hưởng ứng sâu rộng, hiệu quả việc thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Đồng thời tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, các thủ đoạn gian lận do đo lường, đóng gói để tăng giá nhằm thu lợi bất chính theo đúng quy định của pháp luật, kiểm soát các thông tin thất thiệt gây bất ổn thị trường.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính kiểm soát chặt chẽ mức giá đối với hàng dự trữ quốc gia, hàng hóa mua sắm bằng nguồn ngân sách nhà nước hoặc được trợ giá, hàng hóa, dịch vụ công ích, các yếu tố hình thành giá và việc xác định giá bán các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng thuộc diện bình ổn giá; có biện pháp xử lý kịp thời tình trạng tăng giá cục bộ, điều chỉnh giá mặt hàng vào các thời điểm nhất là trong dịp trước và sau Tết; chủ động kiểm tra giá cước vận tải phù hợp với diễn biến giá nhiên liệu nhằm hạn chế tình trạng neo giá bất hợp lý.

ATM hoạt động thông suốt, trả lương kịp thời

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành linh hoạt, đồng bộ và hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ; kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, tăng trưởng dư nợ tín dụng. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng đảm bảo cung ứng đủ tiền mặt cho nhu cầu của nền kinh tế trước và sau Tết Nguyên đán; đảm bảo hoạt động an toàn, thông suốt của hệ thống máy rút tiền ATM và các biện pháp trả lương kịp thời vào dịp Tết.

Bên cạnh đó, ổn định tỷ giá ngoại tệ, giá vàng; tăng cường kiểm tra các hoạt động kinh doanh ngoại tệ, vàng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật; tăng cường thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng, kiểm soát nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống.

Tăng phương tiện, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân

Chỉ thị nêu rõ, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp vận tải có biện pháp tổ chức vận chuyển, điều động, tăng cường phương tiện để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, kiên quyết không để hành khách không kịp đón Tết cùng gia đình do thiếu phương tiện, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biển đảo; có biện pháp khắc phục tình trạng ùn tắc tại các vị trí giao thông trọng điểm, thành phố lớn; cứu hộ, cứu nạn kịp thời.

Đồng thời kiểm tra, rà soát chất lượng, an toàn kỹ thuật các phương tiện tham gia giao thông; kiên quyết không cho phép các phương tiện không đảm bảo điều kiện an toàn kỹ thuật lưu thông trên đường; xử lý nghiêm các hành vi chèn ép, đầu cơ vé tầu, vé xe và đảm bảo vé tầu, vé xe đến đúng đối tượng có nhu cầu đi lại trong dịp Tết; tăng cường kiểm tra việc thực hiện kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải, giá vé tầu, vé xe theo quy định.

Ngăn chặn lợi dụng lễ hội thu lợi bất chính

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, lễ hội trong dịp Tết Nguyên đán đảm bảo vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong, mỹ tục và phong tục, tập quán của từng địa phương; ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội để hoạt động thu lợi bất chính.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, rau quả...đảm bảo đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết; chủ động có biện pháp phòng, chống rét, dịch bệnh đối với vật nuôi, cây trồng, bảo vệ phát triển sản xuất một cách  hiệu quả, kịp thời để không làm ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm.

Thăm hỏi, tặng quà cho người nghèo, đối tượng chính sách vui đón Tết

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện kịp thời đầy đủ các chế độ, chính sách đồng thời tổ chức tốt việc hỗ trợ  lương thực, thăm hỏi, tặng quà cho người nghèo, đối tượng chính sách, người già, neo đơn trên địa bàn để mọi người đều no đủ, vui xuân đón Tết; vận động khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cùng tham gia hỗ trợ cho người nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng thiên tai bão lũ.

Các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng, các tổ chức và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn chủ động bố trí kế hoạch trực tết, kế hoạch sản xuất, kinh doanh để bảo đảm các hoạt động thông suốt trong dịp Tết Nguyên đán.

Đảm bảo trật tự an toàn xã hội dịp Tết

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; thường xuyên tổ chức các lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát các địa bàn trọng yếu, các bến xe, bến tàu..; tăng cường các giải pháp phòng ngừa tội phạm; tập trung triệt phá các băng nhóm tội phạm, các loại tội phạm hình sự nguy hiểm; phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi gây rối, trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, tệ nạn xã hội,… bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và cuộc sống bình yên cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi.

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm sản xuất, buôn bán, vận chuyển và sử dụng trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ; tăng cường kiểm tra, thanh tra bảo đảm an toàn cháy, nổ nhất là các địa bàn trọng điểm, các đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhà chung cư cao tầng và khu dân cư đông người; chủ động công tác cứu nạn, cứu hộ  khi xảy ra các tình huống phức tạp./.

Theo chinhphu.vn

Tin Liên Quan

Đồng hành doanh nghiệp trong kinh tế xanh

Trước những tác động từ biến đổi khí hậu và môi trường, trở thành doanh nghiệp xanh, phát triển kinh tế xanh không chỉ đơn thuần là xu hướng mà còn trở thành cam kết của nhiều quốc gia và các doanh nghiệp trên thế giới.

Khẩn trương đào tạo 50.000 kỹ sư công nghiệp bán dẫn

Nhận thức được vai trò quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đã đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư công nghệ bán dẫn đến năm 2030. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng, đòi hỏi sự nỗ lực đồng bộ của các bên liên quan.

Tổ chức triển lãm ảnh "Sắc màu các dân tộc Việt Nam"

Triển lãm ảnh "Sắc màu các dân tộc Việt Nam" dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11 tới tại Bảo tàng Đắk Lắk và thủ đô Hà Nội.

Nâng tầm giá trị cốt lõi của thương hiệu quốc gia

Theo đánh giá của tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 102% giai đoạn 2019-2023. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đã khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, thể hiện sự chủ động của nước...

Bảo đảm quyền con người trong lĩnh vực tôn giáo

Thời gian qua, Việt Nam tiếp tục có nhiều nỗ lực nhằm bảo đảm quyền con người, trong đó luôn quan tâm thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Đảng, Nhà nước cũng tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tìm ra hướng đi chung, xóa bỏ những định kiến, cách nhìn nhận, đánh giá không chính xác...

10 di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO vinh danh

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 10 di sản tư liệu được UNESCO vinh danh, bao gồm 3 di sản tư liệu thế giới và 7 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.